Ưu tiên liều vắc xin tăng cường cho người suy giảm miễn dịch

Thúy Ngà
Chia sẻ
(VOV5) - TS Kidong Park, Trưởng đại diện Tổ chức Y tế Thế giới tại Việt Nam trả lời phỏng vấn của PV Đài TNVN.

Hiện nay, nhiều nước đã triển khai tiêm liều tăng cường (hầu hết là mũi thứ ba vắc xin) cho người cao tuổi và những người có bệnh nền. Tuy nhiên, những lo ngại về biến thể Omicron khiến một số nước mở rộng việc tiêm nhắc lại sang phần lớn dân số. Mới đây, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã khuyến nghị những người bị suy giảm miễn dịch hoặc đã tiêm vắc xin Covid-19 bất hoạt nên được tiêm liều tăng cường. Vậy liều tăng cường mang lại hiệu quả bảo vệ như thế nào cho người dân cũng như ngăn ngừa sự nguy hiểm của biến chủng Omicron? 

 PV: Thưa TS, vì sao Tổ chức Y tế thế giới khuyến nghị cần tiêm mũi vắc xin tăng cường thứ 3?

Ông Kidong Park: Các phát hiện khoa học từ các nghiên cứu sau khi triển khai tiêm vắc xin cho thấy một số nhóm nhất định thường không tạo được miễn dịch đủ để bảo vệ sau khi tiêm đủ các mũi  vắc-xin COVID-19 cơ bản. Vì vậy, Tổ chức Y tế Thế giới khuyến cáo nên tiêm một mũi bổ sung vắc xin COVID-19 cho những người bị suy giảm miễn dịch vừa và nặng. Mũi bổ sung này nên được tiêm ít nhất 1 tháng và trong vòng 3 tháng sau các mũi tiêm cơ bản. Khuyến nghị này được áp dụng cho tất cả các vắc xin COVID-19 trong Danh mục Sử dụng Khẩn cấp của Tổ chức Y tế Thế giới.

Ưu tiên liều vắc xin tăng cường cho người suy giảm miễn dịch - ảnh 1Tiến sĩ Kidong Park, Trưởng đại diện WHO tại Việt Nam Ảnh: TTXVN

Tổ chức Y tế Thế giới cũng khuyến nghị rằng nên tiêm một mũi bổ sung vắc xin cùng loại cho những người từ 60 tuổi trở lên đã được tiêm 2 liều vắc xin Sinopharm BIBP hoặc vắc xin Sinovac Coronavac. Cũng có những phát hiện cho thấy khả năng miễn dịch và khả năng bảo vệ ở những người được tiêm chủng đầy đủ đang giảm dần theo thời gian. Một số quốc gia đang xem xét hoặc đã thực hiện tiêm mũi nhắc lại để khôi phục hiệu quả bảo vệ của vắc xin.

Tổ chức Y tế Thế giới khuyến nghị các quốc gia trước tiên cần đạt được tỷ lệ tiêm chủng cao vắc xin COVID-19 với các mũi cơ bản ở tất cả các nhóm dân số có chỉ định tiêm và tiêm mũi bổ sung cho người suy giảm miễn dịch và người cao tuổi trước khi tiêm mũi nhắc lại cho toàn dân.

PV: Trước khả năng lây lan nhanh và giảm hiệu quả của vắc xin, liệu mũi tiêm thứ ba có bảo vệ mọi người khỏi các biến thể mới của vi rút không, thưa TS?

Ông Kidong Park: Các nghiên cứu đang được tiến hành để xem liệu biến thể Omicron có ảnh hưởng đến hiệu quả của vắc xin hay không, và điều quan trọng là chúng ta phải kiên nhẫn chờ đợi kết quả. Sẽ mất từ 2-3 tuần trước khi chúng ta có bằng chứng rõ ràng về hiệu quả của vắc xin đối với biến thể Omicron. Tổ chức Y tế Thế giới sẽ thông báo cho công chúng biết khi có những thông tin mới cập nhật nhất. Quan điểm của Tổ chức Y tế Thế giới là tiêm chủng cho những người chưa được tiêm các mũi tiêm cơ bản sẽ có lợi ích cao hơn nhiều so với việc tiêm liều bổ sung hoặc tiêm nhắc lại cho những người đã tiêm đủ liều cơ bản. Điều này cũng được áp dụng đối với biến thể Omicron.

PV: Vậy Tổ chức Y tế Thế giới có coi COVID-19 như là một loại bệnh cúm theo mùa và người dân có cần phải tiêm phòng theo chu kì hàng năm không?

Ông Kidong Park: Còn rất nhiều điều chưa chắc chắn xung quanh diễn biến tương lai của đại dịch này, và Tổ chức Y tế Thế giới đang tính đến một số viễn cảnh, nhưng hiện tại thì chúng ta vẫn đang ở giữa đại dịch. Ưu tiên của chúng ta là bảo vệ mạng sống của người dân bằng tất cả các biện pháp y tế công cộng và xã hội mà chúng ta biết là có hiệu quả. Tổ chức Y tế Thế giới sẽ tiếp tục cập nhật các khuyến nghị của mình mỗi khi có bằng chứng cho thấy có sự thay đổi về mặt dịch tễ học dẫn đến yêu cầu cần phải thay đổi về mặt chính sách.

Xin cám ơn TS Kidong Park về thông tin này!

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu