(VOV5) - Hội doanh nhân Việt Nam tại Hoa Kỳ thuộc Hiệp hội doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài. Nhiệm vụ của Hội là trở thành cầu nối giữa Việt Nam và Hoa Kỳ trong các lĩnh vực khoa học, công nghệ và kinh tế, văn hóa, giáo dục, xã hội đặc biệt về lĩnh vực hỗ trợ đầu tư công nghệ và các mặt hàng từ Hoa Kỳ vào Việt Nam.
Ông Nguyễn Văn Dũng, Trưởng đại diện Hội doanh nhân Việt Nam tại Hoa Kỳ ở Việt Nam, thông tin về những đóng góp của Hội trong việc tiếp cận đầu tư, hỗ trợ xây dựng thương hiệu cho các doanh nghiệp Việt Nam kinh doanh tại thị trường Hoa Kỳ.
|
Ông Nguyễn Văn Dũng |
Nghe âm thanh phỏng vấn tại đây:
Phóng viên: Thưa ông, hiệp hội doanh nghiệp Việt Nam tại Mỹ có số lượng đông. Trong mối quan hệ Việt – Mỹ, đặc biệt về quan hệ kinh tế, thương mại đang nổi lên hiện nay, vai trò của hiệp hội doanh nhân người Việt Nam tại Mỹ có thể đóng góp được gì trong phát triển thương mại chung giữa Việt Nam và Hoa Kỳ đặc biệt trong xúc tiến các hiệp định thương mại đã ký?
Ông Nguyễn Văn Dũng: Hội doanh nhân Việt Nam tại Hoa Kỳ đã có các chương trình rất cụ thể hỗ trợ cho các doanh nghiệp Việt Nam xây dựng thương hiệu tại Hoa Kỳ, tiếp cận thị trường, xây dựng được thương hiệu và chất lượng tốt nhất và bảo đảm quyền lợi tối thiểu cho các doanh nghiệp Việt Nam khi tham gia thị trường Hoa Kỳ. Hội doanh nhân Việt Nam tại Hoa Kỳ có một văn phòng tại thành phố Baltimo của bang Maryland nhằm hỗ trợ cho các doanh nghiệp qua mở văn phòng bên đó với giá thuê rẻ. Chúng tôi sẽ giới thiệu các doanh nghiệp Hoa Kỳ trong lĩnh vực may mặc, nông, hải sản để Việt Nam tiếp cận với thị trường to lớn của Hoa Kỳ. Ngoài ra, chúng tôi có một dự án rất lớn và có ý nghĩa để chuẩn bị đón hiệp định TPP. Chính phủ Hoa Kỳ đã thẩm định và cấp cho chúng tôi giấy phép hoạt động kho ngoại quan tại cảng quốc tế Baltimo trong vòng 5 năm. Đây là một dự án kho cảng ngoại quan đầu tiên của người Việt tại Hoa Kỳ, hỗ trợ cho các doanh nghiệp Việt Nam nhập hàng hóa vào Hoa Kỳ, tránh tình trạng bán phá giá. Trong trường hợp khi hàng hóa Việt Nam nhập vào Hoa Kỳ nhưng Hoa Kỳ không mua thì doanh nghiệp Việt Nam sẽ bán qua các nước khác chứ không phụ thuộc vào thị trường Hoa Kỳ.
Trong năm 2017 chúng tôi sẽ triển khai trung tâm văn hóa cộng đồng người Việt tại Washington DC. Dự án này bà con trí thức người Việt tại Hoa Kỳ rất ủng hộ. Vì 45 năm rồi chưa có một trung tâm văn hóa nào tập trung được sức mạnh của cộng đồng người Việt tại Hoa Kỳ. Ở trung tâm văn hóa này, chúng tôi sẽ triển khai các dự án, giới thiệu văn hóa ẩm thực, văn hóa của các vùng miền của Việt Nam thậm chí là múa rối nước, võ Bình Định hoặc những gì thuộc về văn hóa của Việt Nam qua bên đó biểu diễn. Trong tháng 12, chúng tôi đã khảo sát địa chỉ để triển khai dự án này vào năm 2017. Đó là một trong các chương trình chúng tôi xúc tiến để hỗ trợ cho doanh nghiệp Việt Nam qua đó tiếp cận thị trường.
Thứ ba, chúng tôi thành lập công ty tài chính Đại Việt. Tháng 11 năm nay, công ty Đại Việt về hoạt động tại Việt Nam, hỗ trợ cho các doanh nghiệp vay vốn, ưu đãi và tiếp cận công nghệ của Hoa Kỳ với chi phí thấp hơn lãi suất ngân hàng Việt Nam. Đó là những bước đầu Hội doanh nhân Việt Nam tại Hoa Kỳ hỗ trợ cho các doanh nghiệp Việt Nam.
Phóng viên: Cộng đồng người Việt ở Mỹ có nhiều trí thức bậc cao và ở nhiều lĩnh vực khác nhau. Ông nhận thấy ở trong nước hiện nay đang có nhu cầu về chất xám, kết nối chất xám để hỗ trợ về mặt phát triển ở trong nước như thế nào?
Ông Nguyễn Văn Dũng: Cộng đồng người Việt ở Mỹ là cộng đồng trí thức bậc cao trong vấn đề kết nối chất xám để phát triển đất nước. Ở Hoa Kỳ tập trung nguồn lực trí thức chất xám lớn cụ thể ở bang Washington DC. Với công nghệ ở Hoa Kỳ, không ai chối bỏ việc là một trong những công nghệ tiên tiến. Trí thức Việt kiều như chúng tôi rất muốn đưa các công nghệ về Việt Nam, triển khai tại Việt Nam. Mong muốn lớn nhất của chúng tôi là đưa công nghệ về sản xuất tại Việt Nam, đáp ứng nhu cầu tại Việt Nam và thị trường thế giới. Để được như vậy, chúng tôi cũng còn chờ những cơ chế hỗ trợ của Việt Nam. Những cơ chế đó phải công khai để hỗ trợ cho trí thức Việt kiều khi họ về tiếp cận với chính sách ở Việt Nam khi triển khai về trí thức kiều bào và công nghệ cao tại Việt Nam.
Phóng viên: Ông đã về Việt Nam, có thời gian sống ở trong nước và đã tiếp cận với chính sách ở trong nước. Ông đánh giá như thế nào về cơ hội thị trường ở Việt Nam hiện nay?
Ông Nguyễn Văn Dũng: Bây giờ tư duy ở bên Mỹ đã khác trước. Tư duy đó là: bạn có doanh nghiệp ở Việt Nam hay không? Bạn có cơ sở làm ăn ở Việt Nam hay không? Đó là điều đáng bàn. Chúng tôi kêu gọi các nguồn tri thức kiều bào nói chung và ở Hoa Kỳ nói riêng về Việt Nam.
Thực ra, ở Việt Nam, nếu hiểu đúng, Việt Nam đã chuẩn bị rất tốt trong vấn đề hỗ trợ trí thức kiều bào, thu hút chất xám từ các nước về cụ thể là trí thức kiều bào Hoa Kỳ. Theo tôi nghĩ, vấn đề khó khăn không phải là rào cản. Vấn đề ở đây là chúng ta bắt đầu từ lúc nào và cần bắt đầu ngay. Đó là điều đáng nói. Một lần nữa, tôi khẳng định, thành phố Hồ Chí Minh nói riêng sẵn sàng về chính sách để đón kiều bào về đầu tư.
Phóng viên: Xin cảm ơn ông.