Socodevi bạn đồng hành tin cậy của HTX kiểu mới Việt Nam

Hà Linh
Chia sẻ
(VOV5) - VCED giúp nông dân phát triển chuỗi giá trị sản phẩm theo vùng miền như nho  Ninh Thuận, thanh long Bình Thuận, bưởi  Bến Tre, chế biến sữa Sóc Trăng và Lâm Đồng.

Tổ chức Socodevi ở Quebec,Canada là một tổ chức phi lợi nhuận gồm các hợp tác xã (HTX) và các tổ chức tương trợ, hoạt động với mục đích chia sẻ kiến thức chuyên môn, kinh nghiệm thực tiễn và hợp tác với các Liên minh HTX ở nhiều nước trong đó có Việt Nam. Gần 20 năm qua Socodevi luôn đồng hành và đóng góp cho sự phát triển kinh tế Việt Nam.

Trong hỗ trợ Việt Nam thành lập mô hình HTX kiểu mới, Socodevi đặc biệt chú trọng giúp xã viên tăng khả năng quản lý rủi ro tiếp cận vốn vay, xây dựng giá trị chuỗi sản phẩm và xúc tiến thương mại. Phóng viên VOV5 phỏng vấn bà Gaby Breton, trưởng đại diện Socodevi, đồng Giám đốc dự án VCED tại Việt Nam.

Nghe âm thanh phỏng vấn tại đây: 

PV: Socodevi đang cùng thực hiện với Bộ Nông nghiệp và phát triển Nông thôn 9 Bộ NN&PTNN) hỗ trợ xây dựng các Hợp tác xã kiểu mới với quy mô lớn ở các tỉnh thành. Xin bà cho biết đôi nét về Socodevi và dự án đang thực hiện ở Việt Nam?

Bà Gaby Breton: Socodevi là một mạng lưới gồm nhiều hợp tác xã tại Canada với nhiệm vụ giúp đỡ các hợp tác xã tại các nước đang phát triển trong đó có Việt Nam với 2 nhiệm vụ chính. Thứ nhất là cải thiện khung pháp lý tạo điều kiện sự phát triển mô hình hợp tác xã thời kỳ mới tại Việt Nam và nhiệm vụ thứ 2 là triển khai những hoạt động thực tế tại các địa phương ở Việt Nam.

Tại Việt Nam, dự án Phát triển Doanh nghiệp HTX Việt Nam (VCED) được triển khai từ năm 2015 - 2021. Dự án có nguồn ngân sách gần 220 tỷ đồng, với khoảng 10.000 thành viên hưởng lợi. Theo mô hình đó, VCED giúp nông dân phát triển chuỗi giá trị sản phẩm theo vùng miền như nho  Ninh Thuận, thanh long Bình Thuận, bưởi  Bến Tre, chế biến sữa Sóc Trăng và Lâm Đồng.

Socodevi bạn đồng hành tin cậy của HTX kiểu mới Việt Nam - ảnh 1Bà Gaby Breton và nông dân trồng thanh long ở Bình Thuận. Ảnh VCED

Với các HTX này, chúng tôi giúp họ nâng cao năng lực quản trị tiếp cận thị trường, chất  lượng sản phẩm, đặc biệt là giúp xã viên quản lý rủi ro. Người nông dân Việt Nam chăm chỉ, thông minh, giàu kinh nghiệm sản xuất nên chúng tôi muốn hỗ trợ để hướng đến phát triển nông nghiệp tập thể bền vững theo mô hình HTX kiểu mới 2012.

PV: Thưa bà, bên cạnh những kết quả ban đầu,trong quá trình triển khai, dự án gặp những khó khăn gì? Như tôi thấy rằng hiện nay có không ít người dân Việt Nam vẫn định kiến về mô hình HTX thời trước đó.?

Bà Gaby Breton: Trong quá trình triển khai, đến nay chúng tôi ghi nhận có nhiều bứt phá nhất định. Chuỗi sản phẩm mà VCED hỗ trợ phát triển đã từng bước khẳng định thương hiệu trong nước như Bưởi Bến Tre, Nho Ninh Thuân, thanh Long Bình Thuận, có những lô hàng xuất khẩu sang Canada, Châu Âu. Tuy nhiên, trong quá trình đó, dự án cũng gặp không ít khó khăn đặc biệt là nhiều hộ gia đình vẫn còn suy nghĩ cố hữu, định kiến về HTX, từ chối tham gia. Vì thế, vấn để lớn nhất là truyền thông làm sao để họ hiểu được lợi ích khi tham gia vào mô hình phát triển kinh tế Nông nghiệp tập thể này. Vấn đề thứ hai là phát triển kinh doanh dịch vụ HTX, quản trị HTX công bằng minh bạch để xã viên luôn có động lực, tiếp tục ở lại đóng góp cho sự phát triển HTX.

Socodevi bạn đồng hành tin cậy của HTX kiểu mới Việt Nam - ảnh 2Lô thanh long đầu tiên của HTX Thanh Bình xuất khẩu sang Canada ngày 18/03/2020. Ảnh VCED

PV: Người nông dân không bao giờ quản ngại vất vả nhưng nỗi lo thường trực của họ là rủi ro do thiên tai, dịch bệnh hay biến động giá cả thị trường. Trên thực tế, những yếu tố như được mùa rớt giá, mất mùa, xâm nhập mặn, dịch bệnh không tránh khỏi khiến người nông dân lao đao. Thông qua dự án VCED, Socodevi có giải pháp gì để giúp người sản xuất chủ động ứng phó với rủi ro?

Bà Gaby Breton: Về quản lý rủi ro thì mục tiêu của Socodevi chính là cần phải xem xét lại những lần triển khai, hoạt động của HTX thời kỳ trước, rút ra bài học về sự thất bại, từ đó tạo ra nền tảng cho một chương trình mới. Thông qua hỗ trợ HTX giúp bà con tận dụng tối đa khả năng, kinh nghiệm sáng kiến, tạo ra chuỗi giá trị sản phẩm, xây dựng thương hiệu, tăng khả năng cạnh tranh, tiếp cận các nguồn vốn vay hợp lý. Liên quan đến yếu tố khách quan như thiên tai, dịch bệnh thông qua triển khai dự án tại địa phương, chúng tôi thấy cần phải từng bước hướng người nông dân nhận thức rằng, bảo hiểm nông nghiệp là lựa chọn cần thiết, mang lại hiểu quả thiết thực cho phát triển bền vững.

Tham gia bảo hiểm sẽ giúp họ ứng phó tốt hơn với những bất thường xảy ra. Vai trò của Socodevi đang mức độ giúp bà con kết nối liên kết với đối tác, giúp bà con thiết kế các quỹ hay chương trình bảo hiểm phù hợp. Từ cơ sở đó sẽ dần hoàn thiện cơ chế chính sách về quản lý rủi ro tốt nhất có thể.

PV: Trong giai đoạn cuối từ nay đến 6/2021, Socodevi cùng VCED có những hoạt động trọng tâm nào, thưa bà?

Bà Gaby Breton: HTX là hợp phần 1 là hoạt động tại địa bàn và hợp phần thứ 2 của dự án là về chính sách, chúng tôi làm việc với các cơ quan ban ngành, trung ương để hoàn thiện cơ chế, từ đó có điều chỉnh khung pháp lý, tạo điều kiện thuận lợi để các HTX vận hành tốt trong thực tế, tạo ra lợi ích thiết thực cho thành viên HTX một cách tối đa. Ở giai đoạn cuối, nhiệm vụ của Socodevi còn là thuc đẩy sự thảo luận, trao đổi kinh nghiệm với đối tác Việt Nam về quản lý rủi ro trong Nông nghiêp, tăng khả năng tiếp cận nguồn tài chính cho các HTX Việt Nam.

Socodevi bạn đồng hành tin cậy của HTX kiểu mới Việt Nam - ảnh 3Món nem chay được chế biến từ quả bưởi BếnTre. Ảnh VCED. 

Ở mức độ này, với những gì VCED đang làm thì Socodevi đóng vai trò kết nối, phát triển tín dụng nông nghiệp, tổng hợp từ thực tế để tạo ra một nền tảng cho các chương trình bảo hiểm tốt nhất cho xã viên. Thời điểm này, chúng tôi đang đẩy nhanh tiến độ hỗ trợ đào tạo nhân lực khởi nghiệp, tôn vinh sản phẩm có chất lượng, xúc tiến thương mại sang Canada. Hi vọng rằng chính phủ Canada tiếp tục hợp tác cùng đối tác Việt Nam thực hiện thêm những dự án khác.

PV: Xin trân trọng cảm ơn Bà!

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu