Thúc đẩy phục hồi kinh tế: Ưu tiên chính trong Hợp tác kinh tế ASEAN

Nguyên Long/VOV1
Chia sẻ
(VOV5) - Việt Nam chủ động và tích cực phối hợp xây dựng hàng loạt nội dung mới, bổ sung cho các Hội nghị lãnh đạo cấp cao của ASEAN vào tháng 4/2020 tại Hà Nội.

Tại Hội nghị trực tuyến Bộ trưởng kinh tế ASEAN lần thứ 52 (AEM-52) và các cuộc họp liên quan vừa kết thúc cuối tháng 8, Việt Nam chủ động đề xuất và tham gia nhiều sáng kiến quan trọng nhằm thúc đẩy phục hồi kinh tế và duy trì chuỗi sản xuất, cung ứng khu vực và toàn cầu. Đây được coi là ưu tiên chính trong hợp tác kinh tế ASEAN, được các nền kinh tế thành viên ASEAN và đối tác đánh giá cao. Phóng viên Đài TNVN phỏng vấn Bộ trưởng Bộ công thương Trần Tuấn Anh.

Thúc đẩy phục hồi kinh tế: Ưu tiên chính trong Hợp tác kinh tế ASEAN - ảnh 1

Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh chủ trì họp báo công bố kết quả AEM-52 và các hội nghị liên quan, diễn ra sáng 30/8/2020 tại Hà Nội. - Ảnh: hanoimoi.com.vn

Nghe âm thanh phỏng vấn tại đây:

PV: Xin Bộ trưởng cho biết những ưu tiên của Việt Nam trong hợp tác kinh tế của ASEAN trong bối cảnh dịch bệnh Covid -19 đã và đang diễn biến phức tạp?

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh:  Nhận nhiệm vụ Chủ tịch ASEAN 2020, Việt Nam đã có sự chuẩn bị rất tích cực, chủ động Chương trình công tác và Kế hoạch hành động của ASEAN, trong đó riêng lĩnh vực về kinh tế và thương mại, Việt Nam đã chủ trì để xây dựng và 13 sáng kiến thể hiện tính ưu tiên của ASEAN trong lĩnh vực kinh tế, thương mại và đầu tư. Trong đó tập trung rất nhiều vào việc tăng cường thúc đẩy hợp tác thương mại, đầu tư nội khối ASEAN; tăng cường và nâng cao hơn nữa tính ứng phó của nền kinh tế của ASEAN để tiếp tục khẳng định vị thế trung tâm của ASEAN trong quan hệ với các đối tác trong khu vực; đồng thời cũng tiếp tục tăng cường hơn nữa để hình thành các trụ cột kinh tế quan trọng của khu vực kinh tế.

Trong bối cảnh phải đối phó với dịch bệnh Covid-19, Việt Nam đã chủ động và rất tích cực phối hợp xây dựng hàng loạt nội dung mới, bổ sung cho các Hội nghị lãnh đạo cấp cao của ASEAN vào tháng 4/2020 tại Hà Nội cũng như hàng loạt các hội nghị của các Bộ trưởng Kinh tế ASEAN, rồi của các cơ chế giữa ASEAN với các nước + 3 (Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc) để đảm bảo được yêu cầu đối phó với dịch bệnh, tạo thuận lợi cho nền kinh tế của ASEAN và các nước thành viên phát triển.

PV: Thưa Bộ trưởng, trong Kế hoạch hành động của ASEAN 2020, riêng lĩnh vực kinh tế, thương mại và đầu tư, Việt Nam đã chủ trì xây dựng một số sáng kiến. Vậy Bộ trưởng cho biết cụ thể về các sáng kiến này?

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh: Trong số 13 sáng kiến mà chúng ta đã đưa ra xây dựng trong nội dung khuôn khổ hành động trong chương trình 2020 của ASEAN thì 2 sáng kiến về cơ bản đã hoàn thành. Đó là Bộ chỉ số của ASEAN về việc chuyển đổi số hóa của ASEAN trong thương mại điện tử và “Tài liệu tham chiếu về Kết nối các trung tâm đổi mới sáng tạo ASEAN”. Đây là công cụ quan trọng giúp cho các nước ASEAN có cơ sở để đồng bộ và phối hợp trong các hoạt động hỗ trợ cho doanh nghiệp trong quá trình chuyển đổi số. Hoặc là một biện pháp nữa của chúng ta trong sáng kiến đó là tiếp tục tăng cường năng lực cạnh tranh chung của các doanh nghiệp dựa trên nền tảng chung của các gói hỗ trợ của Chính phủ về cơ bản đã được các nước đồng tình.

Và chúng ta cũng đã đưa ra được những khuyến nghị rất quan trọng trong việc thành lập Nhóm đặc trách cấp cao của ASEAN để nghiên cứu, phối hợp những biện pháp để vừa đảm bảo được những mục tiêu trong phòng, chống dịch bệnh, ứng phó có hiệu quả với Covid-19, nhưng đồng thời lại phải tiếp tục thực hiện tốt những mục tiêu đưa các nền kinh tế của ASEAN trở về trạng thái bình thường mới. Có thể nói những kiến nghị của nhóm đặc trách cấp cao này đã tạo được những nền tảng rất quan trọng để cho chuẩn bị xây dựng cho Chương trình hành động phục hồi kinh tế của ASEAN cũng như tiếp tục phát triển sau COVID -19.

PV: Như vậy thông điệp quan trọng mà Việt Nam mong muốn phát đi từ các sáng kiến này là gì, và ông có thể gợi mở một số nội dung hợp tác chính trong các tuyên bố, kế hoạch hành động, thưa Bộ trưởng?

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh:  Như tôi đã nói là chúng ta cho dù có tuyên bố ở khung khổ nào hay tốc độ nào thì cũng không được đi chệch ra khỏi những tiết mục tiêu chung trong việc xây dựng một Cộng đồng kinh tế ASEAN tự chủ, có sức đề kháng và có sức chống chọi tốt với những câu chuyện như dịch bệnh Covid-19. Đồng thời chúng ta phải tiếp tục tăng cường và đảm bảo vai trò trụ cột của ASEAN như là một đối tác kinh tế lớn, quan trọng của tất cả các nền kinh tế trên thế giới.

Chính vì vậy, mục tiêu những tuyên bố trong các khung khổ hợp tác đều phải hướng tới mục tiêu chiến lược trong việc tiếp tục đa dạng và tăng cường hơn nữa hiệu quả kinh tế, thương mại, đầu tư giữa Việt Nam với các đối tác Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc. Đồng thời chúng ta phải tiếp tục có được sự ứng phó kịp thời, có hiệu quả với những diễn biến thực tế của tình hình hiện tại liên quan đến dịch bệnh Covid-19 lẫn những tác động của nó.

Thứ hai là tiếp tục tăng cường và tạo ra khuôn khổ hạ tầng mà có sự kết nối và hoàn thiện trong khu vực của ASEAN và kết nối với các nền kinh tế của ASEAN+3, mà đặc biệt là về chuỗi cung ứng, thị trường trong chuỗi sản phẩm, thị trường của các nguồn nguyên liệu cũng như là thị trường công nghệ, nguồn nhân lực….

Một vấn đề nữa, những hợp tác của chúng ta với các nước ASEAN+3 không phải chỉ nhằm vào câu chuyện đảm bảo được nguồn cung ứng ngay bây giờ mà còn phải hướng tới tiếp tục tăng cường hơn nữa sự kết nối và thể chế hóa để tạo thuận lợi cho dịch chuyển của các dòng đầu tư cũng như cơ hội tiếp cận thị trường lẫn nhau của ASEAN và các nước đối tác.

Đồng thời, chúng ta cũng sẽ phải tiếp tục giải quyết những yêu cầu ngay trước mắt ngắn hạn, đấy là tiếp tục hình thành việc kết nối để đảm bảo cung ứng cho sản phẩm hàng hóa thiết yếu cho cả thị trường của ASEAN và thị trường của các đối tác ASEAN+3 mà trong đó lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm cũng như các vật phẩm y tế, các sản phẩm trọng yếu để phục vụ cho các chuỗi cung ứng đều là những yêu cầu rất là trọng tâm mà chúng ta cần hướng tới; Tiếp tục có cơ chế để đảm bảo cho dòng luân chuyển của hàng hóa và đặc biệt là của nguồn nhân lực; Tiếp tục thúc đẩy sự phát triển và hoàn thiện của hệ thống hạ tầng trong khung khổ kết nối của ASEAN và ASEAN với đối tác; Và đặc biệt là việc hình thành các quỹ dự trữ cửa các sản phẩm hàng hóa thiết yếu phục vụ cho phòng, chống dịch bệnh cũng như phục vụ cho nhu cầu đời sống của nhân dân.

PV: Trân trọng cảm ơn Bộ trưởng đã trả lời phỏng vấn phóng viên Đài TNVN!

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu