Green ID là trung tâm phát triển sáng tạo Xanh hiện có các dự án đang được ứng dụng hiệu quả tại nhiều địa phương ở Việt nam, giúp người dân tiếp cận với cuộc sống thân thiện với môi trường, đồng thời đóng góp những giải pháp cho sự phát triển bền vững tạiViệt Nam. Green ID cũng được xem là nơi ươm mầm tài năng cho đội ngũ các nhà khoa học trẻ, là cầu nối hợp tác Việt Nam với giới khoa học quốc tế. Phóng viên Đài TNVN phỏng vấn chị Ngụy Thi Khanh, giám đốc của Green ID, người Việt Nam đầu tiên được được Quỹ Môi trường Goldman trao giải thưởng Anh hùng môi trường thế giới 2017.
Chị Ngụy Thị Khanh, giám đốc Trung tâm Phát triển Xanh là người Việt Nam đầu tiên được nhận giải của Gold man. Ảnh Green ID |
Nghe âm thanh phỏng vấn tại đây:
PV: Xin chào chị Ngụy Thị Khanh! Trước hết xin chúc mừng chị cùng 6 nhà khoa học nước ngoài khác mới đây nhận được giải thưởng cao nhất của Quỹ môi trường Goldman. Xin chị cho biết đôi nét về giải thưởng này?.
Chị Ngụy Thị Khanh: Goldman là giải thưởng duy nhất cho các nhà hoạt động về môi trường ở cấp cơ sở, địa phương trên khắp thế giới. Nó được trao hàng năm, chọn ra 6 đại diện cho 6 châu lục và các vùng đảo. Tiêu chí lựa chọn thông qua hệ thống, mạng lưới về bảo vệ môi trường quốc tế, không kêu gọi nộp đơn. Những người đạt giải đều bất ngờ khi biết kết quả. Mỗi năm họ nhận được từ các mạng lưới khoảng 90 đề cửchọn ra 20 trường hợp, tiến hành nghiên cứu, lấy thông tin từ đối tác, cộng đồng, chuyên gia đang hợp tác với những cá nhân được đề cử. Sau đó, hội đồng xét duyệt của Goldman quyết.đinh chọn ra những hồ sơ xuất sắc nhất để vinh danh. Một điểm nữa là những cá nhân được giải phải tích cực trong các hoạt động cải thiện môi trường, thúc đẩy phát triển bền vững và truyền cảm hứng cho người khác. Họ làm việc từ cái tâm.Tôi rất vinh dự vì là người Việt Nam đầu tiên được nhận giải thưởng cao quý này..
7 nhà khoa học được nhận giải thưởng Goldman |
PV: Green ID ở Việt Nam là một tổ chức môi trường Xanh, hoạt động không vì lợi nhuận dưới sự quản lý của Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam.Sứ mệnh cũng như mục tiêu chính của Green ID là gì, thưa chị.?
Chị Ngụy Thị Khanh: Green ID thành lập năm 2011, là cam kết của 4 sáng lập viên cùng có mong muốn và tâm huyết là đóng góp vào sự phát triển bền vững cho Việt Nam, dựa trên thúc đẩy các giải pháp phát triển Xanh. Vì thế, Green ID xây dựng một tầm nhìn phát triển năng lượng bền vững ở Việt Nam và cả khu vực Mekong trong đó môi trường được bảo vệ và mang lại lợi ích thụ hưởng cho người dân. Với tầm nhìn như thế, Green ID xác định cho mình sứ mệnh là tập trung vào phát triển năng lượng bền vững, năng lượng tái tạo, quản trị hiệu quả tài nguyên nước và không khí cũng như ứng dụng các giải pháp phát triển Xanh. Cách tiếp cận của Green ID là làm việc theo 2 hướng. Một là kết nối chính sách với thực tiễn để có sự kết nối, tương tác và phản hồi. Một khác biệt của Green ID là trung tâm liên tục kết nối trí thức, cập nhật những tiến bộ, những gì mới nhất của thế giới đưa vào Việt Nam để thảo luận, nghiên cứu tìm ra con đường triển khai phù hợp nhất cho Việt Nam. Được xem là cầu nối, chất xúc tác cho những tiến bộ khoa học mới vào Việt Nam, Green ID cũng chú trọng đào tạo nguồn nhân lực trẻ, nơi đây giống như một vườm ươm để sinh viên các trường Đại học công nghệ, khoa học hay môi trường, năng lượng trong nước, quốc tế đến thực tập, trực tiêp tham gia dự án cộng đồng của Green ID.
3. Xin chị cho biết một số dự án năng lượng Xanh mà Green ID đang triển khai hiệu quả tại các địa phương ở Việt Nam.?
Chị Ngụy Thị Khanh: Từ năm 2012, Green ID triển khai một chương trình có tên Cộng đồng Xanh. Trong đó tập trung nâng cao nhận thức cho chính quyền và người dân đia phương về câu chuyện ứng dụng giải pháp về năng lượng tái tạo,sử dụng hợp lý tài nguyên nước, triển khai từ cấp hộ gia đình, trường học, cơ sở công và rộng hơn ở cấp cộng đồng. Chúng tôi đang thực hiện dự án ở Thái Bình, Nam Định, Cà Mau, An Giang, Đắc Lắc. Tại mỗi tỉnh, chúng tôi chọn thí điểm 3 xã thụ hưởng cùng cách tiếp cận xây dựng một nhóm năng lượng Xanh nòng cốt tại địa phương. Chẳng hạn như dự án dùng toàn bộ đèn LED tiết kiệm điện ở các trường học, mô hình phát điện biogas tại các trang trại lợn lớn làm đường dẫn khí ga đến các điểm trường, cụm dân cư. Hoặc hệ thống dùng pin năng lượng mặt trời để tạo ra nước uống trực tiếp an toàn hay hệ thống gom nhiệt mặt trời để phát sáng đèn đường, chống ô nhiễm nguồn nước ở Cà Mau và nhiều khu vực đồng bằng sông Cửu Long.
Bà Ngụy Thị Khanh đã sử dụng những nghiên cứu khoa học và thúc đẩy các cơ quan nhà nước tham gia vào nhiều dự án năng lượng dài hạn. Ảnh: GreenID. |
PV:Trong triển khai mô hình hay các dự án Xanh, Green ID gặp những khó khăn gì khôngvà Trung tâm của chị được hỗ trợ như thế nào từ các tổ chức môi trường của Việt Nam hay thế giới?
Chị Ngụy Thị Khanh: Vì các dự án về điện nước như vừa nói đáp ứng nhu cầu thiết yếu và mang tính nhân văn nên nhận được sự ủng hộ rất lớn của cộng đồng. Tuy nhiên khó khăn nhiều hơn, trước hết là từ thay đồi nhận thức đến hành vi cần đòi hỏi có thời gian dài nỗ lực lớn, kiểm chứng, phản hồi. Trong khi đó, chúng ta lại đang chịu áp lực phải đáp ứng nhu cầu hiện tại nhưng mà phải theo giải pháp bền vững. Vì thế câu chuyện ở đây là làm sao cùng lúc vừa nâng cao nhận thức, chuyển đổi thói quen, vừa sử dụng các giải pháp cụ thể, an toàn bền vững. Điều này lại dẫn đến việc cần phải có một đội ngũ nhân lực chuyên nghiệp đáp ứng các yêu cầu địa bàn chủ yếu vùng sâu vùng xa.
Hệ thống năng lượng tái tạo là mô hình xanh, lí tưởng để cung cấp điện cho các hộ nghèo, xa xôi hẻo lánh |
Bên cạnh đó, năng lượng tái tạo, thay thế mới cần có sự hợp tác thường xuyên với đối tác quốc tế để tìm ra giải pháp phù hợp nhất cho Việt Nam. Trong khi quy trình có được đối tác quốc tế làm việc tại Việt Nam lại rất phức tạp. Nhiều khi, đối tác sẵn sàng giúp Việt Nam trong khoảng 3-6 tháng nhưng thủ tục xin phép giấy tờ cũng tốn gần hết thời gian lưu trú ở Việt Nam của họ. Điều đó nhiều khi dẫn đến việc mất cơ hội cho chúng ta được cập với những tiến bộ mới nhất của thế giới.Về kinh phí hoạt động, phần lớn nguồn ngân sách của Green ID được huy động từ nguồn tài trợ của các quỹ tư nhân, tổ chức quốc tế hoặc thông qua hợp tác với các tổ chức phi chính phủ hoặc với các trường Đại học quốc tế.
PV: Xin cảm ơn chị và chúc Green ID có thêm những dự án thiết thực hữu ích cho cộng đồng.