Nỗ lực đổi mới sáng tạo trong chuỗi giá trị lúa gạo và xoài ở Kiên Giang

Trần Hiếu
Chia sẻ
(VOV5) - Dự án GIC có tổng vốn đầu tư 7 triệu Euro, do Chính phủ Cộng hòa Liên bang Đức tài trợ bằng nguồn vốn ODA không hoàn lại.

Trong nỗ lực cải tiến nông nghiệp tại khu vực ĐBSCL, dự án Trung tâm Đổi mới sáng tạo xanh trong nông nghiệp và thực phẩm Việt Nam (gọi tắt là GIC Việt Nam) được Bộ NN & PTNT phối hợp với Tổ chức Hợp tác Phát triển Đức (GIZ) thực hiện với sự tài trợ của Bộ Hợp tác Kinh tế và Phát triển Liên bang Đức. Là một trong 6 địa phương triển khai dự án trong giai đoạn 2020-2024, Kiên Giang  đang có nhiều nỗ lực đổi mới sáng tạo trong chuỗi giá trị lúa gạo và xoài. 

Nghe âm thanh bài viết tại đây:
 
Nỗ lực đổi mới sáng tạo trong chuỗi giá trị lúa gạo và xoài ở Kiên Giang - ảnh 1Mô hình sản xuất lúa tại ĐBSCL. Ảnh: VOV

Dự án GIC có tổng vốn đầu tư 7 triệu Euro, do Chính phủ Cộng hòa Liên bang Đức tài trợ bằng nguồn vốn ODA không hoàn lại. Dự án sẽ giúp cải tiến các hệ thống canh tác theo hướng bền vững, qua đó nâng cao hiệu quả quản lý và sử dụng nguồn tài nguyên thiên nhiên đồng thời tăng cường khả năng thích nghi và chống chịu trước các tác động của biến đổi khí hậu của hai chuỗi giá trị nông sản chủ lực ở ĐBSCL là lúa gạo và xoài.

Trong 5 năm triển khai, GIC Việt Nam hỗ trợ 20.000 nông hộ sản xuất nhỏ cải thiện được chất lượng sản phẩm của mình, nâng cao thu nhập từ 15-20%. 12.000 nông hộ sẽ được đào tạo và áp dụng các giải pháp giảm thiểu các tác động tiêu cực lên môi trường.

Thời gian qua, tỉnh Kiên Giang đã kêu gọi nhiều doanh nghiệp, tập đoàn, thông qua các tổ chức kinh tế tập thể đầu tư vào đổi mới sáng tạo trong chuỗi giá trị lúa gạo và xoài. Tuy nhiên, việc tổ chức thực hiện cánh đồng lớn gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm vẫn chưa được bền vững. Nguyên nhân một phần là do tập quán sản xuất của nông dân còn nhỏ lẻ, chưa tạo được vùng nguyên liệu lớn phục vụ cho liên kết. Mặt khác, thị trường đầu ra của sản phẩm giữa doanh nghiệp và nông dân chưa tìm được tiếng nói chung cũng như rủi ro do thiên tai, dịch bệnh,... Vì vậy, tỉnh Kiên Giang đón nhận dự án GIC rất tích cực. UBND tỉnh Kiên Giang cam kết bố trí kinh phí đối ứng khoảng 700.000 Euro (tương đương hơn 1,9 tỷ đồng) để tham gia thực hiện dự án “Các trung tâm đổi mới sáng tạo xanh trong nông nghiệp và thực phẩm – GIC” tại địa phương.

Nỗ lực đổi mới sáng tạo trong chuỗi giá trị lúa gạo và xoài ở Kiên Giang - ảnh 2Kiên Giang đang có nhiều nỗ lực đổi mới sáng tạo trong chuỗi giá trị lúa gạo và xoài. Ảnh minh họa: VOV

Ông Lê Quốc Anh, Phó chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang, cho biết: “Việc triển khai thực hiện của Dự án là hết sức có ý nghĩa và thiết thực trong việc cải tiến kỹ thuật canh tác đến tiếp cận thị trường. Các tỉnh tham gia dự án GIC rất kỳ vọng những biện pháp, giải pháp phát triển tổ chức nông dân để nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm, giúp cơ quan quản lý nhà nước các cấp trong quá trình chỉ đạo, xây dựng điều chỉnh chính sách thúc đẩy phát triển liên kết sản xuất tiêu thụ nông sản trong và ngoài nước nhằm góp phần phát triển nông thôn bền vững của vùng, trong đó có tỉnh Kiên Giang.”

Theo Phó giám đốc quốc gia Tổ chức GIZ Oemar Idoe, sản xuất nông nghiệp ở Kiên Giang nói riêng, ĐBSCL nói chung đang đối mặt với nhiều thách thức bởi tác động của biến đổi khí hậu vì vậy nếu không thay đổi mô hình sản xuất thì nông nghiệp sẽ gặp khó khăn hơn: “Dự án Trung tâm Đổi mới sáng tạo xanh trong nông nghiệp và thực phẩm Việt Nam GIC cùng các đối tác mong muốn được tiếp cận với các doanh nghiệp, các bên liên quan trọng lĩnh vực thực phẩm và nông nghiệp, và công chúng nói chung nhằm giới thiệu cách tiếp cận về đổi mới sáng tạo trong nông nghiệp, đồng thời xác định các cơ hội hợp tác cụ thể và trao đổi về các ưu tiên và mục tiêu cho tương lai. Trong những thời điểm đầy thách thức như hiện nay, đối thoại, phối hợp và hợp tác là cấp thiết, đặc biệt là khi sự thịnh vượng và an ninh lương thực đang gặp nhiều thách thức trên quy mô toàn cầu”

Để áp dụng thành công các đổi mới sáng tạo cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa tất cả các bên liên quan trong chuỗi giá trị. Cần có các giải pháp đổi mới, cạnh tranh, đồng thời xây dựng năng lực áp dụng các đổi mới này, sau đó thúc đẩy mở rộng các đổi mới sáng tạo thông qua các cơ chế dựa trên thị trường với sự hỗ trợ có tính hệ thống từ chính phủ.

Đổi mới sáng tạo trong nông nghiệp chính là đổi mới về quy trình sản xuất, về tổ chức sản xuất, về kết nối thị trường để nâng cao giá trị của sản phẩm, đặc biệt chú ý đến các hộ sản xuất. Những đối tượng chính của chuỗi giá trị sản phẩm này chính là hộ nông dân, hợp tác xã và doanh nghiệp.

Tỉnh Kiên Giang cũng như các tỉnh ĐBSCL tham gia dự án đang triển khai đổi mới sáng tạo nông nghiệp theo hướng đó, với mong muốn định hướng lại chuỗi giá trị hoàn chỉnh từ khâu giống, gieo sạ, chăm sóc đến khâu thu hoạch, sơ chế, chế biến ra thành phẩm ra đến thị trường. Cùng với sự hỗ trợ của Bộ Nông nghiệp và phát triển Nông thôn, các địa phương đang khẩn trương xác định vùng nguyên liệu để hoàn thiện quy trình liên kết sản phẩm, cải tiến các hệ thống canh tác theo hướng bền vững, tạo ra chuỗi giá trị nông sản chủ lực có giá trị cao.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu