Bueng Kan là tỉnh có diện tích nhỏ bé, nằm ở góc Đông Bắc của đất nước Thái Lan. Nơi đây có một cộng đồng người Thái gốc Việt hơn 400 người, với tổ chức Hội được thành lập hơn 20 năm. Thành công trong cuộc sống, bà con người Thái gốc Việt tại Bueng Kan vẫn đang trăn trở tìm về nguồn cội, gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc Việt. Phóng viên VOV5 phỏng vấn ông Lê Văn Dần, Chủ tịch Hội người Thái gốc Việt tỉnh Bueng Kan về những nội dung này.
Ông Lê Văn Dần - Chủ tịch Hội người Thái gốc Việt tỉnh Bueng Kan
|
Nghe âm thanh phỏng vấn tại đây:
PV: Thưa ông, cộng đồng người Thái gốc Việt tại tỉnh Bueng Kan hiện tại có bao nhiêu người, và tổ chức Hội có những hoạt động như thế nào?
Ông Lê Văn Dần: Tỉnh Bueng Kan có hơn 100 gia đình với hơn 400 hội viên người Thái gốc Việt. Phần nhiều kiều bào Việt Nam kinh doanh buôn bán, thành lập các công ty kinh doanh vàng bạc, vật liệu xây dựng… Con cháu kiều bào đều có công ăn việc làm ổn định, một số ra làm bác sĩ, giáo viên, luật sư. Bà con có tinh thần đoàn kết cao, có công việc gì đều giúp đỡ nhau. Trong năm, chúng tôi tổ chức họp mặt bà con 3 lần vào dịp sinh nhật Chủ tịch Hồ Chí Minh 19/5, ngày lễ quốc khánh 2/9 và ngày Tết nguyên đán. Đây là những dịp để gắn kết tình đoàn kết giữa bà con kiều bào trong tỉnh cũng như với các bà con ở tỉnh khác về cùng sum họp.
PV: Như ông chia sẻ, cộng đồng người Thái gốc Việt tại Bueng Kan có 100 gia đình, 400 người. Bà con khá thành công trong công việc kinh doanh, thành đạt trong cuộc sống. Là người đã gắn bó với công tác cộng đồng hơn 10 năm qua, theo ông, nguyện vọng của bà con đối với quê hương là gì?
Ông Lê Văn Dần: Bây giờ ở Bueng Kan, cái tâm của bà con đời đời hướng về Tổ quốc thân yêu. Có một vấn đề mà bà con luôn trăn trở là làm sao giữ được tiếng nói của dân tộc. Thế hệ thứ 2 của chúng tôi giờ cũng còn ít, chúng tôi nói tiếng Việt tốt, nhưng các cháu thế hệ thứ 3 và thứ 4 đa phần nghe và hiểu nhưng không đối đáp được. Chúng tôi rất mong muốn có các lớp để dạy cho các con em học tiếng Việt. Tôi suy nghĩ rất nhiều, và thấy rằng cần dạy cho bố mẹ trước, sau đó mới dạy cho các cháu nhỏ. Khi bố mẹ các cháu đã nói tốt tiếng Việt rồi thì khi các cháu về nhà sẽ học tiếng Việt được dễ dàng hơn.
PV: Với mong mỏi như vậy, Hội người Thái gốc Việt tại Bueng Kan đã có hướng mở lớp tiếng Việt như thế nào?
Ông Lê Văn Dần: Chúng tôi sẽ cùng nhau quyết tâm mở lớp dạy tiếng Việt để gìn giữ tiếng mẹ đẻ. Hiện tại chúng tôi đã có sẵn giáo trình rồi, chỉ còn tìm địa điểm để mở lớp nữa thôi. Trước hết sẽ dạy 2 ngày trong tuần, mỗi ngày học 1 tiếng rưỡi để thành nền nếp. Sau đó chúng tôi sẽ làm tiếp cho đến khi lớp học được thành công tốt đẹp.
PV: Vâng xin cảm ơn ông.