Vài năm gần đây, thuật ngữ Big Data (Dữ liệu lớn) được nhắc đến thường xuyên khi coi là một trong những công nghệ nổi bật trong dòng cách mạng 4.0. Cùng với công nghệ tự động hóa, trí tuệ nhân tạo, Chính phủ Việt Nam coi Big Data là nguồn tài nguyên vô cùng quan trọng để xây dựng chính quyền điện tử và Thành phố thông minh (Smart City) giai đoạn 2020-2025. Để hiểu thêm nội dung này, PV Đài TNVN phỏng vấn Trần Đặng Minh Trí, Việt kiều Australia, chuyên gia về trí tuệ nhân tạo và Dữ liệu lớn. Anh hiện là Giám đốc sáng tạo của tập đoàn Ramsay Health Care gồm 470 bệnh viện đồng thời là chuyên gia tư vấn về cải thiện chất lượng dịch vụ y tế ở Việt Nam.
Trần Đặng Minh Trí - cựu học sinh Chuyên Lê Hồng Phong, giảng viên danh dự ĐH Y khoa Sydney, Giám đốc sáng tạo tập đoàn Bệnh viện Ramsay Health Care ở Australia. |
Nghe âm thanh bài viết tại đây:
PV: Xin chào Minh Trí, nói đến Cách mạng CN 4.0, người ta hay nói đến các khái niệm như là Big Data, IOT, AI rồi là Smart City. Theo bạn, những thuật ngữ công nghệ này có liên hệ với nhau như thế nào?
Thời gian gần đây, có rất nhiều bài báo trên toàn thế giới thông tin về Big Data (dữ liệu lớn). Khái niệm này nghe có vẻ cao siêu nhưng thật sự không có gì mới mẻ cả. Hiện nay, với sự bùng nổ của dân số cùng với ngày càng nhiều loại thiết bị số như điện thoại di động, camera hay những công nghệ có thể thu thập thông tin thì lượng dữ liệu càng khổng lồ. Vậy, chúng ta có thể làm gì để tận dụng được nguồn tài nguyên vô cùng quý giá này theo cách có ích cho người dân, các doanh nghiệp, tổ chức, xã hội…
Tôi thấy rằng ba khái niệm Vạn vật kết nối (IOT), Dữ liệu lớn (Big Data) và Thành phố thông minh ( Smart City) luôn có quan hệ liền kề với nhau. Vạn vật kết nối internet (IOT) xuất phát là những thiết bị điện tử ngày càng rẻ được tích hợp nền tảng trí tuệ nhân tạo, là điểm khởi đầu sau đó sinh ra Big Data, rồi chính quyền điện tử. Khi chúng ta có được lượng lớn dữ liệu lớn như vậy, chính phủ sẽ ra được những quyết định nhanh chóng và chính xác. Và khi có được Big Data, cùng với những công nghệ tự động hóa sẽ tạo ra Smart City. Về nguồn lực, chúng ta luôn cần những lực lượng có cùng suy nghĩ và làm việc trên một bức tranh tổng thể luôn luôn không tách rời .
Minh Trí tại một buổi diễn thuyết ở Đại học Y Hà Nội. Ảnh nv cung cấp |
PV: Có thể thấy, Big Data bước đầu đang lớn mạnh tại Việt Nam. Theo bạn, chúng ta đang có những lợi thế gì khi tham gia vào cuộc đua thu thập, xử lý dữ liệu số này?
Minh Trí: Những năm gần đây, chúng ta có lợi thế đầu tiên về sự phát triển về máy tính, dân số trẻ dùng internet cao. Tuy nhiên, chúng ta đang có rất nhiều dữ liệu nhưng không biết làm gì với chúng. Hãy tưởng tượng tại một sân bay, có hàng trăm camera giám sát, quay được rất nhiều hoạt động. Trước đây, họ thường cất vào tủ và chỉ khi có vấn đề gì mới mở ra xem lại, rất mất thời gian. Trong môi trường hiên nay, thay vì cần phải hàng trăm người theo dõi, xem có chuyện gì xảy ra thì máy tính "thông minh" tự động làm được điều đó. Khi có gì bất thường, máy tính sẽ báo động ngay cho bộ phận an ninh. Như vậy, những công cụ Big Data cho chúng ta khả năng lấy được dữ liệu lớn. Tuy nhiên, tôi cho rằng việc thu thập, lưu trữ dữ liệu không quan trọng bằng việc lấy ra, sử dụng những giá trị của nguồn thông tin đó như thế nào..
PV: Big Data được ví như “nguồn dầu mỏ” của CMCN 4.0.Tuy nhiên bên cạnh lợi ích không tưởng đó thì Big Data cũng tạo ra thách thức không nhỏ. Tôi muốn nói đến vấn đề bảo mật thông tin?
Minh Trí: Đó là rủi ro, trong xã hội số thì bên cạnh thuận lợi, Big Data có thể gây ra những thách thức mới. Chẳng hạn như vừa rồi Bộ Y tế Anh bị rò rỉ thông tin khi hợp tác với Google. Hay như cơ quan y tế Singapore cũng gặp thách thức tương tự khi bị rò rỉ lượng lớn thông tin về bệnh nhân. Khi chúng ta thu thập được một lượng lớn dữ liệu thì cũng đồng thời là một miếng mồi ngon cho những đối tượng có ý đồ không tốt. Vì thế, khi thu thập, quản lý dữ liệu cần phải song hành xây dựng một lực lượng bảo mật thông tin thật tốt thì mới có thể bảo vệ được “mỏ dầu” tài nguồn tài quý giá đó. Trong thời đại số hóa này dĩ nhiên phải liên tục theo đuổi cuộc đua về bảo mật thông tin.
Minh trí (đứng ngoài cùng bìa trái) cùng các đồng nghiệp Đại học Ykhoa Sydney và các học viên y khoa Việt Nam xuất sắc của trung tâm Học mãi |
PV: Theo bạn, Việt Nam làm gì để tận dụng được lợi ích mà Big Data đem lại đặc biệt trong bối cảnh đất nước đang đứng trước cánh cổng thời đại công nghiệp 4.0?
Làm về BIg Data trong lĩnh vực y khoa, 10 năm gần đây tôi nhận thấy một bài học trên thế giới họ nhận định rõ là chúng ta phải tiêu chuẩn hóa trước khi tự động hóa. Sở dĩ phải làm vậy là vì nếu chúng ta thu thập các dữ liệu một cách không đồng bộ, định dạng, cấu trúc khác nhau...thì máy tính thậm chí là cả con người cũng không thể xử lý được. Và khi đó chúng trở thành một mớ bùng nhùng, có thể làm lãng phí nguồn tài nguyên thu thập được. Đây đang là thách thức lớn nhất đối với Việt Nam hiện nay. Chúng ta đang trong giai đoạn phát triển "trăm hoa đua nở", mỗi nơi có cách thu thập thông tin khác nhau. Chẳng hạn như mỗi bệnh viện ở Việt Nam đang áp dụng hệ thống thông tin, bệnh án điện tử khác nhau nên chưa tận dụng được tiềm năng của Big Data. Nếu chúng ta có tiêu chuẩn chung về bệnh án điện tử thì khi bạn đến bất kỳ bệnh viện nào cũng có được nguồn dữ liệu, thông tin như nhau sẽ giúp việc tổng hợp xử lý được dễ dàng. Khi đó chất lượng dịch vụ y tế sẽ được cải thiện lên rất nhiều.
Minh Trí cùng gia đình đang sinh sống tại Sydney, Australia. Ảnh nhân vật cung cấp |
Trong lĩnh vực y tế, tôi biết chính phủ Việt Nam đang nỗ lực xây dựng hệ thống tiêu chuẩn hóa như vậy. Tuy nhiên, điều quan trọng là các cấp cơ sở, phải nhanh chóng đồng thuận về cách làm. Bởi nếu không, chúng ta sẽ bị tụt hậu trong cuộc đua thu thập xử lý Big Data ngay trong khu vực. Vì vậy, chúng ta phải dùng sức mạnh thể chế để tiêu chuẩn hóa càng nhiều thứ càng tốt, để có càng nhiều cơ hội xử lý Big Data. Cùng với đó phải “đi tắt đón đầu” trong tự động hóa mọi việc. Tôi nghĩ rằng, trong quá trình áp dụng hay học hỏi về Big Data không tránh khỏi “vấp ngã” nhưng với mỗi bài học rút ra chúng ta càng lúc sẽ tốt hơn.
Tham gia mạng lưới kết nối “Đổi mới sáng tạo Việt Nam”, tôi thấy người Việt mình ở đâu cũng rất tài năng. Vì thế, một điều quan trọng nữa làm sao hội tụ được nguồn nhân lực giá trị đó cho phát triển đất nước.
PV: Cảm ơn Minh Trí và chúc bạn luôn thành công.