Dự án nuôi em được triển khai tại Huế từ tháng 10 năm 2021, là một dự án thuộc Cộng đồng tình nguyện Việt Nam. Những em nhỏ học cấp 1, các em học bán trú, thuộc diện hộ nghèo là những em nhỏ sẽ được hưởng thụ dự án này. Dự án ra đời giúp các em nhỏ có bữa trưa, cũng như tạo động lực để cha mẹ cho các em tới trường. Đồng thời, cũng hỗ trợ ngành giáo dục, các vùng miền núi khó khăn khi mà thầy cô rất vất vả để vận động các em đi học. Nhờ đó, mà khi dự án ra ra đời, tỷ lệ các em nhỏ bỏ học giảm đáng kể. Giai đoạn đầu, dự án thực hiện tại Thừa Thiên Huế với 2 huyện miền núi là Nam Đông và A Lưới, sau đó, sẽ nhân rộng và trong tương lai, các xã của các huyện vùng ven vùng sâu vùng xa khác sẽ được hỗ trợ. Về hiệu quả bước đầu của dự án, phóng viên đài TNVN phỏng vấn anh Đỗ Văn Dệ, Chủ tịch Cộng đồng tình nguyện Việt Nam, chủ nhiệm Dự án nuôi em. Mời quý vị và các bạn cùng nghe:
Nghe âm thanh tại đây:
PV: Xin chào anh, được biết là cộng đồng tình nguyện Việt Nam vừa đồng hành để triển khai dự án an sinh xã hội đó là dự án nuôi em tại Thừa Thiên Huế. Anh có thể chia sẻ về hiệu quả bước đầu của dự án?
Anh Đỗ Văn Dệ: Đây là một dự án nhỏ của cộng đồng tình nguyện Việt Nam, cộng động tình nguyện VN là người đồng hành và thời gian tới sẽ triển khai ở nhiều đia phương khác. Dự án Thừa Thiên Huế là mô hình thử nghiệm đầu tiên. Dự án triển khai được sự hưởng ứng ủng hộ của các mạnh thường quân, không chỉ ở Huế mà còn ở cả nước, và cả ở nước ngoài. Giá trị của dự án mang tính lan tỏa, bền vững. Con số chưa đầy 3 tháng tiếp nhận bảo trợ cho 1200 em nhỏ ở Thừa Thiên Huế, vượt ngoài sự kỳ vọng của ban quản lý dự án. Lúc đầu chỉ đặt mục tiêu 500 em nhưng được sự hưởng ứng đông đảo nên tăng lên.
PV: Cụ thể là dự án đã tạo ra sức lan tỏa như thế nào để các mạnh thường quân ở khắp nơi có thể đóng góp cho việc làm tử tế này?
Anh Đỗ Văn Dệ: Dự án hỗ trợ về tiền, một tháng các anh chị nuôi trích ra 150 ngàn. Nhưng cho 9 tháng và tính ra là một năm gói nuôi một em 1 triệu 350 ngàn. Dự án có tính chất mở tức là tùy theo năng lực, nguyện vọng. Những người không có điều kiện nhiều thì nuôi một em. Có người có điều kiện hơn nuôi 2 đến 3 em, có doanh nghiệp nuôi 50 em. Hoặc nếu không có điều kiện để nuôi 150 ngàn/tháng thì 2 người bạn sẽ nuôi chung 1 em. Đây là mô hình tạo điều kiện cho mọi người làm việc tử tế theo năng lực của mình. Những mạnh thường quân điển hình là chị Kim Quy, ở Huế làm mỹ phẩm sẵn sàng nhận nuôi 50 em. Có các mạnh thường quân nuôi 30 em, như anh Hiếu, ở TP Huế. Anh Nguyễn Văn Linh, nhận nuôi 10 em và đứng tên cho người con trai 4 tuổi. Anh muốn trao giá trị này cho người con trai của mình để người con trai biết được rằng, ngoài xã hội, còn có những người có hoàn cảnh khó khăn hơn mình và cần phải sống tốt hơn, biết tiết kiệm khoản tiền cho những người nghèo. Việc đóng góp không chỉ ở toàn quốc mà còn có cả kiều bào ở nước ngoài, có cả các bạn du học sinh ở Nhật Bản, chung tay nuôi nhiều em.
PV: Dự án đang được triển khai giai đoàn đầu và không biết là có khó khăn gì vào thời điểm dịch bệnh đang xảy ra như thế này, thưa anh?
Anh Đỗ Văn Dệ: Trong giai đoạn dịch bệnh COVID, dự án triển khai thuận lợi không có ảnh hưởng. Nhưng nếu không có COVID thì chắc chắn con số sẽ nhiều hơn. Ở đây là 1 việc làm tử tế, cống hiến an sinh xã hội, kinh phí đồng hành không nhiều nên các anh chị nuôi tham gia nhiệt tình. Nói đến duy trì đội nhóm thì chính dịch COVID mới ảnh hưởng nghiêm trọng. Thời gian qua, ekip chủ yếu làm online, thành viên hơn 50 thành viên không chỉ đến từ Thừa Thiên Huế mà là cả nước, vì ai cũng có thể tham gia. Việc triển khai khó khăn nhưng với tinh thần nhiệt huyết thì cũng vượt qua nhiều rào cản. Mới đây mới họp 1 buổi trực tiếp. Chúng tôi làm việc với trái tim thiện nguyện, nhưng không có cơ hội ngồi chia sẻ với nhau những giá trị cao đẹp. Khi COVID đi qua, hy vọng sẽ thuận lợi hơn cho đội ngũ. Nhờ dịch bệnh tạo ra cho mọi người tinh thần chủ động làm việc online, trao đổi online, vẫn hoàn thành nhiệm vụ.
PV: Thưa anh, sự phối hợp của Ban điều hành dự án, phòng giáo dục và các trường là điều kiện vô cùng quan trọng để tạo nên hiệu quả cũng như sức lan tỏa của dự án?
Anh Đỗ Văn Dệ: Ban điều hành dự án sẽ làm việc với địa phương, các trường, xét hồ sơ của các em. Điều kiện là các em phải là hộ nghèo, gia đình khó khăn. Danh sách từ trường và ban lãnh đạo dự án sẽ làm việc với phòng giáo dục của huyện, có cam kết trách nhiệm với Ban lãnh đạo dự án và phòng giáo dục cũng như các thầy cô tại trường đó. Hàng tháng, giải ngân về phòng giáo dục. Phòng giáo dục chuyển số tiền đó về các trường. Chúng tôi giám sát chặt chẽ tiền chuyển ở đâu có chữ ký ở đó, làm minh bạch, cụ thể nhất việc chuyển giao. Dòng tiền này đưa về bếp ăn của trường, hỗ trợ cho các em. Mỗi bạn học sinh bữa trưa khẩu phần ăn 12 ngàn, dự án hỗ trợ 8,5 ngàn(lẽ ra phụ huynh đóng), số tiền còn lại là trách nhiệm nhà trường huy động. Tạo ra quỹ lo bữa trưa cho các em, nên đưa về phòng giáo dục và phòng đưa về trường điều phối bếp ăn. Hiện nay, dự án đã triển khai và bảo trợ 1200 em. Việc cấp mã đã xong ở giai đoạn đầu. Giai đoạn 2 đang kiện toàn lại nhân sự, vì dự án hơn 50 bạn làm việc không lương nhiều việc như quản lý tài chính, design, thiết kế, truyền thông. Mục đích của chương trình là chiến dịch truyền thông việc tử tế. Mong muốn thời gian tới, nhận được nhiều sự hỗ trợ nhiều hơn cả kiều bào ở nước ngoài và năm nay, dự án hy vọng tăng lên bảo trợ được 3000 em.
PV: Vâng cảm ơn anh đã tham gia cuộc phỏng vấn. Hy vọng dự án sẽ thành công và tiếp tục được nhân rộng.
Một số hoạt động của dự án:
Dự án nuôi em triển khai tại huyện Nam Đông. Ảnh: BTC cung cấp |