TPHCM: đô thị thông minh và các chính sách phát triển

Kim Lan
Chia sẻ
(VOV5) - Cơ chế này sẽ giúp cho thành phố phát triển và giúp cho  Đề án “ Xây dựng TPHCM thành đô thị thông minh giai đoạn 2017-2020, tầm nhìn 2025” vận hành hiệu quả. 

Năm 2017 kết thúc với việc TPHCM đã có nhiều tín hiệu vui, tạo đà cho những năm tiếp theo. Đó là TPHCM sẽ phát triển theo cơ chế, chính sách đặc thù từ ngày 15/1/2018 theo Nghị quyết vừa được Quốc hội thông qua. Cơ chế này sẽ giúp cho thành phố phát triển trên các lĩnh vực và đặc biệt sẽ giúp cho  Đề án “ Xây dựng TPHCM thành đô thị thông minh giai đoạn 2017-2020, tầm nhìn 2025”vừa được Ủy ban nhân dân TP công bố vận hành hiệu quả. Liên quan tới vấn đề này, phóng viên đài TNVN đã phỏng vấn Phó giáo sư, tiến sĩ Trần Hoàng Ngân, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng, đại biểu Quốc hội TPHCM:

 

Nghe âm thanh phỏng vấn tại đây:

PV: Thưa ông, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về cơ chế chính sách, đặc thù phát triển TPHCM. Ông đánh giá về ý nghĩa của Nghị quyết này như thế nào trong việc tạo đột phá cho TPHCM nói riêng và cả nước nói chung?

Ông Trần Hoàng Ngân: Đây là sự mong đợi của nhân dân thành phố, và tôi  nghĩ rằng, kể cả nhân dân khu vực phía nam và cả nước cũng mong muốn  có  một Nghị quyết,  luật, cơ chế đặc thù dành riêng cho thành phố đô thị  đặc biệt. Thời gian qua, TPHCM đã có những đóng góp vào sự phát triển chung, đóng góp vào GDP, đóng góp vào ngân sách  nhà nước. Mục tiêu kinh tế xã hội của TPHCM năm nay tăng trưởng 8% trở lên và TPHCM hoàn thành sẽ đóng góp rất quan trọng trên 22%  vào GDP của cả nước là 6.7%.  TPHCM vẫn tiếp tục tăng trưởng và hoàn thành mục tiêu  đóng góp vào kinh tế của đất nước và đóng góp vào nguồn thu gần 30% tổng thu ngân sách của cả nước.

TPHCM: đô thị thông minh và các chính sách phát triển - ảnh 1 Phó giáo sư, tiến sĩ Trần Hoàng Ngân

Vấn đề đặt ra hiện nay là TPHCM đang phải đối phó với rất nhiều sự quá tải, về giao thông, kết cấu hạ tầng, quá tải về bến cảng, về trường học, bệnh viện và ô nhiễm môi trường, không khí, tiếng ồn nói chung là ảnh hưởng tới chất lượng cuộc sống của người dân. TPHCM là bộ mặt của cả nước, cùng với Hà Nội. Khi các tổ chức quốc tế đánh giá về chất lượng sống của các thành phố trên thế giới, họ sử dụng phân tích dựa trên Hà Nội và TPHCM. Xếp hạng còn khiêm tốn, nên phải có cơ chế chính sách làm sao giúp cho bộ mặt quốc gia phát triển bền vững hơn, chất lượng cuộc sống của người dân tốt hơn.

PV: Vậy cơ chế chính sách đặc thù sẽ giúp cho TPHCM phát triển cũng như giúp cho đề án về đô thị thông minh vừa được Ủy ban nhân dân TPHCM công bố   vận hành hiệu quả đúng không, thưa ông?

Ông Trần Hoàng Ngân: Như chúng ta thấy rằng là cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đã được các nước triển khai, có  đề án cụ thể bước đi phù hợp với cuộc cách mạng này. Nhiều thành phố thông minh, đô thị thông minh đã được triển khai, hiện hữu trên thế giới. Do đó, mà các thành phố lớn, các dô thị lớn cũng cần triển khai nhanh đô thị thông minh. Và TPHCM là trung tâm kinh tế, thương mại, văn hóa, khoa học công nghệ tài chính thì việc ứng dụng ngay, triển khai nhanh thành phố thông minh là cần thiết để có thể đưa vào đó sử dụng công nghệ tiên tiến trên thế giới, trong quản lý nhà nước, quản lý đô thị quản lý đất đai, kinh tế và nhiều lĩnh vực khác và người dân TP mong chờ đề án này thành hiện thực.

PV: Nhiều mục tiêu đã được đưa ra để xây dựng thành phố thông minh, trong đó có tiêu chí về sự tham gia của người dân là rất quan trọng. Theo ông, TPHCM làm gì để vận động nguồn lực xã hội, trong đó phải kể tới tầm quan trọng của một bộ phận kiều bào đang sống trên địa bàn TP?

Ông Trần Hoàng Ngân: Tôi nghĩ rằng thành phố rất  trân trọng và cũng lắng nghe nhiều ý kiến đóng góp của các chuyên gia trong và ngoài nước, kể cả tiếp cận vơi các tập đoàn có công nghệ tốt để chuẩn bị cho đề án này. Qua trình triển khai đề án chắc chắn phải có các nguồn lực và trong đó, sẽ có một số nguồn lực từ ngân sách của TP và có những nguồn lực chúng ta phải huy động xã hội vì phục vụ cho sự phát triển của doanh nghiệp. Có cơ sở dữ liệu, database và các doanh nghiệp có thể sử dụng cơ sở dữ liệu đó cho kinh doanh, và doanh nghiệp sẽ có nghĩa vụ trở lại đối với các nhà cung cấp. Sẽ có những đề án chi tiết nhằm huy động nguồn lực và chính huy động nguồn lực đó sẽ giúp cho đề án hoàn thiện hơn và đáp ứng  yêu cầu của thực tiễn.. Tôi nghĩ rằng, kiều bào thì quan trọng nhất là trí tuệ. Vấn đề là sẽ chia sẻ kinh nghiệm các nước, nguồn kiều hối phục vụ sản xuất kinh doanh của cả nước.

PV: Xin cảm ơn ông.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu