Lý Sơn phát triển kinh tế biển gắn với du lịch – dịch vụ

Bảo Trang
Chia sẻ
(VOV5) - Tỉnh Quảng Ngãi đã ban hành quy hoạch xây dựng tỉ lệ 1/2000 của Lý Sơn, và chúng tôi lấy đó làm cơ bản để thực hiện phát triển dịch vụ - du lịch.

Những năm gần đây, Lý Sơn đang là điểm du lịch hấp dẫn thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước. Đây là điểm dừng chân lý tưởng bởi cảnh đẹp hoang sơ, thơ mộng và con người thân thiện. Những danh thắng hùng vĩ, di tích văn hóa lịch sử, những lễ hội đặc sắc cùng các cánh đồng hành, tỏi bạt ngàn… đã thu hút du khách gần xa đến với hòn đảo tiền tiêu này.

Bà Phạm Thị Hương, Phó Chủ tịch UBND huyện Lý Sơn trả lời phỏng vấn phóng viên VOV về các chương trình mà địa phương đã làm để cùng với người dân phát triển kinh tế biển gắn với du lịch – dịch vụ trên địa bàn.

Lý Sơn phát triển kinh tế biển gắn với du lịch – dịch vụ - ảnh 1

Bà Phạm Thị Hương

Nghe âm thanh phỏng vấn tại đây:

PV: Thưa bà, Lý Sơn là một điểm đến được khách du lịch lựa chọn nhiều trong thời gian gần đây. Địa phương đã có những chính sách như thế nào để hỗ trợ người dân làm du lịch?

Bà Phạm Thị Hương: Sau khi huyện Lý Sơn có điện lưới quốc gia năm 2014, trên cơ sở tiềm năng lợi thế mà tạo hóa đã ban cho Lý Sơn nhiều danh lam thắng cảnh, cộng với những di tích lịch sử trên địa bàn huyện, chúng tôi đã đặt ra nhiều vấn đề trong thực hiện nhiệm vụ phát triển dịch vụ - du lịch. Hiện nay tỉnh Quảng Ngãi đã ban hành quy hoạch xây dựng tỉ lệ 1/2000 của Lý Sơn, và chúng tôi lấy đó làm cơ bản để thực hiện các nội dung liên quan đến phát triển dịch vụ - du lịch. Từ đầu năm đến nay, lượng khách du lịch đến Lý Sơn đã tăng hơn rất nhiều so với cùng kỳ năm ngoái. Chúng tôi đã định hướng cho người dân làm du lịch: Thứ nhất là tập trung phát triển homestay và du lịch cộng đồng; Thứ hai là chúng tôi đề xuất bổ sung ngân sách của tỉnh trong việc tôn tạo, bảo tồn các di tích văn hóa trên địa bàn huyện. Lý Sơn có 4 di tích được công nhận di tích cấp quốc gia, nhiều di tích cấp tỉnh và nhiều danh lam thắng cảnh. Đặc biệt, hàng năm Lý Sơn đã tổ chức lễ khao lề thế lính Hoàng Sa để tri ân các vị hùng binh năm xưa ra giữ chủ quyền Hoàng Sa và Trường Sa. Chính các dòng tộc trong xã đã đứng ra tổ chức với tấm lòng tri ân. Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa rất có ý nghĩa trong việc bảo vệ chủ quyền của VN. Chính vì vậy chúng tôi cố gắng duy trì và phát huy những giá trị đáng quý đó.

Lý Sơn phát triển kinh tế biển gắn với du lịch – dịch vụ - ảnh 2

Trung tâm Lý Sơn về đêm

PV: Một vấn đề mà nhiều khu du lịch gặp phải, đó là giữ gìn môi trường – một vấn đề mà đối với một huyện đảo chắc chắn sẽ không phải dễ xử lý phải không thưa bà?

Bà Phạm Thị Hương: Trong việc bảo tồn các danh lam thắng cảnh, chúng tôi đã quản lý rất chặt chẽ. Tuy nhiên, với 22.000 dân trên đảo, cộng với lượng khác du lịch ssến Lý Sơn ngày càng nhiều đã đặt ra nhiều vấn đề. Về môi trường, chúng tôi đã có nhà máy xử lý rác thải có công suất 20-25 tấn rác/ngày. Bên cạnh đó, Huyện đã giao cho các ngành cùng chung tay trong việc hạn chế sử dụng túi nilon, và làm thí điểm tại đảo bé xã An Bình. Về lâu dài, chúng tôi đang làm đề xuất thu phí môi trường, tức là thu phí tham quan tển địa bàn huyện để lấy kinh phí này hỗ trợ việc dọn rác trên đảo. Để làm được cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền tới tất cả người dân và du khách khi đến với Lý Sơn.

Lý Sơn phát triển kinh tế biển gắn với du lịch – dịch vụ - ảnh 3

Quang cảnh từ một homestay trên Đảo Bé Lý Sơn

PV: Vâng đó là vấn đề về môi trường, còn về việc giữ gìn cảnh quan cho Lý Sơn – một huyện đảo vốn được yêu mến bởi vẻ hoang sơ, thì địa phương có các chủ trương như thế nào thưa bà?

Bà Phạm Thị Hương: Sau khi có những chủ trương, huyện bám vào quy hoạch 1/2000 và nhu cầu thực tế của Lý Sơn. Chúng tôi xác định không cần xây dựng nhiều nhà cao tầng hay khách sạn nhà hàng bởi khách khi đến với Lý Sơn thường rất thích trải nghiệm homestay và du lịch cộng đồng với các dịch vụ vui chơi giải trí. Vì vậy chúng tôi ưu tiên đầu tư vào các lĩnh vực này. Với đảo bé, chúng tôi không cấp phép xây dựng các công trình kiên cố để chờ quy hoạch bài bản, với mong muốn giữ lại được những nét hoang sơ. Người dân hiểu được lợi ích của những việc này nên họ chấp hành rất tốt. Còn đối với đảo lớn, chúng tôi hạn chế tối đa những nhà đầu tư xây các công trình lớn và bê tông hóa, chỉ tập trung vào những hạng mục mà huyện cần, thân thiện môi trường. Tất cả để giữ được hình ảnh Lý Sơn là một hòn đảo như trong mong ước của các du khách.

PV: Vâng xin cảm ơn bà.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu