40 năm qua, Việt Nam và Thái Lan hợp tác chặt chẽ trong việc kết nối xây dựng cộng đồng ASEAN

Lan Phương
Chia sẻ
(VOV5) - Sự hợp tác của hai nước Việt Nam - Thái Lan sẽ góp phần lớn trong việc củng cố sự hợp tác, đoàn kết của ASEAN.
(VOV5) - Sự hợp tác của hai nước Việt Nam - Thái Lan sẽ góp phần lớn trong việc củng cố sự hợp tác, đoàn kết của ASEAN.


Bốn thập kỷ qua, Việt Nam và Thái Lan ngày càng tăng cường các hoạt động hợp tác trên các lĩnh vực về chính trị, kinh tế, thương mại và đầu tư. Nhân kỷ niệm 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Thái Lan (06/8/1976 - 06/8/2016), Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Vũ Hồng Nam, Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, thông tin về sự phát triển tốt đẹp của quan hệ hai nước Việt Nam - Thái Lan và sự tạo điều kiện của chính phủ hoàng gia Thái Lan đối với kiều bào đang làm ăn, sinh sống tại đây.

40 năm qua, Việt Nam và Thái Lan hợp tác chặt chẽ trong việc kết nối xây dựng cộng đồng ASEAN - ảnh 1
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Vũ Hồng Nam



Nghe âm thanh phỏng vấn tại đây:



Phóng viên: Thưa thứ trưởng, chúng ta đang tiến tới kỷ niệm 40 năm quan hệ ngoại giao Việt Nam – Thái Lan. Thứ trưởng cho biết những dấu mốc quan trọng nhất trong quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Thái Lan trong vòng 40 năm qua?

Ông Vũ Hồng Nam: Dấu mốc đưa mối quan hệ giữa hai dân tộc Việt Nam – Thái Lan trở nên khăng khít, gần gũi đó là ngày 6/8/1976, hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao. Điều này tạo ra một bước ngoặt mở ra một con đường phát triển mới giữa hai nước.

Ngay sau khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao năm 1976,  lần đầu tiên Thủ tướng, Chủ tịch hội đồng bộ trưởng Phạm Văn Đồng đã có chuyến thăm lịch sử tới Vương quốc Thái Lan. Đây là chuyến thăm đầu tiên của lãnh đạo Việt Nam đi thăm nước láng giềng Thái Lan. Đối với Thái Lan, đó cũng là lần đầu tiên có một Thủ tướng của một nhà nước XHCN thăm Thái Lan. Trong chuyến thăm, hai nước đã ra thông cáo chung. Bản thông cáo chung này đã thiết lập toàn bộ đường hướng cho quan hệ hai nước trong suốt thời kỳ sau đó và xây dựng nền tảng để quan hệ hai nước phát triển như ngày hôm nay.

Suốt từ năm 1979 đến 1990, quan hệ hai nước gần như chững lại xoay quanh việc giải quyết vấn đề Campuchia. Năm 1990, chuyến thăm chính thức Thái Lan của Chủ tịch Quốc hội Lê Quang Đạo là một bước đột phá mới. Hai nước đã nhận thức được các vấn đề chung cùng quan tâm để tiến tới bình thường hóa quan hệ hai nước.

Hiệp định Paris về Campuchia ký năm 1991 đã chấm dứt thời kỳ đen tối trong quan hệ giữa hai nước Việt Nam – Thái Lan và mở ra một bước phát triển mới. Từ năm 1991 đến nay, quan hệ hai nước liên tục phát triển và ngày càng củng cố.

Bước phát triển mạnh mẽ hơn nữa của hai nước là vào năm 1995, chúng ta gia nhập ASEAN. Là thành viên của ASEAN, chúng ta đã trở thành đối tác quan trọng của nhau. Và với Thái Lan, Việt Nam đã có mối quan hệ hoàn toàn bình đẳng và thân thiện, mở ra quan hệ hợp tác trên tất cả các lĩnh vực từ chính trị, kinh tế, cho tới giao lưu nhân dân.

Năm 2004, lần đầu tiên nội các hai nước họp chung ở Đà Nẵng. Cho đến nay, chính phủ hai nước đã họp nội các chung được ba lần. Trong lần họp nội các lần thứ ba năm 2015, hai nước đã đề ra những kế hoạch rất cụ thể. Trong đó đặt ra mục tiêu làm sao đến năm 2020, hai nước đưa kim ngạch thương mại lên 20 tỷ đô la Mỹ. Năm 2013, chuyến thăm của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng tới Thái Lan đã đưa quan hệ hai nước sang một bước phát triển mới bằng việc hai nước chính thức thiết lập quan hệ đối tác chiến lược. Lần đầu tiên, Thái Lan thiết lập quan hệ đối tác chiến lược với một thành viên trong cộng đồng ASEAN.

Nhìn lại 40 năm qua, có lúc thăng trầm nhưng nhìn tổng thể quan hệ hai nước phát triển đi lên. Cho đến ngày hôm nay, có thể nói rằng, quan hệ hai nước Việt Nam – Thái Lan phát triển mạnh. Chưa bao giờ quan hệ hai nước Việt Nam – Thái Lan lại gắn chặt như ngày hôm nay và nhân dân hai nước lại giao lưu mạnh mẽ như ngày hôm nay.

Phóng viên: Thưa thứ trưởng, ông có thể cho biết mối quan hệ giữa Việt Nam và Thái Lan có ý nghĩa như thế nào trong việc xây dựng nên cộng đồng ASEAN mà chúng ta đang có?

Ông Vũ Hồng Nam: Việt Nam và Thái Lan có nền kinh tế đang phát triển, nền chính trị năng động. Nếu cộng dân số hai nước lại thì chiếm 1/3 dân số của cả cộng đồng ASEAN. Tổng GDP của hai nước cũng tương đương 1/3 GDP của cả khối ASEAN. Do vậy sự hợp tác của hai nước có ảnh hưởng lớn trước hết đến sự hợp tác, kết nối của các nước trong khu vực lục địa gồm Myanma, Lào, Campuchia, qua đó góp phần thúc đẩy sự phát triển của cộng đồng ASEAN.

40 năm qua, Việt Nam và Thái Lan đã hợp tác giải quyết các vấn đề chung của cộng đồng ASEAN. Tôi tin rằng sự hợp tác của hai nước sẽ góp phần rất lớn trong việc củng cố sự hợp tác, đoàn kết của ASEAN. Trong vấn đề Biển Đông, Thái Lan cũng là nước đi tiên phong trong việc tìm kiếm các giải pháp để làm sao đạt được việc xây dựng nền hòa bình, ổn định ở Biển Đông, đảm bảo môi trường hòa bình cho sự phát triển của các nước ASEAN.

Phóng viên: Cộng đồng người Việt Nam hiện sống rải rác ở nhiều tỉnh, thành trên đất nước Thái Lan và có đời sống tương đối tốt. Thứ trưởng cho biết Chính phủ Vương quốc Thái Lan đã có sự quan tâm, trợ giúp như thế nào đối với người Việt Nam tại Thái Lan?

Ông Vũ Hồng Nam: Vấn đề Việt kiều luôn là mối quan tâm lớn trong quan hệ nghị sự giữa hai nước Việt Nam – Thái Lan. Trước thời kỳ thiết lập quan hệ ngoại giao, chính sách của bạn đối với ta có một số hà khắc, hạn chế, phân biệt với người dân sở tại. Thời kỳ đó, bà con người Việt có cuộc sống tương đối khó khăn, thế hệ trẻ sinh ra tại đó không được công nhận quốc tịch và không được đi học. Nhưng mốc quan trọng nhất là kể từ khi thiết lập quan hệ bình thường hóa sau giải pháp về Campuchia thì chính sách của bạn đối với Việt kiều đã được nới dần. Năm 1998, Chủ tịch nước Trần Đức Lương thăm Thái Lan. Trong chuyến thăm này, hai nước đưa ra một số thỏa thuận. Kể từ đó bạn đã cấp toàn bộ giấy tờ, quốc tịch cho tất cả công dân người Thái gốc Việt, những người Việt định cư lâu năm tại Thái Lan. Cho đến nay, hầu hết những người Việt di cư sang Thái Lan đều đã trở thành công dân của Thái và đã được hưởng đầy đủ mọi quyền lợi, trách nhiệm công dân của mình đối với vương quốc Thái Lan. Điều này có ý nghĩa quan trọng đối với cuộc sống bà con, tạo bước ngoặt lớn. Bà con người Việt Nam đã hòa nhập vào xã hội Thái, được quyền mua nhà cửa, con em được đi học. Từ năm 2000 đến nay, sự phát triển về kinh tế của bà con tương đối mạnh.

Hiện nay, với sự chấp thuận của Thái Lan, người Việt cũng có một tổ chức riêng của mình. Tổng hội người Việt Nam tại Thái Lan hoạt động tương đối hiệu quả với trên 10 chi hội trên toàn Thái. Đây là nơi để hướng dẫn bà con tuân thủ luật pháp của Thái, là nơi kết nối bà con trong cộng đồng. Tôi cho rằng ngoài sự nỗ lực, cố gắng của cộng đồng người Việt, tôi đánh giá cao sự hỗ trợ của Chính phủ Thái, Nhà vua Thái đối với bà con người Việt. Cộng đồng người Việt ở Thái Lan đã và đang trở thành một cộng đồng có vị thế và có vai trò lớn trong xã hội Thái  Lan.

Phóng viên: Xin cảm ơn thứ trưởng.


Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu