Chút xuân nơi vùng biên

Chia sẻ
(VOV5) Với truyền thống “lá lành đùm lá rách”, “thương người như thể thương thân”, dịp cận tết Nhâm Thìn 2012, Đoàn cơ sở Hệ phát thanh đối ngoại, phối hợp với Đoàn thanh niên Ban thư ký biên tập và thính giả, Đài Tiếng nói Việt Nam tổ chức chuyến đi tặng quà cho các đồng bào nghèo, học sinh nghèo ở xã Tung Qua Lìn, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu. Nơi mấy năm về trước xảy ra vụ lở đất, 200 hộ dân ở khu vực có nguy cơ sụt lở cao được di dời, tái định cư lên địa điểm mới, cách nơi ở cũ hơn một cây số.

(VOV5) Với truyền thống “lá lành đùm lá rách”, “thương người như thể thương thân”, dịp cận tết Nhâm Thìn 2012, Đoàn cơ sở Hệ phát thanh đối ngoại, phối hợp với Đoàn thanh niên Ban thư ký biên tập và thính giả, Đài Tiếng nói Việt Nam tổ chức chuyến đi tặng quà cho các đồng bào nghèo, học sinh nghèo ở xã Tung Qua Lìn, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu. Nơi mấy năm về trước xảy ra vụ lở đất, 200 hộ dân ở khu vực có nguy cơ sụt lở cao được di dời, tái định cư lên địa điểm mới, cách nơi ở cũ hơn một  cây số.

Một ngày trước khi đoàn phóng viên khởi hành đến xã Tung Qua Lìn, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu. Khác với nhiệt độ ngoài trời ở khu vực Hà Nội là 7oC, không khí tại Hệ phát thanh đối ngoại (VOV5) vẫn ấm cúng thậm chí còn “nóng” và náo nhiệt. Các đoàn viên, thanh niên đang khẩn trương đóng gói quần áo rét, chuẩn bị thực phẩm phục vụ Tết tặng đồng bào nghèo xã Tung Qua Lìn. Cái cảm giác chộn rộn, nao nức của những người trẻ chưa một lần đặt chân tới xã vùng cao, biên giới đặc biệt khó khăn của Lai Châu làm chúng tôi thêm quyết tâm, xốc lại ba lô mặc cho những lời nói đầy ái ngại: “thời tiết này đi Tung Qua Lìn có mà….!”.

Sớm ấy, chưa đến 4h, chuông điện thoại reo vang tin nhắn của Phó bí thư Đoàn cơ sở VOV5: “Các bạn ơi, dậy thôi, đến giờ đến với bà con dân tộc vùng cao rồi” làm chúng tôi vùng khỏi chăn ấm, nệm êm, mặc thêm quần áo ấm to sù sụ, đi tới địa điểm tập kết 45 Bà Triệu, Hà Nội, để khởi hành về miền Tây Bắc lạnh giá. Không chỉ có đoàn viên của Hệ phát thanh đối ngoại, Ban thư ký biên tập và thính giả mà còn có các đồng nghiệp từ Hệ thời sự chính trị tổng hợp; Trung tâm tin; Hệ văn hóa, đời sống, khoa giáo; Báo Tiếng nói Việt Nam góp mặt. Sau khi lên xe, ổn định chỗ ngồi, trưởng đoàn điểm danh quân số xong và chợt ồ lên thích thú: “vẫn đủ con số 30 như trong danh sách dự kiến được lập từ chục hôm trước”. Liệu đó có phải là lửa nhiệt tình của tuổi trẻ hay tình yêu thương dành cho bà con dân tộc nơi biên giới xa xôi, hay là điều gì khác nữa, tôi không rõ, nhưng chắc chắc một điều rằng, chúng tôi, thế hệ trẻ của Đài TNVN sẵn sàng dấn thân, sẵn sàng đem sức trẻ của mình để phục vụ, để cống hiến.

15 tiếng trên ô tô, vượt qua đoạn đường ngoằn ngoèo hơn 500 cây số phần nhiều là đèo dốc, quanh co, hiểm trở, mịt mùng sương mờ, khi đồng hồ điểm 8h tối cũng là lúc đoàn dừng chân ở xã Tung Qua Lìn.

 Chút xuân nơi vùng biên - ảnh 1
 Đường đến xã Tung Qua Lìn

Các cán bộ, chiến sĩ đồn biên phòng Dào San đón đoàn phóng viên nhà đài bằng nụ cười niềm nở, xua tan cái giá buốt của miền núi dịp Tết nguyên đán. Buổi giao lưu  văn nghệ cây nhà lá vườn diễn ra ngay sau đó trong không khí ấm cúng và đầy tình cảm. Những câu hát trao đi, gửi lại, quấn quýt từ thủ đô Hà Nội tới núi ngàn biên giới xa xôi. Ở ngoài kia, gió vẫn ào ạt thổi.

7h sáng hôm sau, ngoài trời vẫn tối. Đoàn chúng tôi rục rịch kiểm tra lại hành trang - là những món quà chuyển tải tình cảm của đoàn viên, thanh niên Đài TNVN đến bà con miền biên giới. Mất 5 cây số đi từ đồn biên phòng Dào San tới UBND xã Tung Qua Lìn. Đây là địa điểm mới tái lập chừng 2 năm nay.


Càng gần tới nơi, đường càng dốc và gấp khúc, với độ cao trung bình khoảng 1.600m so với mực nước biển, không kém gì một vài cung đường đèo trên quốc lộ 32 đoạn qua địa phận tỉnh Yên Bái. Xe 24 chỗ chào thua, cả đoàn đổ bộ xuống, leo dốc.

Tới nơi, chúng tôi nhanh chóng xếp đồ xuống sân trường tiểu học Tung Qua Lìn, chỉ cách UBND xã một bức tường. Thùng này là mì chính, thùng này là đường, là kẹo, là bánh, là mì tôm. Nhiều đồ dùng thực phẩm quá, biết làm sao xếp cho thật nhanh lại tránh để sót? Ở bên kia, các bà, các chị người dân tộc Mông, Lô Lô và các em nhỏ đang thập thò, ngóng đợi.


Trong đoàn, có một người đưa ra ý kiến: làm băng chuyền. 75 túi quà nhanh chóng được xếp đặt. Tiếng gọi nhau í ới: “bánh chưng đâu”, “dầu ăn đâu”… ồn ĩ. Tôi phụ trách kiểm kê cuối cùng, soát lại lần cuối, những mong tất cả đến tay bà con đều đủ đầy.

 Chút xuân nơi vùng biên - ảnh 2
 Các túi quà đã hoàn thiện được chuyển đến vị trí riêng

Trời vùng cao cuối năm khi thì mù sương, lúc lại tràn nắng nhẹ. Giữa khoảnh sân rộng của UBND xã Tung Qua Lìn, những học sinh được nhận học bổng xếp thành hàng dọc. Chính giữa hai hàng nhỏ nhất là khối mầm non, đa phần là các bé gái mặc váy thổ cẩm, chân không đi tất, đỏ quạch vì lạnh. Cạnh hai bên là các anh chị lớn hơn cấp tiểu học và trung học cơ sở được nhận ra bằng màu áo đồng phục sọc xanh trắng.

 Chút xuân nơi vùng biên - ảnh 3
 Các học sinh xếp hàng nhận học bổng từ Đài TNVN

Bé trai Lùng A Tung, sinh năm 2006, chỉ mặc có chiếc áo phông cổ tròn màu xanh nhờ nhờ bên trong và bên ngoài là chiếc áo khoác mỏng hỏng khóa đã cáu bẩn, là một trong 62 học sinh nghèo được nhận học bổng của Đài TNVN.

 Chút xuân nơi vùng biên - ảnh 4
 Lùng A Tung (bên trái)

Tôi để ý đến Lùng A Tung không phải ở dáng vẻ bề ngoài là bộ quần áo đơn sơ và nhàu nhĩ cùng với mũi dãi thò lò chảy trên mặt mà là ở đôi mắt sáng lấp lánh, hiếm gặp ở trẻ vùng cao. Khi được hỏi, em mạnh dạn nói ngay bằng tiếng Kinh với giọng ngọng nghịu ở tuổi lên 5, lên 6: “Con lên đây muốn nhận được phần thưởng. Ở lớp, con học tốt. Con học toán, học hát, đọc thơ. Con thích đi học vì muốn biết chữ, muốn lên lớp 1, lớp 2, để học cho giỏi, giúp đỡ bố mẹ”.

Cô giáo lớp Tung kể em thông minh và nhanh nhẹn nhất lớp, thích học lắm. Riêng gia cảnh thì nghèo. Nhà có sáu anh chị em, ruộng lúa của nhà Tung phải đi bộ mất cả ngày đường mới tới. Đây không phải trường hợp cá biệt ở xã Tung Qua Lìn. Rời xa nơi ở cũ tránh sạt lở để lên đây định cư, đường lên ruộng nương của bà con dân tộc lại càng trở nên xa ngái. Rải rác một số hộ có điện, còn đâu đều chìm trong bóng tối. Cộng thêm đường nước chưa vươn tới. Muốn có nước, lại phải gùi từ bản cũ về. Khó khăn vẫn ngập đầy trước mắt.

Biết có đoàn của Đài TNVN lên tặng quà Tết cho các hộ dân nghèo, bà con dân bản mừng lắm. Từng tốp bà con dân tộc đứng lố nhố dọc bên phải khuôn viên của Ủy ban xã từ sáng sớm. Giàng A Tí, 21 tuổi, ở trong diện 75 hộ nghèo lên nhận quà Tết, mừng ra mặt:Em rất vui khi nhận được quà của Đài TNVN cho gia đình ăn Tết. Gồm có kẹo, bánh chưng, dầu ăn, đường, mì chính… Những món quà này giúp gia đình chúng em ăn tết đầy đủ hơn. Cảm ơn nhà nước, Đài TNVN đã quan tâm đến chúng em”.

Chiếc gùi của người dân tộc có thể cho vừa cả con lợn con mà vẫn không đựng hết quà dưới xuôi mang tặng. Thùng mỳ tôm đành xếp nằm ngang bên trên.

 Chút xuân nơi vùng biên - ảnh 5
 Bà Giàng Thị Dở cảm động về những món quà Tết của VOV5

Bà Giàng Thị Dở, 70 tuổi, dân tộc Lô Lô, ở bản Căng Ký, hai năm trước bị gẫy tay, không lao động được, phải nhờ anh thanh niên địu con say ngủ bên cạnh nhấc hộ gùi khoác lên lưng, cười  hể hả, khoe răng bịt vàng chóe:Hôm nay được Đảng, Nhà nước quan tâm, đài phát thanh TNVN quan tâm tặng quà cho bà con nhân dân, bà rất phấn khởi. Những quà Tết này dùng để ăn tết. Rất vui”. Đặc biệt có những người như anh Giàng A Lử ở bản Căng Há, không trong danh sách nhận quà vẫn vượt đèo dốc đến, vì một lẽ giản dị:Nghe thấy lên đây có quà cho bà con, thì mình vui, thấy mừng nên mình xem quà như thế nào. Không được quà nhưng cũng lên đây để xem. Có những quà cho bà con rất đặc biệt. Có quà, mình thấy tấm lòng của người dân cũng vui vẻ nhiều hơn”.

Đến với con người và mảnh đất vùng biên heo hắt, nghèo và khó đúng nghĩa, chúng tôi không khỏi chạnh lòng. Chuyến xe chòng chành quay trở lại phố thị, để lại sau lưng sương mờ giăng mắc, để lại những bông dã quỳ nở muộn, những ánh mắt bịn rịn, lấp lánh niềm vui của dân bản, cán bộ biên phòng và các em nhỏ vùng sơn cước. Tôi ngoái đầu nhìn lại, chợt thấy cay xè nơi sống mũi, có khóc đâu mà mắt cứ nhòe nhoẹt nước, quang cảnh núi rừng qua khung cửa kính lấp loáng, lấp loáng./.

Nhấn vào đây để nghe âm thanh bài viết:


Lan Phương

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu