Trì Cảnh - cơ sở sản xuất hàng thủ công độc đáo bằng tre ở xã Hàm Giang, tỉnh Trà Vinh

Ngọc Anh
Chia sẻ
(VOV5) - Trì Cảnh là cơ sở chuyên sản xuất các sản phẩm từ cây tre, cây tầm vông do anh Trì Cảnh, người dân tộc Khmer thành lập năm 2001 ở ấp Trà Tro B, xã Hàm Giang, huyện Trà Cú, tỉnh Trà Vinh.
Nghe âm thanh bài viết tại đây:
Đây là mô hình sản xuất kinh doanh tiêu biểu, có những sản phẩm độc đáo ở làng nghề tiểu thủ công nghiệp xã Hàm Giang.

Tre là loài cây quen thuộc với người dân Việt Nam, gắn liền với làng quê Việt Nam. Sản phẩm từ tre có độ bền cao hơn so với sản phẩm gỗ thông thường, giá thành lại rẻ hơn gỗ. Trong họ nhà tre thì cây tầm vông có sự pha trộn giữa tre và trúc. Cây tre và cây tầm vông đều dễ trồng và thường được sử dụng làm các vật dụng gia đình. Xã Hàm Giang trồng rất nhiều tre, nên nguyên liệu dồi dào cung ứng đủ cho các hộ làm nghề.

Trì Cảnh - cơ sở sản xuất hàng thủ công độc đáo bằng tre ở xã Hàm Giang, tỉnh Trà Vinh - ảnh 1Cơ sở sản xuất Trì Cảnh. Ảnh: Ngọc Anh/ VOV5

Cũng như các hộ làm nghề khác ở xã Hàm Giang, lúc mới làm nghề, cơ sở sản xuất Trì Cảnh đóng các đồ vật dụng gia đình, như: tủ, bàn, ghế, salon, kẹ đựng sách… kiểu dáng đơn giản, nguyên liệu từ thân tre. Sản phẩm của cơ sở Trì Cảnh tiêu thụ chưa được nhiều, chủ yếu bán tại địa phương.

Sau thời gian dày công tìm hiểu thị trường, lắng nghe tư vấn khi dự các hội thảo và tham gia các hội chợ để trưng bày quảng bá sản phẩm, anh Trì Cảnh cùng các thợ của mình đã thực hiện thành công bộ sản phẩm salon cao cấp từ gốc tre. Ý tưởng nhạy bén, sáng tạo này chính là bước ngoặt để cơ sở Trì Cảnh phát triển. Bộ salon từ gốc tre rất chắc chắn, bóng, đẹp, kiểu dáng độc đáo nên sản phẩm bán rất chạy.

Trì Cảnh - cơ sở sản xuất hàng thủ công độc đáo bằng tre ở xã Hàm Giang, tỉnh Trà Vinh - ảnh 2Anh Trì Cảnh, chủ cơ sở sản xuất Trì Cảnh. Ảnh: Ngọc Anh/ VOV5

Anh Trì Cảnh, chủ cơ sở sản xuất Trì Cảnh, cho biết: "Sản phẩm salon đạt tiêu chuẩn OCOP 4 sao (OCOP là chương trình quốc gia mỗi xã một sản phẩm). Trước đây gia đình có nghề truyền thống, cha truyền con nối. Hiện tại Trì Cảnh làm theo đơn đặt hàng. Sản xuất hàng bán trong và ngoài nước. Làng nghề có một số hộ làm gia công cho cơ sở Trì Cảnh. Doanh thu chúng tôi khoảng 800 triệu đồng/tháng. Cơ sở Trì Cảnh được Ủy ban nhân dân xã Hàm Giang hỗ trợ vay vốn trả góp đầu tư máy móc thiết bị, Trung tâm khuyến công và xúc tiến thương mại (Sở Công thương tỉnh Trà Vinh) hỗ trợ đào tạo nghề, hỗ trợ tham gia triển lãm và tìm đầu ra cho các sản phẩm thủ công mỹ nghệ. Mặt hàng sản xuất thường là bàn ghế bằng tre, xe đạp xe. Chúng tôi thiết kế cho các khu du lịch, homestay… và một số dự án lớn ở huyện đảo Phú Quốc, Thành phố Hồ Chí Minh, thành phố Phan Thiết."

Trì Cảnh - cơ sở sản xuất hàng thủ công độc đáo bằng tre ở xã Hàm Giang, tỉnh Trà Vinh - ảnh 3

Chủ cơ sở sản xuất Trì Cảnh cùng các thợ luôn tìm tòi, sáng kiến, cải tiến sản phẩm, làm đa dạng, phong phú mẫu mã, chủng loại sản phẩm sản xuất từ tre. Hiện Trì Cảnh có hơn 20 mẫu mã, chủng loại sản phẩm được sản xuất từ tre, trong đó, nhiều sản phẩm cao cấp phục vụ cho nhu cầu của các hộ gia đình, khu du lịch sinh thái, khu resort, nhà hàng, quán cafe…

Cơ sở sản xuất Trì Cảnh đã xuất khẩu sản phẩm ra thị trường nhiều nước, đặc biệt, bộ salon tre Trì Cảnh đã tạo được uy tín, thương hiệu cho làng nghề. Bộ salon tre - sản phẩm OCOP 4 sao của cơ sở Trì Cảnh đang được tiêu thụ mạnh ở các tỉnh: Lâm Đồng, Bình Thuận, Bà Rịa - Vũng Tàu, Thành phố Hồ Chí Minh, huyện đảo Phú Quốc… Trước khi được chứng nhận đạt OCOP 4 sao, bộ salon tre của Trì Cảnh đã giành giải Nhất tỉnh Trà Vinh về sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, đoạt giải Ba khu vực đồng bằng sông Cửu Long.

Ngoài salon tre, chiếc xe đạp làm từ tre của Trì Cảnh sản xuất cũng được thị trường ưa chuộng, đặc biệt là khách du lịch và đã được xuất khẩu. Xe đạp tre Trì Cảnh có 30% các bộ phận của xe đạp (bánh xe, dây xích, lốp…) làm bằng các loại vật liệu khác nhau còn 70% bộ phận còn lại là làm từ tre: khung sườn, ghi đông…

Nhờ việc sản xuất kinh doanh ngày càng phát triển, cơ sở Trì Cảnh đã tạo được nhiều việc làm cho lao động địa phương. Hiện Trì Cảnh có 42 lao động, thu nhập mỗi lao động từ 6 đến 9 triệu đồng/tháng. Anh Châu Quốc Văn, thợ chính, một trong những người lao động ở cơ sở Trì Cảnh, cho biết: "Tôi làm ở đây được hơn 10 năm. Hiện có 3 thợ chính. Thợ chính thu nhập 9 triệu đồng/tháng. Công việc hàng ngày là khoan, cho thợ lắp ghế, đục. Mỗi người một công đoạn, ai chà rửa thì làm ai khoan thì khoan, ai lắp thì lắp. Hàng sản xuất đủ thứ: ghế đay, salon gốc tre… tùy theo khách hàng đặt."

Tiên phong ở địa phương về việc thay đổi mẫu mã sản phẩm, cơ sở sản xuất Trì Cảnh đang mở rộng kinh doanh, nhận thiết kế, trang trí cho các quán ăn, nhà hàng, quán cafe từ nhiều tỉnh, thành phố ở phía Nam. Sản phẩm của cơ sở sản xuất này đã chinh phục khách hàng trong và ngoài nước; đồng thời góp phần bảo tồn, phát huy làng nghề tiểu thủ công nghiệp xã Hàm Giang.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu