Trung Quốc thất thế chính trị bởi những toan tính trên Biển Đông

Ánh Huyền
Chia sẻ
(VOV5) - Những hành động gây hấn đòi chủ quyền phi lý trên Biển Đông, bất chấp luật pháp quốc tế của Trung Quốc thời gian gần đây, đang dẫn đến những hệ lụy nguy hiểm trong các mối quan hệ của Trung Quốc với các quốc gia khác. 

(VOV5) - Những hành động gây hấn đòi chủ quyền phi lý trên Biển Đông, bất chấp luật pháp quốc tế của Trung Quốc thời gian gần đây, đang dẫn đến những hệ lụy nguy hiểm trong các mối quan hệ của Trung Quốc với các quốc gia khác. Bắc Kinh đang khiến quốc tế buộc phải thay đổi quan niệm về một Trung Quốc hiền hòa, vô hại, phát triển hòa bình.

 Trong khi vụ giàn khoan Hải Dương-981 hạ đặt trái phép trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam còn đang là sự kiện “nóng hổi” trên các trang báo quốc tế, dư luận quốc tế lại được một phen ngỡ ngàng với việc Bắc Kinh tự vẽ lại bản đồ, tuyên bố chủ quyền gần trọn Biển Đông.

Nếu như yêu sách đường lưỡi bò 9 đoạn trên Biển Đông mà Trung Quốc đơn phương công bố với thế giới từ năm 2009, không nhận được sự chú ý, thì tấm bản đồ thể hiện đường lưỡi bò 10 đoạn lần này lại khiến cộng đồng quốc tế dậy sóng, bởi tính chất ngang ngược, phi lý, bất tuân luật pháp quốc tế. Và vô tình hành động này của Trung Quôc đã lôi kéo sự chú ý lớn hơn của công luận đối với khu vực Biển Đông. Giới phân tích nhận định, toan tính của Trung Quốc trong việc thực hiện tham vọng bá quyền đã và đang mang lại những “tác dụng phụ” ngoài dự kiến của nước này.

Bất nhất trong lời nói và hành động
Từ trước tới giờ, Trung Quốc luôn khăng khăng chọn giải quyết tranh chấp trên Biển Đông trên cơ sở song phương mà không muốn có bên thứ ba can thiệp vào, càng không mong muốn quốc tế hóa vấn đề này. Sau nhiều lần Việt Nam đề nghị giao thiệp đàm phán song phương để giải quyết vấn đề nhưng không nhận được bất cứ sự hưởng ứng nào từ Trung Quốc, Việt Nam đã kiên quyết gửi công hàm phản đối Trung Quốc trình lên Liên hợp quốc. Hành động này của Việt Nam đã nhận được sự ủng hộ rất lớn của dư luận cả trong và ngoài nước.

Trung Quốc thất thế chính trị bởi những toan tính trên Biển Đông - ảnh 1
Các tàu Trung Quốc vây hãm và phun nước vào tàu Kiểm ngư Việt Nam ngày 12/5. (Ảnh Văn Sơn/TTXVN)

Đối diện với thái độ kiên quyết của Việt Nam và sự chỉ trích mạnh mẽ của quốc tế, chỉ vài ngày sau khi Việt Nam gửi công hàm lên Liên hợp quốc, Trung Quốc cũng vội vàng đệ trình tài liệu lên tổ chức này, vu cáo Việt Nam gây hấn, cản trở Trung Quốc tác nghiệp bình thường trên Biển Đông, cho tàu cản phá, đâm va Trung Quốc tổng cộng 1416 lần. Song, trong khi Việt Nam có đầy đủ bằng chứng tố cáo hành vi gây hấn của Trung Quốc trên Biển Đông, thì Trung Quốc lại không có bất cứ thứ gì có thể chứng minh được mình là bên “bị hại” ngoài những lời nói suông không nhất quán. Trong khi còn đang loay hoay tìm cách tạo hiện trường giả để chứng minh tàu Việt Nam tấn công tàu Trung Quốc thì những hình ảnh, clip chân thực nhất tại thực địa do Việt Nam cung cấp đã kịp đăng tải tràn ngập trên các phương tiện truyền thông quốc tế. Những bài bình luận, tường thuật của các hãng tin lớn trên thế giới đã vạch trần hành vi khiêu khích, hung hăng của Trung Quốc trên Biển Đông.

Uy tín bị tổn hại nặng nề
Bằng cách từ chối mọi kênh đối thoại, bất nhất trong lời nói và hành động, Trung Quốc đã tự gây tổn hại nặng nề đến uy tín của chính mình. Năm 2012, Trung Quốc đã khá thành công khi ngăn cản ASEAN đưa ra tuyên bố chung về Biển Đông trước lời kêu gọi của Philippines (lúc ấy đang tranh chấp bãi Scarborough/Hoàng Nham với Trung Quốc). Lần này, với hành vi xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam, Trung Quốc hy vọng với chiến thuật “bẻ nhỏ từng chiếc đũa”, ASEAN sẽ tiếp tục bị chia rẽ, hòng đạt được âm mưu của mình. Nhưng, trái với tính toán của Bắc Kinh, ASEAN đã tỏ rõ sức mạnh đoàn kết của cả khối với việc đồng thuận về cách thức giải quyết tình hình Biển Đông. Hòa bình, an ninh, an toàn, tự do hàng hải, không sử dụng vũ lực trong giải quyết tranh chấp, tuân thủ luật pháp quốc tế và những thỏa thuận đã ký với ASEAN là sợi chỉ đỏ xuyên suốt lập trường của ASEAN. Thậm chí, trong cuộc gặp với Chủ tịch Tập Cận Bình tại Bắc Kinh hồi cuối tháng 5, Tổng thống Myanmar Thein Sein còn thẳng thừng tuyên bố "Myanmar đứng về phía ASEAN trong vấn đề Biển Đông”, khi Trung Quốc có ý định tìm kiếm sự ủng hộ của nước này.

Rất khó để lấy lại lòng tin
Bất chấp luật pháp quốc tế để thiết lập một trật tự bá quyền ở khu vực. Trung Quốc càng duy trì chính sách hiếu chiến thì lại càng tự hủy hoại uy tín và hình ảnh của mình. Đưa giàn khoan ra vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam, phớt lờ vụ kiện của Philippines, ngang ngược tuyên bố chủ quyền ở những phần lãnh thổ trên biển của quốc gia khác, Trung Quốc đang đẩy các quốc gia ASEAN tăng cường liên kết với Mỹ. Đây chính là điều mà Bắc Kinh không hề mong muốn bởi điều này giúp kế hoạch xoay trục về châu Á của chính quyền Washington thuận lợi hơn.

Song, cái mất nặng nhất của Trung Quốc là uy tín quốc gia. Trong hàng mấy thập kỷ qua, Trung Quốc đã dành nhiều nỗ lực để kiến tạo quyền lực mềm trên khắp thế giới, theo đuổi văn hóa Trung Hoa hòa nhã, nhân, nghĩa, lễ, trí, tín. Thì nay với những toan tính bá quyền, những tuyên bố của nhà lãnh đạo Trung Quốc như “Trung Quốc phát triển hòa bình”, “máu người Trung Quốc không có gen xâm lược” càng trở nên khôi hài. Rồi đây, liệu quốc gia nào còn dám đặt lòng tin, hay mối giao hảo với Trung Quốc khi sự tin cậy cần thiết không còn./.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu