(VOV5) - Tháng 8 này, Tổ chức Trẻ em Vì hòa bình thế giới (Children of Peace International – COPI) lại tiến hành chương trình khám chữa bệnh miễn phí ở cả ba miền của đất nước Việt Nam. Người sáng lập nên COPI – bà Bình Rybacki, Việt kiều ở Mỹ mong muốn thông qua hoạt động này sẽ chia sẻ những kiến thức chăm sóc sức khỏe cơ bản cho người dân ở các địa phương, đặc biệt là trẻ em. Bên cạnh đó, những thông tin thu thập được trong hành trình thực tế sẽ là cơ sở để COPI xây dựng nên những dự án hỗ trợ tiếp theo tại Việt Nam. Đây cũng là nội dung trả lời phỏng vấn của bà Bình Rybacki với Phóng viên Đài TNVN.
|
Bà Bình Rybacki và các thành viên COPI trong chương trình gây quỹ tại Mỹ |
Nghe âm thanh phỏng vấn tại đây:
PV: Thưa bà, được biết năm nay là năm thứ 19 tổ chức Trẻ em vì hòa bình thế giới – COPI tổ chức hành trình chữa bệnh miễn phí tại Việt Nam. Bà có thể cho biết hành trình năm nay có điểm gì mới?
Bà Bình Rybacki: Năm nay chúng tôi đến những điểm mà chúng tôi chưa từng đến trước đây, ví dụ như ở Nam Định. Đi đến những điểm này cũng có nhiều điều khó khăn vì lạ nước lạ cái, lại vào những vùng sâu vùng xa nhưng lauij rất vui vì đó đúng là những người cần sự giúp đỡ của mình. Thêm một điều mới nữa là các em ở cô nhi viện mà chúng tôi đã nuôi dạy lâu nay, đến giờ các em đã trưởng thành. Cháu bé nhất là 16, lớn nhất là hai mấy tuổi rồi, nên các cháu đi theo đoàn khám bệnh. Mình dạy, và đến giờ các cháu thực tập. Chúng tôi luôn mong muốn các cháu làm theo những điều đã được dạy, và biết đâu chừng vài năm nữa, COPI sẽ chỉ hoàn toàn là người Việt chứ không có người Mỹ nữa.
PV: Thường thì COPI trở lại cùng một địa điểm trong vài năm. Cùng với những điểm mới của năm nay như bà vừa chia sẻ, thì COPI chắc hẳn vẫn đến những địa điểm mà đoàn đã từng đến khám bệnh trước đó, và bà thấy kết quả được thể hiện như thế nào?
Bà Bình Rybacki: Chúng tôi nhận thấy sự khác biệt rõ ràng. Ví dụ như ở miền Tây, huyện Vũng Liêm là huyễn a nhất của tỉnh Vĩnh Long. Năm đầu tiên chúng tôi đến thì có tới 96% trẻ em mắc bệnh về răng, nhưng đến năm thứ 2 thì tỷ lệ giảm xuống còn 70%, và đến năm nay là năm thứ 4 rồi thì tỷ lệ đó chỉ còn khoảng 50-60%. Như vậy là mỗi lần về lại thấy khá hơn, và chúng tôi đều có báo cáo lên sở y tế của địa phương.
PV: Cùng với việc khám chữa răng cho các cháu thì mục tiêu của COPI khi triển khai các đoàn khám bệnh miễn phí ở các vùng sâu vùng xa của Việt Nam là gì thưa bà?
Bà Bình Rybacki: Thường thường việc khám chữa bệnh miễn phí chỉ là bước đầu. Mỗi nơi đều có những khó khăn riêng, và khi đến khám chữa bệnh tại đó thì chúng tôi hỏi chuyện và nghe trực tiếp về tình hình tại địa phương, từ đó chúng tôi có được thông tin là ở địa phương này họ cần cái gì, ví dụ như có nơi cần xây trường mới, có nơi cần học bổng… Chúng tôi sẽ dựa trên những thông tin đó để có sự hỗ trợ cụ thể.
PV: Bà có thể cho biết về những dự án đang triển khai cũng như một số định hướng tiếp theo của COPI tại Việt Nam?
Bà Bình Rybacki: Hiện nay chúng tôi vẫn tập trung vào việc hỗ trợ nuôi dạy các cháu cô nhi, nhưng rồi cũng đến lúc Việt Nam sẽ không còn các cháu cô nhi nữa. Cho nên chúng tôi cố gắng chuyển hướng của COPI về y tế và giáo dục. Ở đâu cũng vậy, nếu các em có đủ kiến thức để tự đi làm được thì những khó khăn sẽ không còn nữa hoặc ít đi. Chúng tôi khuyến khích bằng cách cho học bổng. COI mong muốn trao học bổng cho các cháu ham học. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng lắng nghe tâm sự của các phụ huynh để hiểu rõ hoàn cảnh của gia đình để tìm cách giúp không chỉ riêng đứa trẻ mà hỗ trợ cả môi trường sống của các em.
PV: Để thực hiện các dự án cụ thể tại Việt Nam như thế, chắc hẳn COPI cần sự hỗ trợ của rất nhiều người?
Bà Bình Rybacki: Chúng tôi đi gây quỹ, đó là bổn phận của từng người trong Hội đồng quản trị. Có thể họ gây quỹ để hỗ trợ 1 tỉnh nào đó, hoặc 1 dự án cụ thể nào đó. Còn COPI chỉ gây quỹ 3 lần trong năm, hai lần ở Singapore và 1 lần ở Mỹ. Bên cạnh đó cũng có nhiều nhóm tài trợ cho COPI. Ví dụ như ở Thành phố tôi sống bên Mỹ, có 1 nhóm thợ làm vườn, họ bỏ ra 1 ngày bán cây để lấy tiền ủng hộ COPI; hay như 1 nhóm các chị Việt kiều làm nail, các chị cũng dành rr 60% số tiền kiếm được trong 1 tuần để góp cho COPI. Chúng tôi làm việc trong Hội thì không ai lĩnh lương. Mà cái điều hay nữa là ngay cả các em sinh viên ở Việt Nam, ví dụ như 1 nhóm các em đã từng nhận học bổng của COPI 5-7 năm nay rồi, nay đã trở thành sinhv iên Đại học, các em rủ nhau bán nước chanh vào mùa hè, rồi ươm cây để bán vào dịp tết. Số tiền thu được các em khoe là đã mua đồ dùng học tập tặng cho 50 em học sinh. Đó là phần thưởng cao quý nhất với tôi. Nếu cứ tiếp tục truyền đi những việc làm như thế, tôi hy vọng sẽ tới ngày mình không cần phải xóa đói giảm nghèo nữa.
- Xin cảm ơn bà.
Một số hình ảnh hoạt động của COPI mùa hè 2016 tại Việt Nam:
|
Các thành viên trong đoàn khám bệnh của COPI tại Phú Thọ |
|
Bà Bình Rybacki (áo xanh) cùng các thành viên dọn dẹp Hội trường để làm nơi khám bệnh |
|
Các bác sỹ đến từ Mỹ và Việt Nam |
|
Bắt đầu ngày khám bệnh đầu tiên tại Việt Trì, Phú Thọ |
|
Khám răng |
|
Ân cần thăm hỏi |
|
Hướng dẫn cách làm vệ sinh cá nhân |
|
Ngày khám bệnh tại Nam Định |
|
Rửa tay - dễ mà không đơn giản |
|
Khám tổng quát |
|
Có đến hơn 90% người đến khám đều gặp vấn đề về răng |
|
COPI luôn chuẩn bị đủ lượng thuốc cần thiết để phát cho người bệnh |
|
Ngày khám bệnh tại Tam Kỳ |
|
Hướng dẫn vệ sinh răng miệng là việc làm cần thiết |
|
Đoàn cũng đã đến Vĩnh Long |
|
Và được nhận những nụ cười rạng rỡ |