Mô hình nông thôn mới ở Thanh Văn, Hà Nội - hiện thực khát vọng của dân

Tô Tuấn
Chia sẻ
(VOV5) - Thật hiếm ở nơi đâu mà khung cảnh làng quê đẹp như nơi phố thị với những dãy nhà cao tầng san sát, khu chợ họp đông vui, nhà văn hoá khang trang, những con đường bê tông rộng rãi từ xóm ngõ ra tận cánh đồng. Người dân, hầu như ai cũng hài lòng về cuộc sống, về sự quan tâm của các cấp chính quyền đối với người dân. Đó là minh chứng sinh động về thành quả xây dựng nông thôn mới ở xã Thanh Văn, huyện Thanh Oai, thành phố Hà Nội.
(VOV5) - Thật hiếm ở nơi đâu mà khung cảnh làng quê đẹp như nơi phố thị với những dãy nhà cao tầng san sát, khu chợ họp đông vui, nhà văn hoá khang trang, những con đường bê tông rộng rãi từ xóm ngõ ra tận cánh đồng. Người dân, hầu như ai cũng hài lòng về cuộc sống, về sự quan tâm của các cấp chính quyền đối với người dân. Đó là minh chứng sinh động về thành quả xây dựng nông thôn mới ở xã Thanh Văn, huyện Thanh Oai, thành phố Hà Nội.


Mô hình nông thôn mới ở Thanh Văn, Hà Nội - hiện thực khát vọng của dân - ảnh 1
Đường giao thông ở xã Thanh Văn



Nghe nội dung chi tiết tại đây:


Thanh Văn là xã thuần nông thuộc huyện Thanh Oai, cách trung tâm Hà Nội chừng 15 km về phía Nam. Là xã vùng chiêm trũng, độc canh cây lúa, nên trước đây đời sống người dân gặp nhiều khó khăn. Đầu những năm 90 của thế kỷ trước, ở Thanh Văn vẫn còn tới 85% hộ dân phải cứu trợ vào lúc giáp hạt. Ấy vậy mà chưa đầy 20 năm sau, bộ mặt nông thôn Thanh Văn đã hoàn toàn đổi khác. Toàn xã có hơn 6.500 nhân khẩu thì hầu như không còn hộ nghèo, nhiều gia đình làm ăn khấm khá, xây nhà cao tầng, con em được chu cấp ăn học đến nơi, đến chốn. Điều đáng nói là toàn bộ thành quả đó xuất phát từ chủ trương xây dựng nông thôn mới với phương châm: tự lực cánh sinh, dựa vào sức mình là chính, không trông chờ vào nguồn đầu tư của Nhà nước. Ông Quang Văn Thỉnh, Bí thư Đảng Uỷ xã Thanh Văn, nhớ lại: Ý tưởng xây dựng nông thôn mới ở Thanh Văn được xuất phát từ những năm 90, khi đời sống  người dân còn nghèo. Khi ấy tôi chỉ nghĩ thay đổi một chút từ nghèo trở nên khá hơn, đời sống tinh thần đỡ lên, thì đấy đã là nông thôn mới rồi. Thanh Văn lúc đó chưa nghĩ đến chỉ tiêu nào cả, chúng tôi chỉ nghĩ làm thế nào lo cho người dân có cái ăn, cái mặc và có nhà cửa tươm tất. Ấp ủ tư tưởng đó, Thanh Văn đã làm những công việc xây dựng nông thôn mới, mà những nơi khác chưa làm.

Năm 1991 xã Thanh Văn đã xây dựng quỹ xoá đói giảm nghèo với khoản vốn ban đầu chỉ gồm 20 tấn thóc và 20 triệu đồng. Khoản tiền đó nhằm hỗ trợ nông dân vay không lấy lãi, xã trực tiếp mua giống cây, con giống, hay mua gạch giúp dân làm nhà. Nguồn quỹ này dần được bổ sung đã giúp hàng trăm nông dân ở Thanh Văn thoát nghèo. Điều đặc biệt là xã đã sớm quy hoạch đất nông nghiệp, dồn điền đổi thửa nhằm mục đích sử dụng đất lâu dài, đi vào sản xuất lớn. Trong tổng số 650 ha đất nông nghiệp, Thanh Văn quy hoạch 6% đất để chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Diện tích đất này được chia đều giúp các hộ dân phát triển sản xuất, tăng thu nhập. Xã cũng rà soát quy hoạch, chuyển đổi gây quỹ đất, giúp dân có đất xây nhà cửa, làm đường giao thông tiện cho việc canh tác và  tiêu thụ sản phẩm. Ở xã Thanh Văn ngày nay, những ngôi nhà cao tầng trị giá vài tỷ đồng không phải là hiếm, người dân gọi đó là thành quả của “cuộc cách mạng đất”. Ông Nguyễn Chí Tuyến, Trưởng thôn Bạch Nao, xã Thanh Văn, cho biết: Toàn bộ nhà cửa ở thôn này phần lớn là do cuộc cách mạng đất đem lại, thậm chí nhà nghèo nhất xã, nếu không có cuộc cách mạng đất này thì cũng không bao giờ có thể  xây dựng ngôi nhà như hiện nay.


Mô hình nông thôn mới ở Thanh Văn, Hà Nội - hiện thực khát vọng của dân - ảnh 2

Cũng bằng những cách làm sáng tạo này, địa phương đã huy động gần 600 tỷ đồng để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn mà không nhờ tới sự trợ giúp bất cứ đồng nào từ ngân sách Nhà nước. Quá trình  xây dựng nông thôn mới ở Thanh Văn làm cho giá trị mỗi ha đất tăng lên. Cánh đồng Bồ Nâu của xã trở thành cánh đồng mẫu lớn, chuyên cấy lúa chất lượng cao với thương hiệu “gạo Bồ Nâu” có uy tín trên thị trường. Trong xây dựng nông thôn mới, chính quyền xã Thanh Văn chủ trương thực hiện quy chế Dân chủ cơ sở, công khai minh bạch. Xã chỉ đưa ra quy hoạch, giao chỉ tiêu, còn người dân tự bàn bạc, triển khai và giám sát việc thực hiện. Chủ trương này đã tạo ra sự đồng thuận, dân chủ và người dân tin tưởng vào sự điều hành của chính quyền xã. Ông Nguyễn Tam Thanh, người dân trong xã, bày tỏ: Dân nói chung đều ủng hộ cả, vì người ta trông thấy thực tế. Đi bất kể đâu trong khu vực này, không đâu thấy đường làng, ngõ xóm được khang trang như ở đây. Đó là thực tế mà ai cũng thấy, cũng thích.

Từ nguồn quỹ xoá đói giảm nghèo trước đây, người dân xã Thanh Văn đã tự nguyện đóng góp thành lập quỹ phúc lợi của xã với nguồn vốn hiện đã lên tới 46 tỷ đồng. Từ nguồn này, Thanh Văn là xã đầu tiên trong cả nước tổ chức cho nông dân được hưởng tiền hưu trí từ quỹ phúc lợi của xã. Thanh Văn được nhiều địa phương noi theo như mô hình phát huy tính tự lực, tự chủ trong xây dựng nông thôn mới theo một cách thức riêng phù hợp với điều kiện địa phương. Đó là xây dựng nông thôn mới bám sát thực tế, chính quyền gần dân, thể hiện khát vọng của người dân. Khát vọng của dân cũng chính là động lực để mô hình xây dựng nông thôn mới ở Thanh Văn thành công, người nông dân có đời sống vất chất tinh thần ngày càng đi lên và được đảm bảo an sinh xã hội./.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu