Những điều cần lưu ý trong bức tranh nhiều màu sáng của kinh tế Quý I/2022

Thu Trang
Chia sẻ
(VOV5) - Phóng viên Đài TNVN phỏng vấn chuyên gia kinh tế Nguyễn Bích Lâm – Nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Nỗ lực phục hồi kinh tế nước nhà đang có những tín hiệu tích cực khi Tổng cục Thống kê, Bộ Kế hoạch và Đầu tư công bố: Tổng sản phẩm trong nước quý I ước tính tăng hơn 5% - là mức thấp so với tốc độ tăng 6,85% quý cùng kỳ 2019 (năm chưa chịu tác động của đại dịch Covid19) nhưng cao vượt trội so với cùng kỳ năm 2020 và 2021. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, áp lực lạm phát vẫn cao, rủi ro cho nền kinh tế vẫn hiện hữu, cần điều hành chính sách thiết thực hơn nữa, đặc biệt, cần sự nỗ lực của mọi thành phần kinh tế. 

Nghe âm thanh phỏng vấn tại đây: 

PV: Thưa ông, từ số liệu thống kê tình hình kinh tế Quý 1, ông quan tâm dòng thông tin nào nhất?

Ông Nguyễn Bích Lâm: Tôi thấy có mấy nét nổi bật, thứ nhất GDP tăng 5,03% cao hơn so với quý 1 năm 2020,2021 chứng tỏ kinh tế của chúng ta dần dần phục hồi, đặc biệt sản xuất công nghiệp, sản xuất nông nghiệp rất khá – đây vẫn là hai lĩnh vực quyết định tăng trưởng. Đặc trưng thứ 2 tôi thấy khá ấn tượng đó là đầu tư thực hiện tăng khá, vốn đầu tư thực hiện tăng khá, vốn đầu tư nhà nước và ngoài nhà nước đều tăng trên 9% cả - phản ánh rõ kinh tế vĩ mô ổn định. Đầu tư FDI tuy kêu gọi vốn đăng ký thấp nhưng giải ngân đạt 4,42 tỷ là cao nhất 5 năm qua, khẳng định niềm tin của các nhà đầu tư nước ngoài với nền kinh tế của chúng ta.

 Những điều cần lưu ý trong bức tranh nhiều màu sáng của kinh tế Quý I/2022 - ảnh 1Chuyên gia kinh tế Nguyễn Bích Lâm, 
nguyên Tổng cục trưởng, Tổng cục Thống kê
Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Ảnh BNEWS

Thứ 3, đó là thương mại quốc tế phát triển tốt thể hiện qua xuất nhập khẩu và xuất siêu 809 triệu đô, trong đó có 15 mặt hàng xuất khẩu đạt trên 1 tỷ đô – nêu lên thành tích đã vượt qua khó khăn đứt gãy chuỗi cung ứng rồi trong chi phí về vận tải và chi phí logistics rất cao. Thứ tư là ấn tượng về lao động việc làm. Qua chương trình phục hồi và phát triển kinh tế của Chính phủ đã từng bước phát huy hiệu quả. Số người 15 tuổi trở lên có việc làm tăng 962 nghìn so với quý trước và tăng 132 nghìn so với cùng kỳ trước – khá tích cực. Thu nhập bình quân người lao động cũng đã tăng so với quý trước. Số người thiếu việc làm giảm. Đó là 4 nét đặc trưng tôi nhìn thấy qua số liệu quý 1.

PV: Cũng chính từ bảng số liệu này, ông lo ngại những vấn đề nào có thể ảnh hưởng tới nền kinh tế trong một vài quý tới?

Ông Nguyễn Bích Lâm: Trong bức tranh kinh tế quý 1 với nhiều điểm sáng cũng còn có những gam màu chưa được sáng, nhiều mối quan tâm, đầu tiên đó là lĩnh vực nông nghiệp khi chăn nuôi gặp khó khăn do thức ăn chăn nuôi tăng giá cao vì chúng ta phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu. Thứ 2, khai thác thuỷ sản gặp khó khăn do giá xăng dầu tăng – nhiều tàu thuyền không ra khơi được. Trong xây dựng, chỉ tăng 2,57% - thấp hơn mức 2021, phản ánh khó khăn của ngành xây dựng khi triển khai giải ngân vốn đầu tư và thực hiện xây lắp gặp khó vì giá vật liệu tăng cùng nhiều vấn đề khác.

Trong bối cảnh Chính phủ đôn đốc mạnh chuyện giải ngân vốn đầu tư nhưng xây dựng chỉ tăng đến vậy chưa phải là điểm sáng của nền kinh tế. Điểm thứ 3, khu vực dịch vụ có một số ngành tăng trưởng khá cũng là động lực, tuy vậy ngành bán buôn bán lẻ tăng trưởng thấp phản ánh tổng cầu của nền kinh tế có phục hồi nhưng chậm.  Đặc biệt là khu vực doanh nghiệp. Doanh nghiệp đóng góp trên 60% GDP nhưng xét trên số liệu thành lập và giải thể thì Quý 1 có tổng thể 62 nghìn doanh nghiệp thành lập và quay lại hoạt động nhưng có đến hàng chục nghìn DN tạm ngừng kinh doanh và chờ giải thể. Cho nên, tình hình doanh nghiệp là nội dung cần được quan tâm thời gian tới với vai trò quan trọng của DN trong tăng trưởng kinh tế.

 Những điều cần lưu ý trong bức tranh nhiều màu sáng của kinh tế Quý I/2022 - ảnh 2Xuất khẩu thủy sản trong quý I/2022 tăng 47,2% so với cùng kỳ, đạt gần 1,5 tỷ USD.
Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN.

PV: Trên cơ sở đó ông khuyến nghị chính sách như thế nào để thời gian tới tiến trình phục hồi, phát triển kinh tế tốt hơn?

Ông Nguyễn Bích Lâm: Phải nói về chính sách, các bộ, ngành, Chính phủ đã khẩn trương xây dựng những chính sách rất là tinh tế và phù hợp, giữ ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát và thúc đẩy tăng trưởng. Chẳng hạn, trong chương trình phục hồi và phát triển kinh tế, một loạt gói hỗ trợ kinh tế, hỗ trợ doanh nghiệp rất là tốt, chẳng hạn gói cấp bù lãi suất 2% cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, các chính sách đó cần được khẩn trương thực hiện linh hoạt trong bối cảnh mới.

Chẳng hạn hiện nay chuỗi cung ứng gặp nhiều khó khăn, cần làm thế nào đảm bảo chuỗi cung ứng đó. Hay ở vấn đề nông nghiệp, cần có giải pháp xử lý về mặt phân bón, thức ăn gia súc; hay điều hành giá cả…để khu vực khai thác thuỷ sản có thể khai thác tốt thời gian tới khi đến mùa khai thác, khi biển yên lặng, có thể là hỗ trợ về mặt xăng dầu hay chương trình kích cầu trong nước chẳng hạn. Chúng ta đã giảm 2% thuế VAT, rất hay rồi nhưg thời gian qua lạm phát tăng cao, nếu tăng cao hơn nữa giảm 2% thuế VAT này sẽ không hiệu quả. Cần có nhiều giải pháp thêm nữa để kích cầu trong nước.

PV: Xin cảm ơn ông!

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu