Đi bầu cử là quyền và nghĩa vụ thiêng liêng của người Việt

Chia sẻ
(VOV5) - Để có quyền bầu cử, cả dân tộc, toàn thể nhân dân Việt Nam đã phải đấu tranh hàng nghìn năm và tốn biết bao xương máu mới có được.

Trên mạng xã hội hiện đang xuất hiện những “lời vận động” cử tri không đi bầu cử đại biểu Quốc hội (ĐBQH) khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân (HĐND) các cấp nhiệm kỳ 2021-2026  vào ngày 23/5/2021 tới. Tuy nhiên, đông đảo người dân đã hiểu rằng đi bầu cử là quyền và nghĩa vụ thiêng liêng của công dân nước Việt. 

Đi bầu cử là quyền và nghĩa vụ thiêng liêng của người Việt - ảnh 1Ngày 27/4/1969, Chủ tịch Hồ Chí Minh đến bỏ phiếu bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân tại khu phố V tại hòm phiếu số 6, đơn vị bầu cử 1, tiểu khu 1, khu phố Ba Đình, Hà Nội. Ảnh: TTXVN

Quyền bầu cử là quy định của hiến pháp và pháp luật về khả năng của công dân thực hiện quyền lựa chọn người đại biểu của mình vào cơ quan quyền lực của nhà nước. Quyền bầu cử bao gồm việc đề cử, giới thiệu người ứng cử và bỏ phiếu, tức là quyền chủ động trong lựa chọn của công dân. Thông qua bầu cử, nhân dân trực tiếp bỏ phiếu bầu người đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của mình, thay mặt mình thực hiện quyền lực nhà nước; góp phần thiết lập ra bộ máy nhà nước để tiến hành các hoạt động quản lý xã hội.

Trước năm 1945, Việt Nam chưa có Hiến pháp, chưa có bầu cử ĐBQH, đại biểu HĐND các cấp. Cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945 do Đảng Cộng sản Việt Nam, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo, đã mang lại cho nhân dân Việt Nam  nhiều quyền lợi mà trước kia họ chưa bao giờ có, trong đó có quyền bầu cử và quyền ứng cử. Hiến pháp đầu tiên của Việt Nam năm 1946 đã khẳng định quyền ứng cử và bầu cử của công dân tại Điều 18, được Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa khóa I thông qua ngày 9-11-1946 nêu rõ: “Tất cả công dân Việt Nam, từ 18 tuổi, không phân biệt gái, trai, đều có quyền bầu cử trừ những người mất trí và những người mất công quyền. Người ứng cử phải là người có quyền bầu cử, phải ít ra là 21 tuổi và phải biết đọc, biết viết chữ quốc ngữ. Công dân tại ngũ cũng có quyền bầu cử và ứng cử”. Trải qua 3 bản Hiến pháp sau đó (các năm: 1959, 1980 và 1992), quyền bầu cử và ứng cử vẫn tiếp tục được khẳng định. Hiến pháp hiện hành (Hiến pháp năm 2013) tại Điều 27 hiến định: "Công dân đủ mười tám tuổi trở lên có quyền bầu cử và đủ hai mươi mốt tuổi trở lên có quyền ứng cử vào Quốc hội, Hội đồng nhân dân. Việc thực hiện các quyền này do luật định". Như vậy, nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam luôn luôn phát huy quyền làm chủ của nhân dân, quyền bầu cử, ứng cử được coi là quyền quan trọng của công dân, đi đôi với quyền là trách nhiệm, nghĩa vụ của công dân. Vận động cử tri không đi bầu cử là vi phạm pháp luật, vi phạm quyền và nghĩa vụ của công dân.

Thực tế cho thấy, việc bầu cử ĐBQH và đại biểu HĐND các cấp ở Việt Nam là dân chủ, công bằng xét ở toàn bộ hệ thống bầu cử, ứng cử đặt trong bối cảnh đặc thù về lịch sử, văn hóa chính trị của Việt Nam và xu thế tiến bộ của nhân loại. Hệ thống pháp luật về bầu cử của Việt Nam ra đời từ khi ra đời nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa đến nay đều có quy định cử tri bầu ĐBQH và HĐND các cấp theo nguyên tắc phổ thông, bình đẳng, trực tiếp và bỏ phiếu kín. Nguyên tắc này được cộng đồng quốc tế đánh giá cao, bảo đảm số lượng đại biểu của mỗi địa phương tỷ lệ với số cử tri của địa phương đó. Các cử tri được bầu cử trực tiếp các đại diện của mình ở các cơ quan dân cử từ cấp cơ sở đến Quốc hội.

Là một quốc gia có 54 dân tộc, trong đó có nhiều dân tộc thiểu số nên Đảng và Nhà nước Việt Nam luôn quan tâm đến quyền của người dân tộc thiểu số trong các cuộc bầu cử. Luật Bầu cử ĐBQH và đại biểu HĐND hiện hành (Luật số 85/2015/QH13) quy định: “Số lượng người dân tộc thiểu số được giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội do Ủy ban Thường vụ Quốc hội dự kiến trên cơ sở đề nghị của Hội đồng Dân tộc của Quốc hội, bảo đảm có ít nhất mười tám phần trăm tổng số người trong danh sách chính thức những người ứng cử ĐBQH là người dân tộc thiểu số". Thực tế trong nhiều nhiệm kỳ qua, tỷ lệ đại biểu thuộc dân tộc thiểu số luôn luôn cao hơn tỷ lệ dân số. Nhiệm kỳ khóa XI, số đại biểu là người dân tộc thiểu số chiếm 17,2%; nhiệm kỳ khóa XIV, chiếm 17,3%; trong khi đó, tỷ lệ 53 dân tộc thiểu số chỉ chiếm khoảng 13% dân số Việt Nam.

Phù hợp với xu hướng tiến bộ xã hội, nâng cao vai trò của phụ nữ, Luật Bầu cử ĐBQH và đại biểu HĐND hiện hành quy định: “Số lượng phụ nữ được giới thiệu ứng cử ĐBQH do Ủy ban Thường vụ Quốc hội dự kiến trên cơ sở đề nghị của Đoàn Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, bảo đảm có ít nhất ba mươi lăm phần trăm tổng số người trong danh sách chính thức những người ứng cử đại biểu Quốc hội là phụ nữ”. Theo báo cáo của Quỹ Phát triển Phụ nữ Liên hợp quốc (UNIFEM), tỷ lệ nữ ĐBQH của Việt Nam trong những nhiệm kỳ gần đây cao hơn nhiều nước ở khu vực Đông Nam Á và thế giới.

Nhà nước Việt  Nam là Nhà nước của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân. Nhân dân tổ chức ra nhà nước bằng cách bầu ra các cơ quan quyền lực nhà nước. Thông qua bầu cử, nhân dân trực tiếp bỏ phiếu bầu người đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của mình để thay mặt mình thực hiện quyền lực nhà nước; góp phần thiết lập ra bộ máy nhà nước để tiến hành các hoạt động quản lý xã hội. Mọi cử tri Việt Nam đều hiểu rõ rằng bầu cử và đi bầu cử là quyền và nghĩa vụ thiêng liêng của người Việt. Do đó, bất cứ luận điệu xuyên tạc nào cũng không thể phá vỡ ngày hội non sông 23/5/2021của người Việt.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu