Giữ gìn báu vật quốc gia

Chia sẻ
Năm 2009, Thừa Thiên Huế phát hiện 3 văn bản cổ có giá trị lớn về mặt lịch sử. Cả 3 văn bản này đều được lập cách đây hàng trăm năm, là minh chứng hùng hồn về chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa.

Năm 2009, Thừa Thiên Huế phát hiện 3 văn bản cổ có giá trị lớn về mặt lịch sử. Cả 3 văn bản này đều được lập cách đây hàng trăm năm, là minh chứng hùng hồn về chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa.

Chính quyền và người dân tỉnh Thừa Thiên Huế đã gìn giữ, bảo tồn, để từ tài sản của một gia tộc, làng, xã, giờ đây trở thành báu vật quốc gia, góp phần bảo vệ chủ quyền vùng lãnh hải của nước ta.

Ngôi nhà của nhà nghiên cứu Phan Thuận An nằm sâu trong nội thành, thành phố Huế. Đây cũng là phủ thờ Công chúa Ngọc Sơn, con gái vua Đồng Khánh, là cô ruột của vua Bảo Đại.

Trong phủ, ngoài bàn thờ Công chúa Ngọc Sơn và một gian nhỏ dành làm nơi nghỉ ngơi của nhà nghiên cứu Phan Thuận An, phần còn lại vừa cho 2 tủ sách với hàng ngàn cuốn sách và tài liệu quý mà gia đình ông đã dày công sưu tầm, gìn giữ qua nhiều thế hệ. Cũng từ tủ sách này, ông đã phát hiện 2 tờ Châu bản liên quan đến chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa.

Giữ gìn báu vật quốc gia  - ảnh 1
Văn bản do vị quan Thuận Đức hầu trấn giữ cửa
biển Biện Hải lập, xử lý vụ kiện giữa phường Mỹ
Toàn và An Bằng.

Tờ Châu bản thứ nhất được lập ngày 15/2 năm Bảo Đại thứ 13 (tức năm 1939), do quan Tổng lý Ngự tiền văn phòng Phạm Quỳnh tấu lên. Sau khi xem xét, vua Bảo Đại phê hai chữ “Chuẩn y” với bút phê màu đỏ và ký 2 chữ “BĐ” (Bảo Đại). Nội dung của tờ Châu bản ghi “Vào ngày 10/ 2/1939, Toà Khâm sứ Trung Kỳ có đề nghị Nam Triều nên thưởng huy chương Long Tinh hạng 5 cho đơn vị lính khố xanh ở Trung kỳ, vì họ đã có công trong việc dẹp loạn “man di” ở miền núi và có công  trong việc “lập đồn phòng thủ ở Hoàng Sa”.

Còn tờ Châu bản mới phát hiện ghi ngày 3/2/1939, đính kèm là văn bản bằng tiếng Pháp của Khâm sứ Trung kỳ trình lên Nam triều. Nội dung của tờ Châu bản này như sau: "Vào ngày 2/2/1939, Khâm sứ Trung Kỳ Graffeuil gửi cho Tổng lý Ngự tiền văn phòng Phạm Quỳnh một văn thư đề nghị tâu xin Hoàng đế Bảo Đại truy tặng Huy chương Long Tinh của Nam triều cho ông Louis Fontan, người vừa qua đời đúng ngày hôm ấy. Trước đó, ông này giữ chức vụ Chánh cai đội hạng nhất của đội lính khố xanh trú đóng tại đảo Hoàng sa. Trong thời gian công tác tại đây, ông đã bị nhiễm bệnh sốt rét, rồi mất tại Nhà thương lớn ở Huế.”

Ngay trong ngày 3/2/1939, tờ phiến và bản sao văn thư này được Ngự tiền Văn phòng dâng lên vua Bảo Đại. Đọc xong tờ phiến và văn thư đính kèm, Vua Bảo Đại chấp nhận ngay lời đề nghị, liền phê 2 chữ "Chuẩn y" và ký tắt 2 chữ BĐ bằng bút chì màu đỏ. Theo nhà nghiên cứu Phan Thuận An, cả 2 tờ Châu bản này đều có giá trị về mặt lịch sử. Đặc biệt, tờ châu bản mới phát hiện có nhiều giá trị, bởi Louis Fontan là người Pháp, nhưng đã bất chấp gian khổ để giữ gìn đảo Hoàng Sa.

Giữ gìn báu vật quốc gia  - ảnh 2
Văn bản gốc được lập dưới triều Lê khẳng định chủ quyền Hoàng Sa
của Việt Nam

Ông Phan Thuận An nói: “Hai Châu bản này chỉ cách nhau 12 ngày nhưng đều liên quan đến đảo Hoàng Sa. Điều này chứng tỏ rằng lúc bấy giờ triều đình rất quan tâm đến vùng biển đảo của Việt Nam. Với giá trị về mặt lịch sử như thế, chúng ta có thể khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa.

Cùng với hai tờ châu bản do nhà nghiên cứu Phan Thuận An phát hiện, cuối tháng 8/2009, người dân thôn Mỹ Lợi, xã Vinh Mỹ, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế cũng đã phát hiện một văn bản bằng chữ Hán, được lập cách đây 250 năm, để xử lý vụ kiện giữa phường An Bằng (nay là làng An Bằng, xã Vinh An, huyện Phú Vang) và phường Mỹ Toàn (nay là thôn Mỹ Lợi, xã Vinh Mỹ, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế). Nội dung văn bản cho thấy, thời nhà Nguyễn đã có đội quân chuyên trách quản lý và khai thác sản vật ở quần đảo Hoàng Sa. Đầu tháng 12/2009, Sở VH – TT&DL Thừa Thiên Huế đã phối hợp với Uỷ ban nhân dân huyện Phú Lộc bàn giao tài liệu mà người dân thôn Mỹ Lợi đã gìn giữ trong 250 năm qua cho UBND tỉnh Thừa Thiên Huế quản lý.

Bà Nguyễn Thị Thu Hà, Trưởng phòng Di sản văn hoá Sở Văn hoá Thể thao và Du lịch tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, ngành VH- TT & DL đã gặp gỡ, làm việc với nhà nghiên cứu Phan Thuận An và người dân làng Mỹ Lợi để nắm rõ tâm tư nguyện vọng của người dân. Chúng tôi cũng đã tham mưu cho tỉnh để  tiếp nhận và có văn bản gửi Bộ Ngoại giao về những tài liệu quý này.

Sau khi được nhiều nhà nghiên cứu thẩm định và bản thân cũng thấy rõ giá trị của những tờ châu bản này, nhà nghiên cứu Phan Thuận An đã hiến tặng tờ châu bản thứ nhất cho Bộ Ngoại giao để bảo tồn gìn giữ và phát huy giá trị của nó trong việc bảo vệ chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa. Tờ châu bản mới phát hiện, ông cũng vừa bàn giao cho UBND tỉnh Thừa Thiên Huế quản lý để bảo tồn và phát huy giá trị của nó. Về phía địa phương, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế rất trân trọng và khuyến khích người dân phát hiện, bảo tồn những văn bản cổ, có giá trị đặc biệt về lịch sử. 

Ông Ngô Hoà, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế rất hoan nghênh hành động hiến tặng tài liệu lịch sử của các nhà nghiên cứu và người dân trong thời gian qua. Đồng thờ tỉnh đang phát động, cổ vũ nhân dân sẽ tiếp tục có phát hiện mới về những chứng cớ, tư liệu lịch sử giúp  minh chứng cho sự vẹn toàn lãnh thổ nước ta.

Thừa Thiên Huế là một trong những trung tâm văn hoá ở khu vực miền Trung và cả nước. Nơi đây, hiện còn lưu giữ nhiều di sản văn hoá vật thể và phi vật thể của nhân loại. Bên cạnh những di sản văn hoá đang được chính quyền địa phương nỗ lực bảo tồn và phát huy giá trị, người dân Thừa Thiên Huế cũng đã có công phát hiện, giữ gìn những văn bản cổ, góp phần khẳng định và bảo vệ chủ quyền vùng biển, đảo nước ta./.


Kim Thu/vovonline

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu