Chủ quyền Việt Nam tại Hoàng Sa, Trường Sa: Khẳng định từ di sản

Chia sẻ
Lễ Khao lề thế lính là bằng chứng có giá trị trong việc khẳng định chủ quyền của nước ta đối với Hoàng Sa. Ảnh: N.T.BÌNHKhông chỉ có đầy đủ chứng cứ pháp lý để khẳng định Hoàng Sa, Trường Sa là một bộ phận không thể tách rời, Việt Nam còn sở hữu những di sản văn hóa ẩn chứa giá trị lịch sử.

Lễ Khao lề thế lính là bằng chứng có giá trị trong việc khẳng định chủ quyền của nước ta đối với Hoàng Sa. Ảnh: N.T.BÌNH

Lễ Khao lề thế lính là bằng chứng có giá trị trong việc khẳng định chủ quyền của nước ta đối với Hoàng Sa. Ảnh: N.T.BÌNHKhông chỉ có đầy đủ chứng cứ pháp lý để khẳng định Hoàng Sa, Trường Sa là một bộ phận không thể tách rời, Việt Nam còn sở hữu những di sản văn hóa ẩn chứa giá trị lịch sử. 

Có mặt tại Quảng Ngãi đúng ngày các tộc họ trên huyện đảo Lý Sơn tổ chức lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa mới thấy đầy đủ giá trị thiêng liêng của những di sản. Và chính những di sản văn hóa ấy là tiếng nói góp phần khẳng định chủ quyền thiêng liêng của lãnh thổ Việt Nam trên biển.

1.

Có mặt tại Âm Linh tự - nơi diễn ra các nghi thức chiêu hồn những người lính của hải đội Hoàng Sa, TS Trần Công Trục xúc động nói: “Điều ấn tượng nhất đối với tôi trong lần đến Quảng Ngãi lần này là lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa”. Đây không phải lần đầu tiên TS Trục đến huyện đảo Lý Sơn, nhưng đây là lần đầu ông trực tiếp chứng kiến lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa. Ông nói thêm: “Tôi cảm thấy trong lòng mình có điều gì đó rất tự hào, thấy khâm phục những người lính đội Hoàng Sa đi bảo vệ chủ quyền trong thời kỳ gian khổ như vậy”. TS Trục mong muốn những lễ hội như thế cần lan truyền đến từng người dân Việt Nam, không chỉ dừng lại ở một địa phương như huyện đảo Lý Sơn hay tỉnh Quảng Ngãi. “Đội Hoàng Sa chính là bằng chứng có giá trị pháp lý nhất, để nói rằng Nhà nước Việt Nam đã xác lập và thực thi chủ quyền đối với quần đảo đó từ rất lâu. Không những về mặt giá trị, mà về mặt tâm lý, tình cảm của người Việt Nam dành cho đội Hoàng Sa cũng hết sức ý nghĩa”.

Quả là khó kìm lòng trước sự thành kính “tế lính”, “thế lính” của các tộc họ trên đảo Lý Sơn và những vùng biển có người vâng lệnh triều đình đăng lính Hoàng Sa từ mấy trăm năm trước. Cứ nhìn những ngôi mộ gió ở Lý Sơn, cứ đứng trên bến Đình nhìn xuống mặt biển xanh ngắt - nơi hằng năm vẫn diễn ra lễ thả thuyền và những hình nhân thế mạng sẽ thấy tiếng đồng vọng của bao người dân gửi gắm vào nghi lễ.

Theo nghiên cứu của TS Nguyễn Đăng Vũ - Giám đốc Sở VH-TT&DL Quảng Ngãi, đội Hoàng Sa ở đảo Lý Sơn hoạt động liên tiếp từ thế kỷ 17, đầu thời chúa Nguyễn, đến giữa thế kỷ 19 sang đến thời Tây Sơn với những cai đội nổi tiếng như Phú Nhuận hầu Võ Văn Phú, Hội Nghĩa hầu Võ Văn Khiết. Sang thời nhà Nguyễn, ngay từ thời Gia Long cũng đã sai Phạm Quang Ảnh làm cai đội Hoàng Sa tuyển chọn các binh phu đi Hoàng Sa và cả Trường Sa đo đạc thủy trình. Nhà Nguyễn cũng cho lập các đội thủy quân để cùng với Đội Hoàng Sa và Đội Quế Hương đi Hoàng Sa, Trường Sa cắm mốc, dựng bia chủ quyền, lập miếu, đo đạc thủy trình, lập bản đồ, khai thác sản vật… Đặc biệt, vào thời vua Minh Mạng có những cai đội, chánh thủy quân suất đội nổi tiếng như Chánh thủy quân suất đội Phạm Văn Nguyên (1835), Chánh thủy quân suất đội Phạm Hữu Nhật (1836), Chánh thủy quân suất đội Phạm Văn Biện...

2.

Những ngày cuối tháng 4, ở Quảng Ngãi còn diễn ra cuộc hội thảo quốc tế với chủ đề “Chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa - những khía cạnh lịch sử và pháp lý”. Hơn 50 đại biểu là các học giả quốc tế, Việt kiều, chuyên gia nghiên cứu đầu ngành thuộc các trường ĐH, viện nghiên cứu đến từ Mỹ, Nga, Canada, Thụy Điển, Úc, Ấn Độ, Hàn Quốc, Philippines, Việt Nam… đã tham dự hội thảo.

GS, TS luật Tạ Văn Tài đến từ bang Massachusetts (Mỹ) có nghiên cứu dài 43 trang với tựa đề “Các lợi ích của Việt Nam tại Biển Đông và các biện pháp hòa bình để bảo vệ theo công pháp quốc tế”. TS Tài đưa ra các nguồn công pháp, tư pháp, sử liệu của cả Việt Nam, thế giới và Trung Quốc, khẳng định “đường lưỡi bò” (hay đường chín đoạn, chiếm 80% Biển Đông, bao trùm hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam) là không có căn cứ pháp lý nào. Ông kể thêm, Trung Quốc đưa ra yêu sách “đường lưỡi bò” là sai lầm lớn và trên các diễn đàn bị vặn hỏi mà không trả lời nổi.

Cũng trở về từ Mỹ, GS Ngô Vĩnh Long - nhà nghiên cứu kỳ cựu về Biển Đông, hiện là GS giảng dạy tại khoa Lịch sử, Trường ĐH Maine, thành phố Orono, bang Maine, cho rằng hội thảo rất thành công. Bởi lẽ đây là cơ hội để các học giả thế giới hiểu rõ hơn về những cơ sở pháp lý mà Việt Nam đã có, về những di sản văn hóa biển đã đồng hành cùng lịch sử dân tộc.

Còn TS sử học Nguyễn Nhã nói: “Trung Quốc không có cơ sở gì về lịch sử, cũng như về pháp lý quốc tế. Các luận điểm của họ cũng thường xuyên thay đổi, tên họ cũng thay đổi. Tây Sa hay Nam Sa thì cũng mới xuất hiện. Tây Sa từ năm 1909, Nam Sa từ năm 1947. Phải nói là họ không có cơ sở nào. Nhưng cơ sở mà họ nói là cơ sở sức mạnh, chỉ thế thôi”.

Trong khi đó, nhà nghiên cứu thư tịch cổ Phạm Hoàng Quân trình bày báo cáo tựa đề “Phân tích tổng quan nguồn sử liệu Trung Hoa liên quan đến Biển Đông Việt Nam” dày 22 trang làm nhiều người bất ngờ. Ông nói rằng, những sử liệu mà Trung Quốc đưa ra cùng với những sử liệu khác chưa đưa ra hoặc cố ý không đưa ra hầu hết đều rất có lợi cho Việt Nam nếu được hiểu một cách đúng đắn. “Trong lịch sử từ Hán đến Thanh, các nền quân chủ đại diện cho nhà nước Trung Hoa chưa từng xác lập chủ quyền đối với vùng Biển Đông và xác định hải giới ở cực nam là đảo Hải Nam. Sử liệu Trung Hoa đã thừa nhận các quần đảo trên Biển Đông xưa kia thuộc vùng biển Giao Chỉ hoặc Chiêm Thành”.

3.

Có mặt ở Lý Sơn những ngày cuối tháng 4 lịch sử, cảm nhận trọn vẹn những tiếng vọng về từ thuở cha ông bất chấp sóng gió, hiểm nguy thẳng tiến Hoàng Sa xác lập chủ quyền đất nước. Bản thân Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa - Di sản văn hóa phi vật thể giờ đây đã trở thành Di sản văn hóa cấp quốc gia - là bằng chứng sống động, thuyết phục. Chưa kể hàng loạt tài liệu, bản đồ, tờ lệnh, hiện vật… mà ai đó nói rằng nếu tập hợp hết lại thì đó là số lượng khổng lồ.

Những ngày chúng tôi ở Lý Sơn, được biết ở Hà Nội đầu tháng 5 cũng có một triển lãm về những hiện vật Hoàng Sa ở một trường ĐH và Bảo tàng Nhân học. Niềm xúc động dâng lên trong chúng tôi, cũng như ở địa phương này, bao năm rồi dù chưa thành cấp quốc gia như bây giờ, những người dân làng An Vĩnh vẫn tổ chức Lễ khao lề thế lính. Những lời văn tế vẫn ngân lên: “Hoàng Sa - Trường Sa lãnh hải/ Biển cả mênh mông/ Tháng năm vô định/ Biết mấy phen thề non hẹn biển/ Quyết một lòng chiến đấu đến cùng…” từ hàng mấy trăm năm nay, truyền từ đời này sang đời khác.

NGUYỄN THANH BÌNH

(Theo baodanang.vn)

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu