Để tiếp tục đồng lòng, chung sức cùng với cả nước phòng, chống đại dịch Covid-19, mới đây, Ban Thường trực Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên đã tổ chức Chương trình "Triệu phần quà đại đoàn kết tiếp sức đồng bào miền Nam vượt qua đại dịch.
Những phần quà này sẽ được trao trực tiếp đến tay người đang gặp khó khăn, nhất là người nghèo, người yếu thế với thủ tục đơn giản nhất và thời gian nhanh nhất, phù hợp với điều kiện và yêu cầu cấp bách của công tác phòng, chống dịch. Để hiểu rõ hơn về chương trình ý nghĩa, nhân văn này, phóng viên Đài TNVN phỏng vấn ông Lê Tiến Châu, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam.
Nghe âm thanh phỏng vấn tại đây:
Ông Lê Tiến Châu, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Trung ương MTTQ Việt Nam |
PV. Thưa ông Lê Tiến Châu, cùng với những chính sách của Đảng, Nhà nước thì hiện Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên đang triển khai chương trình: “Triệu phần quà Đại đoàn kết tiếp sức đồng bào miền Nam vượt qua đại dịch Covid-19”. Xin ông cho biết cụ thể hình thức, nội dung và thời gian hỗ trợ của chương trình là gì?
Ông Lê Tiến Châu: Chương trình “Triệu phần quà đại đoàn kết để tiếp sức cùng đồng bào miền Nam ruột thịt vượt qua đại dịch Covid-19” là chương trình rất có ý nghĩa, nhân văn và rất kịp thời. Phần quà chúng tôi dự kiến bước đầu là vận động ít nhất 1 triệu phần quà như 1 triệu trái tim của người Việt Nam để hướng về đồng bào miền Nam ruột thịt, để vượt qua đại dịch. Hình thức hỗ trợ, mức hỗ trợ, nội dung hỗ trợ, thời gian để hỗ trợ đã được thống nhất và cũng đã phân bổ cho các tổ chức thành viên. Mỗi một tổ chức sẽ vận động bao nhiêu phần quà để chuyển cho thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam. Dự kiến 1 triệu phần quà khoảng 300 tỷ đồng, trước mắt phân bổ cho thành phố Hồ Chí Minh 55 tỷ đồng. Bình Dương 31 tỷ đồng. Long An được 7 tỷ đồng. Đồng Nai và Tiền Giang thì mỗi địa phương là 5 tỷ đồng. Các địa phương còn lại thì mỗi địa phương 1 tỷ đồng. Mỗi một phần quà không quá 300 nghìn đồng, nhưng không thấp hơn mức của địa phương. Hình thức hỗ trợ cũng rất linh hoạt, có thể bằng hiện vật, bằng gạo, các nhu yếu phẩm, thuốc men, khẩu trang… các nhu cầu mà địa phương đang còn thiếu hoặc là có thể hỗ trợ bằng tiền.
PV. Vâng, vậy Mặt trận Tổ quốc tổ chức thực hiện như thế nào để đảm bảo những phần quà này được trao trực tiếp đến những người đang gặp khó khăn, yếu thế, thưa ông?
Ông Lê Tiến Châu: Mặt trận là trung tâm điều phối cùng với các thành viên để đưa các phần quà đến tận tay người đang gặp khó khăn. Qua thực tế triển khai hệ thống Mặt trận và các tổ chức thành viên rất sát, gần gũi với người dân. Cho nên họ xác định rất rõ đối tượng nào thật sự có nhu cầu. Quá trình triển khai cũng thấy rằng: chương trình này cần phải được tiếp tục nhân rộng để có sự lan tỏa truyền thống tương thân tương ái của người Việt Nam khi đồng bào đang gặp khó khăn. Sắp tới Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên sẽ tiếp tục thực hiện chương trình này một cách hiệu quả nhất. Còn cách làm đưa đến cho người dân thì chỉ cần có chữ ký xác nhận của chính quyền địa phương tổng hợp lại để báo cáo, không cần phải có những thủ tục làm cho người dân khó khăn khi tiếp cận với những phần quà ý nghĩa này.
PV. Thưa ông, để tập hợp tinh thần đại đoàn kết, sức mạnh toàn dân tộc thì Mặt trận Tổ quốc đã xây dựng những kế hoạch cũng như chương trình thế nào để phát huy hơn nữa sức mạnh này?.
Ông Lê Tiến Châu: Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, ngay từ khi đại dịch bùng phát đã có rất nhiều hội nghị hiệp thương thống nhất với các tổ chức thành viên của mình. Bên cạnh đó, đã tổ chức rất nhiều các cuộc vận động các chương trình. Ở các tổ chức thành viên cũng có rất nhiều hoạt động rất thiết thực và có ý nghĩa. Riêng hệ thống Mặt trận, hưởng ứng lời kêu gọi các đồng chí Tổng Bí thư thì Đoàn Chủ tịch đã 2 lần ra hiệu triệu và qua cuộc vận động qua hệ thống Mặt trận hiện nay chúng tôi thống kê là khoảng trên 7 nghìn tỷ đồng. 80% số tiền đó đã được chuyển cho quỹ vắc-xin. Số còn lại hỗ trợ trực tiếp cho người dân gặp khó khăn, cho lực lượng ở tuyến đầu và các bệnh viện trực tiếp điều trị cho bệnh nhân.
Trong đó, nổi bật là tổ chức triệu phần quà đại đoàn kết và 1,7 triệu xuất thức ăn, chuyển trực tiếp đến cho các địa phương để họ hỗ trợ cho cho người dân. Chúng tôi tổ chức các buổi gặp gỡ để thể hiện sự động viên cảm ơn đối với những chiến sĩ ra Mặt trận những cán bộ y tế từ các tỉnh phía Bắc vào phía Nam để hỗ trợ cho Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam. Trong thời gian tới, cùng với các tổ chức thành viên chúng tôi sẽ tiếp tục thực hiện thật tốt chương trình “triệu phần quà” không phải chỉ có 1 triệu mà mà hàng triệu phần quà như hàng triệu trái tim để hướng về đồng bào Nam ruột thịt, để lan tỏa tình cảm, tinh thần đoàn kết “tương thân tương ái” để giúp cho bà con miền Nam ruột thịt vững tin vượt qua khó khăn của đại dịch.
PV: Vâng, xin trân trọng cảm ơn ông!