Nằm ờ phía nam của thủ đô Hà Nội, làng Thụy Ứng (huyện Thường Tín) nổi tiếng với nghề làm lược sừng hơn 400 năm (từ giữa thế kỷ XVI). Nghề chế tác lược từ sừng trâu, sừng bò được nhiều thế hệ trong làng lưu truyền từ đời này sang đời khác. Mỗi lớp thợ đều kế thừa và sáng tạo khi làm nghề để sản phẩm của làng nghề vừa lưu giữ được nét truyền thống, vừa đáp ứng được nhu cầu thị trường.
Sản phẩm của làng nghề lược sừng Thụy Ứng. Ảnh: hanoimoi.vn |
Nghe âm thanh bài viết tại đây:
Để làm ra chiếc lược sừng nhỏ bé, người thợ làng Thụy Ứng phải trải qua 30 công đoạn, từ luộc, ép đến tạo thành khuôn, cắt răng, chải lát, đánh bóng... Công đoạn nào cũng đòi hỏi sự tỉ mỉ, kỳ công và chính xác.
Nguyên liệu để làm ra những chiếc lược chủ yếu là sừng và móng trâu bò được thu mua từ khu vực miền núi phía Bắc, thậm chí khi nguồn sừng trong nước không đủ phục vụ cho sản xuất, người làng Thụy Ứng phải nhập sừng nguyên liệu từ Lào, Thái Lan, Campuchia và các nước châu Phi. Lược làm từ sừng được đánh giá là giá trị hơn lược làm từ móng.
Nghề chế tác lược từ sừng trâu, sừng bò được nhiều thế hệ trong làng lưu truyền từ đời này sang đời khác. Ảnh: dangconsan.vn |
Tuy vậy sừng trâu ở mỗi nơi lại có một màu sắc khác nhau. Sừng trâu Việt Nam có màu đen. Sừng trâu Châu Phi có màu ngà. Những con trâu già, to khỏe sẽ cho chất lượng sừng tốt hơn vì sừng dày, bóng và có nhiều đường vân đẹp. Anh Nguyễn Thành Trung, người thợ làng nghề Thụy Ứng, cho biết: “Sừng trâu, bò để đạt tiêu chuẩn thì phải đủ độ dày và độ rộng. Nó sẽ tính theo chất lượng của nguyên liệu và nguồn cung cấp. Sừng trâu trắng bây giờ nguồn cung cấp khan hiếm nhất thì giá cao nhất và chất lượng cao nhất”.
Để làm lược, đầu tiên sừng sẽ được cưa bỏ hai đầu, chỉ lấy phần thân, có độ dày khoảng 4 - 5 ly. Sau đó, sừng tiếp tục được cắt dọc thành hai mảnh. Từ hai mảnh này, người thợ sẽ tiếp tục cắt ngang thành những khúc dài, ngắn tùy vào chủ ý của người thợ.
Quá trình cắt đòi hỏi lưỡi cưa cần phải nhỏ bản, mỏng và sắc. Đường cắt gọt phải tập trung để không làm sừng bị xước hay cắt lệch.
Trước khi chế tác, sừng thô cần phải được làm mềm. Trước đây, người Thủy Ứng làm mềm sừng bằng cách ủ tro. Nay, được thay thế bằng dầu sôi ở nhiệt độ cao. Với nhiệt độ trung bình 200 độ, sừng nguyên liệu sẽ cần từ 4 đến 5 phút để nở ra sau đó lập tức được tráng bằng nước lạnh. Anh Nguyễn Thành Trung, người thợ làng nghề Thụy Ứng, chia sẻ: “Dầu thì sôi ở nhiệt độ cao hơn nước. Nó đủ nhiệt độ để làm mềm sừng và trong dầu thì sừng sẽ không bị ảnh hưởng chất lượng”.
Sừng sau khi được làm mềm sẽ được cho vào máy ép thủy lực để cán thành những miếng phẳng và mỏng. Từ lúc làm mềm đến khi ép, tùy theo từng chiếc sừng non hay già mà điều chỉnh thời gian cho phù hợp. Nếu sừng trâu non làm chưa tới sẽ bị cong vênh trong khi sừng trâu già lại có thể vỡ vụn ngay sau khi ép.
Hình dáng lược sẽ được khắc họa bằng bút chì trên mặt sừng đã cắt phẳng. Theo kinh nghiệm của người Thụy Ứng, khi làm lược nếu làm thớ ngang thì lược sẽ dễ gãy Ngược lại nếu làm thớ dọc thì lược sẽ bền và đẹp.
Giá trị của mỗi sản phẩm làm từ sừng không đắt ở chất liệu sừng mà đắt ở công chế tác. Vì thế, lược sừng sau khi xẻ xong được ngâm vào chậu nước khoảng một tiếng đồng hồ, rồi bào nhẵn cả hai mặt. Có tất cả 6 loại giấy giáp khác nhau được dùng lần lượt để bào và chà lược. Ở lần bào đầu tiên người thợ phải tạo được một chiều dày hay còn gọi là sống lược, một chiều mỏng hơn hay còn gọi là bụng lược. Anh Nguyễn Văn Thái, người dân làng Thụy Ứng, cho biết: "Đầu tiên là vào dáng. Vào dáng là thành hình của lược. Còn nếu lồi, lõm thì kéo đều tay để cho nó phẳng, rồi cắt răng. Cắt răng xong, mình lại vào chà một lần nữa".
Tùy theo mỗi kiểu lược, người thợ sẽ dùng các loại cưa cắt răng khác nhau. Tạo răng lược là khâu đòi hỏi kỹ thuật cao nhất của người thợ. Trong một xưởng sản xuất, không phải ai cũng làm được kỹ thuật này.
Những răng đầu tiên tiên cưa nông, càng về giữa thì lưỡi cưa càng sâu về sống lược, sau đó lại nông dần. Khoảng cách giữa các răng không đều thì chiếc lược đó coi như bị hỏng, không thể sửa được.
Lược sau khi tạo răng sẽ trải qua 4 lần chà, trong đó có hai lần chà khô và hai lần chà nước. Dù khô hay ướt thì đều phải chà bằng tay, bởi khâu này sẽ tạo độ phẳng, độ bóng. Anh Nguyễn Thành Trung, người thợ làng nghề Thụy Ứng, cho biết: “Lược phải đạt độ bóng và không có vết. Trên chiếc sừng vốn có nhiều lỗ, vết nhỏ. Hàng đạt chất lượng cao là không còn vết đấy. Màu có giá trị cao nhất là màu trắng trong, hơi ngả vàng”.
Nếu trước đây những sản phẩm từ sừng của Thụy Ứng chỉ dừng lại ở mặt hàng lược chải đầu với hình thức đơn giản thì nay đã xuất hiện nhiều mẫu lược chạm trổ hoa văn cầu kỳ. Lược sừng Thụy Ứng cũng đã có mặt tại Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc, những đất nước vốn có nổi danh về hàng kỹ nghệ. Điều đó cho thấy người thợ làng Thụy Ứng không chỉ kế thừa kỹ thuật của cha ông mà còn không ngừng sáng tạo để các sản phẩm của làng nghề luôn hiện diện trong đời sống hiện tại.