​Phấn đấu đến 2030, mở rộng diện tích, thành lập mới, quản lý hiệu quả 27 khu bảo tồn biển

Chia sẻ
(VOV5) - Việt Nam cũng đã đạt nhiều thành tựu trong việc giải quyết các vấn đề phân định biển với các nước láng giềng;

 Phấn đấu đến 2030, mở rộng diện tích, thành lập mới, quản lý hiệu quả 27 khu bảo tồn biển

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà ngày 10/12, đã ký phê duyệt Đề án mở rộng, thành lập mới các khu bảo tồn biển, khu bảo vệ nguồn lợi thủy sản, phục hồi các hệ sinh thái biển đến năm 2030, để đảm bảo diện tích các khu bảo tồn biển, ven biển đạt 6% diện tích tự nhiên vùng biển Việt Nam.

​Phấn đấu đến 2030, mở rộng diện tích, thành lập mới, quản lý hiệu quả 27 khu bảo tồn biển - ảnh 1Một góc Khu bảo tồn biển Vườn quốc gia Núi Chúa (huyện Ninh Hải, tỉnh Ninh Thuận). Ảnh: Nguyễn Thành/TTXVN

Đề án nhằm quản lý và bảo vệ tốt các hệ sinh thái biển, ven biển và hải đảo; tăng diện tích các khu bảo tồn biển, ven biển đạt khoảng 6% vào năm 2030 diện tích tự nhiên vùng biển Việt Nam, góp phần bảo tồn đa dạng sinh học, phục hồi và bảo tồn các hệ sinh thái biển quan trọng; chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu và nước biển dâng; phát triển bền vững kinh tế biển, hướng tới mục tiêu đưa Việt Nam trở thành quốc gia mạnh về biển, giàu từ biển.

Mục tiêu cụ thể đến năm 2030, mở rộng diện tích, thành lập mới và quản lý hiệu quả 27 khu bảo tồn biển để đảm bảo tổng diện tích biển được bảo tồn đạt khoảng 0,463% diện tích tự nhiên vùng biển Việt Nam; quản lý hiệu quả 59 khu bảo vệ nguồn lợi thủy sản và 63 khu vực cấm khai thác thủy sản có thời hạn ở vùng biển.

​Phấn đấu đến 2030, mở rộng diện tích, thành lập mới, quản lý hiệu quả 27 khu bảo tồn biển - ảnh 2Cấy nhân giống nhánh san hô trên khung giá thể tại Khu bảo tồn biển Vườn quốc gia Núi Chúa (huyện Ninh Hải, tỉnh Ninh Thuận). Ảnh: TTXVN phát

Cùng với đó, mở rộng diện tích, thành lập mới và quản lý hiệu quả các khu Ramsar, khu bảo tồn đất ngập nước, vùng đất ngập nước quan trọng ven biển.

Việt Nam nhất quán tôn trọng, thực thi đầy đủ Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển

Sáng ngày 10/12, tại Hà Nội, Bộ Ngoại giao tổ chức Lễ kỷ niệm 30 năm Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) có hiệu lực (1994-2024). Tại Lễ kỷ niệm, ông Nguyễn Minh Vũ, Trợ lý Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, nêu rõ là một quốc gia ven biển, việc tôn trọng và thực thi đầy đủ, có trách nhiệm các quy định của UNCLOS hoàn toàn phù hợp và nhất quán với chủ trương, chính sách của Việt Nam từ trước đến nay. Với tinh thần thượng tôn pháp luật, Việt Nam chủ trương kiên trì giải quyết các bất đồng trên biển bằng biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS.

Việt Nam cũng đã đạt nhiều thành tựu trong việc giải quyết các vấn đề phân định biển với các nước láng giềng; Việt Nam còn tích cực tham gia các hoạt động trong khuôn khổ các cơ chế quốc tế được thành lập theo Công ước, đóng góp nhiều sáng kiến nổi bật, được cộng đồng quốc tế ghi nhận, thể hiện vai trò của Việt Nam tại các diễn đàn quốc tế và khu vực có liên quan đến biển và đại dương, như tại các tiến trình đại dương và luật biển của Liên hợp quốc.

Ông Nguyễn Minh Vũ nhấn mạnh: Việt Nam từng đảm nhiệm vị trí thành viên của Hội đồng Cơ quan quyền lực quốc tế về đáy đại dương, có những đóng góp thực chất trong tiến trình Tòa án Luật biển Quốc tế, tham gia tích cực quá trình đàm phán và sớm ký Hiệp định về bảo tồn và sử dụng bền vững đa dạng sinh học biển tại vùng biển nằm ngoài phạm vi vùng tài phán quốc gia – văn kiện quốc tế gần đây nhất liên quan đến việc thực thi Công ước. Việt Nam cũng tiến cử các chuyên gia dày dạn kinh nghiệm và trình độ chuyên môn cao tham gia vào các cơ quan được thành lập trong khuôn khổ UNCLOS. Tại Liên hợp quốc, Việt Nam cùng Phái đoàn đại diện của 11 nước đồng sáng lập nhóm các nước bạn bè UNCLOS với hơn 100 nước thành viên từ tất cả các khu vực địa lý nhằm thúc đẩy việc thực thi Công ước.

Hiệp định Biển cả - BBNJ: Một cột mốc mới trong phát triển Luật biển quốc tế

Trong khuôn khổ Lễ kỷ niệm 30 năm Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển có hiệu lực, ngày 10/12, Bộ Ngoại giao phối hợp với Hội Luật quốc tế Việt Nam (VSIL) tổ chức Tọa đàm về Hiệp định Bảo tồn và sử dụng bền vững đa dạng sinh học biển tại vùng nằm ngoài quyền tài phán quốc gia (Hiệp định BBNJ). Là một quốc gia ven biển luôn đề cao luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Luật Biển, Việt Nam đã tham gia tích cực vào quá trình thương lượng, đàm phán xây dựng Hiệp định thứ ba thực thi Công ước. Việt Nam là một trong số các quốc gia đầu tiên tham gia ký Hiệp định và hiện đang trong quá trình xây dựng hồ sơ phê duyệt Hiệp định. Việt Nam đang tích cực phối hợp với các nước tham gia vào quá trình chuẩn bị cho việc thực thi Hiệp định khi chính thức có hiệu lực.

Tọa đàm là một trong các nỗ lực của Bộ Ngoại giao và Hội Luật quốc tế Việt Nam nhằm tuyên truyền rộng rãi hơn về Công ước Luật Biển nói chung và Hiệp định BBNJ nói riêng tới các bộ, ngành, cơ quan trong nước, cũng như giới nghiên cứu luật pháp quốc tế tại Việt Nam, qua đó làm rõ hơn nghĩa vụ của các quốc gia cũng như những lợi ích mang lại từ các cơ chế hỗ trợ trong Hiệp định này, bao gồm chuyển giao công nghệ, xây dựng năng lực và hỗ trợ tài chính.

Công nhận 8 xã vùng bãi ngang, ven biển thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn

Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình vừa ký Quyết định công nhận 8 xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo giai đoạn 2021 - 2025 thuộc các tỉnh: Thanh Hóa, Quảng Trị, Bến Tre, Kiên Giang thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn năm 2024.

Phó Thủ tướng giao UBND 4 tỉnh trên ưu tiên, bố trí ngân sách địa phương tiếp tục thực hiện đầy đủ các chính sách giảm nghèo và hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng cấp xã, liên xã phục vụ dân sinh, sản xuất, tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản của các xã được công nhận thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn; duy trì, nâng cao chất lượng và kết quả đạt được của các tiêu chí đánh giá xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo giai đoạn 2021 - 2025, chú trọng tiêu chí tỷ lệ hộ nghèo và hộ cận nghèo, cơ sở hạ tầng tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản, phục vụ dân sinh để bảo đảm tính bền vững khi thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu