Một quốc gia, dù lớn hay nhỏ, không thể tách mình ra khỏi trật tự quốc tế chung

Ánh Huyền
Chia sẻ

(VOV5) - Hội thảo cũng phân tích những nguyên tắc cơ bản của chiến lược Ấn Độ-Thái Bình Dương tự do và rộng mở trong bối cảnh khu vực này đang đối diện với nhiều thách thức.

Hội thảo khoa học quốc tế Quan hệ quốc tế trong khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương tự do và rộng mở diễn ra sáng nay (26/7), tại Hà Nội. Hội thảo do Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn tổ chức, với sự tham dự của nhiều nhà nghiên cứu, giáo sư, học giả Việt Nam và quốc tế.

Một quốc gia, dù lớn hay nhỏ, không thể tách mình ra khỏi trật tự quốc tế chung - ảnh 1

Hội thảo một lần nữa tập trung làm rõ khái niệm khu vực “Ấn Độ-Thái Bình Dương”, một khái niệm mới mà Tổng thống Mỹ Donald Trump đưa ra tại Hội nghị cấp cao Diễn đàn hợp tác Châu Á-Thái Bình Dương (APEC) năm 2017 tại Đà Nẵng, Việt Nam. Hội thảo cũng phân tích những nguyên tắc cơ bản của chiến lược Ấn Độ-Thái Bình Dương tự do và rộng mở trong bối cảnh khu vực này đang đối diện với nhiều thách thức.

Trong các tham luận trình bày tại Hội thảo, Tham tán chính trị Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam Noah Zaring, Giáo sư TS Benjamin Reilly đến từ Đại học Tây Australia, Giáo sư TS Go Ito, Đại học Minh Trị, Nhật Bản và GS TS Rahuk Mishra đến từ Ấn Độ, đều khẳng định một trong những nguyên tắc cơ bản của chiến lược Ấn Độ-Thái Bình Dương đó là tôn trọng độc lập, chủ quyền của các quốc gia trong khu vực, dù lớn hay nhỏ, tôn trọng luật pháp quốc tế và quyền tự do hàng hải, hàng không trong khu vực. Trong một thế giới toàn cầu hòa và phụ thuộc lẫn nhau như ngày nay, thì một quốc gia cho dù là lớn cũng không thể nào tách mình ra khỏi cái xu hướng chung của trật tự quốc tế, đi ngược lại luật pháp quốc tế.

Chia sẻ quan điểm bên lề Hội thảo, Giáo sư TS Phạm Quang Minh, Hiệu trưởng Trường ĐHKH Xã hội và Nhân văn cho rằng: Chủ đề của Hội thảo hôm nay là một khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương tự do và rộng mở thì nó bao hàm những nội dung. Một là đảm bảo cho khu vực này được tự do, đặc biệt là tự do hàng hải. Hai là khu vực phải dựa trên sự tôn trọng pháp luật, đặc biệt là Công ước luật biển của LHQ năm 1982. Ba là đảm bảo sự thịnh vượng của khu vực trong đó bao gồm cả Biển Đông. Tôi nghĩ rằng chính những nguyên tắc của khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương tự do và rộng mở nó cũng liên quan trực tiếp tới tình hình Biển Đông. Điều đó yêu cầu tất cả các quốc gia trong khu vực phải tôn trọng những nguyên tắc như tự do hàng hải, tôn trọng luật pháp quốc tế và những chuẩn mực quốc tế. Vì vậy, tôi cho rằng một cách trực tiếp hội thảo này đã đề cập tới những hành động gây hấn làm căng thẳng tình hình phức tạp ở Biển Đông.

Tại Hội thảo, các đại biểu cũng bày tỏ quan ngại về những diễn biến phức tạp trên Biển Đông hiện nay, lên án các hành động gây căng thẳng tình hình của Trung Quốc ở Biển Đông.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu