Mùa thu tháng năm 1945, tại xã Tân Trào, tỉnh Tuyên Quang diễn ra Quốc dân Đại hội biểu thị quyết tâm cao nhất để giành lại chính quyền trong cả nước. Khí thế của đoàn quân giải phóng dưới gốc đa Tân Trào và lá cờ đỏ sao vàng bay phấp phới rầm rập lên đường tiến về giải phóng thủ đô Hà Nội, đã làm nên thành công của cuộc Tổng khởi nghĩa tháng 8 thành công đưa Việt Nam ta bước vào kỷ nguyên độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội. Hơn 75 năm đã trôi qua nhưng trong ký ức của nhiều người vẫn vẹn nguyên hình ảnh hào hùng đó. PV Hà Linh trò chuyện với ông Hoàng Ngọc, gần 90 tuổi, người dân tộc Tày xã Tân Trào (Sơn Dương) nghe ông kể về Chủ tịch Hồ Chí Minh, về mùa thu lịch sử 1945, với niềm kính yêu vô hạn.
Nghe âm thanh phỏng vấn tại đây:
Nhà ông Nguyễn Tiến Sự, nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh từng ở ngay khi từ Cao Bằng xuống Tuyên Quang. Ảnh Hà Linh |
PV. Khi Chủ tịch Hồ Chí Minh chuyển từ Cao Bằng xuống Tuyên Quang và chọn thôn Tân Lập, xã Tân Trào, huyện Sơn Dương là nơi làm việc. Lần đầu gặp Người để lại cho ông ấn tượng như thế nào?
Ông Hoàng Ngọc: Sau khi đại chiến thế giới lần thứ 2 sắp kết thúc, nhận thấy thời cơ giành lại đất nước đã đến, Bác Hồ và các cán bộ cách mạng quyết định từ Cao Bằng xuống Tuyên Quang tìm một địa điểm có thể tiện liên lạc với trong nước và nước ngoài. Cho nên Bác chọn xã Kim Long làm nơi căn cứ chỉ huy cuộc cách mạng giải phóng dân tộc. Ngày 21/05/1945, từ Pắc Pó về đến đây khoảng 4h chiều, Bác ở nhà ông Tiến Sự.Ở được 1 tuần, Bác lên lán Nà Lừa, chân núi Hồng. Một hôm Bác hỏi bố tôi “Chú Nguyên ở đây, có vườn chè không nào không? Bố tôi trả lời: "Dạ có ah, gần đây có một nương chè". Bác nói “Thế được rồi- Không có canh lấy nước chè chan cơm cũng được’. Đó là những câu nói mà tôi nhớ nhất bởi vì hồi đó khoảng 10 tuổi, tôi hay đi theo bố. Bác Hồ cứ hay gọi tôi Cu Ngọc đây. Cho nên, nhà tôi cũng luôn là nơi Bác Hồ tiếp khách. Ấn tượng đầu tiên về Bác là Người có đôi mắt sáng, rất hiền từ, vui tính. Ai ai, từ già trẻ lớn bé ở trong làng đều yêu quý Bác lắm. Người lớn gọi Bác là đồng chí Già, là ông Ké...
Ông Hoàng Ngọc và bà Lưu Thị Đức, thôn Tân Lập, xã Tân Trào xem ảnh kỷ niệm
ngày Bác Hồ về thăm Tân Trào năm 1961. Ảnh: H.Linh |
PV. Vâng, ngày 16/8/1945, tại đình Tân Trào diễn ra Quốc dân Đại hội ra quyết định Tổng khởi nghĩa giành lại chính quyền trong cả nước. Đây được coi là mốc son lịch sử vẻ vang của Cách mạng Việt Nam. Trong hồi ức của mình, ông còn nhớ không khí của sự kiện năm đó không?
Ông Hoàng Ngọc: Tôi nhớ như in. Tháng 7 năm đó, Bác ốm rất nặng, nhân dân trong làng đều đi tìm thuốc về để chữa cho Bác. May sao có một bà ở dưới Đại Từ biết thuốc người Dao, Mán lấy về cho Bác tắm. Rồi cùng nhiều loại thuốc vào, Bác đỡ dần dần. Một hôm, Đại tướng Võ Nguyên Giáp khi đó gọi là chú Văn xin ngủ lại trông Bác ở trên lán. Sau tôi nghe bố kể là, tối đó Bác Hồ nói bác Võ Nguyên Giáp rằng “Lúc này thời cơ thuận lợi đã tới, dù hy sinh tới đâu, dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải kiên quyết giành cho được độc lập”.
Đình Tân Trào (đình Kim Long). Chính tại đây, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Trung ương Đảng chọn để họp Quốc dân Đại hội trong 2 ngày 16 và 17/8/1945 |
Quán triệt tinh thần của Bác, Trung ương Đảng họp ngay tại lán và định ra vấn đề mở Quốc dân Đại hội, thành lập Chính phủ lâm thời do lãnh tụ Hồ Chí Minh làm Chủ tịch. Buổi sáng ngày 16 họp, đến chiều nghe tình hình Nhật đầu hàng, Bác nhanh chóng yêu cầu đồng chí Võ Nguyên Giáp xuất quân từ trường quân chính kháng Nhật ( (thành lập 15/05/1945) tiền thân của trường sĩ quan lục quân bây giờ. Sau đó, đội quân tập trung ở dưới cây đa Tân Trào. Sau khi tướng Võ Nguyên Giáp đọc quân lệnh số 1 xong, ông Đàm Quang Trung cầm lá cờ tuyên thệ. Tiếng hô “Quyết tâm” của đội quân hơn 200 người vang dậy cả núi rừng. Sau 3 phát súng, đoàn quân từ từ tiến về Hà Nội để bảo vệ cho cuộc Tổng khởi nghĩa 19/8, trước sự chứng kiến của nhân dân địa phương và của các đại biểu về dự Quốc dân đại hội.
Sau khi đoàn quân đi, ở nhà Đại hội tiếp tục họp. Hôm đó, tôi vinh dự được có mặt trong đoàn đại biểu Nam Phụ Lão Ấu (gồm đàn ông, phụ nữ, người già và trẻ nhỏ). Chúc mừng Đại hội, Đoàn mang theo gạo, gà và 1 con bò. Tôi nhớ, bác Trần Huy Liệu ra đón tiếp. Vào trong đình xếp hàng ngay ngắn, người lớn đứng sau, trẻ con đứng trước. Lúc sau, Bác Hồ xuống nói chuyện, cảm ơn sự ủng hộ của người dân làng Kim Long. Người nói một số đường lối cách mạng. Xoa đầu tôi và anh Khoái (con ông Tiến Sự) rồi Bác nói trước Quốc dân Đại hội rằng, chúng ta phải làm thế nào để các cháu có đủ cơm ăn áo mặc, có cuộc sống ấm no. Lời nói đó, tôi xúc động vô cùng và nhớ mãi.
Ông Hoàng Ngọc xúc động kể chuyện về
Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ảnh nvcc |
PV: Vâng, tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh luôn có sức sống trường tồn. Bởi, những lời dạy của Người luôn giản dị, tình cảm và rất sâu sắc. Trong cuộc đời của mình, Ông đã thấm nhuần những lời căn dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh như thế nào?
Ông Hoàng Ngọc: Những gì Bác dạy in rất rõ trong đầu tôi. Ví dụ như Bác phát động phong trào thi đua, phong trào thể dục, học chữ xóa mù. Đặc biệt, Bác rất tài viết thành bài thơ, bài vần, bài hát cho dễ nhớ…Hay cả vấn đề địa dư nước Việt Nam- dân ta biết chữ ta, dân ta phải biết sử ta… tôi thuộc hết. Bác dạy mọi cái chi tiết, nghe vào tai lắm. Mấy ông ở Bảo tàng nói sao tôi thuộc nhiều thế. Tôi nói, vì tôi một lòng sắt son theo Bác, thơ Bác kể cả những phương châm sống, cách đối nhân xử thế của Chủ tịch Hồ Chí Minh, tôi thuộc hết. Những lời Bác dạy luôn in trong trái tim tôi rồi và lúc nào tôi cũng thực hiện theo. Cho nên, tôi mới có như ngày nay, có cuộc sống sung sướng như thế này.
PV: Thấm sâu lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh, luôn ghi nhớ và làm theo, ông và rất nhiều người con ưu tú của Tuyên Quang luôn tự rèn luyện phấn đấu, trở thành những công dân có ích, góp phần xây dựng quê hương phát triển như ngày nay.?
Ông Hoàng Ngọc: Nhiều điều Bác nói và căn dặn gì tôi nhớ rõ lắm. Tôi nhớ như in. Suốt cuộc đời hơn 3 chục năm quân ngũ tôi luôn nhớ và làm theo lời Người dạy. Có vị cán bộ ra lệnh mà không đúng, tôi nói luôn “những gì có hại cho đồng đội cho dân, cho Nhà nước” không bao giờ tôi chấp hành. Người dân Tuyên Quang chúng tôi luôn chung thủy với Đảng, Bác Hồ và Cách mạng. Có cuộc sống no ấm như thế này, mới thấy công ơn của Đảng, đã luôn quan tâm đến đời sống người dân tộc chúng tôi. Những thế hệ kế thừa của Tuyên Quang thực hiện theo lời Bác nên đã nâng cao dân trí cho người dân tộc thiểu số, phát triển làng văn hóa- tăng cường khối đại đoàn kết dân tộc. Rồi, đưa khoa học kỹ thuật, cây con giống mới hướng dẫn bà con nên mùa màng ngày càng bội thu. Đảng đã mang đến chúng tôi điện đường trường trạm, khang trang đẹp lắm. Đời sống ngày càng ấm no, hạnh phúc.
PV. Vâng, cảm ơn ông về câu chuyện kể về Chủ tịch Hồ Chí Minh và thêm hiểu về một thời lịch sử hào hùng của dân tộc. Dạ, xin chúc ông luôn dồi dào sức khỏe và nhiều niềm vui.