Trong điều kiện khoa học công nghệ phát triển vượt bậc như hiện nay đã tạo ra những bước thay đổi tích cực nhằm kết nối kiều bào với đất nước, các hội đoàn kiều bào, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc cũng như huy động nguồn lực kiều trong sự nghiệp phát triển đất nước.
Đại sứ Lương Thanh Nghị, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, khách mời của VOV5 sẽ thông tin về nội dung này.
Đại sứ Lương Thanh Nghị, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Ngoại giao trả lời phỏng vấn của phóng viên VOV5.VN. Ảnh: Hồng Anh |
Nghe âm thanh phỏng vấn tại đây
Phóng viên (PV): Thưa đại sứ Lương Thanh Nghị, xin ông cho biết về trọng tâm công tác với người Việt Nam ở nước ngoài mà Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Ngoại giao sẽ triển khai trong thời gian tới?
Đại sứ Lương Thanh Nghị : Hiện nay, cộng đồng người Việt Nam có hơn 4,5 triệu người đang sinh sống, học tập và lao động tại hơn 110 quốc gia và vùng lãnh thổ. Kiều bào của chúng ta định cư ở nước ngoài với rất nhiều lý do khác nhau, trong những hoàn cảnh khác nhau, thành phần khác nhau và trình độ cũng khác nhau. Do vậy, công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài luôn luôn được Đảng và Nhà nước Việt Nam hết sức quan tâm. Trọng tâm công tác của chúng tôi trong thời gian tới sẽ tập trung vào một số nhiệm vụ sau đây: Chúng tôi sẽ đẩy mạnh công tác tham mưu và xây dựng chính sách. Cụ thể là rà soát lại những chính sách kể từ khi có Nghị quyết 36 của Bộ Chính trị từ năm 2004 đến nay, những gì còn bất cập, chưa phù hợp thì phải chỉnh sửa. Ví dụ như Luật Quốc tịch, vấn đề hai quốc tịch hay là những quy định liên quan đến việc kiều bào của chúng ta trở về trong nước để kinh doanh, đầu tư hay mua nhà ở, rồi đăng ký thường trú,… Tất cả những điều đó thì hiện nay chúng tôi đang phối hợp với các cơ quan chức năng ở trong nước tiến hành rà soát và sẽ có những kiến nghị lên cấp cao để chúng ta sửa đổi chính sách cho phù hợp với tình hình mới.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã gặp gỡ 90 kiều bào từ 25 quốc gia và vùng lãnh thổ - đại diện cho 4,5 triệu kiều bào ta ở nước ngoài nhân dịp kiều bào về đón Tết cổ truyền dân tộc và tham dự chương trình "Xuân quê hương". |
Nội dung thứ 2 là là tập trung vào công tác thực hiện nội dung đại đoàn kết dân tộc. Đây là đòi hỏi rất lớn, đặc biệt là quan hệ của chúng ta với các nước đang ngày càng phát triển cũng như việc hội nhập sâu rộng và giao lưu quốc tế ngày một gia tăng. Thực hiện đại đoàn kết dân tộc ở đây là thông qua các sự kiện do Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài tổ chức. Ví dụ như chúng tôi sẽ tiếp tục tổ chức chương trình Xuân Quê hương vào dịp Tết Nguyên đán để tạo cơ hội cho bà con được trở về nước tận mắt chứng kiến sự thay đổi của quê hương cũng như để bà con có thể giao lưu với nhân dân trong nước, kiều bào ở các châu lục, quốc gia khác nhau gặp gỡ chia sẻ với nhau; Thứ hai là chúng tôi tiếp tục tổ chức các sự kiện như Trại hè cho thanh thiếu niên kiều bào. Đây là cơ hội tốt để cho giới trẻ kiều bào, thế hệ thứ hai, thứ ba được trở về nước, trải nghiệm cuộc sống của người dân trong nước, tìm hiểu lịch sử, văn hóa và trau dồi tiếng Việt, đồng thời cũng là cơ hội để các cháu giao lưu với thanh niên, sinh viên Việt Nam ở trong nước cũng như giữa các bạn trẻ kiều bào.
Sự kiện thứ 3 nữa là hàng năm chúng tôi vẫn tiếp tục tổ chức chuyến thăm quân và dân huyện đảo Trường sa và nhà giàn DK1. Đây cũng là điều kiện, cơ hội để kiều bào chứng kiến quyết tâm của quân và dân ta đang ngày đêm bám biểm, bám đất, chắc tay súng bảo vệ từng tấc đất thiêng liên của tổ quốc, mặc dù điều kiện còn gặp rất nhiều khó khăn, thử thách.
Ngoài ra, chúng tôi sẽ tiếp tục tổ chức các hoạt động khác, ví dụ liên quan đến công tác tập huấn tiếng Việt, tổ chức những sự kiện kết nối kiều bào ở trong nước với ngoài nước, …
Nhiệm vụ thứ ba cũng rất quan trọng là việc hỗ trợ cho bà con giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, đặc biệt là việc dạy và học tiếng Việt. Trong thời gian vừa qua, chúng ta đã làm tương đối tốt. Tuy nhiên, ở các địa bàn khác nhau, có những yêu cầu khác nhau, cách tiếp cận, đặc biệt là việc dạy và học tiếng Việt cũng có khác nhau. Do vậy, trong thời gian tới, chúng tôi tiếp tục tổ chức các lớp tập huấn dành cho giáo viên kiều bào về nước để được cung cấp những kỹ năng sư phạm cơ bản nhất và được giao lưu, cũng như chứng kiến những phương pháp giảng dạy tiếng Việt ở trong nước. Trên cơ sở đó, tùy tình hình thực tế của từng địa bàn, các thầy cô giáo có thể áp dụng và triển khai các biện pháp phù hợp trong việc tăng cường giảng dạy tiếng Việt cho con em kiều bào ta ở nước ngoài. Nội dung thứ 2 nữa liên quan đến tiếng Việt, là chúng tôi tiếp tục hỗ trợ bà con bằng việc cung cấp sách giáo khoa cũng như giáo cụ trực quan cho những địa bàn được yêu cầu. Chúng tôi nghĩ rằng, duy trì tiếng Việt là công việc hết sức quan trọng, bởi vì ngôn ngữ là biểu hiện của văn hóa, và muốn bảo tồn được văn hóa, thì phải duy trì được tiếng Việt. Như anh biết, hiện nay, những thế hệ thứ hai, thứ ba của kiều bào được giáo dục trong môi trường ở nước ngoài, các cháu chủ yếu là nói tiếng nước ngoài, nên tiếng Việt dần dần mai một đi, do vậy, đây là một trong những trọng tâm công tác của chúng tôi trong thời gian tới.
Bà Nguyễn Thúy Hà, Trưởng ban Liên lạc người Việt Nam tại Singapore chia sẻ với bà con xã Vầy Nưa,Đà Bắc, Hòa Bình, nơi có nhiều hộ bị thiệt hại do mưa lũ gây ra năm 2017, người dân đang gặp rất nhiều khó khăn. |
Nội dung hết sức quan trọng nữa là trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0 hiện nay và nhằm phát huy và thu hút nguồn lực của kiều bào ta ở nước ngoài phục vụ cho công cuộc xây dựng và phát triển đất nước thì chúng tôi sẽ tiếp tục tổ chức các diễn đàn. Ví dụ như diễn đàn khởi nghiệp dành cho thanh niên kiều bào, kết nối giới khởi nghiệp ở trong nước với kiều bào ta ở nước ngoài; phối hợp với các bộ, ngành liên quan để tổ chức các diễn đàn nhằm thu hút hơn nữa sự đóng góp của kiều bào. Phải nói rằng, tiềm lực của kiều bào ta ở nước ngoài rất là lớn. Con số thống kê không chính thức cho biết, có khoảng 400.000 đến 500.000 trí thức người Việt đang làm việc trong các cơ sở khoa học, các viện nghiên cứu, các trường đại học và các cơ sở kinh doanh ở nước ngoài. Thế nhưng, hiện nay, mới có khoảng 300 đến 400 lượt trí thức, chuyên gia, các nhà khoa học Việt Nam về nước để tham gia trực tiếp đóng góp và xây dựng đất nước. Con số này còn rất khiêm tốn. Tất nhiên, vấn đề này còn phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố, cả chủ quan lẫn khách quan. Tuy nhiên, đây là hướng rất là quan trọng. Trong thời gian tới, chúng tôi tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành liên quan như Bộ kế hoạch và đầu tư, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Thông tin và Truyền thông để mời các chuyên gia trí thức việt kiều về dự các diễn đàn. Đây là cơ hội để các nhà khoa học Việt Nam, các nhà trí thức Việt Nam có điều kiện về nước để đóng góp, hiến kế giúp Chính phủ, cũng như nhân dân trong nước để xây dựng và phát triển đất nước ngày càng tốt đẹp hơn.
Đấy là những trọng tâm công tác lớn trong thời gian tới. Ngoài ra, tiếp tục phải có những biện pháp hỗ trợ, củng cố địa vị pháp lý của đồng bào, kiều bào của chúng ta ở một số địa bàn trong bối cảnh một số nước đang thắt chặt chính sách nhập cư.
(PV): Như ông vừa nói là Bộ ngoai giao và Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài đang có những chương trình để chỉnh sửa những quy định luật pháp liên quan đến cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài. Theo ông, vấn đề hòa hợp dân tộc, đại đoàn kết dân tộc cần phải nhìn nhận như thế nào, đặt ra như thế nào trong điều kiện hội nhập hiện nay?
Đại sứ Lương Thanh Nghị: Vấn đề đại đoàn kết dân tộc và hòa hợp dân tộc đã được thể hiện bằng rất nhiều chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đối với kiều bào ta ở nước ngoài, và được thực hiện trên thực tế. Tuy nhiên, kết quả vẫn chưa được như mong muốn.
Ở đây, có cả nguyên nhân khách quan và nguyên nhân chủ quan. Bản thân các cơ quan trong nước trong thời gian vừa qua đã rất tích cực, có những chính sách, có những biện pháp nhằm động viên cũng như vận động kiều bào ta hướng về quê hương, tổ quốc, tạo ra khối đại đoàn kết dân tộc rất lớn. Tuy nhiên, phải nhì nhận một cách thẳng thắm là có những địa phương, những cấp, những ngành chưa thực hiện tốt công tác này.
Điều thứ hai nữa là bản thân bà con của chúng ta, một bộ phận do thiếu thông tin, vẫn còn những nghi ngờ, vẫn có những hoạt động, những định kiến chưa thật sự tin tưởng vào những thành tựu mà chúng ta đã đạt được trong thời gian qua ở trong nước. Do vậy, nhiệm vụ của chúng tôi cũng như của các cơ quan trong nước là phải tạo ra những chủ trương, chính sách sát với thực tế, nhằm thu hút được kiều bào hướng về quê hương đất nước. Trong thời gian qua, công tác vận động kiều bào đạt được kết quả tương đối khả quan. Hàng năm có khoảng trên dưới một triệu kiều bào về nước thăm thân, du lịch. Thêm nữa, kiều hối của bà con gửi về cho quê hương, đất nước cũng rất lớn. Theo số liệu thống kê của Ngân hành thế giới, năm 2017, kiều hối chuyển về Việt Nam đạt hơn 13 tỉ USD. Hiện nay, kiều bào cũng đã đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam với khoản 3000 dự án, với tổng vốn đầu tư trên dưới 3 tỉ USD.
Quang cảnh buổi giao lưu, kết nối trí thức, doanh nghiệp kiều bào về đào tạo nguồn nhân lực tại Thành phố Hồ Chí Minh |
Ngoài ra, các tầng lớp trí thức của người Việt, đặc biệt là giới trẻ ngày càng về nước nhiều hơn, đóng góp tích cực hơn, hiến kế nhiều hơn cho quê hương, đất nước. Ví dụ, năm 2017, khi lập tổ tư vấn của Thủ tướng Chính phủ gồm có 15 thành viên, trong đó có bốn thành viên là người Việt nam đang sinh sống ở nước ngoài. Hay là trong đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận tổ quốc Việt Nam có 17 vị ủy viên là những nhân sĩ, trí thức, nhà khoa học, nhà kinh doanh là việt kiều. Với những chính sách, những chủ trương như vậy thì chúng ta cũng luôn luôn lắng nghe, tiếp thu và trân trọng những đóng góp của kiều với công cuộc xây dựng và bảo vệ tổ quốc.
(PV):Trong đánh giá về nguồn lực kiều bào, ngoài số lượng kiều hối, số lượng kiều bào về nước hàng năm, theo ông, trong điều kiện cộng nghệ 4.0 hiện nay, chúng ta cần có phương thức như thế nào để thu hút tiềm năng chất xám của kiều bào, khi mà bà con không chỉ đầu tư về trong nước mà có thể là đưa hàng hóa Việt Nam, đưa thương hiệu Việt Nam, đưa văn hóa Việt Nam ra nước ngoài?
Đại sứ Lương Thanh Nghị: Vâng, điều đó thì rất đúng! Đảng và nhà nước ta luôn coi trọng vai trò của người Việt Nam ở nước ngoài, coi đó là một bộ phận không thể tách rời của dân tộc Việt Nam, và là một nguồn lực quan trọng phục vụ cho công cuộc phát triển đất nước. Do vậy, trong thời gian qua, chúng tôi rất trân trọng và đánh giá cao những đóng góp của kiều bào ta, đặc biệt là về trí thức và khoa học công nghệ. Như tôi vừa nêu, hàng năm, có khoảng 300 đến 400 lượt nhà khoa học đã về nước giảng dạy, cũng như cộng tác ở các viện nghiên cứu, trường đại học và các địa phương. Các nhà khoa học đã đề ra, hiến kế, tham mưu rất nhiều chính sách liên quan đến việc làm sao chúng ta có thể đuổi kịp thế giới trong lĩnh vực khoa học công nghệ, đặc biệt trong bối cảnh cách mạng công nghệ 4.0 hiện nay.
Các đại biểu tham dự Trại hè Việt nam 2018 chụp ảnh lưu niệm bên ngôi nhà rông Tây Nguyên. Ảnh: Phương Linh |
Từ năm 2016 đến nay chúng tôi đã liên tục tổ chức các hội nghị kiều bào. Ví dụ, như Hội nghị “Kiều bào chung sức xây dựng TP Hồ Chí Minh phát triển nhanh, bền vững và hội nhập quốc tế”; chúng tôi thường gọi là VK 16. Tại hội nghị, các đại biểu kiều bào đã đưa ra gần 50 đề xuất, sáng kiến, không những giúp cho Chính phủ, mà còn giúp cho Thành phố Hồ Chí Minh giải quyết những vấn đề kinh tế - xã hội, ví dụ: Giảm tải ách tắc giao thông, xây dựng nông nghiệp công nghệ cao như thế nào? Điện nước thông minh, năng lượng sạch, công nghệ sinh học, … Tất cả những đóng góp của kiều bào, theo tôi được biết, đang được triển khai rất mạnh mẽ. Chúng tôi tổ chức cuộc gặp giữa Thủ tướng với doanh nhân, trí thức kiều bào năm 2016. Đến năm 2017, chúng tôi đã mời các nhà khoa học tổ chức diễn đàn về kinh tế số, về năng lượng sạch, đổi mới sáng tạo, đặc biệt, là diễn đàn về đầu tư khởi nghiệp sáng tạo của người Việt trong nước cũng như người Việt ngoài nước tại Hoa Kỳ cuối tháng 12/2017 và tháng 6/2018 vừa qua tại Thành phố Hồ Chí Minh. Từ những diễn đàn đó, tạo cảm hững rất mạnh mẽ đối với kiều bào ta ở nước ngoài.
Và hiện nay, chúng tôi cũng rất tích cực phối hợp với các bộ ngành liên quan tổ chức liên kết, kết nối, các kiều bào trẻ đang lập nghiệp tại Việt Nam. Đây là những kiều bào rất trẻ tuổi, nhưng đã từ bỏ những môi trường làm việc rất tốt ở những nước phát triển, trở về nước làm những công việc phục vụ cho cộng đồng và phát triển đất nước.
Đặc biệt, để tranh thủ và phát huy nguồn lực khoa học công nghệ của kiều bào ta ở nước ngoài, chúng tôi đang phối hợp cùng với Bộ Khoa học và Công nghệ rà soát và chính sửa Nghị định liên quan đến việc thu hút nguồn lực khoa học công nghệ của kiều bào ta ở nước ngoài để phục vụ cho cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 mà hiện nay chúng ta rất quan tâm.
(PV): Thưa ông trong việc kêu gọi kiều bào về tham gia xây dựng đất nước và đầu tư trong nước, trên thực tế thì cũng còn tương đối nhiều vướng mắc, đôi khi kiều bào bị thiệt hại về quyền lợi khi về nước. Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài có những chương trình, chính sách như thế nào để tư vấn, hỗ trợ cũng như bảo vệ quyền lợi của kiều bào khi về đầu tư cũng như làm việc ở trong nước?
Đại sứ Lương Thanh Nghị: Hiện nay có khoảng gần 3000 dự án của kiều bào đầu tư và kinh doanh ở Việt Nam. Trước hết, khi đầu tư kinh doanh ở trong nước, kiều bào trước hết phải uân thủ pháp luật liên quan đến đầu tư và kinh doanh. Thứ hai, trong quá trình đầu tư và kinh doanh cũng không tránh khỏi chuyện nọ chuyên kia, ví dụ như phải giải quyết thủ tục đầu tư, rồi những vấn đề vướng mắc liên quan đến thủ tục hành chính, hay là có những tranh chấp với những đối tác. Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài luôn đồng hành cùng nhà đầu tư và kinh doanh. Đặc biệt, chúng tôi hỗ trợ rất mạnh mẽ Hiệp hội doanh nhân người Việt Nam ở nước ngoài có trụ sở tại Việt Nam. Thông qua Hiệp hội này, chúng tôi kịp thời có những tư vấn pháp lý, cũng như giải quyết những tranh chấp hoặc những vướng mắc, khó khăn của kiều bào. Về cơ bản, chúng tôi đánh giá, đầu tư kinh doanh của kiều bào ở nước ngoài trong thời gian cũng như đầu tư ở trong nước đã được tạo điều kiện rất nhiều, có được những ưu đãi về thuế, ưu đãi về đất đai, … và hiện nay, xu hướng mà bà con ta trở về nước đầu tư cũng rất nhiều. Vừa rồi chúng tôi đi tìm hiểu ở địa bàn ở Mỹ, Châu Âu, khi gặp các doanh nghiệp Việt Nam thì kiều bào cho biết sẽ có rất nhiều các chương trình, dự án đầu tư về nước trong thời gian gần nhất. Điều đó thể hiện sự quan tâm, cũng như điều kiện kinh doanh tại Việt Nam thông thoáng hơn rất nhiều, tạo điều kiện cho bà con ta đóng góp công sức xây dựng đất nước thông qua hoạt động đầu tư, kinh doanh của mình. Chúng tôi có hẳn một bộ phận pháp chế của Ủy ban luôn đồng hành cùng với các nhà đầu tư của kiều bào khi về nước gặp khó khăn, vướng mắc, gặp khiếu kiện hay tranh chấp thì chúng tôi luôn có trách nhiệm phản ảnh những khó khăn, vướng mắc đó tới các cơ quan chức năng, đặc biệt là tới các cơ quan tư pháp để làm sao xử lý những sự việc như vậy theo đúng quý định của pháp luật Việt Nam.
(PV): Thưa đại sứ, trong những năm gần đâ, một số khu vực, một số nước có đông kiều bào trẻ. Trong những điều kiện cộng đồng còn mới, chưa có hội đoàn hoạt động hiệu quả, thì Ủy Ban Nhà nước về người Việt nam ở nước ngoài và Bộ Ngoại giao có phương thức như thế nào để hỗ trợ cộng đồng?
Đại sứ Lương Thanh Nghị: Hiện nay, đang có một thế hệ di dân mới của người Việt ở nước ngoài, bao gồm 130 000 du học sinh đang học tập, nghiên cứu tại rất nhiều nước; thứ hai là mỗi năm có khoảng 130.000 lao động Việt Nam ra nước ngoài làm việc; đồng thời có hàng trăm ngàn cô dâu Việt Nam, đặc biệt ở địa bàn Đông Bắc Á.
Thạc sĩ Lê Thị Thúy, giáo viên trong giờ lên lớp giảng bài tiếng Việt cho cộng đồng tại Mông Cổ |
Yêu cầu kết nối kiều bào ta ở nước ngoài, đặc là thế hệ trẻ là cấp bách. Từ lâu rồi, Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài đã phối hợp với các cơ quan đại diện của chúng ta vận động, hỗ trợ thanh niên, sinh viên cũng như cô dâu thành lập hiệp hội riêng của mình với mục đích là gắn kết cộng đồng với nhau. Đây cũng là sân chơi để hỗ trợ nhau, dãi bày, chia sẻ, tâm sự. Đặc biệt, các đại sứ quán và cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài luôn đồng hành cùng các hội tổ chức các sự kiện thiết thực nhằm duy trì bản sắc văn hóa của dân tộc, rồi dạy tiếng Việt hay tổ chức các hoạt động đểt mọi người hướng về đất nước, tham gia nhiều hoạt động ở trong nước. Chúng tôi rất phấn khởi khi thấy hiện nay thế hệ thứ hai, thứ ba của kiều bào hầu hết được đào tạo trong một môi trường rất phát triển, được trui rèn qua rất nhiều công việc khác nhau. Hiện nay, đây là lực lượng kiều bào mà chúng tôi đang tập trung vận động để làm sao giúp họ phát huy được tiềm lực của mình để không những làm cầu nối giữa Việt Nam với các nước, đồng thời, đóng góp nhiều hơn nữa cho quê hương đất nước. Tôi nói đơn cử như hiện nay chúng ta đã có Hội chuyên gia và khoa học người Việt toàn thế giới, mà nòng cốt là các chuyên gia và các nhà khoa học ở Pháp hay nhóm Sáng kiến Việt Nam chủ yếu ở Mỹ hay nhóm gồm các du học sinh sau khi tốt nghiệp các trường đại học ở Mỹ. Phải nói là trong thời gian vừa qua, các hội đoàn như vậy đã ngày càng phát triển, có rất nhiều hoạt động thiết thực và chúng tôi đánh gia rất cao sự nhiệt tình cũng như những kết quả mà các bạn ấy đã đạt được trong việc đóng góp cho quê hươg đất nước.
(PV): Như lúc đầu ông nói là trong thời gian tới thì Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài kết hợp với các cơ quan sẽ có những bước chỉnh sửa những vấn đề về luật pháp, những quy định liên quan đến vận động người Việt Nam ở nước ngoài. Những nội dung chủ đạo nào được quan tâm?
Đại sứ Lương Thanh Nghị: Liên quan đến công tác xây dựng chính sách pháp luật, hiện chúng tôi đang phối hợp với Bộ Tư pháp vừa có tổng kết 10 năm thực hiện Luật Quốc tịch Việt Nam, chúng tôi thấy có một số điểm chưa hợp lý đối với kiều bào. Chúng ta thực hiện Luật Quốc tịch quy định mỗi công dân chỉ có một quốc tịch, trong khi chính sách quốc tịch rất linh hoạt, mềm dẻo. Do vậy, nhiều kiều bào hiện nay trên thực tế có hai quốc tịch Việt Nam và nước ngoài. Đối với nững trường hợp muốn quay lại quốc tịch Việt Nam hoặc nhập quốc tịch Việt Nam thì thủ tục cũng rất mất nhiều công sức. Do vậy, chúng tôi đang kiến nghị Chính phủ ban hành Nghị định hướng dẫn thực hiện Luật Quốc tịch làm sao để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho bà con của chúng ta có trở lại quốc tịch Việt Nam. Hướng thứ hai nữa là chúng tôi rà soát lại các cơ chế, chính sách, đặc biệt là những biện pháp trọng dụng, trọng đãi nhân tài là người Việt Nam ở nước ngoài. Hiện nay, chúng tôi đang cùng Bộ Khoa học và Công nghệ trình Chính phủ những giải pháp mới nhằm thu hút hơn nữa những tri thức, chuyên gia khoa học ở nước ngoài về nước hiến kế, đóng góp cho quê hương, đất nước. Đồng thời, chúng tôi cũng thường xuyên rà soát, theo dõi cũng như kiến nghị các bộ, ngành liên quan đối với những trường hợp kiều về trong nước đầu tư, kinh doanh mua nhà ở theo hướng thuận lợi hơn nữa, tạo điều kiện cho kiều bào về nước nhiều hơn, đóng góp cho đất nước.
PV: Vâng, xin cảm ơn đại sứ Lương Thanh Nghị, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Ngoại giao đã chia sẻ cùng thính giả Đài Tiếng nói Việt Nam.