Đầu bếp Tracey Lister: Ẩm thực Việt ngày càng mê hoặc tôi

Hà Linh
Chia sẻ
(VOV5) -Chỉ riêng nước chấm mà có hơn 35 loại hay việc sử dụng rau gia vị ra sao đủ cho thấy sự phong phú, tinh tế mà người Việt dành cho từng món ăn như thế nào.

Đến Việt Nam lần đầu tiên làm giảng viên đầu bếp cho một tổ chức dạy nghề  trẻ em đường phố cách đây 18 năm, cô Tracey Lister đã “phải lòng” ngay với món ăn Việt Nam để rồi sau đó quyết định cùng chồng ở hẳn Hà Nội để nghiên cứu văn hóa ẩm thực Việt. Sống và làm việc tại Việt Nam, cô Tracey Lister mở trung tâm dạy nấu ăn và viết sách quảng bá cho ẩm thực Việt. PV Đài TNVN trò chuyện cùng Tracey Lister về hành trình song hành cùng ẩm thực Việt của người phụ nữ Australia nhỏ nhắn này:

Nghe âm thanh bài viết tại đây:

Đầu bếp Tracey Lister: Ẩm thực Việt ngày càng mê hoặc tôi - ảnh 1Chuyên gia ẩm thực Việt Tracey Lister, người Australia 

PV:Xin chào đầu bếp Tracey Lister. Vốn được đào tạo nấu ăn theo phong cách cổ điển Châu Âu. Lý do nào bà lại chuyển hướng tập trung đam mê sang ẩm thực truyền thống Việt Nam.?

Đúng là khởi đầu sự nghiệp là tôi học về ẩm thực châu Âu, tập trung vào món ăn kiểu Pháp. Tôi làm việc nhiều năm Ôxtrâylia trước khi sang Việt Nam vào năm 2000. Lần đầu tiên ấy, tôi vô cùng ấn tượng các món ăn Việt Nam. Thế là tôi quyết định theo khóa học thứ 2 về món ăn truyền thống Việt Nam. Dành nhiều thời gian nghiên cứu ẩm thực vùng miền, tôi học nấu ăn từ các đầu bếp danh tiếng, từ các bà nội trợ hay học cách tự đi chợ để tìm hiểu nguồn gốc các loại thực phẩm. Sự tao nhã, tinh tế, mùi thơm ngon rất riêng biệt của món ăn Việt Nam ngày càng quyến rũ tôi. Năm 2008, tôi cùng chồng quyết tâm theo đuổi và gắn bó hẳn với ẩm thực Việt.

PV: Ở Việt Nam, được công nhận là một chuyên gia về ẩm thực và hiểu rõ về văn hóa tập tục Việt Nam, bà cùng chồng đã xuất bản nhiều cuốn sách về món ăn Việt. Xin bà chia sẻ một chút về những cuốn sách đó?.

Tôi cùng chồng đến nay xuất bản 4 cuốn sách ẩm thực về Việt Nam. Cuốn đầu tiên ra mắt năm 2008 với tên gọi KOTO, một hành trình, du ngoạn ẩm thực trên khắp Việt Nam. Trong cuốn sách thứ nhất này, chúng tôi tập trung các món do các gia đình nấu tại nhà, không phải chung chung mà chia thành ẩm thực các vùng miền suốt dọc đất nước từ miền Bắc, miền Trung, Tây Nguyên đến tiểu vùng sông Mekong. Đó là các món ăn rất đặc trưng của người Việt hay nấu tại nhà. Cuốn thứ 2 là “Ẩm thực đường phố ở Việt Nam” phát hành năm 2011 đã được dịch ra nhiều thứ tiếng. Đúng như tên gọi của nó, bạn có thể tìm thấy rất nhiều công thức món ănđường phố. Thay vì ở nhà ăn nhiều món, khi ra phố bạn có thể thưởng thức các loại món được phục vụ trong một chiếc bát to, chẳng hạn như các loại bún, mì, phở. Cuốn thứ 3 và thứ tư “Nấu ăn thực thụ theo kiểu Việt Nam”và “Sản xuất tại Việt Nam”, chúng tôi đi sâu khai thác sự tinh tế, nét độc đáo của từng món ăn. Chỉ riêng nước chấm mà có hơn 35 loại hay việc sử dụng rau gia vị ra sao… đủ cho thấy sự phong phú, tinh tế mà người Việt dành cho từng món ăn như thế nào.

PV: Du khách quốc tế đến Việt Nam ngoài cảnh đẹp đều rất yêu thích sự đa dạng của món ăn với hương vị và cách thưởng thức khác nhau. Một trang báo danh tiếng của Mỹ CNNgo cũng từng ca ngợi Việt Nam là “thiên đường ẩm thực đường phố” bà nghĩ như thế nào về nhận xét đó.?

Đầu bếp Tracey Lister: Ẩm thực Việt ngày càng mê hoặc tôi - ảnh 2Tracey Lister ( thứ 6 từ trái) giám khảo cuộc thi Taste of Australia 2018 vòng thi ở Hà Nội 

Tôi hoàn toàn đồng ý với nhận xét của CNN. Thực ra, khái niệm món ăn đường phố đã phổ biến trên khắp thế giới. Nếu như 10 năm trước đây khinói đến món ăn đường phố người ta nghĩ ngay đến Thái Lan nhưng hiện nay mọi người hay nói đến món ngon của Việt Nam. Giống như đồ ăn nhanh, khi bạn vào quán, gọi món rồi rất nhanh chóng được phục vụ món ăn nóng hổi, thơm ngon. Nhưng điều khiến tôi tâm đắc nhất với món ăn đường phố Việt nam chính là sự chuẩn bị. Người Việt thường phải mất nhiều giờ và kỳ công mới có thể làm ra một nồi nước dùng dậy mùi thơm ngon. Hoặc là làm thế nào chuẩn bị một thứ bột gạo cho đủ độ nở, độ chua để làm bánh. Tất cả đòi hỏi không chỉ thời gian mà còn sự tinh tế, bí kíp gia truyền của đầu bếp.

Thêm nữa, món ăn được chế biến hàng ngày nên luôn đảm bảo độ tươi ngon, hấp dẫn. Tôi nghĩ rằng, đó chính là nét đặc trưng khiến đồ ăn đường phố của Việt Nam ngày càng phổ biến và nổi tiếng hơn. Mới đây, có dịp trở về Australia cùng với một phái đoàn quan chức cấp cao Viêt Nam, tôi vinh dự cùng các đầu bếp Hà Nội chuẩn bị  bữa đại tiệc gồm toàn món ăn Việt cho hàng trăm quan khách. Thật vui vì mọi người  thấy ngon miệng. Hiện ở Melbourne và Sidney, tôi cũng có trung tâm dạy nấu ăn món Việt cho người Việt và người nước ngoài.

Đầu bếp Tracey Lister: Ẩm thực Việt ngày càng mê hoặc tôi - ảnh 3Hanoi Cooking Centre của Tracey Lister luôn hợp tác đào tạo học viên với trung tâm hướng nghiệp KOTO 

PV: Được biết, trước khi quyết định lập nghiệp ở Hà Nội, bà cùng chồng từng là giảng viên đầu bếp cho dự án của KOTO, một tổ chức từ thiện hướng nghiệp cho trẻ em nghèo. Hiện Hànoi Cooking Centre của bà vẫn hợp tác với KOTO.?

Tôi đến Việt Nam cùng với chồng tham gia một dự án phát triển của chính phủ Ôxtrâylia dành cho Việt Nam tại Hà Nội cách đây 18 năm. Tôi được gặp Jimmy Phạm, người sáng lập KOTO, một tổ chức nhân đạo hướng nghiệp cho trẻ em có hoành cảnh khó khăn.Khi anh ấy bày tỏ mong muốn giúp trẻ em đường phố học nghề nấu ăn, tôi rất xúc động và cảm kích. Từ đó chúng tôi  luôn song hành và hợp tác với KOTO. Trung tâm Hanoi Cooking Centre của chúng tôi hỗ trợ KOTO đặc biệt trong đào tạo học viên, tổ chức cuộc thi.

Tôi vui các em đã trưởng thành, trong đó có nhiều em trở thành đầu bếp chính tại nhiều nhà hàng, khách sạn hạng sang. Có những học viên ở KOTO giành giải cao tại các cuộc thi nấu ăn và được học bổng du học nước ngoài. Trong tương lai, tôi mong muốn tiếp tục hợp tác với các đầu bếp Việt để cùng nấu món ăn của người Việt Nam.

PV: Xin cảm ơn và chúc bà sức khỏe.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu