Trong bối cảnh toàn cầu hóa ngày càng sâu rộng, có những người Việt xa xứ vẫn đang nỗ lực gìn giữ hồn cốt của dân tộc. Hôm nay, chúng ta sẽ cùng nhau lắng nghe những câu chuyện đầy cảm hứng về hành trình bảo tồn tiếng Việt và văn hóa Việt tại đất nước Malaysia. Chương trình vinh dự được đón tiếp hai khách mời: cô Nguyễn Thị Liên, "Sứ giả tiếng Việt ở nước ngoài" năm 2023, hiện đang là Chủ nhiệm Câu lạc bộ tiếng Việt tại Malaysia, cùng em Lê Nguyễn Lưu An, đại diện cho thế hệ trẻ Việt kiều đầy nhiệt huyết, đang viết tiếp câu chuyện bản sắc Việt trên đất Malaysia. Hai vị khách mời sẽ chia sẻ những kinh nghiệm quý báu, những câu chuyện về hành trình bảo tồn và lan tỏa tiếng Việt cũng như các giá trị văn hóa Việt trên đất khách.
Chị Nguyễn Thị Liên (thứ hai từ trái sang) và em Lê Nguyễn Lưu An (bìa trái), hai khách mời tham gia buổi tọa đàm. |
Phóng viên: Lan Phương xin chào quý vị và các bạn. Xin giới thiệu hai vị khách mời của tọa đàm hôm nay là cô giáo Nguyễn Thị Liên, chủ nhiệm Câu lạc bộ tiếng Việt tại Malaysia và em Lê Nguyễn Lưu An, học sinh người Việt tại Malaysia. Xin chào chị Liên, xin chào em An.
Chị Nguyễn Thị Liên: Xin chào nhà báo Lan Phương
Lê Nguyễn Lưu An: Xin chào chị.
Phóng viên: Thưa chị Nguyễn Thị Liên. Trước tiên, chị có thể chia sẻ về tầm quan trọng của việc gìn giữ tiếng Việt đối với cộng đồng người Việt tại Malaysia không?
Chị Nguyễn Thị Liên: Thực ra, giống như các cộng đồng người Việt khác trên thế giới, người Việt ở đâu cũng muốn giữ gìn tiếng Việt của mình. Đó là tiếng mẹ đẻ và là một trong những phương tiện để mình có thể kết nối với người thân trong nước, trở về nước giao tiếp và thậm chí có thể làm việc trong những lĩnh vực của mình. Chính vì vậy, tiếng Việt luôn quan trọng đối với người Việt Nam ở nước ngoài, đặc biệt, trong việc thể hiện bản sắc của mình trong môi trường đa văn hóa.
Phóng viên: Vâng, cảm ơn chị Liên. Còn theo em Lưu An, góc nhìn của người trẻ về vấn đề này như thế nào?
Lê Nguyễn Lưu An: Đối với em, tiếng Việt vô cùng quan trọng. Tại vì đó là tiếng mẹ đẻ của mình. Người Việt Nam ở nước ngoài cần phải biết tiếng Việt. Biết tiếng Việt để hiểu về đất nước. Khi về Việt Nam, mình có thể giao tiếp với ông bà, người thân một cách dễ dàng. Khi sống ở nước ngoài, biết tiếng Việt sẽ giúp giới trẻ có thể giao lưu với mọi người trong cộng đồng của mình.
Phóng viên: Cảm ơn Lưu An. Với tư cách là chủ nhiệm câu lạc bộ tiếng Việt tại Malaysia, chị Liên nhận thấy câu lạc bộ của mình cần có những hoạt động gì để giữ gìn cũng như phát huy tiếng Việt ở nước sở tại?
Chị Nguyễn Thị Liên: Câu lạc bộ tiếng Việt chủ yếu dạy cho các cháu trẻ em trong cộng đồng người Việt gìn giữ được tiếng Việt, sử dụng tiếng Việt: nghe, nói, đọc, viết, hiểu tiếng Việt. Đó là một trong những hoạt động quan trọng nhất của câu lạc bộ.
Ngoài ra, để tạo môi trường cho các bạn có cơ hội tìm hiểu về văn hóa, chúng tôi thường tổ chức những buổi ngoại khóa, những hoạt động nhân các dịp kỷ niệm, lễ, Tết. Ví dụ: Tết Trung thu, Tết thiếu nhi 1/6, mừng xuân mới hay có một sự kiện nào đó, chúng tôi cũng tổ chức cho các cháu vui chơi, tìm hiểu về văn hóa đặc sắc của Việt Namc thông qua trò chơi, những câu chuyện, hát múa, biểu diễn, hay thậm chí là làm đèn lồng, làm bánh trung thu. Qua các hoạt động đó, các cháu sẽ cảm thấy gần gũi hơn với văn hóa Việt.
Đối với lớp học tiếng Việt, hiện nay, chúng tôi có khoảng 40 cháu, bao gồm cả học online và offline. Lớp học được chia thành nhiều lớp nhỏ, bởi vì mỗi cháu có một trình độ khác nhau, có thể cùng tuổi nhưng khác nhau về khả năng sử dụng tiếng Việt hoặc cùng khả năng nhưng tuổi lại khác nhau, dẫn đến sự tiếp nhận cũng khác nhau. Chính vì vậy, chúng tôi chia thành nhiều lớp và tùy theo điều kiện của các cháu để tổ chức dạy học trực tiếp hoặc online cho những cháu nhà xa hoặc bố mẹ bận không đưa đón được.
Câu lạc bộ tiếng Việt hiện có 2 giáo viên chính và 2 trợ giảng. Đó là hai cháu đã theo học từ lâu, trong đó, một cháu đã vào đại học rồi. Bây giờ tiếng Việt giỏi nên các cháu quay lại tham gia trợ giảng, giúp đỡ các em nhỏ trong lớp học.
Phóng viên: Vâng, thật tuyệt vời. An cũng là một thành viên tham gia tích cực trong vai trò làm trợ giảng cho lớp học tiếng Việt. An có thể chia sẻ những kinh nghiệm của mình cũng như quá trình mà mình đã tham gia hoạt động này?
Lê Nguyễn Lưu An: Em giúp các bạn nhỏ học tiếng Việt bằng cách đến câu lạc bộ tiếng Việt giúp các em học đọc, viết. Có vài em thì phải kèm cặp riêng. Không khí của cả lớp rất thoải mái, mọi người đều thấy vui. Em không thấy vất vả, các bạn học ở lớp rất ngoan và em thấy rất thích thú khi được hướng dẫn các bé.
Phóng viên: Lưu An đã học tiếng Việt từ nhỏ nên ngôn ngữ tiếng Việt khá tốt. An đã phải làm như thế nào để giúp đỡ cho các em nhỏ không biết tiếng Việt?
Lê Nguyễn Lưu An: Trong lớp tiếng Việt, em tổ chức các trò chơi để cho các bạn nhỏ tham gia, như: đố chữ và làm nhiều bài tập. Nhớ lại kinh nghiệm của bản thân khi mới sang Malaysia lúc 4 tuổi, nhờ sự giúp đỡ của bố mẹ và việc tham gia nhiều hoạt động văn hóa, tiếng Việt của em đã tiến bộ rất nhiều. Chính quá trình học tập và tiến bộ đó đã giúp em trở thành một người trợ giảng dạy tiếng Việt như hiện nay.
Phóng viên: Chị Liên, chị nghĩ rằng thế hệ trẻ đóng vai trò như thế nào trong việc giữ gìn văn hóa Việt Nam ở nước ngoài?
Chị Nguyễn Thị Liên: Thế hệ của chúng ta đã được một giai đoạn sống ở trong nước nên dù ít dù nhiều vẫn giữ được bản sắc và mong muốn hướng về cội nguồn. Nhưng với các bạn trẻ, nhất là những bạn sinh ra lớn lên ở nước ngoài thì điều đó rất khó khăn. Nếu không giữ được tiếng Việt, không cho các cháu tiếp cận được với văn hóa Việt Nam thì rất khó để các bạn gắn bó và hướng về trong nước. Chính vì vậy, nếu để cho thế hệ thứ hai, thứ ba giữ được tiếng Việt và văn hóa Việt Nam thì đó mới là mục tiêu của thế hệ chúng ta.
Phóng viên: Vâng, đúng là như vậy. Chúng ta đặt niềm tin rất lớn vào thế hệ trẻ người Việt ở nước ngoài. Khi sống ở nước ngoài, những khó khăn lớn nhất của Lưu An là gì?
Lê Nguyễn Lưu An: Ở nước ngoài, không có nhiều cơ hội để nói tiếng Việt ngoài cộng đồng Việt Nam và trong gia đình mình. Ví dụ khi đi học, em không có cơ hội để nói tiếng Việt. Sách vở đọc cũng toàn là tiếng Anh. Cho nên, không hề dễ dàng để giữ gìn tiếng Việt ở nước ngoài.
Phóng viên: Với chị Liên, chị nghĩ rằng đâu là những thách thức lớn nhất trong việc gìn giữ tiếng Việt ở nước ngoài?
Chị Nguyễn Thị Liên: Thách thức lớn nhất là môi trường sử dụng tiếng Việt rất ít. Thời gian học ở trường của các cháu, các cháu không được sử dụng tiếng Việt. Nếu như trong gia đình mà bố mẹ cũng không nói tiếng Việt thì cơ hội thực hành của các cháu rất ít. Ngoài ra, môi trường đọc sách, giao tiếp, nghe nhạc đều không phải bằng tiếng Việt. Chính vì thế, nếu muốn con giữ gìn được bản sắc văn hóa, hiểu nhiều về Việt Nam thì cần nỗ lực không chỉ của các cháu mà phải là cả bố mẹ, gia đình và cộng đồng hỗ trợ.
Phóng viên: Vậy, chị có đề xuất gì để khắc phục những thách thức này không?
Chị Nguyễn Thị Liên: Để khắc phục những thách thức trong việc giữ gìn bản sắc văn hóa và tiếng Việt, cần có sự nỗ lực từ nhiều phía. Trước hết, gia đình đóng vai trò quan trọng. Bố mẹ cần kiên nhẫn dạy con tiếng Việt từ nhỏ, thường xuyên giao tiếp bằng tiếng Việt, đọc sách, dạy hát cho con, và tạo điều kiện cho con giao lưu với bạn bè Việt Nam. Bên cạnh đó, cộng đồng cần cố gắng tổ chức các lớp học tiếng Việt và sự kiện văn hóa để tạo môi trường giao tiếp cho các cháu.
Tại Malaysia, chúng tôi đã duy trì được mô hình lớp học với 40 học sinh và 2 giáo viên, kết hợp cả hình thức online và offline. Điều quan trọng là đảm bảo chất lượng giảng dạy với giáo viên có chuyên môn và tâm huyết. Chúng tôi cũng nhận được sự hỗ trợ quý báu từ Đại sứ quán về địa điểm và trang thiết bị giảng dạy. Các hội đoàn và phụ huynh cũng đóng góp rất nhiều trong việc tạo động lực học tập cho các cháu. Với những nỗ lực này, tôi tin rằng chúng ta có thể từng bước khắc phục được những thách thức trong việc giữ gìn tiếng Việt và bản sắc văn hóa cho cộng đồng người Việt tại Malaysia.
Phóng viên: Xin cảm ơn cô giáo Nguyễn Thị Liên và em Lê Nguyễn Lưu An đã tham gia buổi tọa đàm ngày hôm nay. Những chia sẻ của hai vị khách mời đã cho chúng ta thấy được tầm quan trọng của việc gìn giữ tiếng Việt và văn hóa Việt tại Malaysia, cũng như những nỗ lực đáng quý của cộng đồng người Việt nơi đây. Chúc giáo viên tiếng Việt Nguyễn Thị Liên, em Lê Nguyễn Lưu An và cộng đồng người Việt tại Malaysia sẽ tiếp tục gặt hái được nhiều thành công trong sứ mệnh cao cả này. Xin cảm ơn khách mời, quý vị và các bạn đã theo dõi buổi tọa đàm của chúng tôi.