Tuần qua, gửi thư về chương trình, nhiều thính giả muốn được nghe thông tin về việc tiêm phòng vaccine COVID-19; giới thiệu về khẩu trang made in Việt Nam diệt được virus corona cùng nhiều nét văn hóa đặc sắc của người Việt.
Nghe âm thanh tại đây:
Chào quý vị, chào các bạn,
Trong thư gửi về tuần qua, thính giả quan tâm tới những hoạt động phòng chống dịch tại Việt Nam. Đó là câu hỏi của các thính giả từ Campuchia, từ Pháp về kế hoạch tiêm phòng vaccine COVID-19 ở Việt Nam. Chúng tôi xin thông tin như sau:
Trong đợt này, Bộ y tế sẽ ưu tiên vaccine cho 13 tỉnh, thành có dịch. Bộ Y tế ưu tiên tiêm vaccine cho đối tượng là tuyến đầu chống dịch theo Nghị quyết 21 của Chính phủ như đơn vị điều trị cho bệnh nhân Covid-19, những người làm công tác xét nghiệm, truy vết… Ngày 8-3 vừa qua đã tiêm mũi đầu tiên tại Hải Dương, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương và Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP Hồ Chí Minh. Bộ Y tế cũng tích cực triển khai kế hoạch tiêm chủng để bảo đảm an toàn nhất. Năm nay, Bộ sẽ cố gắng đảm bảo tiêm vaccine cho người dân.
Về câu hỏi những người được ưu tiên tiêm vaccine, chúng tôi xin trả lời là các những nhóm được tiêm sắp xếp theo mức độ ưu tiên theo tình huống dịch và trong bối cảnh nguồn vaccine cung cấp còn hạn chế tại Việt Nam. Vì vậy, đứng đầu được ưu tiên tiêm là các nhân viên y tế, tiếp đó là nhân viên tham gia phòng chống dịch gồm ban chỉ đạo các cấp, nhân viên các khu cách ly, phóng viên… Các cán bô ngoại giao, hải quan, làm công tác xuất nhập cảnh. Tiếp đó là lực lượng quân đội, công an, giáo viên, người trên 65 tuổi, nhóm cung cấp các dịch vụ thiết yếu như hàng không, vận tải, du lịch, cung cấp dịch vụ điện, nước. Những người mắc bệnh mạn tính, người có nhu cầu đi học tập công tác, lao động ở nước ngoài và người tại vùng dịch theo chỉ định dịch tễ. Để đảm bảo miễn dịch cộng đồng, Việt Nam hướng tới mục tiêu 80% dân số được tiêm vaccine phòng COVID-19.
Quý thính giả thân mến, có những xu hướng nổi bật gì ở Việt Nam khi đại dịch diễn ra là quan tâm của một số thính giả từ Indonesia gửi tới chương trình?
Trong đại dịch Covid-19, một lĩnh vực có thay đổi mạnh mẽ là cách thức khách hàng thanh toán cho hàng hóa và dịch vụ khi mua sắm cả trực tiếp lẫn trực tuyến. Đó là khuyến kích thanh toán không dùng tiền mặt và củng cố niềm tin của dân chúng khi tham gia giao dịch trực tuyến. Kết quả có thể nhận thấy là hành vi thanh toán của người tiêu dùng trong thời gian qua đã có sự thay đổi. Các dịch vụ bán hàng trực tuyến, mua sắm trực tuyến và sử dụng giao hàng đã gia tăng trong suốt thời gian có dịch. Các hình thức hội họp, học tập trực tuyến qua các phần miền Zoom và Slack đều gia tăng. Việc sử dụng dịch vụ giải trí như xem phim, nghe nhạc trực tuyến cùng với một số nền tảng chơi game cũng gia tăng đáng kể trong thời gian có dịch. Xu hướng du lịch chậm và du lịch cộng đồng, hướng tới những trải nghiệm chân thực, trách nhiệm và bền vững cũng nổi lên khi dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp.
Thính giả Dara Sako từ Campuchia muốn biết thêm thông tin về chiếc khẩu trang Wakamono - một phát minh mới đến từ Việt Nam diệt virus corona lên đến 99% đầu tiên trên thế giới bằng công nghệ Nano Biotech.
Wakamono - chiếc khẩu trang y tế diệt vi rút Corona lên đến 99% đầu tiên trên thế giới bằng công nghệ Nano Biotech đã được cộng đồng Châu Âu công nhận và cho phép ghi trên nhãn hộp. Đồng thời phát minh này cũng đã đăng ký phát minh tại Mỹ. Toàn bộ phát minh này là 100% do người Việt Nam phát minh ra và làm chủ công nghệ từ sản xuất nguyên liệu đến ra thành phẩm, và sản xuất ngay tại Việt Nam. Đó là phát minh của Lại Nam Hải, nhà sáng lập, điều hành và phát minh Wakamono, một công ty được thành lập 10 năm, chuyên về nghiên cứu công nghệ và sản xuất các nguyên liệu Nano Biotech tại Khu công nghệ cao quận 9, thành phố Hồ Chí Minh. Không chỉ diệt vi rút Corona lên đến 99% mà khẩu trang Wakamono còn được chứng minh tại các phòng kiểm nghiệm độc lập khác nhau trên thế giới như Đức, Mỹ, Ấn Độ, Trung Quốc, Singapore, Canada. Qua nhiều chặng đường gian lao nữa, cuối cùng, chiếc khẩu trang y tế Anti Coronavirus 99% đầu tiên trên thế giới do người Việt Nam phát minh ra đã có mặt tại Italia, Bồ Đào Nha, Australia, New Zealand, UAE thông qua các nhà phân phối chính thức.
Quý thính giả thân mến, nhiều thính giả tiếp tục yêu cầu được tìm hiểu về một số địa danh của Việt Nam. Tuần này là câu hỏi về Làng nổi, huyện Tân Lập, tỉnh Long An
Nằm ở trung tâm vùng Đồng Tháp Mười, làng nổi Tân Lập, thuộc xã Tân Lập, huyện Mộc Hóa – tỉnh Long An cách biên giới Campuchia khoảng hơn 15km về phía Nam. Các bạn đừng hiểu lầm làng nổi Tân Lập bên trong có một ngôi làng nhé, nơi đây là một khu rừng tràm nguyên sinh rộng lớn và những con đường bí ẩn dẫn vào rừng. Đây được xem là địa điểm phù hợp dành cho những ai thích tìm về với thiên nhiên hoang dã, khám phá nét văn hoá sông nước miền Tây Nam Bộ. Với diện tích 135 ha, có vùng đệm rộng 500 ha được quy hoạch để xây dựng khu du lịch đặc trưng của Long An nói riêng và cả vùng đất ngập nước Đồng Tháp Mười nói chung. Tới đây, du khách sẽ được thưởng thức sinh cảnh rừng tràm, sen – súng, lục bình, lúa và là nơi cư trú của nhiều loại động vật (chim, cò, cá…).Trong Làng Nổi Tân Lập còn có khu trò chơi dân gian, ẩm thực với những món ăn dân dã, đặc trưng của miền tây Nam Bộ.
Phần cuối chuyên mục, chương trình xin trả lời câu hỏi của thính giả Vỹ Duy (Trung Quốc) hỏi cộng đồng Việt kiều ở nước nào đông nhất.
Đó chính là cộng đồng người Việt tại Mỹ, chiếm một nửa trong tổng số hơn 5 triệu người Việt ở nước ngoài. Thư của Hatorri Tatsuaki, từ Nhật Bản cũng ca ngợi sự đoàn kết của các cộng đồng người nước ngoài tại Nhật Bản, trong đó có người Việt Nam.
Quý thính giả thân mến, tuần qua, trong thư gửi về chương trình các thính giả từ nhiều quốc gia như Tây Ban Nha, Nhật Bản, Campuchia, Lào, Thái Lan, Pháp Mỹ, Sec, Ba Lan.....quan tâm tới Đại hội lần thứ XIII của Đảng CSVN.
Nhiều thính giả ở trong nước và nước ngoài cũng quan tâm việc đưa Nghị quyết của Đảng vào cuộc sống; Nhiều thính giả cũng bày tỏ thú vị khi hiểu được những phong tục, nét văn hóa, danh lam thắng cảnh của Việt Nam. Chuyên mục ngày hôm nay, chúng tôi xin kết thúc bằng những lá thư của các thính giả, đó cũng là những lời chúc năm mới từ khắp nơi gửi về chương trình: chúc ban biên tập và các phóng viên, biên tập viên, cán bộ của VOV sức khỏe và ngày càng có nhiều chương trình hấp dẫn. Mong sao đại dịch COVID -19 kết thúc để cuộc sống trở lại bình thường. Mong sao những dự định đề ra thực hiện được trong năm 2021 này.
Quý thính giả thân mến, để đạt hiệu quả phủ sóng theo mùa, Ban Đối ngoại Đài TNVN (VOV5) sẽ thay đổi tần số phát sóng cho khu vực Châu Âu và khu vực Trung Á, ở khung giờ từ 16h đến 22h giờ quốc tế, tức là từ 23h đến 5 h giờ Việt Nam. Cụ thể: tần số 7280 KHz đổi sang tần số 11885 KHz bắt đầu từ ngày 28/3/2021. Đài TNVN thông báo để quý thính giả tiện theo dõi. Rất mong quý thính giả tiếp tục đồng hành với các chương trình của Đài TNVN, của Ban Đối ngoại và Chương trình phát thanh dành cho đồng bào VN ở xa Tổ quốc. Hẹn gặp lại quý vị và các ban trong những cánh thư sau.