Tăng cường hơn nữa công tác về người Việt Nam ở nước ngoài trong tình hình mới

Hân My
Chia sẻ
(VOV5) - Các văn kiện tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII chỉ rõ, thời gian tới cần “triển khai toàn diện và mạnh mẽ hơn” công tác NVNONN.

Tại Hà Nội, vừa diễn ra Hội nghị quán triệt, triển khai Kết luận số 12 của  Bộ chính trị về công tác người Việt Nam ở nước ngoài trong tình hình mới và Nghị quyết 169 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết 36, Chỉ thị 45 và Kết luận 12 của Bộ chính trị về công tác người Việt Nam ở nước ngoài (NVNONN) giai đoạn 2021-2026. Để hiểu rõ hơn về những kết quả đã đạt được, sự phối hợp của các bộ, ban, ngành địa phương trong việc triển khai các nội dung cũng như các hoạt động trọng tâm thời gian tới, phóng viên đài TNVN phỏng vấn ông Ngô Trịnh Hà, phó Chủ nhiệm Ủy ban nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài(Bộ ngoại giao). Mời quý vị cùng nghe:

Nghe âm thanh tại đây:
PV: Xin ông cho biết những nội dung trọng tâm của công tác người Việt nam ở nước ngoài(NVNONN) trong tình hình mới được thể hiện trong kết luận 12 của Bộ chính trị và Nghị quyết 169 của Chính phủ?

PCN Ngô Trịnh Hà: Các văn kiện tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII chỉ rõ, thời gian tới cần “triển khai toàn diện và mạnh mẽ hơn” công tác NVNONN, đồng thời đề ra một số trọng tâm như: hỗ trợ để bà con có địa vị pháp lý vững chắc, phát triển kinh tế và đời sống, hòa nhập xã hội sở tại; nâng cao hiệu quả công tác bảo hộ công dân; tạo điều kiện để đồng bào giữ gìn tiếng Việt, bản sắc văn hóa dân tộc; làm tốt công tác thông tin tình hình trong nước, giúp đồng bào hướng về Tổ quốc, nhận thức và hành động phù hợp với lợi ích quốc gia – dân tộc; có chính sách thu hút nguồn lực của kiều bào… Những nội dung này được cụ thể hóa trong Kết luận 12 của Bộ Chính trị và Nghị quyết 169 của Chính phủ thể hiện trên các mặt:

Tăng cường hơn nữa công tác về người Việt Nam ở nước ngoài trong tình hình mới - ảnh 1Ông Ngô Trịnh Hà, PCN Ủy ban NN về NVNONN

Về công tác đại đoàn kết, có 2 điểm: nâng cao nhận thức và ý thức trách nhiệm trong thực hiện chủ trương đại đoàn kết toàn dân tộc của Đảng và Nhà nước đối với đồng bào VNONN. Mặc dù trong những năm qua, công tác NVNONN nói chung và công tác đại đoàn kết đối với NVNONN ngày càng được ban, bộ, ngành, địa phương, tổ chức chính trị - xã hội quan tâm và chú trọng triển khai, nhưng có nơi, có lúc công tác này vẫn chưa được quan tâm đúng mức. Nghị quyết 36 và Chỉ thị 45 của Bộ Chính trị đã chỉ ra vấn đề này. Đến Kết luận 12, việc nâng cao nhận thức và ý thức trách nhiệm được đề cập chính thức trong văn bản chỉ đạo của Bộ Chính trị. Việc vận động hướng tới kiều bào trẻ, lực lượng nòng cốt, những người có uy tín, ảnh hưởng trong cộng đồng và những kiều bào còn định kiến.

Về công tác hỗ trợ cộng đồng,  kết luận 12 chỉ ra những biện pháp tổng thể bao gồm hỗ trợ bà con ổn định cuộc sống ở sở tại và hỗ trợ bà con giữ gìn tiếng Việt, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc. Kết luận 12 nhấn mạnh các nội dung đáng chú ý: đó là, triển khai biện pháp tổng thể chăm lo, hỗ trợ đồng bào ta, nhất là ở những địa bàn khó khăn, có địa vị pháp lý vững chắc, ổn định cuộc sống, phát triển kinh tế và hòa nhập thuận lợi vào xã hội sở tại. Điều này thể hiện rõ hơn tình cảm và trách nhiệm của Đảng và Nhà nước trong việc chăm lo cho cộng đồng NVNONN. Nâng cao hiệu quả công tác bảo hộ công dân, quản lý lao động, du học sinh… và  đổi mới, nâng cao hiệu quả, phương thức dạy và học tiếng Việt.

PV: Tới thời điểm này, Bộ Ngoại giao với trách nhiệm là cơ quan chủ trì đã phối hợp với các bộ,ngành, địa phương  triển khai những nội dung gì?

PCN Ngô Trịnh Hà: Sau khi Kết luận 12 của Bộ Chính trị và Nghị quyết 169 của Chính phủ được ban hành, các ban, bộ, ngành, địa phương, tổ chức chính trị - xã hội đã tích cực triển khai. Nhiều cơ quan, địa phương đã chủ động tổ chức hội nghị quán triệt và triển khai Kết luận 12 và Nghị quyết 169. Đến nay, có khoảng 40 ban, bộ, ngành, địa phương, tổ chức chính trị - xã hội đã xây dựng và ban hành kế hoạch, chương trình hành động triển khai Kết luận 12 và Nghị quyết 169 theo chức năng, nhiệm vụ được giao. Về phía Bộ Ngoại giao, ngày 24/3/2022 vừa qua, Bộ Ngoại giao đã ban hành Chương trình hành động thực hiện Chương trình hành động của Chính phủ. Bộ Ngoại giao cũng đang chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng 04 Đề án để triển khai nhiệm vụ chăm lo cho đồng bào ta tại các địa bàn khó khăn, tăng cường hơn nữa đại đoàn kết dân tộc với đồng bào ở nước ngoài, phát huy nguồn lực của NVNONN đóng góp vào sự phát triển của đất nước và giữ gìn bản sắc văn hoá dân tộc.

PV: Ông có thể chia sẻ những kết quả nổi bật trong công tác về NVNONN cho đến thời điểm hiện tại sau Kết luận 12/KL của Bộ Chính trị và Nghị quyết 169/NQ của Chính phủ?

PCN Ngô Trịnh Hà: Đối với công tác đại đoàn kết, ngay khi KL 12 của Bộ chín trị đươc ban hành, Bộ Ngoại giao đã phối hợp với các bộ, ban ngành xây dựng các biện pháp làm sao tăng cường khối đại đoàn kết dân tộc. Việc triển khai Đề án không chỉ nâng cao hơn nữa ý thức của các cơ quan mà còn biến ý thức thành những hành động cụ thể, đạt được những mục tiêu cụ thể. Chuyến thăm của lãnh đạo cấp cao, lãnh đạo Bộ ngoại giao đều có những hoạt động gặp gỡ, tiếp xúc, lắng nghe những ý kiến đóng góp và giải đáp những phản ánh của bà con. Việc ta duy trì tiếp xúc với các nhân vật trước đây từng có định kiến không chỉ góp phần khẳng định chủ trương nhất quán về công tác này mà còn tạo hiệu ứng lan toả trong cộng đồng. Về công tác thực tế, thì người Việt ở Campuchia còn nhiều khó khăn. Chúng tôi đã triển khai hàng loạt biện pháp để hỗ trợ bà con về các mặt như là địa vị pháp lý, việc học ngôn ngữ Khmer, văn hóa, pháp luật để hòa nhập tốt hơn vào xã hội sở tại; hỗ trợ người gốc Việt vượt qua khó khăn do dịch bệnh Covid-19. Về người Ucraina, trước tình hình chiến sự, Bộ Ngoại giao đã thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ trong công tác bảo hộ công dân với người Việt tại Ucraina, trên tinh thần thể hiện rõ, trách  nhiệm và tình cảm của đồng bào ta tại Ucraina. Cho tới nay, Bộ Ngoại giao đã phối hợp với các cơ quan liên quan ở trong và ngoài nước, cũng như với các hội đoàn người Việt tại Ucraina đã tổ chức sơ tán và đưa bà con về nước an toàn.

PV: Xin ông cho biết trọng tâm của công tác đối với NVNONN trong thời gian tới?

PCN Ngô Trịnh Hà: Hiện nay, Bộ Ngoại giao đang phối hợp với các bộ, ban, ngành, địa phương có biện pháp chăm lo tổng thể cho bà con người Việt ở nước ngoài. Tôi hy vong trong thời gian sớm nhất, sẽ có nhiều giải pháp mang tính tổng thể. Hiện nay, Bộ ngoại giao dự kiến thành lập Ban chỉ đạo công tác bảo hộ công dân do 1 đồng chí lãnh đạo Bộ đứng đầu và các ban, vụ, cục trọng bộ làm thành viên. Đối với công tác vận động, chúng tôi phối hợp với các bộ, ban, ngành, địa phương tăng cường thu hút nguồn lực của NVNONN phục vụ phát triển đất nước, cải thiện môi trường xuất nhập cảnh và đầu tư kinh doanh của bà con về quê hương. Tổ chức nhiều hội thảo, tọa đàm kết hợp trực tiếp và trực tuyến nhằm kết nối kiều bào ở nhiều nước trên thế giới; phối hợp tổ chức và các địa phương, hội đoàn doanh nhân, trí thức người Việt ở nước ngoài tổ chức; hỗ trợ kết nối doanh nghiệp, trí thức kiều bào với địa phương. Chúng tôi hướng tới kiều bào trẻ, lực lượng nòng cốt, những người có uy tín, ảnh hưởng trong cộng đồng. Trong thời gian tới, chúng tôi rất mong tiếp tục nhận được sự ủng hộ của lãnh đạo Đảng, Nhà nước cũng như của các ban, bộ ngành địa phương để chúng tôi có thể thực hiện và triển khai được các yêu cầu đã được nêu trong Kết luận 12 của Bộ chính trị và Nghị quyết 169 của Chính phủ.

PV: Xin cảm ơn ông

- Hiện có khoảng 5,3 triệu người Việt sinh sống, làm việc trên 130 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó hơn 80% là ở các nước phát triển. Vị thế và uy tín của cộng đồng người Việt Nam trong xã hội sở tại ngày càng được nâng cao; có vai trò và ảnh hưởng ở mức độ khác nhau tới quan hệ hữu nghị giữa các nước với Việt Nam và là đại diện văn hoá Việt Nam ở các nước, giới thiệu văn hoá, truyền thống, con người Việt Nam với bạn bè quốc tế. Kiều bào ngày càng trở thành nguồn lực quan trọng đóng góp cho sự phát triển của đất nước, cả về nguồn lực kinh tế, tri thức và nguồn lực “mềm”, đóng góp cho xây dựng thương hiệu quốc gia và là cầu nối quan hệ giữa Việt Nam và các nước.

- Về tri thức, có khoảng 500.000 chuyên gia, trí thức NVNONN, chiếm tỷ lệ 10% trong cộng đồng NVNONN, đang làm việc tại các cơ sở khoa học, các viện nghiên cứu, các trường đại học và các cơ sở kinh doanh ở nước ngoài.

- Về kinh tế, nhiều doanh nhân kiều bào đã thành danh và góp mặt trong danh sách các tỷ phú thế giới.

- Về chính trị, một số nhân vật gốc Việt đã tham gia chính trường sở tại ở các cấp độ khác nhau.

- Về đầu tư trực tiếp, đến hết năm 2021, có 376 dự án với tổng vốn đăng ký hơn 1,7 tỷ USD. Ngoài ra, có hàng nghìn doanh nghiệp có vốn góp của kiều bào.

- Kiều hối tăng trưởng trung bình 6% hàng năm. Năm 2021, lượng kiều hối của Việt Nam ở mức 18,1 tỷ USD (theo Ngân hàng Thế giới), tương đương gần 5% tổng thu nhập quốc gia. Lượng kiều hối lũy kế từ năm 1993 đến nay đạt khoảng 175 tỷ USD, đưa Việt Nam trở thành một trong những nước nhận kiều hối lớn nhất thế giới

- Năm 2022, các hoạt động thường niên dành cho NVNONN được duy trì và tiếp tục tổ chức như: Xuân Quê hương; Đoàn kiều bào về dự Quốc giỗ vua Hùng; Đoàn kiều bào thăm Trường Sa, Trại hè Việt Nam … nhằm thực hiện có hiệu quả Kết luận 12 và Nghị quyết 169.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu