Ngày Tôn vinh tiếng Việt: góp phần gìn giữ văn hóa trong cộng đồng người Việt ở nước ngoài

Kim Lan
Chia sẻ
(VOV5) - Để xây dựng được một đề án tổng thể, thì ý kiến của các chuyên gia, sự  phối hợp giữa các bộ, ngành và việc thông tin tuyên truyền có vai trò và ý nghĩa quan trọng. 

Như tin đã đưa, Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài vừa tổ chức Hội thảo lấy ý kiến xây dựng đề án ngày Tôn vinh tiếng Việt trong cộng đồng NVNONN. Ý kiến của các chuyên gia, các nhà khoa học và bộ, ngành cho thấy, với 5,3 triệu người Việt Nam đang sinh sống và làm việc tại 130 quốc gia và vùng lãnh thổ, tiếng Việt là niềm tự hào và là điểm tựa cho văn hóa Việt Nam. Vì vậy, lựa chọn ngày Tôn vinh tiếng Việt trong cộng đồng người Việt ở nước ngoài là thực sự cần thiết. Để xây dựng được một đề án tổng thể, thì ý kiến của các chuyên gia, sự  phối hợp giữa các bộ, ngành và việc thông tin tuyên truyền có vai trò và ý nghĩa quan trọng. Phóng viên Đài TNVN phỏng vấn ông Lương Thanh Nghị, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về Người Việt Nam ở nước ngoài về nội dung này:

 Nghe âm thanh tại đây:

PV: Ông có thể cho biết ý nghĩa của sự kiện ngày hôm nay để tiến tới có thể xây dựng đề án  Tôn vinh tiếng Việt trong cộng đồng người Việt ở nước ngoài?

Ông Lương Thanh Nghị: Chúng tôi triển khai đề này để tiến tới xây dựng đề án nhằm triển khai Kết luận 12 của Bộ chính trị về công tác Người việt  nam ở nước ngoài trong tình hình mới. Trong đó, có nêu là giao cho Bộ ngoại giao nghiên cứu, đề xuất để xây dựng Đề án ngày Tôn vinh tiếng Việt. Đây cũng là dịp để chúng tôi lắng nghe ý kiến của các nhà khoa học, các chuyên gia về ngôn ngữ, đại diện các bộ, ngành liên quan để tập trung vào các nội dung chính: một là, nội hàm của ngày Tôn vinh tiếng Việt; hai là, đề xuất để xác định ngày Tôn vinh tiếng Việt; thứ ba, xây dựng các hoạt động có liên quan để triển khai ngày  Tôn vinh tiếng Việt. Qua ý kiến của các chuyên gia, các nhà khoa học, bộ ngành đều cho thấy tính cấp thiết và ý nghĩa của việc xác định ngày Tôn vinh tiếng Việt. Hy vọng là trong quá trình xây dựng đề án, chúng tôi tiếp tục nhận được những ý kiến đóng góp rất là xác đáng cũng như là tâm huyết, quý báu của các nhà khoa học, chuyên gia ngôn ngữ, cũng như các bộ ngành liên quan để xây dựng đề án trình lãnh đạo cấp cao xem xét quyết định.

PV: Ủy ban với vai trò của mình sẽ thực hiện  bước đi đầu tiên như thế nào?

Ông Lương Thanh Nghị: Trước hết, chúng tôi phải phối hợp với các đơn vị trong bộ, cũng như là Bộ giáo dục và đào tạo, Bộ văn hóa thể thao và du lịch cùng một số cơ quan khác, để xây dựng các dự thảo đề án. Trên cơ sở lấy ý kiến thì chắc chắn sẽ phải trải qua rất nhiều dự thảo khác nhau để hoàn thiện.Và trong quá trình đó, chắc chắn chúng tôi sẽ phải tiếp tục tham khảo ý kiến của các chuyên gia, các nhà khoa học, các chuyên gia ngôn ngữ.

PV: Trong việc triển khai Nghị quyết 36 cũng như kết luận 12 của Bộ chính trị, gắn vào việc thực hiện đề án thì Ủy ban sẽ thực hiện  những công việc gì?

Ngày Tôn vinh tiếng Việt: góp phần gìn giữ văn hóa trong cộng đồng người Việt ở nước ngoài - ảnh 1

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài Lương Thanh Nghị
.Ảnh: VGP/ Tuấn Dũng

Ông Lương Thanh Nghị: Đề án là một hoạt động rất cụ thể trong giai đoạn hiện nay. Nhưng từ trước tới nay, thì chúng tôi luôn xác định việc hỗ trợ bà con của chúng ta gìn giữ văn hóa và dạy và học tiếng Việt là trọng tâm công tác, và rất nhiều hoạt động đã được tổ chức dành cho cộng đồng người Việt Nam cả ở trong nước và nước ngoài. Cụ thể, hiện nay, Ủy ban đang phối  hợp với Ban đối  ngoại Đài TNVN tổ chức cuộc thi kiều bào hát dân ca là cuộc thi hết sức có ý nghĩa. Mục đích cuối cùng cũng là để tôn vinh tiếng Việt, truyền cảm hứng cho cộng đồng của chúng ta để giữ gìn vẻ đẹp cũng như sự trong sáng của tiếng việt. Rất nhiều các hoạt động khác sẽ được tổ chức trong thời gian tới. Ví dụ Xuân quê hương năm nay, thì chúng tôi kiến nghị sẽ tiếp tục tổ chức cho bà con khi trở về nước đón Tết, thăm thân sẽ được tham dự chương trình  Xuân quê hương. Thứ hai, lớp tập huấn cho giáo viên kiều bào dạy tiếng Việt ở nước ngoài vẫn đang tiếp tục diễn ra tại khu vực Bắc Mỹ và Châu Âu. Có thể nói đề án này mang tính tổng thể toàn diện, liên quan tới văn hóa, giáo dục, liên quan tới tiếng Việt để làm sao triển khai một cách bài bản và hiệu quả hơn.

PV: Ông đánh giá như thế nào về công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức gìn giữ tiếng Việt trong cộng đồng người Việt ở nước ngoài, nhất là thế hệ thứ hai, thứ ba?

Ông Lương Thanh Nghị: Công tác thông tin, tuyên truyền nhằm góp phần nâng cao nhận thức cộng đồng, góp phần gìn giữ văn hóa, bản sắc dân tộc, cũng như là tiếng việt có ý nghĩa hết sức quan trọng. Chúng tôi đánh giá cao trong thời gian vừa qua, các cơ quan báo chí của Việt Nam rất tích cực tuyên truyền trong cộng đồng về những hoạt động ý nghĩa của bà con ở bên ngoài cũng như những hoạt động dành cho bà con ở trong nước. Các cơ quan lớn như Đài truyền hình Việt Nam, VTC, Đài Tiếng nói Việt Nam đều có những chương trình chuyên biệt về văn hóa, giáo dục dành cho kiều bào chiếm một thời lượng lớn. Những chương trình như vậy, chúng tôi  nghĩ có tác dụng khuyến khích, động viên, truyền cảm  hứng đối với các gia đình kiều bào. Từ đó, các gia đình tự thân vận động, nâng cao nhận thức cho con em mình trong việc gìn giữ văn hóa, tiếng Việt là điều hết sức quan trọng và có ý nghĩa.

Xin trân trọng cảm ơn ông

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu