Ngày 8/09 Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài (NVNONN), Bộ Ngoại giao phát động Ngày tôn vinh tiếng Việt trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài. Theo đó định kỳ hàng năm lấy ngày 8/9 là ngày Tôn tinh tiếng Việt. Đây được coi là một dấu mốc quan trọng qua đó nâng cao nhận thức của mỗi kiều bào đối với tiếng Việt góp phần gìn giữ, phát huy bản sắc dân tộc, xây dựng cộng đồng ổn định vững mạnh, luôn hướng về quê hương đất nước”. Để biết thêm về các chương trình hoạt động cụ thể sẽ được triển khai, thực hiện thời gian tới, nhằm hướng tới việc tôn vinh hơn nữa vẻ đẹp, giá trị của tiếng Việt, PV Đài TNVN phỏng vấn ông Mai Phan Dũng, Phó chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Ngoại giao.
Nghe âm thanh phỏng vấn tại đây:
PV: Là cơ quan chuyên trách về NVNONN của Bộ Ngoại giao cùng với các Bộ ban ngành trong thực hiện đề án Ngày tôn vinh tiếng Việt, xin ông cho biết chương trình và các hoạt động sẽ được triển khai trong giai đoạn 2023-2030?
Ông Mai Phan Dũng: Ngày tôn vinh tiếng Việt trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài 8/9 có ý nghĩa rất lớn. Bởi vì, đây là một dịp quan trọng để phát ra lời kêu gọi tới các chủ thể ở trong và ngoài nước có những sáng kiến, hoạt động hưởng ứng đề án tôn vinh tiếng Việt. Thời gian tới sẽ có các chương trình hoạt động hướng tới ngày Tôn vinh tiếng Việt 8/9 sẽ được triển khai trên phạm vi rộng, ở tất cả các quốc gia và vùng lãnh thổ- nơi có kiều bào ta đang sinh sống, làm việc.
Những chương trình đó sẽ có sự tham gia của rất nhiều các chủ thể là các ban bộ ngành trong nước, các địa phương, các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, trong đó chủ thể quan trọng nhất là kiều bào ta trên khắp thế giới. Cùng với đó là các hoạt động tri ân dành cho các tổ chức, cá nhân có đóng góp quý báu trong tuyên truyền, quảng bá và gìn giữ tiếng Việt. Và, công tác thứ 3 sẽ tập trung vào nhóm thông tin tuyên truyền để nhận được thêm nhiều sự hưởng ứng làm cho đề án Tôn vinh tiếng Việt được thành công.
Ông Mai Phan Dũng, Phó Chủ nhiệm
Ủy ban NNVNVNONN, Bộ ngoại giao. |
PV: Vâng, trong việc thực hiện đề án thì công tác truyền bá, phổ biến tiếng Việt ở nước ngoài đóng vai trò đặc biệt quan trọng. Liên quan đến nội dung này, xin ông cho biết đôi nét những kết quả của dạy và học tiếng Việt trong cộng đồng người Việt ở nước ngoài thời qua, cũng như nhận thức của kiều bào trong gìn giữ, phát huy bản sắc văn hóa Việt ở nước ngoài?
Ông Mai Phan Dũng: Phải nói rằng công tác gìn giữ và phát huy tiếng Việt nói riêng, văn hóa Việt Nam nói chung được coi là nhiệm vụ ưu tiên trong công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài, là chủ trương nhất quán của Đảng, Nhà nước ta đối với kiều bào. Thời gian qua có nhiều nỗ lực được triển khai đem lại những kết quả khả quan. Đã có hàng chục nghìn bộ sách học tiếng Việt chuyển cho kiều bào trên khắp thế giới để làm công cụ cho việc học tập, giảng dạy tiếng Việt.
Thứ 2 là công tác tập huấn, đào tạo tập huấn chuyên môn cho giáo viên, tình nguyện viên. Đây là công việc hết sức có ý nghĩa bởi vì từ đội ngũ giáo viên đó sẽ làm lan tỏa tiếng Việt rộng hơn ra cộng đồng. Đến nay đã có hơn 600 lượt giáo viên tham gia tập huấn để nâng cao trình độ.
Ngoài ra, còn có rất nhiều hoạt động khác liên quan đến gìn giữ, phát huy tiếng Việt nói chung và giảng dạy tiếng Việt nói riêng với sự phối hợp của các cơ quan bộ ngành, địa phương, hội đoàn để xây dựng tổ chức lớp học, trường học tiếng Việt. Việc thúc đẩy dạy tiếng Việt còn được lồng ghép trong nhiều các hoạt động văn hóa, về nguồn do Ủy ban NNVNVNONN tổ chức. Ngoài ra, cũng có nhiều chương trình văn hóa, nghệ thuật dành cho kiều bào góp phần lan tỏa vẻ đẹp của tiếng Việt và văn hóa Việt.
Thứ trưởng Ngoại giao, Chủ nhiệm UBNNVNVNONN Phạm Quang Hiệu tại buổi lễ phát động Ngày tôn vinh tiếng Việt trong cộng đồng người VN ở nước ngoài ngày 8/9. Ảnh HL |
PV: Không chỉ hướng tới đối tượng là kiều bào, đề án tôn vinh Tiếng Việt còn nhằm tới mục tiêu quảng bá tiếng Việt tới người nước ngoài yêu mến con người và đất nước Việt Nam? Ông nghĩ gì về việc ngày càng có rất nhiều người nước ngoài quan tâm và theo học tiếng Việt?
Ông Mai Phan Dũng: Việt Nam được đánh giá có sự hội nhập quốc tế rất mạnh mẽ trên tất cả các lĩnh vực từ chính trị, kinh tế đến văn hóa, giáo dục, công nghệ. Ngoài ra, Việt Nam nằm trong khu vực phát triển năng động về kinh tế, thương mại, đầu tư. Chính vì vậy, Việt Nam trở thành một điểm đến được yêu thích nhất đối với người nước ngoài, du khách quốc tê, đặc biệt là những nhà đầu tư. Ngoài ra, trong hợp tác quốc tế nói chung, quan hệ Việt Nam với các nước ngày càng tốt đẹp. Chính vì thế trở thành một nhu cầu rất tự nhiên đối với người nước ngoài muốn tìm hiều về con người, chính sách, văn hóa Việt Nam. Rõ ràng, ngày càng nhiều người đã tìm học tiếng Việt, hát tiếng Việt và nói giỏi tiếng Việt, đó là cách thức rất hiệu quả để hiểu biết về con người và đất nước Việt Nam. Đây cũng là hướng trong đề án chúng tôi sắp tới triển khai, đó là sẽ có một nhóm đối tượng người nước ngoài yêu mến Việt Nam cũng được tôn vinh.
PV: Tại lễ phát động, Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài giới thiệu chuỗi hoạt động rất cụ thể sẽ được thực hiện trong năm tới, Ông kỳ vọng như thế nào về kết quả đạt được trong năm đầu tiên triển khai Đề án tôn vinh tiếng Việt giai đoạn 2023 - năm 2030 này?
Ông Mai Phan Dũng: Thực sự, năm đầu tiên sẽ có nhiều bỡ ngỡ, thách thức và khó khăn. Tuy nhiên chúng tôi rất tin tưởng sẽ hoàn thành các mục tiêu đề ra, bởi chúng tôi có nền tảng, đó là sự yêu mến tiếng Việt, tình cảm hướng về quê hương của kiều bào, có sự hợp tác chặt chẽ của các cơ quan bộ ngành, có sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đầu tư về vật chất và con người.
Chúng tôi kỳ vọng sẽ hoàn thành được các mục tiêu đề của kế hoạch 2023, tổ chức tất các hoạt động trong dự kiến để làm đà triển khai mở rộng hơn nữa các hoạt động của đề án trong những năm tiếp theo. Và, quan trọng nhất là tạo ra một sân chơi ngôn ngữ thú vị không chỉ cho các chủ thể trong nước, cho kiều bào mà cho những người nước ngoài yêu mến Việt Nam.
PV: Một lần nữa xin trân trọng cảm ơn Ông?