KTS Phạm Thanh Tùng: Lịch sử không mua được, ký ức không mua được

Nguyễn Vũ Hà
Chia sẻ
(VOV5) - "Trách nhiệm này phải bắt đầu từ những người làm quy hoạch."

Nghe âm thanh phỏng vấn tại đây: 

Lựa chọn như thế nào giữa bảo tồn và phát triển? Bài toán không mới này lại một lần nữa trở nên thách thức khi mới đây thành phố Hà Nội có ý định tháo dỡ ngôi biệt thự Pháp cổ và một số công trình cổ thuộc Trạm phát sóng Bạch Mai ở địa chỉ 128C phố Đại La.

Được xây dựng từ năm 1912, đây là nơi phát sóng Bản Tuyên ngôn độc lập lần đầu tiên ra cả nước và thế giới vào trưa ngày 7-9-1945 và nơi phát thanh viên Ngân Thanh đọc bản tin đặc biệt vào 20h ngày 19-12-1946, bản tin mật lệnh để cả nước nổ súng, đánh dấu thời khắc toàn quốc kháng chiến theo lời kêu gọi của Bác Hồ.

Trong cuộc trò chuyện với phóng viên Đài TNVN, KTS Phạm Thanh Tùng - Chánh văn phòng Hội Kiến trúc sư Việt Nam cho rằng, xây dựng một cái mới rất dễ, nhưng lịch sử không mua được, ký ức không mua được. Và đặc biệt ký ức đó không chỉ ghi dấu văn minh của Việt Nam đầu thế kỷ 20 mà còn gắn liền với những dấu mốc lịch sử đặc biệt của nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa thời kỳ non trẻ cũng như lịch sử phát thanh ở nước ta.

KTS Phạm Thanh Tùng:  Lịch sử không mua được, ký ức không mua được - ảnh 1Kiến trúc sư Phạm Thanh Tùng

PV: Vâng vấn đề gìn giữ, phát huy di sản kiến trúc di sản lịch sử trong đô thị, thì câu chuyện này đã nói rất nhiều lần và thêm một lần nữa lại nóng lên khi mà thành phố Hà Nội có ý định phá bỏ ngôi biệt thự cổ là đài phát sóng Bạch Mai?

KTS Phạm Thanh Tùng: Cứ mỗi lần chúng ta định làm một cái gì đấy thì lại động đến di sản. Đây là một câu chuyện muôn thủa trong công tác quản lý đô thị và quy hoạch của Việt Nam. Ở đây là ngôi nhà 128 C Đại La sắp tới người ta sẽ tháo dỡ để xây dựng đường trên cao.

Tại sao nó lại như vậy? Ở đây có mấy vấn đề: Thứ nhất về lịch sử thì ngôi nhà này được xây dựng từ thời Pháp, kiến trúc mang phong cách kiến trúc Pháp. Nhưng ở đây nó đặc biệt vì nó là một dấu tích của công nghệ thông tin đầu tiên ở Việt Nam. Đó là ngôi nhà này vốn là trạm phát sóng của chính quyền Pháp xây dựng năm 1912. Lúc đó phát thanh còn rất mới mẻ đối với Việt Nam cũng như đối với cõi Đông Dương. Vậy thì đây là cái rốn đầu tiên, bắt đầu công nghệ.

Thứ hai nữa, nơi đây khi mà thành lập Đài Tiếng nói Việt Nam, đây là có thể gọi là cơ sở đầu tiên phát sóng. Và niềm tự hào ở đây là nơi phát sóng ngày mùng 7 tháng 9 năm 1945, buổi trưa chúng ta phát sóng trọn vẹn đến đồng bào cả nước và trên thế giới Bản Tuyên ngôn Độc lập Bác Hồ đọc quảng trường Ba Đình.

Đồng thời nơi này còn gánh nhiều nhiệm vụ sau này nữa. Nó là trạm phát sóng khi chúng ta tiếp quản. Rồi sau này, khi chúng ta có xây dựng chỗ khác thì đây cũng là nơi ở của các đồng chí lãnh đạo của Đài tiếng nói Việt Nam. Ở đây tôi muốn nói là khi làm quy hoạch, người ta không tính đến cái đó. Người ta chỉ nhìn nhận nó như là một ngôi nhà bình thường cần phải tháo dỡ, đền bù, giải tỏa. Đây là một trong những cái thiếu sót.

Bởi vì ở các nước quy hoạch là một tổ hợp đa ngành. Nó gồm có nhà kiến trúc sư, người làm quy hoạch, địa lý, chính trị, kinh tế, văn hóa, khảo cổ và lịch sử. Nó là một hợp phần đa ngành, nhiều ngành khoa học với nhau để tạo ra một bản quy hoạch.

Nhưng của chúng ta ở đây là chỉ có người làm kiến trúc với nhau làm quy hoạch, cho nên, khi chúng ta làm quy hoạch thì chúng ta bỏ qua rất nhiều thứ.
Cho nên xây dựng cái mới rất dễ nhưng lịch sử không mua được, ký ức không mua được và đặc biệt những ký ức đó nó gắn liền với sự kiện của đất nước, gắn liền với lãnh tụ, gắn liền khi Nhà nước Việt Nam dân chủ Cộng hòa được thành lập. Đây là một điều mà tôi trăn trở.

KTS Phạm Thanh Tùng:  Lịch sử không mua được, ký ức không mua được - ảnh 2Căn biệt thự Pháp cổ từng là Trạm phát sóng Bạch Mai ở địa chỉ 128C phố Đại La. 

PV: Vậy theo kiến trúc sư thì giải pháp khả thi nhất lúc này là gì?

KTS Phạm Thanh Tùng: Cũng có nhiều ý kiến, bảo ta có nhiều "thần đèn" sao không kéo đến chỗ khác? Không phải! Cái vị trí đó mới có giá trị. Kéo ngôi nhà đi nơi khác không có giá trị. Vậy thì nếu như trước đây chúng ta làm tốt được cái này, thì chúng ta điều chỉnh tuyến đường. Nhưng bây giờ chắc là không điều chỉnh được nữa. Bây giờ phải nhìn vào thực tế chúng ta chấp nhận câu chuyện phát triển.

Tôi rất muốn Đài Tiếng nói Việt Nam,  Đài Truyền hình Việt Nam có sự phối hợp. Chúng ta hãy lưu giữ lại bằng hình ảnh, bằng công nghệ 3D. Và trên các tuyến đường đó hãy dựng một cái bia và ghi rõ: Nơi đây đã từng có trạm phát sóng đầu tiên của Đài Tiếng nói Việt Nam, nơi phát bản Tuyên ngôn độc lập. Bởi vì cái sự giáo dục truyền thống rất quan trọng. Chúng ta đừng để lịch sử bị ngắt quãng, đừng để truyền thống ngắt quãng.

Nhưng mà đây là bài học. Đến ngày hôm nay chúng ta chưa biết được công trình này được xếp di sản hay không. Đấy là một cái sai sót, mà phải rất rút kinh nghiệm.
Thứ hai nữa là cần phải rất quan tâm lưu giữ những cái gì của các ngành. Lịch sử đừng để đứt quãng, bởi lịch sử là sự tiếp nối. Và chúng ta làm được điều đó thì chúng ta sẽ luôn luôn giữ được mạch truyền thống luôn luôn chảy, và có ý thức hệ rất tốt, truyền cảm hứng cho các thế hệ sau. 

PV: Ông có nghĩ đến một bài học gì rút ra sau việc này đối với lực lượng kiến trúc sư chúng ta không?

KTS Phạm Thanh Tùng: Có lẽ là đầu tiên phải là những người làm quy hoạch. Trách nhiệm này phải bắt đầu từ những người làm quy hoạch. Khi chúng ta vẽ một cái cầu vượt, vẽ một nét quy hoạch thì chúngta phải hiểu rằng cái đó đã đi qua đâu, và đi qua mảnh đất nào, và dưới mảnh đất đó là cái gì. Đấy là trách nhiệm của kiến trúc sư quy hoạch. Chính vì cái trách nhiệm như thế, cho nên người ta mới có sự liên kết đa ngành, phải có xuất hiện nhà khảo cổ, xuất hiện nhà sử học, nhà văn hóa, thì lúc đó chúng ta mới có bài toán phát triển tốt nhất, và sẽ có được những cái quy hoạch tốt nhất.

PV: Xin chân thành cảm ơn là kiến trúc sư phạm Thanh Tùng về câu chuyện chúng tôi nghĩ là tuy ngắn gọn nhưng rất đầy đủ.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu