Biên tập viên Hoàng Hướng, anh Phạm Gia Hậu, ca sĩ Tố Hoa, anh Nguyễn Trung Kiên tại phòng thu VOV xuân Kỷ Hợi 2019
|
BTV Hoàng Hướng: Tham dự chương trình hôm nay, tôi xin trân trọng giới thiệu ca sĩ Đỗ Thị Thanh Hoa, nghệ danh là Tố Hoa, là nghiên cứu sinh thanh nhạc tại tại Học viện Âm nhạc Trung Quốc.
BTV Bảo Trang: Xin trân trọng giới thiệu anh Phạm Gia Hậu, Ủy viên thường trực Hội người Việt Nam tại Cộng Hòa Séc, Chủ tịch Hội Văn hóa nghệ thuật Việt Nam tại Cộng hòa Séc.
BTV Hoàng Hướng: Anh Nguyễn Trung Kiên, Ủy viên Ban chấp hành Hội người Việt Nam tại Hàn Quốc, Chủ nhiệm Quỹ Vì chủ quyền biển đảo Việt Nam tại Hàn Quốc.
BTV Bảo Trang: Xin cảm ơn các vị khách mời đã đến phòng thu của Đài Tiếng nói Việt Nam trong những ngày xuân rất ấm áp này.
Nghe nội dung tọa đàm tại đây:
BTV Hoàng Hướng: Trong những dịp tết đến, xuân về, cộng đồng người Việt Nam nơi các anh chị đang sống và làm việc thường tổ chức những hoạt động gì gắn với văn hóa Việt? Xin mời anh Phạm Gia Hậu.
Anh Phạm Gia Hậu: Đối với cộng đồng người Việt ở CH Séc nói riêng và cộng đồng người Việt trên toàn Châu Âu, như tôi được biết – một người hoạt động về văn hóa ở Châu Âu gần 20 năm, sự gắn kết của các nước như Ba Lan, CHLB Đức, Hungary, Slovakia, Liên bang Nga, và một số nước khác, thì vào dịp Tết dương lịch và Tết âm lịch – đón Noel, đón Năm mới và sau đó lại đón tiếp Tết cộng đồng, thì dường như mỗi nước đều có cộng đồng rất mạnh.
Hai người đẹp phu nhân được vinh danh trong lần tổ chức Áo dài phu nhân châu Âu lần đầu tiên tại Séc. |
Ví dụ như ở CH Séc có hơn 60 chi hội phân đều ra ở các tỉnh, ngoài ra còn có các câu lạc bộ nữa. Tất cả đều được định hướng tổ chức một chương trình đón xuân, đón Tết nhưng đặc biệt là phải giữ được những nét cổ truyền. Dù tổ chức trước hay sau, Tết dương lịch hay âm lịch thì đều theo phong tục của người Việt Nam. Đặc biệt, với cộng đồng người VN tại Cộng hòa Séc, thì gần đây mảng văn hóa phát triển sâu rộng đến mức độ chuyên sâu vào văn hóa phi vật thể đã được UNESSCO ghi danh.
BTV Bảo Trang: Xin cảm ơn anh Phạm Gia Hậu. Anh Nguyễn Trung Kiên có chia sẻ là đã lâu rồi anh mới được về ăn tết ở Việt Nam. Vậy khi đón tết ở nước ngoài, điều gì khiến anh nhớ nhất?
Anh Nguyễn Trung Kiên: Đó là cảm giác của đêm Giao thừa, sáng Mùng Một. Trong mỗi nếp nhà người Việt ở Hàn Quốc, chúng tôi đều duy trì phong tục đón tết của người Việt – đó là cúng giao thừa, gói bánh chưng bánh tét, trang trí nhà cửa thật đẹp với hoa lan, hoa mai, hoa đào, và tất cả những vật dụng gợi nhớ đến Việt Nam như tranh Đông Hồ, thư pháp… Thế nhưng cảm giác của đêm Giao thừa rất khác biệt, chỉ gói gọn giữa các thành viên trong gia đình chứ không có được không khí nồng ấm, sôi động, náo nhiệt của những đêm giao thừa ở Việt Nam. Mặc dù chúng tôi cũng đi hái lộc đầu xuân nhưng cảnh chùa, không khí ở Hàn Quốc hoàn toàn khác biệt so với ở Việt Nam.
BTV Hoàng Hướng: Vâng xin cảm ơn anh Kiên. Những hoạt động cộng đồng anh Hậu đã cho biết rồi, những nỗi nhớ nhung khi sống xa quê, nhất là những dịp đặc biệt như đêm Giao thừa thì anh Kiên cũng vừa chia sẻ. Với ca sĩ Tố Hoa, thường những dịp như thế này gợi lại cho chị những điều gì, đặc biệt có dịp được biểu diễn trong những dịp Tết đến xuân về như thế này?
Ca sĩ Tố Hoa: Khi sinh sống và học tập tại Bắc Kinh, điều quan trọng với tôi là học tập và biểu diễn. Rất may mắn cho tôi khi đã phát huy được khả năng ca hát của mình trên đất bạn, được các đài truyền hình từ trung ương đến địa phương đặt hàng các ca khúc liên quan đến dân ca. Thông qua âm nhạc, đặc biệt là dân ca, chúng ta có thể giao lưu hữu nghị văn hóa, từ đây nhằm phát triển và nâng cao mối quan hệ hữu nghị. Chính vì vậy mà trong dịp tết này, Tố Hoa đã làm việc với Đài truyền hình Trung ương Trung Quốc để cho ra mắt ca khúc Qua cầu gió bay. Đây là một bài dân ca rất xưa của Việt Nam, và người Trung Quốc vẫn coi đây là một bài dân ca rất nổi tiếng của Việt Nam. Không chỉ ở Trung Quốc mà theo tôi bài dân ca này còn nổi tiếng trên thế giới nữa. Tôi đã làm mới bài dân ca này, và được các đài truyền hình Quảng Tây, Nam Ninh đặt hàng biểu diễn trong tết âm lịch của họ.
Ca sĩ Tố Hoa từng giành giải nhất Sao Mai phong cách thính phòng. |
BTV Hoàng Hướng: Các thính giả của Đài TNVN có thể được nghe bản dân ca này qua giọng hát của chị chứ?
Ca sĩ Tố Hoa: Chắc chắn rồi, và hy vọng bài dân ca này qua cách phối mới sẽ chạm được đến trái tim yêu thương của tất cả mọi người.
(Nổi bài Qua cầu gió bay).
BTV Bảo Trang: Xin cảm ơn ca sĩ Tố Hoa. Quả thực Qua cầu gió bay của chị rất đặc biệt, vẫn là một bản dân ca quen thuộc nhưng đồng thời cũng đem laijc ảm giác rất mới mẻ. Thưa anh Phạm Gia Hậu, là một người sống ở Séc đã lâu, vậy theo anh việc bảo tồn văn hóa Việt Nam ở nước ngoài được đặt ra cho cộng đồng người Việt ở nước ngoài, đặc biệt là cho các hội đoàn như Hội Văn hóa nghệ thuật Việt Nam tại CH Séc như thế nào?
Anh Phạm Gia Hậu: Cộng đồng người Việt Nam tại CH Séc là một trong 14 dân tộc thiểu số tại đây – có thể nói đây là điều duy nhất trên thế giới, một cộng đồng người Việt được coi là dân tộc thiểu số tại một quốc gia. Những người dân Việt Nam có quốc tịch, sinh sống và cống hiến cho đất nước Séc là quê hương thứ hai với nhiều thành tích. Việc định hình hướng đi của Hội người Việt Nam là quảng bá, phát triển và đưa được hình ảnh của người Việt Nam trên mặt trận văn hóa với nền tảng của cộng đồng. Từ sự phát triển của các Hội đồng hương, trong nước có quê hương nào thì bên chúng tôi đến 70-80% đều có Hội đồng hương của quê hương đó. Ở mỗi quê hương đó lại có những loại hình văn hóa nghệ thuật gắn liền với mỗi vùng như hát xoan Phú Thọ, quan họ của người Kinh Bắc, rồi hát chèo của Thái Bình … Các chủ tịch Hội cùng thảo luận với nhau để tìm ra cách thức phát huy tốt các loại hình văn hóa, không chỉ ở trong cộng đồng mà còn đem những nét đẹp văn hóa Việt Nam vào trong các chương trình giao lưu văn hóa để quảng bá hình ảnh Việt Nam. Và đến giờ tại CH Séc có hàng chục câu lạc bộ văn nghệ ở các khu vực, các chi hội, cộng thêm 4 hội đồng hương lớn là 4 hội đồng hương có văn hóa phi vật thể được UNESCO công nhận phát triển rất mạnh.
BTV Hoàng Hướng: Vâng, còn tại Hàn Quốc, xin được hỏi anh Kiên là với một cộng đồng trẻ thì chúng ta có phương thức thế nào để huy động và tổ chức các hoạt động văn hóa trong cộng đồng cũng như giới thiệu văn hóa VN tại nước ngoài?
Anh Nguyễn Trung Kiên: Đặc điểm cộng đồng người VN tại Hàn Quốc, thành phần chính là những phụ nữ di trú kết hôn. Vấn đề đặt ra trong việc bảo tồn và phát huy văn hóa đối với người Việt Nam tại Hàn Quốc cũng đa dạng như các thành phần của cộng đồng. Hiện tại ở Hàn Quốc có khoảng 70 nghìn cô dâu người Việt, cùng với cũng khoảng từng đó các em thế hệ thứ hai. Vấn đề duy trì và phát huy văn hóa người Việt tại Hàn Quốc là duy trì và dạy tiếng Việt cho con em thế hệ thứ hai, và dạy tiếng Việt cho những người Hàn Quốc yêu Việt Nam.
Đông đảo người dân mặc trang phục in Quốc kỳ Việt Nam diễu hành tại lễ hội Văn hóa Việt Nam tại Hàn Quốc năm 2018 . (Ảnh: Mạnh Hùng/TTXVN) |
Hiện tại được sự giúp đỡ của Đại sứ quán, của Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, Hội người Việt Nam ở Hàn Quốc đã thành lập và duy trì được nhiều lớp học tiếng Việt hoàn toàn miễn phí. Còn về việc quảng bá văn hóa Việt tại Hàn Quốc, chúng tôi thường xuyên tổ chức các lễ hội văn hóa Việt Nam tại Hàn Quốc, tại đó chúng tôi giới thiệu những nét văn hóa đặc trưng nhất của người Việt như văn hóa áo dài với những buổi trình diễn và thi trang phục áo dài cả nam và nữ. Trong các lễ hội văn hóa thì cũng kèm theo việc quảng bá ẩm thực của người Việt. Hàng năm, những dịp Tết, khởi đầu là sự kiện Tết cộng đồng do Đại sứ quán Việt Nam tại Hàn Quốc tổ chức. Sau đó là các chương trình đón Tết của các chi hội tại địa phương.
BTV Bảo Trang: Chị Tố Hoa đã nghe anh Hậu và anh Kiên nói đến việc giới thiệu văn hóa Việt Nam ở nước ngoài, và có nhấn đến việc giới thiệu dân ca. Là người thường xuyên tham gia các chương trình biểu diễn ở Trung Quốc cũng như một số nước khác, theo chị với một nghệ sỹ làm thế nào để có thể truyền tải dân ca Việt Nam đến với người nước ngoài?
Ca sĩ Tố Hoa: Xin chia sẻ với các anh chị và quý vị là khi ở Việt Nam, tôi là ca sĩ theo đuổi dòng nhạc thính phòng, và khi sang học tại Trung Quốc, tôi cũng học về thính phòng, nhưng khi đi biểu diễn tôi thường biểu diễn dân ca. Để có thể hát được các bài dân ca, tôi đã phải học kể cả các bài dân ca Trung Quốc. Dân ca Việt Nam hòa nhã, nhẹ nhàng, bay bổng, rất thoải mái trong giai điệu, và tôi thường chọn những bài dân ca Việt Nam nhẹ nhàng như bài Qua cầu gió bay, Bèo dạt mây trôi, hay các bài dân ca thính phòng mới, đã mang đến cho tôi những thành công nhất định khi ở Trung Quốc. Hầu như các cuộc thi mà tôi tham gia ở Trung Quốc, tôi có thể kết hợp hai bài dân ca Việt Nam và dân ca Trung Quốc để thành một tiết mục vừa có thể hát bằng tiếng Trung, vừa hát bằng tiếng Việt. Khán giả Trung Quốc rất hưởng ứng, và họ nhận thấy những nét đẹp của ngôn ngữ Việt Nam của âm nhạc dân gian Việt Nam. Thông qua đó, khán giả cũng biết nhiều hơn về Việt Nam.
BTV Bảo Trang: Trước khi tiếp tục cuộc trò chuyện với các khách mời của chương trình, mời quý vị và các bạn thưởng thức một ca khúc nữa qua giọng hát Tố Hoa – ca khúc Sen hoa trong ngần.
(Nổi bài Sen hoa trong ngần)
BTV Hoàng Hướng: Cảm ơn ca sĩ Tố Hoa. Câu chuyện của chị Tố Hoa vừa rồi đã nêu ra phương thức truyền tải nét dân ca Việt Nam thông qua những bài hát đến với thính giả nước ngoài. Với cộng đồng người Việt ở CH Séc, anh Phạm Gia Hậu, cộng đồng người Việt đông như thế nhưng cũng như các nước khác, mỗi người một việc phải lo công việc làm ăn… Vậy để tổ chức các chương trình văn hóa có khó khăn không, và làm thế nào để thu hút sự quan tâm của bà con đối với những sự kiện mà cộng đồng tổ chức?
Anh Phạm Gia Hậu: Trong tất cả mọi lĩnh vực, đều có những người tiên phong để kết nối mọi người. Ví dụ chúng tôi vừa tổ chức chương trình Tôi yêu tiếng nước tôi – một chương trình nhận được sự ủng hộ rất tâm huyết của Tổng giám đốc Đài TNVN Nguyễn Thế Kỷ. Với một thời gian ngắn như vậy mà chương trình đã rất thành công. Chúng tôi đã có nền tảng kết nối tốt, và sự chung tay trên toàn Châu Âu – nếu không có thì sẽ không thể thực hiện được. Ngay tại CH Séc chúng tôi cũng đề cao sự kết nối giữa các hội đoàn của cộng đòng, thông qua kênh Hội người Việt Nam. Khi có một chủ đề chương trình nào từ trong nước hay trong chính cộng đồng ở Châu Âu, chúng tôi lại gắn kết với nhau để làm, với tâm huyết và sự quyết tâm. Khi đưa ra được lý do để mọi người thấy được đó là nhu cầu thiết yếu, ví dụ như chương trình Áo dài phu nhân, không chỉ thành công ở CH Séc, chúng tôi đã có được một bộ áo dài đỏ với ngôi sao vàng dành cho tất cả các chị em đi thi và cả những người không đi thi cũng đặt may luôn. Đến sự kiện văn hóa, chỉ cần thông báo là mặc trang phục truyền thống, ngày đó, giờ đó, ở chỗ đó, chúng tôi đã có một đội hình rất đẹp và rất mạnh để trình diễn áo dài Việt Nam.
Tiết mục văn nghệ Lớp tiếng Việt yêu thương tại lễ hội văn hóa Việt Nam tại Hàn Quốc. (Ảnh: Mạnh Hùng/TTXVN) |
BTV Bảo Trang: Xin được hỏi anh Nguyễn Trung Kiên, bên Hàn Quốc có kinh nghiệm gì để thực hiện những hoạt động như thế?
Anh Nguyễn Trung Kiên: Cộng đồng ở Hàn Quốc rất trẻ nên việc kết nối tương đối dễ dàng. Chỉ cần Ban chấp hành Hội người VN tại Hàn Quốc lên một kế hoạch hành động trong năm để tổ chức một chương trình văn hóa kết hợp với các chi hội hay các tổ chức hữu nghị Việt – Hàn khác cùng làm, lập tức chúng tôi có nguồn nhân lực rất mạnh để triển khai các hoạt động văn hóa đó. Thường các hoạt động văn hóa của chúng tôi thu hút sự tham gia của đông đảo mọi người trong cộng đồng. Để có được sự thành công như vậy, chúng tôi thường quảng bá trước để vận động tài trợ từ các doanh nghiệp Hàn Quốc.
BTV Hoàng Hướng: Những năm vừa rồi, thông qua việc theo dõi các sự kiện văn hóa của người Việt ở nước ngoài, tôi thấy các hội đoàn thường mời nhiều ca sĩ, nghệ sĩ ở trong nước. Chị Tố Hoa này, khi được mời đi tham gia các sự kiện như thế chị có suy nghĩ gì?
Ca sĩ Tố Hoa: Tôi cảm thấy rất vinh dự. Mục tiêu của tôi khi đi học ở nước ngoài là sẽ trở về để phục vụ cho đất nước mình. Vì vậy khi có lời mời trong và ngoài nước để biểu diễn nghệ thuật quảng bá văn hóa Việt Nam và giao lưu hữu nghị thì chắc chắn tôi sẽ sắp xếp thời gian để tham gia, mong muốn thông qua âm nhạc đem tình cảm, văn háo Việt Nam đến gần với công chúng và cộng đồng người Việt tại Trung Quốc cũng như các nước.
BTV Bảo Trang: Nghe chị Tố Hoa nói như vậy, chắc hẳn anh Hậu và anh Kiên cũng “cởi tấm lòng”, cũng tìm ra được một “ngôi sao nghệ thuật” có thể kết nối trong các sự kiện văn hóa. Câu chuyện đặt ra nữa là việc kết nối các hội đoàn ở các nước khác nhau, kinh nghiệm ở Châu Âu anh Phạm Gia Hậu tổ chức các hoạt động văn hóa như thế nào?
Anh Phạm Gia Hậu: Theo tôi có hai sự kết nối khác nhau giữa các đơn vị ở Châu Âu với trong nước và giữa các cộng đồng Châu Âu với nhau. Thực ra giữa các cộng đồng Châu Âu với nhau có điều rất tương đồng, rất dễ vì biên giới là thông thương và Luật của Châu Âu có điểm chung, cần thực hiện đúng luật và chuẩn mực. Có thể đưa ra một dẫn chứng, giữa các nước Châu Âu khi đi từ nơi này đến nơi khác rất dễ dàng, không cần giấy tờ gì cả.
BTV Hoàng Hướng: Vậy giữa các hội đoàn có thể hỗ trợ nhau được không? Anh Kiên thấy việc này thế nào?
Anh Nguyễn Trung Kiên: Việc liên kết để hỗ trợ nhau về mặt thông tin, cách thức tổ chức, xây dựng chương trình, mời các nghệ sĩ tham gia… thì chúng ta có thể hỗ trợ nhau được.
Một gian hàng hoa tại Hội chợ Xuân của người Việt Nam tại Cộng hòa Séc |
Anh Phạm Gia Hậu: Xin chia sẻ thêm là, có hội đoàn nào muốn nhờ tôi hỗ trợ lên kịch bản chương trình, tôi sẵn sàng giúp họ lên kịch bản khung để hợp với cộng đồng ở nước đó. Có điều ở Châu Á không dễ như Châu Âu, xét về phương diện thông thương và các vấn đề giấy tờ thủ tục. Ví dụ như khi Hội văn hóa nghệ thuật tổ chức chương trình kỉ niệm 60 năm giải phóng Thủ đô, chúng tôi mời các hội đồng hương Hà Nội, hội người Hà Nội, hội yêu Hà Nội… ở các tỉnh thành của Đức, Ba Lan. Mọi người sang và có đóng góp phí tham dự, đồng thời cũng ủng hộ thêm cho Ban tổ chức. Phần hỗ trợ dôi ra chúng tôi có thể mời thêm các khách mời ngoại giao. Thực ra đó là sự hỗ trợ - chúng ta hỗ trợ nhau để tổ chức, khi ấy vấn đề kinh phí sẽ dễ dàng được giải quyết.
Biên tập viên Hoàng Hướng, anh Phạm Gia Hậu, ca sĩ Tố Hoa, anh Nguyễn Trung Kiên, BTV Bảo Trang tại VOV xuân Kỷ Hợi 2019 |
BTV Hoàng Hướng: Thông điệp anh Hậu nêu ra cũng rất rõ ràng – đó là để hoạt động cộng đồng được vui và hiệu quả thì mỗi người đều phải chung tay vào đó.
Xin cảm ơn anh Hậu, anh Kiên và chị Tố Hoa đã nêu ra những kinh nghiệm cũng như thực tiễn thực hiện các hoạt động văn hóa nghệ thuật để kết nối cộng đồng người Việt, đồng thời quảng bá văn hóa Việt Nam ở nước ngoài. Rất mong những sự kiện như thế được tổ chức thường xuyên, chuyên nghiệp hơn và nhất là có sự kết nối giữa các hội đoàn. Các chương trình như thế sẽ tạo sân chơi cho bà con đỡ nhớ quê hương, và cũng mang nét đẹp văn hóa Việt Nam tới với bạn bè quốc tế.
Một lần nữa xin cảm ơn các anh chị đã đến với Đài TNVN trong những ngày đầu năm mới, và chia sẻ câu chuyện về văn hóa nghệ thuật mà chúng ta quan tâm. Xin chúc các anh chị một năm mới sức khỏe và thành công.