Hội thảo bàn tròn về vấn đề Biển Đông tại Ấn Độ

Chia sẻ
(VOV5) - Tại hội thảo, các học giả có nhiều bài tham luận liên quan đến vấn đề Biển Đông như lập trường và phản ứng của Ấn Độ đối với tình hình nổi lên ở Biển Đông
(VOV5) - Tại hội thảo, các học giả có nhiều bài tham luận liên quan đến vấn đề Biển Đông như lập trường và phản ứng của Ấn Độ đối với tình hình nổi lên ở Biển Đông.

Ngày 15/7, tại Thủ đô New Delhi, Ấn Độ diễn ra hội thảo bàn tròn về vấn đề Biển Đông với sự tham gia của đông đảo các học giả, chuyên gia Ấn Độ và nước ngoài. Tham dự hội thảo còn có Đại sứ Philippines, Công sứ Thái Lan và đại diện ngoại giao các nước Mỹ, Nhật Bản, Australia, Malaysia, Singapore, Ghana… Đại sứ Việt Nam tại Ấn Độ Tôn Sinh Thành cũng tham dự hội thảo.

Hội thảo bàn tròn về vấn đề Biển Đông tại Ấn Độ - ảnh 1
Toàn cảnh hội thảo. Ảnh: Đăng Chính


Tại hội thảo, các học giả có nhiều bài tham luận liên quan đến vấn đề Biển Đông như lập trường và phản ứng của Ấn Độ đối với tình hình nổi lên ở Biển Đông; xung đột ở Biển Đông và những tác động tới quan hệ giữa Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và Trung Quốc; chính sách tái cân bằng của Mỹ và những tác động đến tình hình Biển Đông; Biển Đông và quản lý xung đột trong tương lai.

Hầu hết đánh giá phân tích của các diễn giả tham dự hội thảo đều tập trung phản ánh những diễn biến mới tại Biển Đông sau phán quyết của Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) ở La Hay (Hà Lan) và cho rằng đây là một phán quyết mang tính lịch sử khi bác bỏ tuyên bố về chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông. Một số học giả cho rằng phán quyết của PCA cần được các bên liên quan tuân thủ và tôn trọng triệt để vì phán quyết này ủng hộ khuôn khổ pháp lý quản lý đại dương và giải quyết tranh chấp trong tương lai trên cơ sở Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS).

Phát biểu tại hội thảo, Đại sứ Việt Nam tại Ấn Độ Tôn Sinh Thành khẳng định Việt Nam hoan nghênh PCA đã đưa ra phán quyết về vụ kiện trên. Việt Nam ủng hộ mạnh mẽ việc giải quyết các tranh chấp ở Biển Đông bằng các biện pháp hòa bình, bao gồm các tiến trình ngoại giao và pháp lý, không sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực theo quy định của luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS, duy trì hòa bình, ổn định trong khu vực, an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu