Thông tin biển đảo ngày 26/02/2022

Chia sẻ
(VOV5) - Trong thời gian chuyến thăm kéo dài 3 ngày (từ 24 - 26/2), Chỉ huy tàu Nhật Bản chào xã giao lãnh đạo thành phố Đà Nẵng, Bộ Tư lệnh Vùng 3 Hải quân bằng hình thức trực tuyến. 

Thúc đẩy giao lưu giữa hải quân hai nước Việt Nam và Nhật Bản

Ngày 24/2, Biên đội tàu huấn luyện đường dài (gồm tàu huấn luyện HATAKAZE và tàu hộ vệ INAZUMA) thuộc Lực lượng Tự vệ trên biển Nhật Bản với khoảng 480 sĩ quan và thủy thủ do Đại tá Masaaki, Tư lệnh đơn vị tàu huấn luyện số 1 làm Trưởng đoàn, đã cập cảng Tiên Sa, bắt đầu chuyến thăm thành phố Đà Nẵng.

Thông tin biển đảo ngày 26/02/2022 - ảnh 1Tàu hộ vệ INAZUMA cập cảng Tiên Sa, Đà Nẵng. Ảnh: Văn Dũng/TTXVN

Chuyến thăm của biên đội tàu huấn luyện đường dài lần này nhằm thúc đẩy giao lưu hiểu biết lẫn nhau giữa Hải quân nhân dân Việt Nam và Lực lượng Tự vệ trên biển Nhật Bản, cũng như quan hệ hợp tác quốc phòng song phương giữa hai nước Việt Nam-Nhật Bản. Trong thời gian chuyến thăm kéo dài 3 ngày (từ 24 - 26/2), Chỉ huy tàu Nhật Bản chào xã giao lãnh đạo thành phố Đà Nẵng, Bộ Tư lệnh Vùng 3 Hải quân bằng hình thức trực tuyến. 

Tàu Hải quân hỗ trợ cứu ngư dân tỉnh Khánh Hòa gặp nạn trên biển

Bộ Tư lệnh Vùng 2 Hải quân cho biết ngày 24/2, tàu 276 thuộc Vùng 2 Hải quân khi đang làm nhiệm vụ trên biển đã phối hợp với ngư dân cứu vớt 11 ngư dân tàu cá KH 96688 TS của tỉnh Khánh Hòa bị nạn trong quá trình khai thác hải sản trên biển.

Thông tin biển đảo ngày 26/02/2022 - ảnh 2Hiện trường tàu cá KH 96688 TS bị nạn. Ảnh: TTXVN

Các lực lượng cứu được 11 thuyền viên, đồng thời tiếp tục tìm kiếm một người còn lại là ông Trần Văn Nhanh là Thuyền trưởng, bị mất tích. Hiện 11 ngư dân bị nạn đang ở trên các tàu cá KH 90099 TS và KH 96569 TS đều của tỉnh Khánh Hòa.

Cán bộ, chiến sĩ tàu 276 đã thăm hỏi, động viên, hỗ trợ thực phẩm cho các ngư dân. Đến 15 giờ 25, tàu cá KH 96688 TS trôi dạt đến vùng biển giáp ranh Việt Nam-Indonesia, tàu 276 vẫn đang tiếp tục bám sát, theo dõi để sẵn sàng hỗ trợ tàu lai kéo của ngư dân đang hành trình từ đất liền ra lai kéo về bờ. 

Cấp cứu kịp thời bệnh nhân từ Trường Sa về đất liền điều trị

Theo tin từ Bệnh viện Quân Y 175 ngày 24/2, trực thăng EC 225 số hiệu VN 8616 đưa bệnh nhân suy hô hấp từ huyện đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa về đất liền điều trị đã hạ cánh xuống sân đỗ tòa nhà Viện Chấn thương chỉnh hình, Bệnh viện Quân y 175. Ngay khi chuyển về Bệnh viện Quân y 175, bệnh nhân được đưa vào Khoa Cấp cứu, tiến hành hội chẩn để điều trị tiếp theo.

Thông tin biển đảo ngày 26/02/2022 - ảnh 3Chuyển bệnh nhân từ trực thăng xuống Bệnh viện Quân y 175. Ảnh: TTXVN

Bệnh nhân là ngư dân Nguyễn Hùng (sinh năm 1973), làm việc trên tàu cá số hiệu QNg 96435 TS. Ngư dân này bị ho, đau tức ngực, cảm giác khó thở, được đưa vào bệnh xá đảo Trường Sa ngày 23/2. Tại bệnh xá đảo, bệnh nhân được test nhanh kháng nguyên sàng lọc 3 lần đều âm tính với virus SARS-CoV-2. Bệnh xá đảo Trường Sa kết nối hội chẩn trực tuyến qua hệ thống Telemedicine với Bệnh viện Quân y 175. Bệnh nhân được tiên lượng nặng, nguy cơ suy hô hấp tiến triển nên được đề nghị đưa về đất liền điều trị.

Tự hào Lữ đoàn 649 Cục Vận tải

Ngày 25/2/2022 là ngày kỷ niệm 70 năm thành lập Lữ đoàn 649 Cục Vận tải. Ngày 25/2/1952, Lữ đoàn 649 tiền thân là Đoàn Hồng Hà thành lập tại bến Phương Lâm, thị xã Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình. Đây cũng là ngày truyền thống của Trung đoàn Không quân 929, ngày thành lập Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam.

Thông tin biển đảo ngày 26/02/2022 - ảnh 4Chỉ huy Lữ đoàn 649 kiểm tra thực hành bắn đạn thật trên biển. Ảnh: Tư liệu qdnd.vn

Trải qua 70 năm, với những thành tích tiêu biểu trong công tác, xây dựng, chiến dấu, Lữ đoàn 649 được Đảng, Nhà nước, Bộ Quốc phòng, Tổng cục Hậu cần trao tặng nhiều phần thưởng cao quý trong đó có Danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Dịp kỷ niệm 65 năm truyền thống đơn vị (ngày 25/2/2017), Lữ đoàn 649 vinh dự đón nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ.

Thời kỳ đất nước hòa bình, bước vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, Lữ đoàn 649 được giao nhiệm vụ vận chuyển với khối lượng hàng hóa lớn, đi hầu hết các hướng trên vùng sông biển của đất nước, trong đó trọng tâm là vận chuyển vật chất hậu cần, vũ khí đạn dược, xăng dầu và các trang bị khí tài kỹ thuật… cho nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu của các đơn vị trong toàn quân, tham gia nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền và sẵn sàng chiến đấu trên biển đảo, tích cực tham gia công tác tìm kiếm cứu nạn trên biển.

Nỗ lực tìm kiếm các thuyền viên tàu VANDON ACE bị nạn trên biển

Ngày 24/2, tàu SAR 272 của Trung tâm Phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải Khu vực 3 đã đưa 4 thủy thủ tàu VANDON ACE bị nạn trên biển về đến cầu cảng thành phố Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.

Thông tin biển đảo ngày 26/02/2022 - ảnh 5Tàu SAR 413 thường trực tại Vũng Tàu khẩn trương rời bến đi cứu nạn thuyền viên tàu VANDON ACE. ảnh: TTXVN

Sau khi thăm hỏi, động viên các thủy thủ, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Xuân Sang họp khẩn với Sở Chỉ huy tiền phương tìm kiếm cứu nạn các thủy thủ tàu VANDON ACE. Thứ trưởng Nguyễn Xuân Sang yêu cầu các lực lượng đẩy nhanh tốc độ, mở rộng vùng tìm kiếm; đề nghị, huy động thêm các lực lượng Hải quân, Cảnh sát Biển, Biên phòng, các tàu hàng đang trên hành trình qua khu vực tàu bị nạn, tàu cá, giàn khoan tham gia tìm kiếm các thủy thủ tàu bị nạn đang còn mất tích.

Trước đó, ngày 23/2, Trung tâm Phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải Việt Nam nhận được thông tin tàu VANDON ACE (thuộc Công ty Trách nhiệm hữu hạn vận tải biển Hồng Gay ở thành phố Hạ Long - tỉnh Quảng Ninh) cùng 19 thủy thủ người Việt Nam trên hành trình chở gỗ từ cảng Rabaul - Papua New Guinea về Cần Thơ, gặp thời tiết xấu đã bị hỏng máy, trôi dạt trên biển, phát tín hiệu cấp cứu.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu