Nhân dịp dự Tuần lễ Cấp cao Khóa 78 Đại hội đồng Liên hợp quốc và hoạt động song phương tại Hoa Kỳ, sáng qua (19/09 - giờ địa phương), Thủ tướng Phạm Minh Chính tới thăm và phát biểu chính sách tại Đại học Georgetown ở thủ đô Washington - nơi nhiều chính trị gia trên thế giới từng đến thăm và phát biểu chính sách.
Thủ tướng Phạm Minh Chính tới thăm và phát biểu chính sách tại Đại học Georgetown, thủ đô Washington, D.C. Ảnh: VOV |
Phát biểu tại thư viện của Đại học Georgetown, Thủ tướng tập trung trình bày 3 nội dung chính, gồm: Thế giới hiện nay thế nào? Mục tiêu, một số chính sách lớn của Việt Nam; Phải làm gì để hiện thực hoá quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Hoa Kỳ trong thời gian tới?
Làm rõ vấn đề thứ nhất, Thủ tướng cho rằng thế giới đang biến động phức tạp, nhiều vấn đề chưa có tiền lệ, khó đoán định, đặt ra bài toán chung cho sự an nguy và phát triển của nhân loại, cho vai trò của quản trị toàn cầu. Trong bối cảnh đó, Việt Nam lựa chọn con đường chủ động thích ứng, tranh thủ cơ hội, hoá giải thách thức, lấy hòa bình, ổn định, hợp tác phát triển làm mục tiêu, lấy Hiến chương Liên Hợp Quốc và luật pháp quốc tế làm nền tảng, lấy đối thoại và hợp tác làm công cụ.
Về nội dung lớn thứ hai, Thủ tướng cho biết mục tiêu của Việt Nam là lấy dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh vừa là mục tiêu tổng quát, vừa là động lực để phấn đấu. Mục tiêu chiến lược đến năm 2030 trở thành nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao.
Theo đó, Việt Nam đề ra một số định hướng lớn, đó là: đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước; xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng XHCN; xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN của dân, do dân, vì dân. Cùng với đó, xây dựng đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hoà bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, đa dạng hoá, đa phương hóa, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng; đảm bảo vững chắc quốc phòng, an ninh, bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ. Coi con người là trung tâm, chủ thể, động lực, nguồn lực quan trọng nhất và là mục tiêu của sự phát triển. Không hy sinh tiến bộ, công bằng xã hội, an sinh xã hội, không hy sinh bảo vệ môi trường để chạy theo tăng trưởng kinh tế đơn thuần. Cùng với đó, đẩy mạnh thực hiện 3 đột phá chiến lược về hoàn thiện thể chế, phát triển nguồn nhân lực và xây dựng hệ thống hạ tầng đồng bộ, hiện đại.
Vấn đề lớn thứ ba, Thủ tướng cho rằng hai bên cần cụ thể hoá việc nâng cấp quan hệ lên Đối tác chiến lược toàn diện vì hòa bình, hợp tác và phát triển bền vững thành những chiến lược, chương trình, kế hoạch hành động, dự án, hoạt động hợp tác kinh doanh. Thủ tướng nêu lên 7 nội dung chủ yếu, gồm: (1) ưu tiên dành nguồn lực để hiện thực hóa các cam kết trong Tuyên bố chung về việc nâng cấp quan hệ hai nước; (2) tăng cường hiểu biết lẫn nhau, củng cố tin cậy chính trị giữa lãnh đạo, chính giới và nhân dân hai nước; (3) coi hợp tác kinh tế - thương mại - đầu tư là "động cơ vĩnh cửu" thúc đẩy quan hệ song phương; (4) sớm hoàn thiện các khuôn khổ hợp tác mới; (5) hợp tác hiệu quả về quốc phòng, an ninh, thúc đẩy khắc phục hậu quả chiến tranh; (6) Việt Nam sẵn sàng đóng vai trò cầu nối trong thúc đẩy hợp tác nhiều mặt giữa Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), giữa các nước tiểu vùng Mekong với Hoa Kỳ; (7) tăng cường thông tin, truyền thông, thực hiện chính sách hoà hợp dân tộc, tăng cường hợp tác trong thúc đẩy và bảo vệ quyền con người.
Kết thúc bài phát biểu, Thủ tướng nêu rõ quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ trong thời gian tới cần hướng tới mục tiêu phát triển ngày càng sâu rộng, thực chất và hiệu quả, tương xứng với khuôn khổ mới; thúc đẩy quan hệ hai nước không làm tổn hại lợi ích của nước khác. Thủ tướng tin tưởng trong những thập kỷ tới và xa hơn nữa, với tinh thần quyết tâm, lòng tin và sự chân thành, quan hệ giữa hai nước sẽ tiếp tục được củng cố và vun đắp; các thế hệ tương lai của hai dân tộc sẽ luôn là những người bạn tốt và chân thành của nhau.
Bài phát biểu của Thủ tướng Phạm Minh Chính được Hiệu trưởng trường Đại học Georgetown Joel Hellman và các giáo sư, sinh viên nhiệt liệt hưởng ứng.