Ông Nguyễn Thanh Tòng, Nguyên Phó Chủ tịch Hội người Việt Nam tại Pháp, có chuyến thăm quần đảo Trường Sa và nhà giàn DK1 vào tháng 4 năm 2016. Từ những chiêm nghiệm sau chuyến đi, ông đã thực hiện cuốn sách “Biển đảo quê hương”. Cuốn sách vừa được giải Ba Giải thưởng toàn quốc về thông tin đối ngoại lần thứ VIII.
Ông Nguyễn Thanh Tòng ký tặng sách "Biển đảo quê hương" tại sự kiện cuối tuần Francophonie ở thành phố Yebles. |
Phóng viên: Xin chúc mừng ông Nguyễn Thanh Tòng với cuốn sách ảnh “Biển đảo quê hương” nhận được Giải thưởng toàn quốc về thông tin đối ngoại lần thứ VIII. Ông có thể chia sẻ niềm vui khi nhận được giải thưởng này?
Ông Nguyễn Thanh Tòng: Trước hết, tôi xin cảm tạ Trung tâm văn hóa Việt Nam tại Pháp hỗ trợ xuất bản sách “Biển đảo quê hương” và sách “Biển Đông - Lịch sử và Pháp lý”. Nhận được giải thưởng cho sách “Biển đảo quê hương”, tôi không giấu được cảm xúc, niềm vinh dự và hạnh phúc. Đây là lần đầu tiên trong đời từ khi chập chững bước vào nghề viết sách. Nhưng điều đó không quan trọng. Cái quan trọng là ý tưởng của cuốn sách Biển đảo quê hương đã truyền đạt được cho ban giám khảo và độc giả cảm nhận được thông điệp mà tác giả gửi đến thông qua cuộc hành trình để lại nhiều kỷ niệm sâu sắc của người con xa Tổ quốc về lòng quyết tâm của chiến sĩ hải quân, tình yêu thương và sự chia sẻ.
Sách “Biển đảo quê hương” truyền đạt cho độc giả, đặc biệt là người Việt Nam ở nước ngoài hiểu rõ về biển đảo Việt Nam, về các chiến sĩ Trường Sa sống xung quanh là biển, sóng gió, xa cha mẹ, thiếu tình thương của vợ con, thiếu thốn vật chất, chắt chiu từng giọt nước để có màu xanh trên đảo. Các anh đã hy sinh bản thân mình cho Tổ quốc, là một cột mốc của Biển Đông.
Ông Nguyễn Thanh Tòng tâm sự với anh lính trẻ trên đảo Sinh Tồn tháng 4 năm 2016. |
Phóng viên: Từ khi xuất bản, cuốn sách đã nhận được sự đánh giá của bạn đọc như thế nào, thưa ông?
Ông Nguyễn Thanh Tòng: Cuốn sách “Biển đảo quê hương” được nhiều người Việt ở nước ngoài nói chung, cộng đồng người Việt ở Pháp nói riêng và bạn bè Pháp đọc. Bà con hiểu rằng Hoàng Sa và Trường Sa là chủ quyền của Việt Nam. Trong cuốn sách đã nêu ra và có dẫn chứng. Tôi vui mừng và hãnh diện đã đóng góp một phần cho đất nước.
Trong lời cảm tưởng của các độc giả chuyên nghiệp đăng trong quyển sách, nhà văn Trần Thị Hảo, giảng viên dạy tại Trường Đại học Sorbonne Paris IV, nhận xét sách đẹp, hình ảnh có chất lượng, giá trị và cách dàn trang hợp lý. Những vần thơ hay được đưa ra hợp với ảnh. Phần cuối sách, tư liệu bổ ích.
Ông Jean Pierre Rousso, người Pháp đến tham quan Sự kiện cuối tuần Francophonie tại thành phố Yebles. |
Ông Ben Rabind Angot, Ủy viên Ban chấp hành Hội người Việt Nam tại Pháp, đã từng đi thăm quần đảo Trường Sa và nhà giàn DK1 năm 2017, đọc cuốn sách cũng rất xúc động. Ông nhớ lại buổi gặp gỡ các chiến sĩ, các cháu bé và các gia đình trên đảo, cùng giao lưu với nhau và cũng thật bùi ngùi khi chia tay rời đảo về đất liền.
Cháu Nguyễn Công Quỳnh ngụ tại Hà Tĩnh lần đầu tiên đọc sách Biển đảo quê hương cho biết cháu hiểu biết nhiều hơn về lịch sử biển đảo nước ta. Nội dung trong sách có nhiều hình ảnh trong chuyến đi rất đẹp. Cháu không ngờ là ngoài khơi xa còn có những hòn đảo như vậy. Cháu rất ngạc nhiên và bất ngờ về cuộc sống của các chiến sĩ rạm nắng ngày đêm bảo vệ đảo được dẫn chứng trong sách.
Rất nhiều người Việt Nam, đặc biệt là giới trẻ ngày nay phần đông không biết nhiều về lịch sử của hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa. Đọc quyển sách “Biển đảo quê hương” là một dịp để hiểu biết lịch sử của hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa từ xa xưa qua các triều đại của Việt Nam tới bây giờ.
Phóng viên: Được biết, ông cũng mới cho ra đời cuốn sách thứ hai “Biển Đông - Lịch sử và Pháp lý”. Ông gói ghém những nội dung gì ở cuốn sách này?
Ông Nguyễn Thanh Tòng: Sách “Biển Đông - Lịch sử và Pháp lý” tổng hợp những nguồn tin nghiên cứu, bình luận của báo chí và các lịch sử gia trong nước cũng như ngoài nước về Biển Đông. Sách có các bài phân tích các giai đoạn diễn biến lịch sử để hiểu rõ tình hình của đất nước mà có tham vọng và có chiến lược muốn chiếm lấy Biển Đông. Bởi đó là đường hàng hải quan trọng, là huyết mạch của sự giao lưu, trao đổi hàng hóa, kinh tế của thế giới và tài nguyên thiên nhiên của Biển Đông đi đến thực hiện con đường tơ lụa trên biển trong thế kỷ XXI. Lịch sử đường chín đoạn với luận điệu mập mờ và viện cớ lịch sử giả tạo không bằng chứng gây ra căng thẳng ở vùng Biển Đông, rất nguy hiểm.
Sách “Biển Đông - Lịch sử và Pháp lý” đưa ra chứng cứ lịch sử và dư luận quốc tế với mục đích khẳng định Hoàng Sa và Trường Sa là chủ quyền của Việt Nam, và Công ước Liên hiệp quốc về Luật biển phải được tôn trọng.
Chuyến hải trình Trường Sa và nhà giàn DK1 để lại nhiều kỷ niệm về tình quân dân nơi biển đảo xa xôi. |
Phóng viên: Có thể thấy, thông qua hai cuốn sách, thông điệp về tầm quan trọng của việc gìn giữ chủ quyền của hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa trên Biển Đông luôn được ông đề cao?
Ông Nguyễn Thanh Tòng: Nguyễn Bỉnh Khiêm đã viết “Biển Đông vạn dặm dang tay giữ/ Đất Việt muôn năm vững trị bình”. Từ xưa đến nay, cư dân Việt là cư dân của văn hóa biển - đảo. Chúng ta phải bảo vệ chủ quyền hợp pháp của mình trên Biển Đông và chúng ta phải có trách nhiệm dang tay giữ lấy nó, kiên quyết chống lại sự tham vọng của nước lớn và tôn trọng luật pháp quốc tế (Biển Đông vạn dặm dang tay giữ), như thế đất Việt muôn năm vững thanh bình (Đất Việt muôn năm vững trị bình).
Đó là thông điệp tôi muốn gửi tới độc giả, đặc biệt là người con nước Việt sống xa Tổ quốc.
Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn ông!