Ủy ban Y tế Hà Lan - Việt Nam (MCNV) là một tổ chức phi chính phủ của Hà Lan hoạt động rất tích cực tại Việt Nam từ hơn 50 năm qua trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, phát triển hệ thống y tế tại Việt Nam. Những năm gần đây, MCNV đẩy mạnh việc hỗ trợ ở các mảng phát triển bền vững khác. Tháng 2 vừa qua, MCNV cùng với Liên minh châu Âu (EU) và các đối tác kích hoạt một dự án về phát triển rừng bền vững ở Quảng Trị nhằm giúp người dân địa phương cải thiện sinh kế, gắn với ứng phó với biến đổi khí hậu (BĐKH). Về nội dung này, VOV5phỏng vấn ông Phạm Dũng, Giám đốc Quốc gia của MCNV tại Việt Nam.
Nghe âm thanh phỏng vấn tại đây:
PV: Thưa ông, là một tổ chức của Hà Lan hoạt động chuyên về mảng y tế, lý do gì đưa MCNV đến với dự án về phát triển Rừng gắn với ứng phó với BĐKH?
Ông Phạm Dũng: Có vài lý do chúng tôi mở rộng và chuyến hướng chiến lược hoạt động. Thứ nhất, sau hơn 40 năm hỗ trợ cho y tế, chúng tôi nhận thấy vấn đề về sức khỏe của người dân Việt Nam được cải thiện tích cực và nhận được hỗ trợ của ngày càng nhiều các tổ chức y tế nước ngoài khác. Bên cạnh đó, nguồn lực đầu tư của chính phủ Việt Nam cho lĩnh vực y tế cũng nhiều hơn.
Ông Phạm Dũng phát biểu tại Hội thảo khởi động dự án " Thúc đẩy quan hệ đối tác bền vững giữa chủ rừng nhóm hộ gia đình và doanh nghiệp trong thực hiện quản lý rừng bền vững nhằm ứng phó với BĐKH" tại Quảng Trị. - Ảnh MCNV |
Lý do tiếp theo là, quá trình phát triển tại Việt Nam đang đối mặt với nhiều vấn đề mới liên quan đến môi trường, xã hội,..tiềm ẩn những nguy cơ có thể dẫn tới một số nhóm yếu thế không thể tiếp cận được tiến trình phát triển. Vì thế, chúng tôi quan niệm rằng, sức khỏe là tổng hòa các yếu tố chứ không chỉ đơn thuần là tác động của các giải pháp y học. Vì vậy, từ năm 2012, chúng tôi có chiến lược mở rộng hoạt động tại Việt Nam, sang lĩnh vực quan tâm mới, theo đó MNCV tập trung huy động nguồn lực, hợp tác với các đối tác ở Việt Nam triển khai các chương trình, dự án phát triển với 4 trụ cột chính là phát triển sức khỏe, hòa nhập xã hội, phát triển sinh kế gắn với ứng phó với biển đổi khí hậu và hỗ trợ doanh nghiêp.
Nhà nước đã có chủ trương chiến lược giao đất rừng cho cộng đồng quản lý, song làm sao để việc tham gia, quản lý, phát triển Rừng của người dân được hiệu quả bền vững.. là điều mà MCNV và các bên liên quan trăn trở và quyết tâm cải thiện tình hình. Sau khi nhận được yêu cầu của Liên minh châu Âu về tăng cường năng lực, sự tham gia các tổ chức xã hội trong bảo vệ môi trường, ứng phó với BĐKH, chúng tôi cùng với Hội chứng chỉ rừng tỉnh Quảng Trị xây dựng phương án, thiết kế, tìm nguồn vốn huy động đối ứng. Chúng tôi rất vui mừng khi nhận được nguồn tài chính từ Liên minh châu Âu cho dự án.
Tham tán thứ nhất phái đoàn EU tại Việt Nam, ông Tom Corrie phát biểu. - Ảnh MCVN |
PV: Những mục tiêu chính mà dự án PROSPER muốn hướng tới là gì, thưa ông?
Ông Phạm Dũng: Dự án do MCNV và EU tài trợ có tổng ngân sách 800 nghìn euro, được thực hiện trong giai đoạn 2/2020 đến 2/2023. Dự án được MCVN và Hội chứng chỉ Rừng Quảng Trị thực hiện với trọng tâm là hỗ trợ năng lực về thực hiện quản lý Rừng bền vững và thúc đẩy liên kết chuỗi cug ứng về lâm sản nhóm các hộ gia đình, hợp tác xã tham gia trồng cây gỗ lớn và nhóm tham gia quản lý Rừng. Mục tiêu chung hướng đến là tăng cường sự tham gia tích cực của cộng đồng trong phát triển lâm nghiệp, giảm thiểu tác động của BĐKH như là tăng diện tích bao phủ Rừng tại Quảng Trị lên thêm 1500 ha. Cùng với đó, dự án PROSPER sẽ giúp các hộ gia đình biết tận dụng tiềm năng, mở rộng trồng cây Keo gỗ lớn, các sản phẩm người gỗ và chế biến lâm sản thương mại..., từ đó tạo nguồn thu nhập ổn định từ Rừng đồng thời tham gia vào công tác bảo vệ tài nguyên rừng, ứng phó tốt hơn với Biến đổi khí hậu.
PV: Lý do nào mà dự án chọn tỉnh Quảng Trị là nơi triển khai các sáng kiến của PROSPER?
Ông Phạm Dũng: Tỉnh Quảng Trị là môt địa bàn là vùng dự án hỗ trợ, hợp tác chiến lược của MCNV kể từ năm 1968. Từ đó, nơi đây thường triển khai các dự án trong điểm của chúng tôi. Tỉnh Quảng Trị có các yếu tố rất thuận lợi để triển khai dự án: Thứ nhất, tỉnh có diện tích Rừng rất lớn với hơn 253 nghìn ha đất có rừng, trong đó hơn 143 nghìn ha rừng tự nhiên và 110 ha rừng trồng. Thứ 2, Quảng Trị là tỉnh tích cực thực hiện chính sách giao rừng cho cộng đồng quản lý khi đã có 55 nghìn ha rừng trồng đã được giao cho các hộ gia đình quản lý. Bên cạnh đó, Quảng Trị còn là địa phương tiên phong trong cả nước về huy động các chủ rừng, hộ gia đình, Hợp tác xã tham gia vào trồng rừng có chứng chỉ, quản lý rừng bền vững.
PV: Sau 6 tháng khi triển khai, bên cạnh thuận lợi thì dự án gặp phải những khó khăn gì không thưa ông?
Ông Phạm Dũng: Về thuận lợi, chúng tôi đã thiết lập một mạng lưới đối tác với cộng đồng, với các chủ rừng, cơ quan nghiên cứu, chính quyền địa phương, cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp.Trong quá trình thiết lập mạng lưới này, chúng tôi nhận được sự tham gia tích cực của các bên. Điều này sẽ giúp chúng tôi triển khai dự án theo đúng kế hoạch. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng gặp không ít trở ngại. Khó khăn lớn nhất hiện nay là đại dịch Covid-19 vẫn đang tác động tiêu cực đến thị trường gỗ và các sản phẩm lâm sản ngoài gỗ trong các chuỗi cung ứng mà dự án hướng đến lại đều liên quan đến các thị trường nước ngoài.
Vẽ sơ đồ vùng trồng Rừng. - Ảnh MCNV |
PV: Ngoài hỗ trợ về tài chính, đào tạo nhân lực thì dự án cung cấp các chủ rừng, nhóm hộ gia đình...những pháp công nghệ nào để việc trồng và quản lý Rừng được hiệu quả nhất, thưa ông?
Ông Phạm Dũng: Có hai ứng dụng mà dự án thực hiện. Thứ nhất xây dựng ứng dụng điện thoại thiết lập liên kết quản lý cơ sở dữ liệu giữa chủ rừng thành viên và chi hội, phục vụ cho công tác quản lý rừng bền vững và xây dựng kế hoạch thương mại với các doanh nghiệp thương mại tham gia trong chuỗi cung ứng rừng. Thứ 2, chúng tôi sử dụng các giải pháp định lượng cácbon để giúp các chủ rừng tính toán theo dõi trữ lượng cacbon cụ thể hơn, từ đó có những quyết định phù hợp đối với phương án kinh doanh rừng nào có lợi.
Với ứng dụng thông minh này sẽ giúp các chủ rừng có các cơ sở dữ liệu để tham gia đàm phán với cơ quan nhà nước trong cơ chế chia sẻ lợi ích. Nhất là trong đề án giảm phát thải Bắc Trung Bộ trong đó Quảng Trị sẽ tỉnh trọng điểm để triển khai. Cả hai giải pháp vừa nêu đều được thiết kế thân thiện và dễ sử dụng. Ngoài ra, chúng tôi thiết lập mạng xã hội facebook quản lý, để truyền tải thông tin và tương tác với các bên cùng quan tâm.
Người dân thu hoạch quả trấu- một loại lâm sản ngoài gỗ nhiều triển vọng ở vùng núi Hướng Hóa, Quảng Trị. - Ảnh MCNV |
Tôi khá lạc quan về tính khả thi của dự án bởi vì nó được xây dựng dựa trên nhu cầu cấp thiết về tăng cường năng lực và sự tham gia của cộng đồng trong bảo vệ và phát triển rừng ở Việt Nam. Thêm vào đó là các giải pháp được thiết kế tính bền vững trên nguyên lý hài hòa lợi ích giữa các bên. Đặc biệt sự đồng thuận của các bên liên quan, của chính quyền cơ quan ban ngành địa phương và sự đồng hành của nhà tài trợ Liên minh châu Âu.
Với tất cả những yếu tố có thể nói "thiên thời địa lợi nhân hòa” chúng tôi tin tưởng rằng dự án sẽ đạt được kết quả như đã đề ra.
PV. Xin trân trọng cảm ơn và xin chúc dự án PROSPER suôn sẻ và thành công.