GS. Yafang Cheng: Việt Nam có thể học hỏi kinh nghiệm của Bắc Kinh trong giải quyết ô nhiễm không khí

Tạ Lan
Chia sẻ
(VOV5) -  Ô nhiễm không khí không chỉ là vấn đề ở các đô thị mà còn là vấn đề ở khu vực cũng như toàn cầu. Cho nên vấn đề này chúng ta cần phải có sự chung tay.

Với việc triển khai nhiều biện pháp hiệu quả, sáng tạo và triệt để, Bắc Kinh (Trung Quốc) – một thành phố từng nằm trong danh sách ô nhiễm nhất thế giới đang nổi lên như một hình mẫu trong việc cải thiện chất lượng không khí.

Là một trong những nhà khoa học trực tiếp tham gia chiến dịch cải thiện chất lượng không khí ở Bắc Kinh, GS Yafang Cheng, Giám đốc Khoa Hóa học Aerosol, Viện nghiên cứu Hóa học Max Planck (Đức) cho biết, Việt Nam có thể học hỏi kinh nghiệm của Bắc Kinh để giải quyết vấn đề ô nhiễm không khí ở các đô thị lớn, đặc biệt là tại Hà Nội. Tuy vậy, quá trình này cần nhiều nỗ lực của Chính phủ và xã hội. Đây là khẳng định của GS. Yafang Cheng  khi trả lời phỏng vấn của PV Đài TNVN nhân dịp bà ở Hà Nội trong khuôn khổ Tuần lễ Khoa học Công nghệ và Lễ trao giải VinFuture 2024.

       Nghe âm thanh phòng vấn tại đây:   

 PV: Thưa bà, Việt Nam đang chứng kiến tình trạng ô nhiễm không khí, đặc biệt ở các đô thị lớn như Hà Nội, TPHCM. Việt Nam cũng đang có những giải pháp để cải thiện nhưng hiện vẫn gặp rất nhiều khó khăn. Vậy bà có thể chia sẻ một số kinh nghiệm để có thể giải quyết vấn đề ô nhiễm không khí tại Việt Nam?
GS. Yafang Cheng: Việt Nam có thể học hỏi kinh nghiệm của Bắc Kinh trong giải quyết ô nhiễm không khí - ảnh 1GS Yafang Cheng.

GS.Yafang Cheng: Vâng tôi nghĩ rằng tất cả chúng ta đều mong muốn giảm được ô nhiễm và mặc dù tôi tiến hành nghiên cứu ở Đức thế nhưng tôi cũng có rất nhiều những hoạt động để cùng tham gia giải quyết các vấn đề ô nhiễm không khí ở cả Trung Quốc.

Hiện giờ, chúng ta có thể thấy các thành phố bị ảnh hưởng bởi ô nhiễm không khí, mà ô nhiễm không khí kết hợp từ nhiều yếu tố khác nhau trong đó có vấn đề phát thải, vấn đề khí tượng. Tất cả những điều đó sẽ ảnh hưởng tới các khu vực đô thị. Tôi nghĩ rằng một trong những vấn đề mà chúng ta có thể làm đó là chúng ta hãy tính toán giảm phát thải và trong đó có các yếu tố phát thải liên quan tới CO2. Đặc điểm chung là CO2 có thể phát thải từ các nguồn khác nhau, cho nên chúng ta cùng nhau chung tay giảm bớt phát thải, chúng ta sẽ giảm bớt được vấn đề do carbon gây ra.  Thứ hai là vấn đề liên quan tới quá trình gọi là carbon đen, tức là trong quá trình đốt cháy, ví dụ như từ hoạt động công nghiệp, giao thông vận tải, sẽ có ảnh hưởng tới bầu không khí ở các đô thị và không chỉ giới hạn trong đô thị nó có thể lan tỏa ra ngoài khu vực đô thị và ảnh hưởng tới cuộc sống.

Ô nhiễm không khí không chỉ là vấn đề ở các đô thị mà còn là vấn đề ở khu vực cũng như toàn cầu. Cho nên vấn đề này chúng ta cần phải có sự chung tay.

 PV: Hiện nay, Thành phố Hà Nội đang có chương trình thí điểm các vùng phát thải thấp. Vậy bà có thể chia sẻ kinh nghiệm về việc triển khai các vùng phát thải thấp ở một số quốc gia trên thế giới, trong đó có Trung Quốc mà Việt Nam có thể học hỏi?

GS.Yafang Cheng: Ví dụ cụ thể như Trung Quốc, với điều kiện khí hậu thời tiết vào mùa đông sẽ không thuận lợi lắm cho nên những tầng gây ô nhiễm sẽ duy trì ở tầng thấp. Vậy làm thế nào để có thể giảm bớt được quá trình đốt nhiên liệu trong nhóm những người tiêu dùng và giảm xuống mức thấp? Tôi nhớ khoảng năm 2013 hay 2015, ở Trung Quốc, chúng tôi đã có những nỗ lực để có thể giảm phát thải do quá trình đốt cháy ở trong dân cư bằng cách khuyến khích chuyển sang sử dụng những loại như khí tự nhiên thì sẽ sạch hơn và có lợi cho không chỉ bầu không khí ở ngoài nhà mà ngay ở trong nhà nữa.

Và chúng tôi thấy rằng trong trường hợp nếu chúng ta chỉ nhắm vào nỗ lực để giảm phát thải thôi thì còn ảnh hưởng đến quá trình phát triển kinh tế. Bây giờ chúng ta làm thế nào để có thể vừa kết hợp được cả giảm phát thải và phát triển kinh tế. Vậy chúng ta sẽ phải hướng tới sử dụng những năng lượng sạch hơn và từ đó cũng có thể tạo thêm được công ăn việc làm. Một phương án của chúng tôi đó là sử dụng các loại xe điện cũng giảm bớt được quá trình đốt cháy và đảm bảo sạch hơn, trong khi vẫn duy trì được phát triển kinh tế, sản xuất.

PV: Như bà vừa nói thì sử dụng xe điện là một trong những phương pháp để giảm thiểu ô nhiễm không khí. Ở Việt Nam thì cũng có xe điện. Ngoài việc phát triển xe điện thì bà có khuyến nghị cho Việt Nam, thưa GS?

GS.Yafang Cheng: Tôi nghĩ rằng Chính phủ sẽ phải nỗ lực rất nhiều, không chỉ về vấn đề nguồn lực tài chính mà đồng thời cần phải có những chiến dịch truyền thông, giáo dục để thay đổi về tư duy để mọi người có thể hiểu được rằng nếu như họ làm như vậy sẽ giúp nâng cao hơn nữa chất lượng không khí và từ đó có lợi cho bầu không khí trong gia đình và ngoài xã hội. Bên cạnh đó, muốn làm được hay muốn sử dụng năng lượng sạch thì phải có sẵn năng lượng sạch để cung cấp cho người dân. Vậy chúng tôi phải tính toán tới nguồn cung năng lượng sạch.

 PV: Trong thời gian tới, bà có dự định hợp tác hay kế hoạch hợp tác gì với các nhà khoa học ở Việt Nam và các cơ quan, bộ, ngành ở Việt Nam liên quan đến vấn đề về giảm thiểu ô nhiễm không khí không?

GS.Yafang Cheng: Hiện giờ chúng ta thấy với lĩnh vực về ô nhiễm không khí hay khí hậu, môi trường là vấn đề đòi hỏi phải có sự hợp tác. Bởi vì đây không phải vấn đề ở một địa phương nào mà là vấn đề của khu vực và toàn cầu. Bản thân tôi hiện giờ chưa có cơ hội để có thể hợp tác nhiều với phía Việt Nam, tuy nhiên tôi hi vọng rằng qua những sự kiện như thế này của VinFuture, chúng ta sẽ có những cơ hội để có thể được tiếp xúc, trao đổi với nhiều chuyên gia và giáo sư, như vậy có thể mở những cánh cửa trong tương lai. Bên cạnh đó chúng ta có các quỹ châu Á, đấy cũng là những kênh mà luôn luôn sẵn sàng để làm về khí hậu và môi trường.

Vâng. Xin trân trọng cám ơn GS!

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu