Ông Phạm Gia Hậu: “Hội làng làm cho người Việt hòa nhập tốt hơn tại Cộng hòa Séc“

Hoàng Hướng
Chia sẻ
(VOV5) - Hai năm gần đây, những hội làng của cộng đồng người Việt đã diễn ra, và nó hiệu quả hơn rất nhiều so với những chương trình văn hóa mà chúng ta đã làm trước đó.

Tháng 7/2013, cộng đồng người Séc gốc Việt, được Chính phủ CH Séc công nhận là dân tộc thiểu số thứ 14 của nước này. Với quy chế là một dân tộc thiểu số, cộng đồng người Việt tại Séc sẽ có điều kiện và được hỗ trợ kinh phí từ ngân sách để phát triển về văn hóa, truyền thống và đặc biệt là ngôn ngữ của dân tộc mình. Vậy sau dấu mốc 4 năm đó, đời sống của bà con đã có những thay đổi như thế nào? Phóng viên VOV5 phỏng vấn ông Phạm Gia Hậu, Phó Chủ tịch Hội văn học nghệ thuật Việt Nam tại Cộng hòa Séc về sự chuyển biến trong đời sống văn hóa – tinh thần của cộng đồng. 

Ông Phạm Gia Hậu: “Hội làng làm cho người Việt hòa nhập tốt hơn tại Cộng hòa Séc“ - ảnh 1

Ông Phạm Gia Hậu (đứng giữa) trong một sự kiện văn hóa của cộng đồng

Nghe âm thanh phỏng vấn tại đây:

PV: Thưa ông, là một người hoạt động trong lĩnh vực văn hóa – nghệ thuật, ông có thể cho biết những thay đổi trong đời sống của cộng đồng người Việt Nam tại Cộng hòa Séc trong thời gian gần đây?

Ông Phạm Gia Hậu: Đến nay là đã 4 năm cộng đồng người Việt được công nhận là dân tộc thiểu số tại CH Séc. Với bước ngoặt đó, tôi thấy có sự chuyển biến rất rõ rệt. Thực sự tôi rất mừng khi nhìn thấy sự chuyển biến trong sự gắn kết, mang tính chất xây dựng nền móng chặt chẽ giữa cộng đồng người Việt và người dân CH séc. Điều này không chỉ như trước kia, là sự ngoại giao giữa hai dân tộc mà bây giờ nó là sự gắn kết như các làng xã ở Việt Nam, như là tình nghĩa hàng xóm láng giềng. Có thể tưởng tượng như tại một quận ở CH Séc sẽ có vài chục ngôi nhà Việt, có vợ chồng, con cái, bạn bè. Vài chục gia đình đó họ sẽ tổ chức những chương trình văn hóa mà người Việt mình thường xem đó là Hội làng.

PV: Những chương trình mang tính chất như hội làng của người Việt, nhưng lại được tổ chức ở một nơi rất xa quê hương – điều đó có khó khăn hay không? Và nó đem lại những kêt quả như thế nào thưa ông?

Ông Phạm Gia Hậu: Để làm nên những chương trình đó, cộng đồng người Việt tại các khu vực đó cũng rất cố gắng. Khi phong trào văn hóa của cộng đồng người Việt mạnh lên đến mức họ thấy cần phải tách ra từng làng, theo từng khu vực làng xã, và những ngày văn hóa được tổ chức rất tốt. Thông qua những hoạt động như vậy thì chính quyền sở tại của CH Séc cũng tài trợ và quan tâm. Đây cũng là điều khẳng định rằng cộng đồng người Việt đã thực sự hòa nhập với cộng hòa Séc. Hơn thế nữa, những người bạn sống cùng chung với nhau trên một lãnh thổ - điều này rất quan trọng. Hai năm gần đây, những hội làng thế này đã diễn ra, và nó hiệu quả hơn rất nhiều so với những chương trình văn hóa mà chúng ta đã làm trước đó. Những chương trình trước kia mang tính chất đông đảo và chung cho tất cả các cộng đồng, như cộng đồng người Việt, cộng đồng người Ucraina, cộng đồng Mông Cổ hoặc cộng đồng người dân tộc khác của CH Séc, cũng có sự quan tâm của một số người nhưng không thiết thực như bây giờ. Bởi vì các Hội làng hiện nay của người Việt đã làm những người hàng xóm hiểu người Việt mình hơn. Đó là việc chúng ta đi sâu vào hơn vấn đề hội nhập, và thông qua những hoạt động như vậy thì ẩm thực Việt Nam, phong tục tập quán của những người dân Việt Nam theo từng vùng miền sẽ được giới thiệu tới các bạn bè là hàng xóm của mình biết được những món như bún cá Hải Phòng, phở Hà Nội hay phở Nam Định…  Cứ như vậy, ẩm thực Việt ngày càng đi sâu vào trong xã hội Séc.

PV: Quả thực, qua các thông tin cộng đồng thì có thể thấy món ăn Việt được người dân Séc rất đón nhận, không chỉ qua các hoạt động mà bà con ta vẫn cố gắng tổ chức một cách thường xuyên!

Ông Phạm Gia Hậu: Những năm gần đây có sự chuyển biến trong các nhà hàng Việt. Thông qua các hoạt động gắn kết như vậy, các nhà hàng Việt được bạn bè Séc yêu mến hơn. Cách làm các món ăn Việt cũng có người Séc biết làm nhưng họ vẫn muốn đến ăn ở các nhà hàng của Việt Nam. Nhưng qua các Hội làng lại khẳng định hơn về ẩm thực của Việt Nam, nó tạo nền móng vững chắc cho các nhà hàng Việt. Thông qua các cuộc gặp gỡ, người Séc sẽ tin tưởng hơn đối với tất cả các ngành nghề khác, kể cả lĩnh vực buôn bán, hay các tiệm làm móng tay… Có sự thân thiện khi đã tin nhau rồi. Ban lãnh đạo cộng đồng cũng như các anh chị em làm văn hóa chúng tôi nhìn thấy sự chuyển biến như vậy, và cũng trăn trở và bàn bạc làm sao cho những chương trình của chúng ta làm sẽ hiệu quả hơn, tốt hơn. Có những chương trình chúng ta làm mà không nhận được sự quan tâm, nhưng cũng có những chương trình có hiệu ứng tốt và rất thành công cả về mặt chính trị và xã hội. Nếu chúng ta không an cư, thì để lạc nghiệp rất khó. Vì vậy mà cộng đồng người Việt ở Séc đã vững vàng rồi, cộng đồng các hoạt động văn hóa mang tính chất làng xã thì sẽ tạo nên những kết quả tốt hơn nhiều cho cộng đồng mình.

PV: Xin cảm ơn ông.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu