Luật sư Hoàng Duy Hùng: Hòa hợp là một xu thế tất thắng

Hoàng Hướng
Chia sẻ

VOV5 - Luật sư Hoàng Duy Hùng, nguyên là nghị viên hội đồng thành phố Houston, thuộc tiểu bang Texas, Hoa Kỳ. Ông Từng là người có góc nhìn khác biệt về quê hương, đất nước Việt Nam.

Trở về quê hương Việt Nam dự lễ Giáng Sinh năm 2019 đã mang đến cho ông thông tin thực tế về nhiều khía cạnh của Việt Nam. Chúng ta cùng phóng viên Hoàng Hướng gặp gỡ luật sư Hoàng Duy Hùng trong câu chuyện những ngày cuối năm cũ, đầu năm mới này.

Phần 2

Nghe cuộc trò chuyện qua Radio

Phần 3

Tự do tôn giáo hiện hữu ngay ở Hà Nội 

Phóng viên: Chào anh Hoàng Duy Hùng. Cảm ơn anh. Tôi rất ngạc nhiên và không nghĩ là sẽ được gặp anh ở Hà Nội và nhất là tại Studio của Đài Tiếng nói Việt Nam. Mấy hôm nay anh về Hà Nội, đón Nô-en ở Hà Nội anh thấy thế nào?

Ông Hoàng Duy Hùng: Tuyệt vời anh Hướng ạ. Trước tiên, tôi xin kính chào tất cả quý vị khán thính giả của Đài VOV - Đài Tiếng nói Việt Nam. Đây là một niềm vinh dự cho tôi được anh Hướng mời đến Đài để cùng tương tác với anh trong sự cảm nghĩ của tôi về Việt Nam tại Hà Nội.

Thưa anh Hướng, tôi chưa bao giờ có một cảm giác đặc biệt ăn mừng lễ Nô-en như năm nay. Tôi sống và lớn lên tại hải ngoại từ năm 1975. Tôi đã từng đi ăn Nô-el tại Pháp, tại Anh, tại các thành phố lớn khác, nhưng chưa bao giờ tôi thấy người ta tràn xuống đường mừng Nô-en một cách tưng bừng giống như một lễ hội quốc gia. Tại vì số người vừa rồi tôi thấy ở quận Hoàn Kiếm đi tràn ra đến Bờ Hồ, đến  Nhà thờ Lớn chắc có lẽ cũng phải vài trăm ngàn người đến một triệu người. 

Chưa bao giờ tôi thấy người ta tràn xuống đường mừng Nô-en một cách tưng bừng giống như một lễ hội quốc gia.

Thành phố nơi tôi ở là Houston, Thánh lễ mà đông nhất, người Việt Nam tụ tập hết về khi có Đức Hồng Y đến, thì giỏi lắm cũng chỉ có khoảng tám chục ngàn người thôi, mà đó là kinh hoàng rồi! Nhưng ở đây, đâu phải tám chục ngàn người, coi như cả thành phố ăn mừng không phải chỉ riêng cho vấn đề tôn giáo mà tôi nghĩ rằng họ ăn mừng cho cả một nét văn hóa. Vì khi tôi đi ra đường, tôi gặp nhiều cụ không phải là người Công giáo. Các cụ là người Phật giáo, mà vẫn ăn mừng. Đó là một nét đặc biệt của Nô-en Hà Nội. Nó khác với Nô-en tại Vatican, khác với tại Pa-ri… là nét đặc thù của Hà Nội và tôi rất vinh dự được tham dự những ngày qua.

Phóng viên: Thưa anh, nhân nói đến việc người Việt đón Giáng sinh. Không chỉ năm nay. Cũng chia sẻ với anh là tôi sống ở Hà Nội nhiều năm, và năm nào cũng thế, cứ tối 24/12, khi mà bắt đầu chuẩn bị lễ Giáng sinh, hầu hết những tuyến phố chính của Hà Nội, đặc biệt là quanh hồ Gươm, quanh các nhà thờ thì đều rất đông đúc. Và người dân không kể có đạo hay không có đạo đều đi ra ngoài đường. Người có đạo thì đi dự Thánh lễ, không thì lại đi gặp gỡ bạn bè, chúc mừng nhau. Và có một nét đặc biệt của báo chí mấy năm nay có đưa tin, đó là cứ đến những ngày lễ trọng như thế này thì trong nhà thờ xuất hiện rất nhiều các vị hòa thượng, các nhà sư đến chúc mừng. Ngược lại, cũng như ngày lễ Phật Đản, nhà chùa thì lại có rất nhiều linh mục, các vị mục sư đến chúc mừng ngày lễ trọng của Phật giáo. Theo tôi, điều đó giờ đã trở thành một nét văn hóa, một nét đẹp trong đời sống. Không biết ý anh thế nào? Tôi cho rằng đó là điều mừng của người Việt mình trong nước với nhau.

Ông Hoàng Duy Hùng: Đó không chỉ là điều mừng, mà điều đó là một sự khuyến khích cho tương lai vì chúng ta đang có một tự do tôn giáo thực sự, có sự giao lưu thực sự của những tôn giáo lớn để góp phần đồng thuận với nhau. Cho nên, tôi nghĩ rằng, đây không những là một điều mừng, mà còn là một sự cần phải khuyến khích trong tương lai. Mà điều đó nó không dễ gì tìm thấy ở những quốc gia khác.

Có một điều hơi nghịch lý, không phải để chỉ trích ai, nhiều người ở nước ngoài người ta nói Việt Nam không có tự do tôn giáo. Họ cứ nói là giờ Việt Nam đàn áp tôn giáo. Cảnh Nô-en vừa rồi đã chứng minh cho thấy người dân tự do dự thánh lễ, làm mọi chuyện theo ý của họ. Rồi cả những chuyện như anh vừa nói, là chức sắc tôn giáo, các vị linh mục muốn làm gì thì làm và có sự giao lưu giữa tôn giáo với tôn giáo. Vậy thì những lời mà người ta nói nó không có sự thật.

Nhiều người ở nước ngoài người ta nói Việt Nam không có tự do tôn giáo. Họ cứ nói là giờ Việt Nam đàn áp tôn giáo. Cảnh Nô-en vừa rồi đã chứng minh cho thấy người dân tự do dự thánh lễ, làm mọi chuyện theo ý của họ. 

Anh em mình thì chủ trương làm sao cùng hướng về sự thật, nhằm tạo ra một sự đoàn kết dân tộc, chúng ta là phải có sự hòa hợp dân tộc. Cho nên, những cái gì mà họ nói nó không trúng thì mình không phải để mình phỉ báng họ. Nhưng mà mình nhắc khéo họ là không phải như vậy. Sự thật ngày hôm nay, ông Hoàng Duy Hùng tới đây. Tôi thấy rằng có tự do tôn giáo và sự giao lưu giữa các tôn giáo. Đó là một điều rất mừng và rất khuyến khích cho những ngày tháng tới.

Hà Nội đổi thay đến chóng mặt

Phóng viên: Ngoài việc đi dự lễ Giáng sinh vừa rồi, mấy hôm nay anh đi thăm phố phường Hà Nội được nhiều không anh Hùng?

Ông Hoàng Duy Hùng: Được nhiều anh. Ít nhất là xung quanh bờ Hồ Gươm, rồi đi thăm đền của Đức Lý Thái Tổ, ... Tôi thấy rằng đất nước thay đổi chóng mặt. Tôi cũng đã từng thăm những thành phố lớn từ Thượng Hải, Bắc Kinh, rồi từ Âu sang Á, thì tôi thấy rằng chúng ta cũng không thua gì họ. Có thể là trong vài năm tới, thành phố Hà Nội sẽ sạch sẽ, gọn gàng hơn họ.

Phóng viên: Cảm giác của anh khi mà đặt chân xuống sân bay Nội Bài, rồi đi vòng quanh hồ Gươm, thăm tượng đài Lý Thái Tổ, đi trên phố phường Hà Nội mấy hôm nay thế nào?

Ông Hoàng Duy Hùng: Sướng vô cùng anh ạ! Phải nói rằng là tôi được mẹ Việt Nam ôm tôi vào lòng. Những cảnh xa xứ từ trước tới giờ phải nói rất là cô đơn. Hôm nay được về, tôi cảm ơn mẹ Việt Nam cho tôi cơ hội để về tới thủ đô Hà Nội, kinh đô của nước Việt đã ôm tôi vào lòng và vỗ về tôi như một đứa con từ xa trở về. Cái cảm giác đó, tôi không nghĩ là anh Hướng có được, vì anh ở đây đã lâu lắm rồi, anh không có cảm nhận. Còn tôi sung sướng lắm! Rất khó tả.

Phóng viên: Công việc chuẩn bị cho chuyến hồi hương Việt Nam kỳ này ở bên Mỹ thế nào anh, trước khi về Hà Nội ấy?

Ông Hoàng Duy Hùng: Đó là một sự đột xuất trong một tình huống là vừa riêng mà vừa chung, với một tâm tư, nguyện vọng là làm sao cho đất nước Việt Nam sớm có một sự hòa hợp từ trong nước, ngoài nước, bớt đi những cái gánh nặng của quá khứ, nhất là gánh nặng của năm 1975 kẻ thắng, người thua. Trong sự thôi thúc đó thì có lẽ tôi quyết định chỉ có 1 đến 2 ngày thôi, chứ không có sự chuẩn bị gì bao nhiêu. Cũng có một vài sự kiện lỉnh kỉnh, nhưng mà bây giờ đã được giải tỏa hết rồi. Và nó làm cho tôi rất cảm thấy sung sướng khi được mẹ Việt Nam đón nhận trở về để có một ánh nhìn về tương lai của dân tộc. Tôi mừng lắm!

Phóng viên: Tôi từng được gặp một số anh chị ở bên Mỹ rồi bên Australia trở về. Các anh chị ấy cũng bày tỏ là, trước khi về Việt Nam không biết về nước sẽ như thế nào, cũng lo lắng lắm! Không biết cảm giác của anh khi mà bước chân lên máy bay, rồi từ máy bay bước chân xuống Nội Bài như thế nào?

Ông Hoàng Duy Hùng: Trong trường hợp của tôi, khi lên máy bay và khi tới Nội Bài không biết là mình được vô theo ý mình nữa hay không, hay là còn bị làm khó dễ, rồi phải trở về lại Houston. Tại vì trong quá khứ, tôi là một người chống cộng cực đoan. Tôi đã từng bị biệt giam tại khám Chí Hòa 16 tháng rưỡi. Tôi cũng đã từng có những âm mưu là đặt bom ở tại Việt Nam. Đó là cách đây mấy chục năm về trước. Nhưng năm 2013, khi tôi về lại Hà Nội với tư cách là nghị viên của thành phố Houston, có lẽ điều đó đã được giải tỏa rất là nhiều. Nhưng kỳ đó tôi đi với tư cách ông ủy viên thành phố Houston nên có khác. Cho nên, bây giờ, tôi đi với tư cách là một cá nhân về thăm quê hương, đi du lịch. Tôi cũng có nghĩ rằng có thể có những khó khăn. Nhưng rồi không có. Tất cả những sự ngộ nhận đó, hay là lo lắng đó đã được giải tỏa khi đến Nội Bài. Các anh em đã có những buổi gặp gỡ và trao đổi rất thân tình. Tôi rất vui mừng.

Khi lên máy bay và khi tới Nội Bài tôi không biết là mình được vô theo ý mình nữa hay không, hay là còn bị làm khó dễ, rồi phải trở về lại Houston...Nhưng không có điều đó.

Phóng viên: Anh cũng đã từng về Việt Nam cách đây mấy năm với tư cách bấy giờ là một nghị viên. Rồi bây giờ về lại Hà Nội thì cảm nhận của anh về Hà Nội đến thời điểm này như thế nào?

Ông Hoàng Duy Hùng: Khi năm 2013 đáp xuống phi trường Nội Bài thì hồi đó chưa có cái phi trường quốc tế của Nội Bài riêng. Cảm nhận của tôi là kỳ này đi xuống thì có một cánh phi trường quốc tế  riêng, khác hẳn, sạch sẽ hơn, nguy nga, lộng lẫy hơn không thua gì phi trường KLAX tại Los Angeles. Đó là cảm nhận rằng là có sự khác biệt tại phi trường.

Ra khỏi thị trường, thì hồi xưa, năm 2013, đi từ Nội Bài về Hà Nội thì đường xá còn vắng. Xa lộ không có nhiều, cũng còn có ổ gà, ổ trâu. Nhưng mà đi kỳ này thì không có ổ gà, không có ổ trâu, đi rất là thoải mái. Và tôi thấy rằng, lượng xe lưu thông gần giống như Kuala Lumpur hay tại Bangkok. Nếu đánh giá đoạn đường từ Nội Bài về tới Hà Nội, tôi cho rằng chúng ta ít nhất cũng ngang bằng chứ không thể nào thua Kuala Lumpur hay Bangkok. Đó là sự phát triển về hạ tầng, đường giao thông. Tôi thấy có chuyện ngạc nhiên hơn nữa là những những căn nhà mới mọc lên cho thấy có sự phát triển chóng mặt chứ không còn như trước nữa. Có lẽ anh ở đây, như một người cha, người mẹ, thấy đứa con của mình hàng ngày, không thấy nó lớn. Nhưng mà anh đi xa, lâu lâu về, thấy con nó lớn hẳn. Cái cảm giác của tôi khi mà đi từ xa về lại Hà Nội 6 năm sau thì sự phát triển lớn mạnh của Hà Nội cảm thấy chóng mặt, thưa anh.

Hòa hợp là xu hướng tất thắng

Phóng viên: Anh đã cảm thấy Hà Nội có sự thay đổi rất nhiều từ thời điểm 2013 đến thời điểm này. Về con người của Hoàng Duy Hùng thì có sự đổi thay gì từ thời điểm đó đến nay?

Ông Hoàng Duy Hùng: Con người của Hoàng Duy Hùng có thay đổi, thực sự là có thay đổi. Từ năm 2001, trong tư tưởng, tôi đã nghĩ đất nước mình cần phải có sự hòa hợp dân tộc. Nhưng năm 2013, tôi đi với tư cách nghị viên thì sự vận động vẫn còn có những suy nghĩ là vì quyền lợi, tôi còn đang đại diện cho thành phố Houston, tôi phải nghĩ đến những quyền lợi của thành phố, chứ không người ta bảo tôi làm việc không đúng.

Nhưng bây giờ, tôi đến đây với tư cách cá nhân, suy nghĩ cho quyền lợi của thành phố không có nữa, thì tôi chỉ còn có suy nghĩ về quyền lợi tối thượng của tổ quốc Việt Nam, làm cho cả tâm hồn, trí não đổ dồn chỉ có một mục tiêu làm sao cho tổ quốc Việt Nam mau lớn mạnh, tổ quốc Việt Nam mau thành công để mang lại niềm vui cho tất cả những con em của chúng ta trong những ngày, tháng tới. Đó là sự thay đổi trong con người của Hoàng Duy Hùng thưa anh.

Phóng viên: Có nhiều người Việt ở bên kia có suy nghĩ tương đồng như anh ở thời điểm này không, thưa anh?

Ông Hoàng Duy Hùng: Tôi nghĩ rằng đa số người Việt, trong mỗi một con người của họ đều có những tâm tư yêu nước giống như tôi. Nhưng mà mỗi một người trong một bối cảnh xã hội, họ bày tỏ nó khác biệt một chút xíu. Tôi có cái may mắn là đã từng trải qua nhiều sự va chạm. Cho nên là tôi dám nói ngay, nói thẳng, không sợ ai hết, vì có lẽ, những lời phát biểu của tôi cả thế giới đều biết rồi. Tôi thấy cái chuyện gì phải là tôi nói. Vậy thì hỏi rằng, có những người giống như tôi không? Tôi nghĩ là đa số là như vậy, nhưng cách nói của mỗi người một khác, vì vị trí của mỗi người mỗi khác. Tôi biết rằng có những người bạn của tôi, họ rất mong mỏi được có tiếng nói như thế này, nhưng mà họ không nói ra được, thì họ cũng nói là ông Hùng nói thay cho họ rồi. Vậy khi anh hỏi là nhiều người hay không? Thì tôi cho rằng đa số khối thầm lặng của người Việt ở Houston hay ở nước Mỹ, đa số đều ủng hộ quan điểm này của tôi.

Tôi cho rằng đa số khối thầm lặng của người Việt ở Houston hay ở nước Mỹ ủng hộ quan điểm hòa hợp.

Tôi nói thí dụ như vừa rồi, khi tôi qua bên đây, tức là về tới Hà Nội, thì luật sư Trịnh Quốc Thiên ở kênh riêng của anh, có mở một cuộc điều tra độc lập, khảo sát độc lập khoảng 1.000 người. Kết quả cho thấy, 62% là ủng hộ cho con đường mà tôi đang nói. Tức là những ánh nhìn và suy nghĩ thay đổi như vậy với mức độ phan cứng (người hâm mộ-tác giả), tức là rất mê. Rồi hai mươi mấy phần trăm cũng mê, nhưng không mê lắm, tức là cộng lại là tám mươi mấy phần trăm. Còn lại khoảng 9% là thờ ơ, hoặc chỉ có 4% là chống đối. Như vậy, tôi cho rằng đa số người Việt ở hải ngoại đều có cái tâm tư giống như tôi vậy.

Phóng viên: Theo anh thì 4% những người mà có vẻ như không đồng thuận lắm thì xuất phát từ những lý do gì?

Ông Hoàng Duy Hùng: Đó là những người chống đối. Xuất phát là từ quá trình của lịch sử năm 1975 để lại. Anh có nhớ là khi cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt có nói rằng, biến cố năm 1975 là biến cố của triệu người vui và triệu người buồn. Đương nhiên là người thắng cuộc thì lúc nào cũng tốt, cũng mừng hơn, như cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt nói. Còn những người thua cuộc là những người quốc gia hay là người phía Việt Nam Cộng hòa đã thất trận, thì cái quá khứ đó, nó làm cho mỗi một lần nhắc đến, nó là chỉ là quá khứ của thất trận của một thể chế. Nhiều người không bước qua khỏi cái ánh nhìn của quá khứ của một thể chế. Họ bị đồng hóa các thể chế là quốc gia. Họ đồng hóa thể chế là dân tộc. Thì khi mà nói đến như vậy, thì họ không bước qua được, thì họ cảm thấy hận thù không phải một mình tôi, bất kỳ một ai có quan điểm là trở về với tổ quốc, trở về hòa hợp dân tộc là họ chống đối. Vì họ nghĩ rằng đó là sự đánh phá lại quá khứ của họ.

Phóng viên: Nếu có thể hình dung 4% số người ấy ở bên thành phố chỗ anh nói riêng và bên Mỹ nói chung thì như thế nào?

Ông Hoàng Duy Hùng: Nếu mà hình dung 4% đó, thì tôi nghĩ rằng, đa phần là của những người đã lớn tuổi thuộc quân lực Việt Nam Cộng hòa. Tức là bây giờ họ là những người khoảng chừng 70 tuổi trở lên. Còn con số của những người trẻ thì tôi nghĩ rằng họ không có. Những người trẻ thì họ thờ ơ trong vấn đề sự suy nghĩ đó của lớp người lớn tuổi. Tôi có thể nói rằng, những người chống đối đó là những người từng ở trong quân đội quân lực Việt Nam Cộng hòa.

Một Việt Nam rất khác với thông tin bên Mỹ

Phóng viên: Lúc trước anh có nói là Việt Nam bây giờ đã khác xưa rất nhiều rồi và khả năng phát triển của Việt Nam cũng sẽ nhanh và khoảng vài năm tới có thể ngang bằng và hơn Thái Lan. Điều gì tạo cho anh sự tin tưởng như thế về đất nước, về phát triển kinh tế của Việt Nam trong những năm tới?

Ông Hoàng Duy Hùng: Khi mình đến một quốc gia, mình đánh giá hạ tầng giao thông thì tôi thấy rằng ở Hà Nội không còn cái cảnh ổ gà như xưa, thì tức là có phát triển về hạ tầng đường xá, có sự phát triển về vấn đề địa ốc. Hệ thống về tài chính thì mình cũng thấy rằng các ngân hàng mọc ra rất nhiều. Phát triển về thương mại mình thấy là những công ty của những quốc gia khác tới đầu tư. Điều này nói lên rằng, đã có sự kết nối toàn cầu, đầu tư toàn cầu ở Việt Nam. Tôi thấy cà phê Starbucks, những cơ quan của nước ngoài như là khách sạn Movenpick của Đức…. Điểm thứ nhất là có sự hòa nhập vào quốc tế. Điểm thứ hai, đâu phải tôi nói, WB họ nói Việt Nam phát triển sáu đến bảy năm liền là tới 7% hoặc hơn 7%. Mà hiện giờ chưa có một quốc gia nào có mức phát triển 7% cả, chỉ trừ một mình là Việt Nam.

Tôi nghĩ các anh ở trong nước Việt Nam đều biết rằng những báo cáo đó là từ trong nước, nhưng của WB, IMF họ đều phải đánh giá có thật hay không. Trong 6 năm liền WB đều đánh giá là Việt Nam, con số đó là chính xác. Nếu con số chính xác thì 7% như nước Mỹ là phát triển 3,5% một năm thì tổng thống Trump mừng vô cùng. Nạn thất nghiệp tụt xuống còn 3,5%, tức là nạn thất nghiệp thấp nhất từ xưa tới nay. Việt Nam khi phát triển từ mức thấp lên tới 7% thì đương nhiên, tôi nghĩ trong vòng 5 cho tới 10 năm sẽ đuổi kịp các nước là chính xác.

Phóng viên: Những thông tin có được khi về nước cũng như những hình ảnh anh cập nhật được khi về Hà Nội thì nó khác gì nhiều hơn so với những thông tin mà cộng đồng của mình ở bên Mỹ nhận được, cũng như những thông tin mà đã từng có trên báo chí ở bên kia?

Ông Hoàng Duy Hùng: Đó là điều đáng buồn! Điều đáng buồn là vì thông tin báo chí ở bên kia, tức là bên hải ngoại, vẫn còn bị bưng bít. Mặc dầu họ nói bên này bưng bít, nhưng mà chính họ bưng bít họ. Tôi nói thí dụ, ở bên hải ngoại, họ cứ tưởng tượng một bữa ăn của công nhân Việt Nam là chỉ nghèo đói, không có cơm mà ăn. Lúc nào họ cũng nói là không có cơm ăn, rất nghèo đói.

Nhưng mà thực sự, khi về nước, nhìn một mâm cơm đã đủ để đánh giá là mức phát triển của đất nước hay không. Hiện giờ mâm cơm những nơi mà tôi tới, thấp nhất cũng có cơm, có thịt, có cá, ăn dư thừa, ăn không hết. Chứ không phải là giống như những gì bên ngoài họ nói. Một mâm cơm của một gia đình đã chứng minh được rằng khả năng của gia đình đó có tiến hay lùi. Đa số hết tất cả những nơi tôi đến tham dự, một mâm cơm tối thiểu cũng có cá, có thịt, có rau đầy đủ, chất dinh dưỡng đầy đủ rồi. Lời nói ở bên hải ngoại nó không chính xác.

Hiện giờ mâm cơm những nơi mà tôi tới, thấp nhất cũng có cơm, có thịt, có cá, ăn dư thừa, ăn không hết.

Rồi họ nói rằng, Việt Nam là một cái nhà tù lớn. Qua đây tôi có thấy nhà tù lớn gì đâu. Người ta nói không có đúng sự thật. Người dân họ đi thoải mái. Họ muốn đi đâu thì đi, muốn làm gì thì làm mà. Rồi bây giờ họ nói rằng là nước Việt Nam nghèo đói lắm! Họ tưởng tượng ở trong này là tranh nhau, giành giật nhau từng miếng bánh mì. Điều đó không có trúng. Bởi vậy cho nên khi mỗi một lần để lấy cái gì đó của những người ủng hộ thì họ phải tô vẽ một ánh nhìn rất là bi quan và tiêu cực về đất nước Việt Nam. Điều đó, ngày hôm nay, nhờ công nghệ 4G, 5G tới nơi, hình ảnh đã rõ ràng, nói như vậy thì xấu hổ lắm!

Tôi nói thí dụ một chuyện khác nữa, hồi Sea Games 30 tại Philippin, một số kênh truyền hình Việt ở hải ngoại nói là cầu thủ của Việt Nam tới đó khổ lắm, không có chỗ ở, không có chỗ ăn, tội nghiệp lắm! Họ ghép những hình ảnh photoshop vào. Tôi với ông Nam Sơn có làm một chương trình truyền hình về vấn đề này. Tại vì tụi tôi rất bực mình. Tại sao đến thời đại này mà còn làm như vậy, mắc cười lắm, trong nước người ta cười cho thối mũi! Xấu hổ vô cùng! Tôi cũng xin lỗi anh và xin lỗi tất cả quý vị khán thính giả của Đài VOV, tôi là người hải ngoại. Tôi xin lỗi vì có những con người như vậy đã làm cho hình ảnh của người hải ngoại của chúng tôi không đẹp. Không phải ai cũng vậy đâu. Cũng có những người như ông Nguyễn Văn Trường (Nhà báo, kênh Văn hóa Việt Nam TV- tác giả) và như tôi, ông Nam Sơn dám nói thẳng sự thật. Những hình ảnh họ thông tin hoàn toàn sai sự thật với những gì của đất nước Việt Nam hiện nay.

Với Việt Nam, dân chủ đa đảng là sự phá hoại 

Phóng viên: Nhân anh nói về ẩm thực, dịp này về Hà Nội, anh đã thưởng thức được nhiều món ăn Hà Nội chưa?

Ông Hoàng Duy Hùng: Nói chung là tôi thích ăn món ở Hà Nội, nhưng mà tôi cũng hơi “múp míp”(béo) rồi, cho nên cũng phải kìm hãm. Nhưng mà mấy anh em cũng đưa đi một số nơi, hôm nay ăn món chim gì đó khá đặc bên ngoại ô của Hà Nội (chim quay- tác giả). Cái món đó cũng khá đặc biệt, khá lạ. Cái món đó rất là ngon.

Phóng viên: Tôi cũng đã từng đọc những bài viết của anh, từng nghe những bài diễn thuyết của anh cách đây nhiều năm và cả vài năm. Hình như có sự chuyển biến rất khác trong nhận thức của Hoàng Duy Hùng đến hôm nay, khi ngồi đây với VOV?

Ông Hoàng Duy Hùng: Đúng vậy thưa anh. Con người có sự chuyển biến không phải chỉ một ngày. Tôi Hoàng Duy Hùng ngày hôm nay, năm 2019, khác với Hoàng Duy Hùng năm 2018, và cũng khác với Hoàng Văn Hùng năm 2017. Mỗi một năm tôi cập nhật hóa tin tức, rồi tôi thay đổi, càng thay đổi. Đến ngày hôm nay, góc nhìn của tôi chững chạc hơn kỳ trước.

Thí dụ, các năm 2014, 2015, 2016, thời điểm đó, tôi vẫn còn cho rằng là đa đảng là tốt cho Việt Nam. Nhưng mà từ năm 2017, tôi cho rằng, chế độc đảng là tốt cho Việt Nam, là một đảng thôi.

Ngày hôm nay, sau khi cân nhắc mọi khía cạnh, tôi cho rằng, thể chế được ổn định như hiện nay là bởi một đảng đang cầm quyền. Đảng này đã ổn định chính trị, thì mới phát triển được kinh tế. Mà bằng chứng là trong ít nhất 5 năm qua, nhờ sự ổn định chính trị, mà kinh tế mới phát triển được như vậy.

Tôi không cho rằng dân chủ đa đảng là sự phát triển quốc tế. Rõ ràng, dân chủ đa đảng kiểu đó là sự phá hoại của đất nước.
Ngày hôm nay, tôi không cho rằng dân chủ đa đảng là sự phát triển quốc tế. Rõ ràng, dân chủ đa đảng kiểu đó là sự phá hoại của đất nước. Nếu anh hỏi rằng, có sự suy tư và có sự khác biệt hay không? Thì có. Tôi suy nghĩ nếu mà nước Việt Nam áp dụng hệ thống đa đảng, cái hại sẽ lớn hơn là một thể chế một đảng bây giờ.

Cho nên, ngày hôm nay, tôi chủ trương là ủng hộ chế độ này, chế độ thể chế một đảng ổn định chính trị, song thấy có những cái gì mà tiêu cực đóng cửa bảo nhau tìm cách giải quyết.

Tôi nói thí dụ vụ án vừa rồi của ông Nguyễn Bắc Son. Ông Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng chỉ đạo chống tham nhũng quyết tâm như vậy, đối với tôi, đó là điều tôi mừng lắm. Trong chăn có rận thì bắt những con rận, chứ không đốt cái chăn. Tôi đồng ý, hoàn toàn ủng hộ cách làm này.

Tôi hâm mộ cách làm của ông Tổng Bí thư, Chủ tịch nước bây giờ vì cách làm của ông quyết liệt. Mình có thể dùng từ là cách làm của một minh vương. Trong bài nói chuyện vừa rồi trước Trung ương và nhắn nhủ giới trẻ, ông nói là đất nước của chúng ta có một vận hội rất lớn, tạo mọi điều kiện để giới trẻ đi lên. Nhưng ông cũng nhắn nhủ, thế hệ trẻ mà nhúng chàm thì sẽ tiêu tùng. Để làm gương, ông quyết tâm đưa các vụ án tham nhũng ra xử. Những người như tôi cảm thấy sung sướng lắm, vì mình thấy rằng, người ta cứ nói là chống tham nhũng, người ta nói là chống tiêu cực, nhưng mà không mấy ai làm tốt điều này như ông Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng. Từ khi ông lên, ông làm rất nhiều vụ án mà phải là bắt nhiều vụ động trời, như vụ ông Trịnh Xuân Thanh, vụ của ông Đinh La Thăng. Rồi bây giờ là vụ của ông Nguyễn Bắc Son. Nay mai có thể là các vụ việc khác mình không dám nói hết. Nhưng ít nhất là tạo cho những người như tôi có niềm tin rằng là ông Chủ tịch nước, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nói và làm.

Phóng viên: Người Việt tại Houston chỗ ông quan tâm như thế nào đến những vụ án như đang diễn ra ở Hà Nội?

Ông Hoàng Duy Hùng: Họ rất quan tâm. Nhưng họ cũng còn đang chờ đó xem thử có chống tham nhũng thật hay không. Còn tôi. Tôi nghĩ rằng đó là một minh chứng rồi. Thí dụ, tôi cũng từng nói chuyện với mấy ông ở bên đó. Thời kỳ Việt Nam Cộng hòa trước đây, có ông dược sỹ Thăng (Nguyễn Cao Thăng-tác giả) được ông tổng thống Nguyễn Văn Thiệu giao cho đặc quyền về việc nhập thuốc tây. Ông trở thành một tỷ phú. Thời đó cũng chạy chọt, hối lộ, tham nhũng dữ lắm. Các ông ấy tự hào thời ấy là dân chủ, nhưng có ai dám đụng đến ông Thăng hay không? Giờ các ông cứ chê là bên phía Việt Nam tham nhũng. Vậy thời kỳ đó có những vụ động trời như vậy, có ai dám làm gì không? Bây giờ ở trong nước xử các vụ án liên quan tới những người có thực lực, có tiền bạc. Thí dụ, như ông Phạm Nhật Vũ là em ruột của ông tỷ phú Phạm Nhật Vượng mà người ta dám đụng tới. Tôi chỉ so sánh như vậy, để thấy, nói thì dễ, nhưng chứng minh bằng hành động mới là điều thuyết phục.

Phóng viên: Lúc trước ông có nhắc lại câu nói của nguyên thủ tướng Võ Văn Kiệt về sự hòa hợp dân tộc. Tôi cũng được gặp nguyên phó tổng thống Việt Nam Cộng hòa Nguyễn Cao Kỳ tại Hà Nội. Ông ấy cũng nói là đến thời điểm cần có sự hòa hợp dân tộc. Xu thế này được cộng đồng người Việt ở Mỹ quan tâm như thế nào?

Ông Hoàng Duy Hùng: Thời ông Nguyễn Cao Kỳ còn sống, mà ông nói câu này, cách đây khoảng 10 năm. Thời ấy, cái xu thế chống cộng còn khá quyết liệt. Sau khi nói câu này, ông Kỳ bị phản ứng khá kịch liệt. Rất tiếc là khi ông bị phản ứng, ông ấy cũng lớn tuổi, phản ứng ngược lại của ông phó tổng thống Nguyễn Cao Kỳ hơi chậm. Và khi ông mất, thì người ta cho rằng đó là một sự thất bại.

Tôi có lẽ còn trẻ hơn. Tôi nói mạnh hơn. Phản ứng với tôi thì tôi phản ứng lại dữ dội hơn. Tôi cũng sẵn sàng đứng ra bảo vệ quan điểm của tôi bằng mọi giá. Từ cách đây gần hai chục năm tôi đã bị người ta tấn công.Nhưng từ khi tôi công khai việc này, kể cả lúc còn là nghị viên thành phố, họ đã từng đặt bom ở nhà tôi, tôi chẳng coi là gì. Cho đến ngày hôm nay, sự phản ứng của những người chống đối ngày càng yếu đi. Nếu mà trước đây, ai mà lên báo Nhân dân hay truyền hình ở Việt Nam, chỉ thấy mặt người đó, là họ đều đánh phá, họ chửi bới không ra cái gì.

Nhưng mà trong những năm vừa qua, nhất là trong chuyến đi này của tôi tới Hà Nội, tôi không chỉ đến báo Nhân dân phát biểu những điều từ đáy lòng, từ lương tâm của tôi. Hãy xem thử phản ứng của những người Việt ở bên đó. Báo chí bên đó họ im hết. Im  đây không có nghĩa rằng họ đồng ý hết. Họ  xem thử là những điều mà ông Hoàng Duy Hùng nói có thật hay không. Và có nên đi theo con đường cũ, là khi người ta nói gì đó là đánh phá liền. Phản ứng của người Việt ở hải ngoại bây giờ có lẽ thiên về xu hướng hòa hợp dân tộc, và đây là xu hướng tất thắng rồi thưa anh.

Tăng cường giao lưu, kết nối, tạo sự đồng thuận

Phóng viên: Điều gì tạo cho ông niềm tin là xu hướng ấy sẽ phát triển trong thời gian tới?

Ông Hoàng Duy Hùng: Có những chứng cứ rõ ràng. Qua đều tra của luật sư Trần Vũ Thiên cho thấy 1.000 người, thì hầu như tám mươi mấy chục phần trăm là ủng hộ rồi. Thứ hai, đó là phản ứng của những người làm truyền thông, ngay những điều tôi tuyên bố đã không còn có những lời tấn công tôi nữa. Họ cũng không có viết bài bình luận, tức là họ không chống, mà cũng không ủng hộ, thì đã là một điều khác biệt trước đây. Điểm thứ ba là mạng xã hội bây giờ rất mạnh, trong tất cả những cơ quan truyền thông mà tiếp vận không những kênh Văn hóa Việt Nam, rồi phố Bolsa TV,…đã đưa thông tin minh bạch đến cho người dân. Người Việt ở hải ngoại xem, ủng hộ cho thấy khuynh hướng hòa hợp dân tộc được thúc đẩy và họ muốn hoàn thành sớm câu chuyện này, vì đây là sự hàn gắn vết thương lòng năm 1975. Đây là chính sách mở ra vận hội mới cho con em của chúng ta không bị trì trệ bởi quá khứ của năm 75 nữa.

Phóng viên: Theo ông, nếu thúc đẩy quá trình hòa hợp, vì sự phát triển của đất nước thì chúng ta, người trong nước và người ở nước ngoài nên làm gì?

Ông Hoàng Duy Hùng: Tôi xin cảm ơn Đài VOV. Chính hành động mà anh mời tôi lên đây nói chuyện, đó là một hình thức bày tỏ cụ thể. Mình có thể nói nhiều về lý thuyết, nhưng hành động cụ thể này, qua nội dung cuộc gặp này góp phần thúc đẩy khuynh hướng hòa hợp và hàn gắn.

Làm sao cho nhiều người Việt về họ xem thấy có hình ảnh Tết của Việt Nam như thế nào... Khi họ về ăn Tết, họ chứng nghiệm được là đất nước đang phát triển, thay da đổi thịt, người dân sống rất thanh bình, vui sướng trong ngày Tết. 

Điểm thứ hai, trong tương lai, nếu được Nhà nước có thể hỗ trợ cho những cơ quan truyền thông ủng hộ khuynh hướng này về Việt Nam nhiều hơn, nhằm lan tỏa tinh thần hòa hợp, hòa giải. Thí dụ, ráng làm sao cho nhiều người Việt về họ xem thấy có hình ảnh Tết của Việt Nam như thế nào. Chứ không phải Tết mà cứ loe hoe vài ba người như ở Mỹ buồn lắm! Nhưng khi họ về ăn Tết, họ chứng nghiệm được là đất nước đang phát triển, thay da đổi thịt, người dân sống rất thanh bình, vui sướng trong ngày Tết. Khung cảnh đó làm cho những người trước đây còn e dè, im lặng  sẽ mạnh dàn bày tỏ chính kiến và thúc đẩy xu hướng hòa hợp dân tộc mạnh mẽ hơn.

Phóng viên: Vâng, Việt Nam coi cộng đồng người Việt tại nước ngoài là một bộ phận không thể tách rời, là nguồn lực của đất nước. Kết nối, tạo điều kiện cũng như chìa tay ra với nhau là một công việc của chúng ta, và tôi mong rằng, cộng đồng người Việt ở hải ngoại có nhiều hơn nữa những luật sư và bà con của mình được về nước nhiều hơn. Trong nước cũng sẽ có nhiều thông tin hơn đối với cộng đồng người Việt ở nước ngoài.  

Cảm ơn anh Hoàng Duy Hùng hôm nay đã đến văn phòng của Đài Tiếng nói Việt Nam, có cuộc trao đổi rất thú vị về tình cảm của mình khi mà về Hà Nội, về với quê hương Việt Nam.

Ông Hoàng Duy Hùng: Tuyệt vời, thưa anh Hướng. Tôi phải cảm ơn ngược lại và cũng nói rằng là Nhà nước đã chìa tay ra và thấy rằng những người bên hải ngoại có nghi ngờ thì hành động mà tôi về đây, đi đây, đi đó một cách thoải mái, cũng giống như là thêm một bước nữa để cho người hải ngoại an tâm mà quay về trở lại với quê hương. Tôi rất vui và xin cám ơn Đài VOV, cảm ơn tất cả quý vị khán thính giả Đài VOV thương mến cho tôi có cơ hội đã trình bày quan điểm hòa hợp dân tộc trong một bối cảnh mới của xã hội. Tôi tin rằng với khuynh hướng này, trong vài năm tới, sẽ tạo cho nước Việt của chúng ta có một cơ hội phát triển, thăng hoa hơn nữa. 

Quay phim: Etcetera Nguyen

Dựng hình: Tú Anh

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu