Tổ hợp tác trồng rau an toàn ấp Phố, xã An Quảng Hữu, tỉnh Trà Vinh

Ngọc Anh
Chia sẻ
(VOV5) - Mô hình sản xuất của Tổ hợp tác trồng rau an toàn ấp Phố đã giúp xã An Quảng Hữu giảm tỷ lệ hộ nghèo 5,7% mỗi năm.

Nghe âm thanh bài viết tại đây:

Tổ hợp tác trồng rau an toàn ấp Phố, xã An Quảng Hữu, huyện Trà Cú, tỉnh Trà Vinh do Hội liên hiệp phụ nữ xã An Quảng Hữu thành lập năm 2012. Đây là một trong những mô hình sản xuất nông nghiệp tiêu biểu ở xã An Quảng Hữu.

Được Chi cục vệ sinh an toàn thực phẩm tỉnh Trà Vinh công nhận là tổ trồng rau sạch cuối năm 2013, từ đó sản phẩm của Tổ hợp tác có thương hiệu và được tiêu thụ nhiều ở địa phương. Ngoài các loại rau đã trồng thường xuyên trước đây như: cải ngọt, cải xanh, xà lách, mồng tơi, hành… các thành viên trong tổ hợp tác trồng rau an toàn ấp Phố còn trồng một số loại rau “độc”, “lạ” có giá trị cao, như: rau xà lách xoăn, cải thảo, xà lách tím...  Mỗi thành viên của Tổ hợp tác trồng rau an toàn ấp Phố có thể thu hoạch từ 6 đế 10 vụ rau mỗi năm nhờ sản xuất theo hướng hữu cơ.

Tổ hợp tác trồng rau an toàn ấp Phố, xã An Quảng Hữu, tỉnh Trà Vinh - ảnh 1Bà Quách Thị Út đang chăm sóc vườn rau

Chị Lê Thanh Trà, Chủ tịch Hội liên hiệp phụ nữ xã An Quảng Hữu, cho biết: "Tổ hợp tác trồng rau an toàn ấp Phố hiện tại có 32 thành viên liên kết với nhau. Diện tích trồng rau 6 ha, chuyên trồng các loại rau cải, mồng tơi, xà lách, rau thơm… Trước đây, chị em cũng trồng rau nhưng manh mún, riêng lẻ, tự trồng, không liên kết với nhau. Qua liên kết giúp chị em phụ nữ có thể giảm chi phí sản xuất, tiết kiệm công lao động, tiết kiệm sức lao động, giá cả bình ổn hơn, được giá. Khi tham gia mô hình, mọi người được vay vốn ưu đãi của ngân hàng chính sách xã hội, được hội liên hiệp phụ nữ xã hỗ trợ vốn. Trong thời gian thực hiện mô hình này đã giúp được cho 24 chị em vươn lên thoát nghèo."

Đầu năm 2017, Trung ương Hội Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam chọn Tổ hợp tác trồng rau an toàn ấp Phố triển khai Đề tài khoa học “Dự án thử nghiệm mở rộng mô hình hỗ trợ sinh kế cho phụ nữ dân tộc thiểu số tỉnh Trà Vinh thích ứng với biến đổi khí hậu”. Các thành viên tổ hợp tác được hỗ trợ về giống, phân bón, kỹ thuật trồng mới thích ứng với biến đổi khí hậu trên diện tích ban đầu là 5.000m2. Hiện tại, kỹ thuật trồng rau an toàn sử dụng phân bón vi sinh đã được các thành viên trong mô hình phổ biến không chỉ cho toàn tổ hợp tác mà còn lan rộng ra các hộ trong xã An Quảng Hữu.

Bà Quách Thị Út, Tổ trưởng Tổ hợp tác trồng rau an toàn ấp Phố, cho biết: "Được vào Tổ hợp tác trồng rau an toàn ấp Phố sẽ được tiếp cận khoa học kỹ thuật, hỗ trợ vốn. Từ ấp, đến xã, tỉnh rất quan tâm tới Tổ hợp tác trồng rau an toàn ấp Phố. Chị em ai cũng đồng tình làm để có hiệu quả kinh tế. Thu nhập trồng rau hiện nay là khoảng 6 triệu đồng/hộ/tháng. Trước đây tôi là hộ nghèo, vào Tổ hơp tác trồng rau an toàn ấp Phố bây giờ tôi đã sắm sửa được đồ đạc gia đình, cho con cái học hành đến nơi đến chốn."

Tổ hợp tác trồng rau an toàn ấp Phố, xã An Quảng Hữu, tỉnh Trà Vinh - ảnh 2Đại diện các cơ quan chức năng địa phương trao đổi về tình hình phát triển kinh tế-xã hội ở xã An Quảng Hữu. Ảnh: Ngọc Anh/ VOV5

Chính quyền địa phương luôn đồng hành, hỗ trợ các thành viên trong Tổ hợp tác trồng rau an toàn ấp Phố. Hội Liên hiệp phụ nữ xã An Quảng Hữu đẩy mạnh tuyên truyền, vận động bà con tham gia vào Tổ hợp tác trồng rau an toàn ấp Phố để giúp chị em vươn lên thoát nghèo. Xã An Quảng Hữu mời kỹ sư nông nghiệp ở tỉnh Trà Vinh xuống xã tập huấn cho bà con.

Ông Ngô Văn Dủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã An Quảng Hữu, cho biết: "Năm 2018 Sở nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Trà Vinh hỗ trợ Tổ hợp tác trồng rau an toàn ấp Phố. Tới thời điểm này, mô hình có được sự hỗ trợ, đầu tư khoa học kỹ thuật, hướng dẫn cho bà con, có đầu ra tiêu thụ. Hàng năm đề xuất Phòng nông nghiệp tỉnh tập huấn khoa học kỹ thuật để trồng màu. Các thành viên Tổ hợp tác trồng rau an toàn ấp Phố liên kết từng thành viên và liên kết với Ngân hàng chính sách xã hội để có nguồn vốn vay tái đầu tư mua lưới, giống… Bà Quách Thị Út là Tổ trưởng Tổ hợp tác trồng rau an toàn ấp Phố, làm nhiệm vụ bao tiêu sản phẩm. Trước đây Tổ hợp tác trồng rau an toàn ấp Phố có nhiều hộ nghèo thì hiện nay không thành viên nào còn là hộ nghèo nữa."

Tổ hợp tác trồng rau an toàn ấp Phố đang hoạt động rất hiệu quả. Mô hình sản xuất của Tổ hợp tác trồng rau an toàn ấp Phố đã giúp xã An Quảng Hữu giảm tỷ lệ hộ nghèo 5,7% mỗi năm. Huyện Trà Cú sẽ nhân rộng mô hình này nhằm thúc đẩy chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông thôn, cải thiện, nâng cao đời sống người dân.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu