Giáo dục và thương mại - chìa khóa của tương lai quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ

Ánh Huyền
Chia sẻ
(VOV5) - Việt Nam - Hoa Kỳ đang tốt nhất từ trước tới nay và tin chắc sẽ tiếp tục nở rộ trong thời gian tới.

Năm 2020, Việt Nam và Hoa Kỳ kỷ niệm 25 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao (1995-2020). Trả lời phỏng vấn phóng viên VOV, Đại sứ Daniel J. Kritenbrink khẳng định quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ đang tốt nhất từ trước tới nay và tin chắc sẽ tiếp tục nở rộ trong thời gian tới. Bên cạnh các lĩnh vực hợp tác chính trị, an ninh, quốc phòng, giáo dục và thương mại chính là chìa khóa của tương lai.

Giáo dục và thương mại - chìa khóa của tương lai quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ - ảnh 1 Đại sứ Mỹ tại Việt Nam, ông Daniel J. Kritenbrink - Ảnh: Tuổi Trẻ

PV: Thưa Đại sứ, năm đầu tiên của nhiệm kỳ, ông đưa ra 5 ưu tiên. Đó là thương mại - đầu tư, an ninh, giao lưu nhân dân, thúc đẩy quyền con người và cuối cùng là xử lý các vấn đề nhân đạo và di sản chiến tranh. Thời điểm này, lĩnh vực nào khiến ông hài lòng nhất?

Đại sứ Daniel J. Kritenbrink: Đúng vậy, tôi nghĩ 5 ưu tiên đó vẫn rất quan trọng trong hợp tác song phương giữa hai nước và tôi nghĩ đây cũng vẫn sẽ là những ưu tiên hàng đầu tôi đặt ra với tư cách là Đại sứ. Mà một trong những ưu tiên hiện nay là hợp tác song phương trong vấn đề xử lý các vấn đề nhân đạo và di sản chiến tranh. Chúng tôi thực sự tin rằng, dù mối quan hệ của chúng ta hiện nay chủ yếu là hướng đến tương lai, chúng tôi có trách nhiệm phải giải quyết những vấn đề tồn đọng từ quá khứ và một vấn đề quan trọng liên quan đến quá khứ giữa chúng ta là nỗ lực chung trong việc tẩy độc dioxin hay còn gọi là chất độc da cam còn lại sau chiến tranh.

Tôi thực sự rất tự hào là vào tháng 11/2018 đã có mặt tham dự buổi lễ đánh dấu ngày hoàn thành dự án tẩy độc dioxin ở sân bay quốc tế Đà Nẵng mà Hoa Kỳ đã đầu tư hơn 110 triệu USD để dọn dẹp toàn bộ chất độc dioxin ở sân bay quốc tế Đà Nẵng, loại bỏ những mối đe doạ cho sức khoẻ người dân và tạo điều kiện cho việc mở rộng sân bay này. Đó chỉ là một trong rất nhiều lĩnh vực hợp tác giữa hai nước. Thêm một ví dụ nữa về di sản chiến tranh là việc dọn dẹp bom mìn (ở các tỉnh như tỉnh Quảng Trị mà trong hai năm qua không hề có thương vong hay tai nạn gì liên quan đến bom mìn còn sót lại sau chiến tranh). Chúng tôi đang điều trị cho những người khuyết tật ở 8 tỉnh bị rải chất độc trong chiến tranh. Và tất nhiên là cả hai nước cũng đang rất nỗ lực để tìm kiếm những người bị mất tích trong chiến tranh ở cả hai phía. Đó chỉ là một trong năm lĩnh vực mà bạn đã nhắc đến.

Chúng ta cũng đang có những hợp tác rất lớn trong lĩnh vực an ninh. Mỹ như tôi đã nói, chúng tôi đầu tư cho sự thành công của các bạn và chúng tôi muốn Việt Nam phát triển thịnh vượng và điều đó cũng bao gồm việc nâng cao năng lực quân sự và bảo vệ lãnh hải của Việt Nam để chúng ta có thể đóng góp cho hoà bình và an ninh trong khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương bao gồm cả biển Đông.  Câu chuyện Triều Tiên là  một ví dụ. Chúng tôi đã rất biết ơn Việt Nam trên tư cách là nước chủ nhà của hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều tại Hà Nội vào tháng 2 năm 2019..

Kinh tế-thương mại có thể coi là một thành công rực rỡ khác trong mối quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ. Kim ngạch thương mại hai chiều Việt Nam-Hoa Kỳ hiện nay đã đạt hơn  60 tỷ USD; Mối quan hệ giữa nhân dân hai nước cũng gần gũi hơn bao giờ hết. Có lẽ nó được thể hiện rõ nhất qua con số 30.000 du học sinh Việt Nam ở Hoa Kỳ. Chúng tôi cũng đã tiến hành rất nhiều chương trình được thiết kế để thúc đẩy pháp quyền ở Việt Nam.  Tóm lại, tôi có thể tự hào về những việc chúng ta đang chung tay làm và tôi nghĩ rằng mối quan hệ đối tác Việt Nam-Hoa Kỳ đang mạnh mẽ hơn bao giờ hết.

PV: Ông đã đề cập về giáo dục, và ĐH Fulbright là minh chứng thành công trong hợp tác hai nước. Chính phủ Hoa Kỳ nhìn nhận như thế nào về tương lai giữa hai nước qua giáo dục?

Đại sứ Daniel J. Kritenbrink: Trước tiên, trao đổi giáo dục giữa Hoa Kỳ và Việt Nam là một trong những điều quan trọng nhất mà chúng ta đang thực hiện. Đó là lý do tại sao chúng tôi đang rất vui mừng đón nhận 30.000 sinh viên Việt Nam sang du học tại Mỹ, không chỉ là vì học tập những kiến thức quý báu sau đó quay trở lại Việt Nam vận dụng những kiến thức và kỹ năng học được để đóng góp cho việc phát triển kinh tế nước nhà, mà những sinh viên đó cũng là cầu nối giúp hai nước hiểu nhau hơn và trở thành những đại sứ văn hoá giữa hai nước.

Tôi nghĩ nếu muốn xem tương lai của Việt Nam, thì đến trường đại học Fulbright ở thành phố Hồ Chí Minh sẽ thấy rõ nhất. Đây là trường đại học được chính phủ cả hai nước ủng hộ. Trường đại học phi lợi nhuận, độc lập đầu tiên của Việt Nam tập trung vào việc thúc đẩy tự do học thuật, sáng tạo và tôi nghĩ nó sẽ thực sự giúp các bạn trẻ Việt Nam có được những kỹ năng cần thiết để Việt Nam có thể gặt hái thành công trong thế kỷ 21.

Chúng tôi thật sự rất lấy làm vui mừng vì năm ngoái trường đại học Fulbright Việt Nam đã tiếp nhận lứa sinh viên hệ đại học và cao học đầu tiên. Tôi thực sự thấy mừng với cơ hội có được nền giáo dục đẳng cấp thế giới ở Việt Nam cho các bạn sinh viên Việt Nam. Và tất nhiên đây cũng là một cơ hội quý báu để củng cố mối quan hệ ngoại giao giữa Hoa Kỳ và Việt Nam..

PV: Về thương mại, trò chuyện với các nhà lãnh đạo Việt Nam, Tổng thống Trump luôn nhấn mạnh yếu tố thương mại công bằng, có qua có lại. Xin ông nói rõ hơn về cách tiếp cận này?

Đại sứ Daniel J. Kritenbrink:Trước hết chúng tôi tin vào một nền thương mại công bằng và đối ứng giữa hai nước, đem lại lợi ích cho hai quốc gia và bình đẳng cho người dân.  Chúng tôi rất háo hức với những cơ hội kinh tế ở Việt Nam và như tôi đã nói đến, giao dịch thương mại giữa hai nước đã phát triển xuất khẩu, về mặt tài chính giờ đã đạt hơn 60 tỷ USD. Xuất khẩu của Mỹ giờ đã đạt hơn 10 tỷ USD và cơ hội xuất khẩu vô cùng lớn cho các công ty Mỹ ở Việt Nam trong đó có ngành năng lượng và chăm sóc sức khoẻ y tế. Nhưng chúng tôi cũng muốn có sự cân bằng hơn trong cán cân thương mại giữa hai nước. Chúng tôi có thâm hụt thương mại khá lớn với Việt Nam nên chúng tôi đang hợp tác với các đối tác Việt Nam để điều chỉnh lại cán cân này.

Có hai cách tốt nhất chúng tôi có thể sử dụng là, thứ nhất, chúng tôi đang thúc đẩy quảng bá các sản phẩm và dịch vụ của Mỹ, thứ hai chúng tôi đang làm việc với các đối tác Việt Nam để đảm bảo, giải quyết, xử lý và rỡ bỏ bất kể rào cản thị trường nào còn tồn tại ở Việt Nam. Hợp chủng quốc Hoa Kỳ và các tập đoàn toàn cầu của chúng tôi đều hoan nghênh cạnh tranh, chúng tôi sẵn lòng cạnh tranh. Chúng tôi tự tin vào khả năng cạnh tranh đối với những sản phẩm và dịch vụ của chúng tôi sẽ có lợi cho người tiêu dùng Việt Nam và cho nền kinh tế của Việt Nam. Chúng tôi muốn đảm bảo rằng việc đó được thực hiện trong một sân chơi công bằng, tự do và đối ứng.

PV: Xin trân trọng cảm ơn Đại sứ đã trả lời phỏng vấn.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu