Làng nghề mộc Kim Bồng nằm ở hữu ngạn sông Thu Bồn, thuộc xã Cẩm Kim, cách thành phố Hội An, chừng 4 km. Kim Bồng là làng nghề mộc truyền thống nổi tiếng ở tỉnh Quảng Nam, đã có lịch sử hơn 600 năm hình thành và phát triển.
Làng nghề mộc Kim Bồng nằm ở hữu ngạn sông Thu Bồn, thuộc xã Cẩm Kim, cách thành phố Hội An, chừng 4 km. Ảnh: baoquangnam.vn |
Nghe âm thanh bài viết tại đây:
Làng mộc Kim Bồng tập trung làm nghề mộc từ thế kỷ XVI và trải qua nhiều giai đoạn phát triển mạnh mẽ theo nhịp giao thương tấp nập của đô thị cổ Hội An. Thời xưa, ngôi làng có 4 dòng họ là Nguyễn, Chương, Phan, Huỳnh đều làm nghề mộc. Đến thế kỷ XVIII, làng hình thành 3 nhóm nghề rõ rệt là: nghề mộc xây dựng, nghề mộc đóng thuyền và nghề mộc dân dụng. Ngoài ra, nghề nề đắp vẽ, chạm trổ linh vật cũng góp phần đưa tên tuổi của làng vang xa khắp mọi miền đất nước.
Ở khu phố cổ Hội An, rất nhiều kiến trúc, nhà cửa, chùa, hội quán... in dấu bàn tay tài hoa của thợ mộc làng Kim Bồng. Thợ Kim Bồng cũng tự hào được các chúa Nguyễn ở Đàng Trong, sau là triều đình nhà Nguyễn, mời xây dựng các công trình ở Kinh đô Huế. Sản phẩm mộc Kim Bồng không chỉ giới hạn trong phạm vi nước Việt mà đã vượt biển đến nhiều quốc gia trong khu vực. Tại làng Kim Bồng hiện nay vẫn còn nhiều gia đình lưu giữ nghề mộc truyền thống của ông cha. Nghệ nhân Huỳnh Ri, ở làng mộc Kim Bồng, cho biết: “Tôi làm nghề mộc từ năm 16 tuổi, đến nay tôi đã 85 tuổi. Ước nguyện lớn nhất của tôi là con cháu tiếp tục theo nghề, giữ nghề mộc truyền thống của cha ông. Tôi rất vui khi làng nghề mộc Kim Bồng, thành phố Hội An, không hề mai một mà ngày càng phát triển lớn mạnh hơn”.
Ngày hội làng nghề mộc Kim Bồng được tổ chức vào ngày 12 tháng Giêng hằng năm, thu hút rất đông du khách trong và ngoài nước đến tham quan, trải nghiệm. Từ sáng sớm, các nghệ nhân, thợ làm nghề và người dân sống tại làng mộc Kim Bồng, tập trung tại đình Tiền Hiền của làng để tổ chức Lễ cúng tổ nghề mộc. Tại đây, các nghệ nhân và thợ trình diễn nghề mộc, đan thúng, dệt chiếu, đóng sửa tàu thuyền, điêu khắc gốc tre…
Đặc biệt, dân làng thực hiện nghi thức Phạt Mộc, một trong những nghi lễ quan trọng khi xây dựng ngôi nhà gỗ cổ truyền tại thành phố Hội An. Phạt Mộc là nghi lễ trình báo với các vị thần linh, thổ địa, ông tổ nghề mộc trước khi khởi công xây dựng ngôi nhà gỗ cổ truyền. Tại Ngày hội làng nghề mộc Kim Bồng, người dân địa phương cùng du khách tham gia đua thuyền, hát bài chòi, tham quan trình diễn và trưng bày các sản phẩm của làng nghề, thưởng thức các món ăn truyền thống địa phương. Ông Nguyễn Văn Lanh, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hội An, cho biết: “Trình diễn nghề tại Ngày hội làng nghề mộc Kim Bồng khá phong phú. Ngày hội là bản sắc của cộng đồng cư dân địa phương, cũng là sản phẩm du lịch, cho nên khách nước ngoài đến tham quan rất đông. Họ trực tiếp tham gia vào tương tác với cộng đồng, tạo ra không gian du lịch hài hòa, biểu đạt được các giá trị văn hóa dân gian”.
Nghệ nhân làng mộc Kim Bồng. Ảnh: baoquangnam.vn |
Năm ngoái, thành phố Hội An chính thức trở thành thành viên Mạng lưới các thành phố sáng tạo của Tổ chức Khoa học, Giáo dục và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) trên lĩnh vực thủ công và nghệ thuật dân gian. Đây là cơ hội để các làng nghề truyền thống phát triển mạnh mẽ, trở thành điểm đến lý tưởng để du khách tham quan, trải nghiệm. Nghệ nhân Ưu tú Huỳnh Sướng cho biết: “Làng nghề truyền thống và bản thân các nghệ nhân rất vui mừng khi khách quốc tế ngày càng đông, giúp cho người dân địa phương bán được các sản phẩm thủ công mỹ nghệ, nâng cao thu nhập. Đây cũng là động lực, động viên các nghệ nhân, nâng cao ý thức gìn giữ làng nghề”.
Làng nghề mộc Kim Bồng là một trong những làng nghề mộc có tiếng ở Việt Nam. Cách đây 8 năm (năm 2016), nghề mộc làng Kim Bồng được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Trong Chương trình xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025, Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Nam đề xuất làng nghề mộc Kim Bồng là mô hình du lịch cộng đồng gắn với bảo tồn giá trị văn hóa bản địa và hệ sinh thái tự nhiên thí điểm tại tỉnh Quảng Nam.