Giai cấp công nhân Việt Nam: vượt qua khó khăn, tự tin hội nhập

Kim Lan
Chia sẻ
(VOV5) - Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam  có nhiều chương trình, kế hoạch cùng những giải pháp để tháo gỡ khó khăn, đảm bảo cuộc sống ổn định cho người lao động. 

Không ngừng trau dồi kiến thức, kỹ năng trong xu thế hội nhập toàn cầu , mỗi người lao động Việt Nam ở khắp nơi đang nỗ lực không ngừng vượt qua thách thức cũng như nắm bắt những cơ hội để vươn lên. Đặc biệt, năm nay, ngày  Quốc tế lao động 1.5 diễn ra  vào lúc dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, tác động không nhỏ tới công việc và cuộc sống của mỗi người. Vì vậy, với vai trò của mình,  Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam  có nhiều chương trình, kế hoạch cùng những giải pháp để tháo gỡ khó khăn, đảm bảo cuộc sống ổn định cho người lao động. Đây là nội dung cuộc trao đổi giữa phóng viên đài TNVN với ông Vũ Mạnh Tiêm, phó Ban tuyên giáo Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam.

Nghe âm thanh tại đây:

PV: Thưa ông, Việt Nam đang hội nhập sâu rộng với việc ký kết nhiều Hiệp định quốc tế. Điều này sẽ tạo ra nhiều cơ hội nhưng cũng sẽ có thách thức không nhỏ về nguồn nhân lực, việc làm, trình độ tay nghề…Với chức năng của Tổng Liên đoàn, ông  đánh giá như thế nào về điều này?

Ông Vũ Mạnh Tiêm: Hiện nay cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 được triển khai rộng rãi, nhất là việc ký kết các Hiệp định thế hệ mới, thực sự sẽ mở ra đối với Việt  Nam nói chung, đặc biệt là giai cấp công nhân những thời cơ mới, tạo  thêm rất nhiều việc làm, rồi điều kiện làm việc sẽ tốt hơn, thu nhập tốt hơn. Tuy nhiên, sẽ có rất nhiều thách thức.

Giai cấp công nhân Việt Nam: vượt qua khó khăn, tự tin hội nhập - ảnh 1 Phó ban tuyên giáo Tổng Liên đoàn Vũ Mạnh Tiêm thăm, tặng quà Tết công nhân lao động ngày 5.1.2020

Thứ nhất, phải kể đến là trình độ kỹ năng nghề nghiệp, trình độ học vấn, trình độ của công nhân Việt Nam còn khiêm tốn. Hai là, việc ứng dụng công nghệ hiện đại vào quá trình sản xuất của các doanh nghiệp hiện nay chỉ ở mức độ 2.0, 3.0. Cụ thể là thông dụng nhiều lao động. Vậy thì trong xu thế của hội nhập, trong xu thế của việc thực hiện các Hiệp định tự do thế hệ mới, những lao động phổ thông thực sự áp lực, thậm chí nguy cơ mất việc làm.

PV: Như vậy là để đáp ứng nhu cầu việc làm ngày càng cao, nhất là có một bộ phận người lao động đang làm việc ở nước ngoài thì cần đòi hỏi rất nhiều kỹ năng? Tổng Liên đoàn quan tâm về vấn đề này như thế nào và có chính sách hỗ trợ cụ thể gì ?

Ông Vũ Mạnh Tiêm: Tổng liên đoàn tuyên truyền cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, đây là lúc tận dụng thời cơ, tận dụng công nghệ số, trí tuệ nhân tạo ứng dụng vào sản xuất. Cũng đưa dần hội nhập của Việt Nam trong nền kinh tế thế giới cả trong tài chính, đầu tư, cả về nguồn lực. Vì thế, Việt Nam cũng cần phải chuyển động, chuyển đổi, thay đổi, sửa đổi chính sách pháp luật đi với chuẩn của Tổ chức Lao động quốc tế và phù hợp với thông lệ quốc tế hiện nay. Chúng tôi mong muốn công nhân lao động nhận thức được như vậy, chuẩn bị cho mình hành trang, đó là học tập, đó là chuyển đổi ngành nghề. Tổ chức công đoàn cũng kiến nghị người sử dụng lao động, tức là doanh  nghiệp từng bước thay đổi quy trình sản xuất, để đào tạo, đào tạo lại công nhân lao động.

Giai cấp công nhân Việt Nam: vượt qua khó khăn, tự tin hội nhập - ảnh 2 Ông Vũ Mạnh Tiêm truyền thông về phòng chống COVID-19 tại Công đoàn Khu công nghiệp Hà Nội ngày 9.3.2020

Đối với người Việt Nam ở nước ngoài cũng qua kênh thông tin,  qua chuyến thăm làm việc cấp cao của tổ chức công đoàn với các quốc gia đó, chúng tôi động viên người lao động chấp hành nghiêm những hợp đồng lao động đã được ký kết.  Tích cực học tập, học thêm văn hóa, ngoại ngữ , trình độ kỹ năng, để hoàn thành hợp đồng bản thân cho gia đình họ và xây dựng đất nước.

PV: Ngày quốc tế Lao động 1.5 năm nay diễn ra vào thời điểm dịch COVID-19 đang xảy ra trên toàn cầu, tác động tới toàn bộ nền kinh tế và ảnh hưởng tới người lao động. Vậy, Tổng Liên đoàn chỉ đạo công đoàn các cấp triển khai những kế hoạch hoạt động như thế nào?

Ông Vũ Mạnh Tiêm: Do dịch COVID-19 nên năm nay, không tổ chức kỷ niệm mà các hoạt động tập trung ở cơ sở để duy trì việc làm trong mùa dịch, đồng thời là bản thân công nhân cùng với doanh nghiệp đồng hành khắc phục hậu quả của dịch COVID. Lựa chọn và tập trung thăm hỏi và động viên công nhân lao động ở những nơi khó khăn.

Tổng Liên đoàn cũng thực hiện nghiêm  Chỉ thị của Ban bí thư, những Chỉ thị của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về công tác phòng chống dịch với tinh thần “ chống dịch như chống giặc”. Thứ nhất, tuyên truyền để các cấp công đoàn nhận thức đầy đủ về cơ chế lây nhiễm, về tác hại của COVID, vận động các cấp công đoàn cùng với người sử dụng lao động chăm lo tốt, đảm bảo điều kiện môi trường làm việc. Đến thời điểm này, có hàng chục  triệu khẩu trang, rồi nước rửa tay đã được cấp miễn phí đến công nhân, tập trung chăm lo bữa ăn cho công nhân, đảm bảo giãn cách trong quá trình làm việc, luân phiên giãn cách trong quá trình làm việc, có vách ngăn trong bữa ăn ca, tất cả các doanh nghiệp, các cơ quan, đơn vị đều kiểm tra thân nhiệt khi bắt đầu vào làm việc.

Giai cấp công nhân Việt Nam: vượt qua khó khăn, tự tin hội nhập - ảnh 3 Thăm Trung tâm Bệnh viện nhiệt đới Bệnh viện Bạch Mai  ngày 11.2. 2020

Thay mặt cho công nhân viên chức lao động cả nước, đóng góp 4 tỷ đồng cho Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch, trong đó 2 tỷ đồng đóng góp qua kênh của Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, và 2 tỷ đồng cho y tế, quân đội, công an. Khảo sát, đánh giá thống kê thiệt hại trong gói 62 ngàn tỷ đồng thì hiện nay đang làm. Hết tháng 4, đầu tháng 5 sẽ có danh sách cụ thể. Riêng hệ thống công đoàn Việt Nam muốn chia sẻ động viên công nhân viên chức lao động gặp khó khăn trong mùa dịch, đặc biệt là các khu công nghiệp, khu chế xuất: đã có phương án là 500 tỷ đồng cho hệ thống công đoàn hỗ trợ, động viên công nhân lao động gặp khó khăn.

Chúng tôi kêu gọi công nhân viên chức lao động bằng những việc làm cụ thể như hiến máu nhân đạo, hỗ trợ đơn vị cá nhân khó khăn, thì đã có gần 10 đơn vị  xây dựng ATM gạo miễn phí, 3 kg gạo, 5 kg gạo để cho công nhân lao động được đến nhận đảm bảo cuộc sống của mình. Kêu gọi chủ nhà trọ của công nhân ở các khu công nghiệp, miễn và giảm chi phí tiền nhà trọ thì tổng số được hơn 10 tỷ đồng. ATM gạo có những đơn vị được 60-70 tấn gạo đó thật sự ý nghĩa. Nhiều đơn vị như Hà Nội, TPHCM bằng ngân sách của mình đã hỗ trợ cho công nhân gặp khó khăn, bị mất việc phải chờ việc.

PV: Tổng Liên đoàn phối hợp với các ban ngành khác có sự quan tâm kịp thời như thế nào đối với bộ phận người lao động làm việc ở nước ngoài phải về nước hoặc vẫn tiếp tục ở lại sở tại?

Ông Vũ Mạnh Tiêm: Đến thời điểm này, theo thống kê, có khoảng 10 ngàn người lao động nước ngoài, học sinh ở nước ngoài về nước. Theo quy định của Chính phủ là được tập trung cách ly ở các địa phương. Tổng Liên đoàn đã hỗ trợ tới 2 tỷ đồng cho những người cách ly. Đối với lao động ở nước ngoài, Tổng Liên đoàn thông qua con đường ngoại giao, rồi qua thông tin cũng mong muốn người lao động bình tĩnh, yên tâm, thực hiện theo quy định của các nước sở tại. Bình tĩnh và tại thời điểm này phải đoàn kết, hỗ trợ lẫn nhau, vượt qua thời điểm khó khăn này. Và khi hết dịch thì tiếp tục làm việc.

PV: Xin trân trọng cảm ơn ông

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu