Nông dân Đồng Tháp đưa sản phẩm nông sản xuất ngoại

Thanh Tùng/VOV-ĐBSCL
Chia sẻ
(VOV5)- Việc các mặt hàng nông sản của tỉnh có mặt trên các kệ hàng của nhiều siêu thị nước ngoài là động lực lớn để người dân Đồng Tháp gắn bó với nhà vườn và xây dựng thương hiệu.
(VOV5)- Đồng Tháp hiện nay có 2 loại trái cây ngon là xoài ở huyện Cao Lãnh và nhãn ở huyện Châu Thành xuất khẩu sang thị trường Mỹ, Nhật, Hàn Quốc, Trung Quốc, New Zealand. Xoài được xuất khẩu ra nước ngoài là xoài cát Hòa Lộc, xoài cát Chu còn nhãn xuất khẩu là loại nhãn Idor. Việc các mặt hàng nông sản của tỉnh có mặt trên các kệ hàng của nhiều siêu thị nước ngoài là động lực lớn để người dân Đồng Tháp gắn bó với nhà vườn và xây dựng thương hiệu.

Nghe âm thanh bài viết tại đây:

Ông Hồ Văn Sơn, nông dân chuyên trồng nhãn ở xã An Nhơn, huyện Châu Thành, nơi được mệnh danh là “vương quốc” nhãn, cho biết  vài năm về trước, việc đưa sản phẩm nông sản của Việt Nam xuất khẩu sang các thị trường nước ngoài còn gặp nhiều khó khăn. Nhưng đến thời điểm này nông sản của Đồng Tháp đã có thương hiệu và có mặt ở nhiều thị trường khó tính. Lô hàng 150 tấn nhãn Idor ở Châu Thành vừa được xuất khẩu sang thị trường Mỹ. Ông Hồ Văn Sơn cho biết để đảm bảo đủ tiêu chuẩn xuất khẩu, các nhà vườn phải thực hiện sản xuất theo đúng tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP. Cục Bảo vệ thực vật và Cơ quan Kiểm dịch động thực vật Mỹ đã chính thức cấp mã số vùng trồng đủ điều kiện xuất khẩu vào thị trường Mỹ cho 17 hộ trồng nhãn với khoảng 30 ha nhãn ở huyện Châu Thành. Sau bao năm lao đao tìm đầu ra cho trái cây, giờ đây cây nhãn đã mang về trái ngọt cho các nhà vườn ở Đồng Tháp. Ông Trương Văn Rồi, Giám đốc Hợp tác xã Nhãn Châu Thành, tỉnh Đồng Tháp, chia sẻ: “Ở đây mình cũng vận động bà con cố gắng thực hiện VietGap theo mô hình ở Mỹ, thời gian qua thì bà con làm vậy thì rất tốt”.


Nông dân Đồng Tháp đưa sản phẩm nông sản xuất ngoại - ảnh 1
Các sản phẩm nông sản có thế mạnh của Đồng Tháp, trong đó có xoài Cát Chu và nhãn

Đến nay, thông qua doanh nghiệp tại Thành phố Hồ Chí Minh, các thành viên Hợp tác xã nhãn Châu Thành đã cung cấp hơn 300 tấn sang thị trường Mỹ, trung bình mỗi tuần cung ứng 10 tấn nhãn cho doanh nghiệp xuất khẩu. Ông Phan Kim Sa, Phó Giám đốc Sở Công thương Đồng Tháp, đánh giá: “Một khi sản phẩm được thị trường Mỹ chấp nhận rồi thì nhãn chúng ta sẽ xuất sang được các thị trường khó tính khác”.

Ngoài trái nhãn huyện Châu Thành xuất ngoại, năm vừa qua cũng là năm thăng hoa của nhà vườn trồng xoài tại huyện Cao Lãnh và thành phố Cao Lãnh. Tại đây đã xây dựng thương hiệu, áp dụng quy trình sản xuất sạch, an toàn, liên kết sản xuất quanh năm cho trái xoài Cát Chu. Những nỗ lực này của chính quyền địa phương, ngành nông nghiệp và người nông dân địa phương đã đưa xoài Cát Chu Cao Lãnh bước sang nhiều thị trường khó tính. Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan. Ông Huỳnh Thanh Bá, Phó Giám đốc Hợp tác xã Xoài Mỹ Xương huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp cho biết: “Bà con nông dân mình cố gắng phấn đấu sau sản xuất được 70% trái xoài xuất khẩu, 30% thì bán nội địa thì khi đó bà con mình sẽ rất là ổn định. Từ đây, bà con có thể làm giàu trên chính trên vườn nhà của mình.”

Với 2 Hợp tác xã chuyên canh hàng trăm ha xoài, thương hiệu xoài Cát Chu Cao Lãnh sẽ còn vươn xa trong tương lai khi ngày càng có nhiều sự quan tâm, khảo sát thị trường và thiết lập mối quan hệ đối tác trong việc cung cấp mặt hàng này qua các nước lớn. Đây cũng là triển vọng lớn nhằm giải bài toán “trúng mùa mất giá” đối với bà con nông dân vốn không chỉ ở Đồng Tháp mà ở nhiều vùng trong cả nước. Ông Nguyễn Văn Chì, Giám đốc Hợp tác xã xoài Tân Thuận Tây, thành phố Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp, chia sẻ: “Rất mừng trong quá trình hội nhập thì có nhiều nước đến mua xoài của Việt Nam. Nhất là xoài chu Cao Lãnh. Đối với Hợp tác xã xoài Tân Thuận Tây thì phải vận động bà con tiếp tục theo mô hình này.”

Ngoài 2 loại trái cây đã xuất khẩu ra nước ngoài, tỉnh Đồng Tháp còn có 2 loại trái cây xuất khẩu khác là chanh và thanh long ruột đỏ. Tỉnh Đồng Tháp đang khuyến khích, tổ chức tốt cho bà con nông dân hướng đến nền nông nghiệp bền vững bằng việc sản xuất trái cây sạch, theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP để xuất khẩu. Bước đầu, người dân ở Đồng Tháp tìm ra đầu ra ổn định cho hai mặt hàng nông sản chủ lực, từ đó tạo động lực cho để nâng cao giá trị hàng hóa của mình.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu