Từng ngày, từng giờ vì người nghèo

Chia sẻ
Chăm lo hỗ trợ người nghèo đã trở thành suy nghĩ và hành động từng ngày, từng giờ của cả hệ thống chính trị và của toàn dân.

Chăm lo hỗ trợ người nghèo đã trở thành suy nghĩ và hành động từng ngày, từng giờ của cả hệ thống chính trị và của toàn dân.

Hưởng ứng “Ngày thế giới chống đói nghèo” 17/10 của LHQ, từ năm 2000, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phát động cuộc vận động “Ngày vì người nghèo” và lấy ngày này hằng năm là ngày cả nước vì người nghèo.

Ngay trong hoàn cảnh kinh tế khó khăn, thì hiện nay, mỗi ngày cả nước vẫn có thêm hàng trăm hộ nghèo được nhận nhà mới, hàng ngàn hộ khó khăn được trợ giúp cải tạo, sửa chữa, nâng cấp nhà ở. Tổng cộng từ năm 2008 đến nay, có hơn 500.000 hộ nghèo được hỗ trợ về nhà ở theo chương trình của Chính phủ, trong đó có 226.000 hộ đồng bào dân tộc thiểu số. 62 huyện nghèo được ưu tiên bố trí vốn trước cho mục tiêu này với gần 10.000 hộ đã cải thiện được nơi ăn chốn ở.

Không chỉ có nhà ở, việc chăm lo cho người nghèo ở nước ta được thực hiện trên mọi mặt, góp phần giúp họ giải quyết những nhu cầu tối thiểu cần thiết. Hơn 10 năm qua có hàng triệu lượt hộ nghèo được vay vốn tín dụng ưu đãi, hàng vạn người nghèo được miễn giảm chi phí học nghề. Người nghèo còn được cấp thẻ bảo hiểm y tế, hỗ trợ trả tiền điện, con cái họ được miễn giảm học phí...

Từng ngày, từng giờ vì người nghèo  - ảnh 1

Bộ đội biên phòng tỉnh Cao Bằng xây dựng mái ấm biên cương (Ảnh: V.Đ)

Theo Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, từ nay đến năm 2015, cả hệ thống chính trị tập trung cải thiện và từng bước nâng cao điều kiện sống của hàng triệu hộ nghèo, ưu tiên vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng biên giới, chiến khu cách mạng, vùng bãi ngang ven biển và hải đảo. Tổng kinh phí cho chương trình này là hơn 27.000 tỷ đồng, 2/3 do ngân sách Trung ương cấp.

Cũng từ nay đến 2015, còn có chương trình trợ giúp pháp lý rất thiết thực và miễn phí cho người nghèo, để họ tự chủ hơn trong việc thực hiện các quyền về lao động, kinh doanh và sở hữu tài sản, là những yếu tố quan trọng chi phối kế sinh nhai của người nghèo. Chương trình này do Hội Luật gia thực hiện với sự tài trợ của LHQ.

Phân tầng xã hội do chênh lệch giàu nghèo bao giờ cũng để lại hậu quả khó khắc phục, tạo nên tâm lý bất ổn cho số đông. Vậy nên, chăm lo hỗ trợ người nghèo đã trở thành suy nghĩ và hành động của cả hệ thống chính trị và của toàn dân ta, vừa tập trung vào Tháng hành động và trong Ngày vì người nghèo, vừa là sự trăn trở lo toan từng giờ không ngưng nghỉ. Trong đó, Nhà nước cố gắng tạo ra môi trường lành mạnh và cơ hội bình đẳng cho mọi người, từng bước xoá bỏ nguyên nhân sâu xa và nguyên nhân trực tiếp của sự nghèo đói.

Những quyết sách phát triển kinh tế đều được lồng ghép với các vấn đề xã hội như việc làm, xóa đói giảm nghèo. Hệ thống chính sách an sinh xã hội những năm qua đã hỗ trợ đắc lực cho người nghèo, người yếu thế và nhiều đối tượng khác.

Tuy nhiên, trên tổng thể, an sinh xã hội chưa phát triển đồng bộ, chưa tương xứng với tốc độ phát triển kinh tế. Phần lớn người lao động, trong đó đa số là nông dân vẫn phải vất vả lo miếng cơm manh áo hàng ngày. Nguyên nhân do nhiều chính sách chưa nhìn nhận sát đúng thực trạng về đời sống, trình độ dân trí, cách tiếp cận thông tin của người dân. Rồi khi gặp thiên tai, dịch bệnh, tác động của khủng hoảng, của cải cách kinh tế… nhiều nơi không được hỗ trợ kịp thời và hiệu quả. Do đó, “vì người nghèo” không chỉ là nhiệm vụ của riêng Nhà nước.

Cuộc vận động “Ngày vì người nghèo” hơn 10 năm qua đã cho thấy ý nghĩa rộng lớn và sâu xa hơn, huy động được sức mạnh của cả hệ thống chính trị và của toàn dân, với hàng nghìn tỷ đồng mỗi năm dành cho mục tiêu nhân văn này. Bên cạnh những nguồn lực tập trung, ở khắp mọi nơi trên đất nước ta đâu đâu cũng có thể gặp những tấm lòng bao dung, những nghĩa cử đùm bọc nhau trong khó khăn hoạn nạn, “thương người như thể thương thân”.

Cuộc vận động này cũng khơi dậy ý chí trong mỗi người quyết tâm tự lực vượt nghèo, không trông chờ, ỷ lại. Chưa có ai thống kê, nhưng chắc chắn trong hơn 10 năm qua, có rất nhiều người nghèo từ chỗ phải nhận trợ giúp đã biết nắm bắt cơ hội để vươn lên làm giàu cho chính mình, cho gia đình, cộng đồng và xã hội. Rồi họ lại từng ngày từng giờ giúp đỡ một cách thiết thực và hiệu quả cho những người còn nghèo khó./.

Giang Trung Sơn/VOV1

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu