Tránh đứt gãy chuỗi cung ứng lao động sau dịch COVID – 19

Kim Thanh
Chia sẻ
(VOV5) - "Người lao động và doanh nghiệp phải có sự kết hợp chặt chẽ và Nhà nước đóng vai trò “bà đỡ” hỗ trợ cho doanh nghiệp và người lao động."

Dịch COVID -19 đã khiến thị trường lao động Việt Nam có nhiều biến động. Theo Tổ công tác đặc biệt phòng, chống dịch của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, tính đến cuối tháng 8/2021, tại các tỉnh, thành phía Nam đã có gần 2,5 triệu lao động trong các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh phải ngừng việc, chiếm 70% số lao động phải ngừng việc của cả nước. Đáng chú ý, sự dịch chuyển lao động một cách tự phát trong khoảng thời gian từ tháng 7 đến nay đã và đang tạo ra áp lực lớn cho thị trường lao động khi dịch bệnh được kiểm soát. Vậy giải pháp nào để tránh đứt gãy chuỗi cung ứng lao động khi các doanh nghiệp bắt đầu hoạt động trở lại? Phóng viên Đài TNVN phỏng vấn TS Bùi Sĩ Lợi, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội,.

Tránh đứt gãy chuỗi cung ứng lao động sau dịch COVID – 19  - ảnh 1TS Bùi Sĩ Lợi, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội. Ảnh: VOV
Nghe âm thanh phỏng vấn tại đây:
PV: Thưa ông Bùi Sĩ Lợi, ông có nhận định như thế nào về thị trường lao động Việt Nam khi các địa phương bắt đầu mở cửa và nhiều doanh nghiệp hoạt động trở lại?

Ông Bùi Sỹ Lợi: Có thể nói, đại dịch COVID – 19 đã tác động lên hàng triệu lao động. Khi các địa phương bắt đầu mở cửa thì bài toán thị trường lao động có rất nhiều biến động. Dự báo đầu tiên, nhiều doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp có chuyên gia nước ngoài và người lao động nước ngoài cũng như các doanh nghiệp thu hút lao động từ tỉnh ngoài, nguồn cung ứng lao động trở lại làm việc sẽ bị thiếu hụt. Thứ hai, chi phí sử dụng lao động trong thời kì này cũng cao hơn khi các doanh nghiệp phải đầu tư thêm để thực hiện các biện pháp an toàn trong lao động. Thứ ba là chúng ta phải đối mặt với tình trạng lao động vừa thiếu lại vừa thừa, có thể là hiện tượng thất nghiệp ảo thôi. Thế cho nên chúng ta phải tính toán và đưa ra giải pháp để cân bằng mối cung cầu về lao động này.

PV: Hiện Cục Việc làm (Bộ Lao động Thương binh và Xã hội) dự kiến 3 kịch bản cho thị trường lao động trong thời gian tới, với 3 mức: tốt, thường và xấu. Ông có quan điểm như thế nào về giải pháp cũng như các kịch bản mà ngành lao động đưa ra? Theo ông đâu là những giải pháp cần phải triển khai ngay để ổn định thị trường lao động, tránh xảy ra nghịch lý cung cầu lao động khi nền kinh tế bắt đầu hoạt động trở lại?

Ông Bùi Sỹ Lợi: Theo tôi, chúng ta phải chuẩn bị cả 3 kịch bản, nhưng chúng ta phải tập trung nghiên cứu kịch bản xấu nhất để tránh bất ngờ. Giải pháp cần triển khai ngay để ổn định thị trường lao động, mục tiêu là chúng ta tránh để xảy ra nghịch lý cung cầu lao động khi nền kinh tế bắt đầu hoạt động trở lại bình thường. Cụ thể, phải thực hiện khai báo tình trạng việc làm, đẩy mạnh kết nối cung cầu lao động tại các Trung tâm dịch vụ việc làm. Đặc biệt, cần thực hiện hiệu quả quỹ bảo hiểm thất nghiệp để hỗ trợ người lao động và để đào tạo người lao động quay trở lại thị trường. Sau đó nhanh chóng đưa doanh nghiệp, người lao động và cả nền kinh tế thoát khỏi khó khăn. Và sau cùng đề ra kế hoạch mới để chuyển đổi hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp phù hợp đặc điểm, tình hình của thị trường lao động sau đại dịch COVID - 19. Người lao động và doanh nghiệp phải có sự phối kết hợp chặt chẽ và Nhà nước đóng vai trò “bà đỡ” hỗ trợ cho doanh nghiệp và người lao động.

PV: Với những giải pháp như ông vừa nêu thì theo ông, vai trò của các Trung tâm dịch vụ việc làm ở giai đoạn này như thế nào?

Ông Bùi Sỹ Lợi: Trung tâm dịch vụ việc làm chính là đơn vị công lập, chức năng là tư vấn, giới thiệu việc làm cho người lao động, cung cấp thông tin thị trường lao động miễn phí với mạng lưới rộng khắp, đa dạng. Trung tâm dịch vụ việc làm phải là chỗ dựa vững chắc cho tất cả các đối tượng là người lao động và người sử dụng lao động, đặc biệt là những lao động yếu thế. Hoạt động giới thiệu việc làm, cung ứng lao động có thể thực hiện qua nhiều hình thức, trực tiếp, gián tiếp qua cổng thông tin điện tử về việc làm, qua website, qua điện thoại, tin nhắn để tạo thành mạng lưới bao phủ trên toàn quốc, có tính liên thông. Trong điều kiện dịch bệnh hiện nay, đòi hỏi các Trung tâm dịch vụ việc làm phải tổ chức thu thập, cập nhật thông tin, vị trí việc làm còn trống. Chia sẻ thông tin trên toàn quốc để kết nối thông tin cung cầu lao động trên thị trường. Định kỳ chúng ta phải phân tích, đưa ra các bản tin về thị trường lao động, bản tin dự báo thị trường lao động ngắn hạn trên địa bàn các địa phương để giải quyết 2 nhóm giải pháp quan trọng là hỗ trợ cho doanh nghiệp và xử lý vấn đề có liên quan đến chính sách của người lao động như là chính sách bảo hiểm thất nghiệp. 

Vâng, xin trân trọng cảm ơn ông!

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu